Khoảng trống trong chế độ thai sản của BHXH
(Sóng trẻ) - Những khoảng trống trong chế độ thai sản của bảo hiểm y tế hiện đang gây ra nhiều khó khăn cho người lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ trong khu vực phi chính thức.
Tuy đã có nhiều sự thay đổi nhằm khuyến khích tỉ lệ sinh tại Việt Nam, đặc biệt theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP, chế độ thai sản sẽ hưởng mức trợ cấp 3,6 triệu đồng cho một con. Dù vậy, chế độ này vẫn còn nhiều khoảng trống khiến người lao động nữ chần chờ.
Để giải đáp một số thắc mắc của độc giả về chế độ thai sản trong BHXH, đại diện trang tin điện tử Sóng Trẻ đã gặp gỡ TS. Trần Thị Thu Hiền, phó trưởng khoa Giới và Phát triển thuộc Học viện Phụ nữ.
Phóng viên: Hiện nay nhiều người vẫn còn chưa hiểu về khái niệm chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội. Tiến sĩ có thể giải thích rõ hơn về khái niệm này không?
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền: Bảo hiểm xã hội là sự kết hợp của hai từ. Thứ nhất là từ bảo hiểm, hai là từ xã hội. Bảo hiểm thì có nghĩa là sự bảo đảm, bù đắp một cái phần thu nhập của người lao động khi mà họ bị giảm hoặc là bị mất thu nhập, do đau ốm, bị tai nạn lao động, chế độ thai sản, bị mắc bệnh nghề nghiệp và không thể lao động tiếp, nghỉ hưu hết tuổi lao động, hoặc có thể đang trong độ tuổi lao động nhưng không may tử vong. Từ thứ hai là từ xã hội - chỉ một nhóm người mà nó nằm trong các mối quan hệ tương tác xã hội thường xuyên và những cái mối quan hệ xã hội này cho thấy bản thân người đó luôn luôn sống trong một cái cộng đồng, luôn luôn sống trong các cái mối quan hệ xã hội.
Tựu chung, bảo hiểm xã hội thực ra là một cái chính sách an sinh xã hội của nhà nước ta. Nó như một cái lưới an sinh, có giá trị trong việc đề phòng rủi ro. Khi tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động có thể chuẩn bị cho hành trình tương lai của bản thân, ví dụ như trong trường hợp không may qua đời thì mình có chế độ tử tuất, hoặc như khi người phụ nữ mang thai có chế độ thai sản để có thể an tâm nghỉ dưỡng và nhận được lương hỗ trợ trong quá trình này.
Phóng viên: Chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội đem lại những lợi ích gì cho những người lao động nữ?
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền: Trước hết, hiện nay chỉ có người đóng BHXH bắt buộc sẽ được hưởng chế độ thai sản. Chế độ này không chỉ chi trả chi phí khám thai mà sau khi sinh con người phụ nữ được nghỉ thai sản có lương được lấy từ BHXH mà họ đã đóng. Hoặc trong quá trình mang thai, sinh con có vấn không may mắn xảy ra thì họ cũng sẽ nhận được trợ cấp theo quy định của pháp luật, ví dụ như khi con mất, sinh non hoặc có những cái biến chứng sản khoa.
Phóng viên: Theo bà, đâu là điểm chưa hoàn thiện trong chế độ thai sản nằm trong BHXH hiện nay?
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền: Theo tôi, có một khoảng trống chính sách khá lớn về góc độ giới, góc độ phát triển trong BHXH nước ta hiện nay. Bởi BHXH có hai hình thức, hình thức thứ nhất là BHXH bắt buộc đối với những cán bộ công chức nhà nước mà đi làm theo bậc công chức, viên chức ấy, rồi người lao động trong các công ty xí nghiệp, trong các nhà máy, doanh nghiệp. Đối với loại BHXH này, người đóng sẽ được hưởng năm chế độ, bao gồm: ốm đau có thẻ BHYT, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí, chế độ thai sản và chế độ tử tuất. Loại hình thứ hai đó là BHXH tự nguyện, tuy nhiên loại hình này chỉ mới hỗ trợ hai mức bảo hiểm là lương hưu và nếu trong trường hợp qua đời có chế độ tử tuất, không có chế độ thai sản cho phụ nữ. Điều này gây nên những bất lợi rất lớn cho người phụ nữ, đặc biệt là những người lao động nữ trong khu vực phi chính thức bởi dù họ có đóng BHXH tự nguyện cũng không được hưởng chế độ thai sản.
Phóng viên: Hiện nay, chế độ thai sản trong BHXH vẫn có hạn chế về phạm vi bảo hiểm. Tiến sĩ đánh giá thế nào về tình trạng này?
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền: Theo tôi, việc BHXH vẫn có hạn chế về phạm vi bảo hiểm là có. Bởi hiện nay, BHXH không chi trả cho một số chi phí điều trị các biến chứng sản khoa, ví dụ như điều trị hiếm muộn vô sinh với các biện pháp như thụ tinh nhân tạo (IUI), thụ tinh ống nghiệm (IVF). Ngoài ra các chi phí thuốc đặc trị khi sản phụ bị biến chứng sản khoa cũng chưa nằm trong danh mục bảo hiểm, gây khó khăn cho nhiều phụ nữ mang thai.
Phóng viên: Nhiều phụ nữ mang thai có BHXH mang tâm lý e ngại khi sử dụng chế độ thai sản bởi họ cho rằng thủ tục còn nhiều rắc rối, khiến họ “con đã sinh nhưng hỗ trợ đâu chưa thấy”. Theo bà, đây có phải một hạn chế khác của chế độ thai sản hiện nay không?
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền: Trong thời gian gần đây, chế độ bảo hiểm cũng đã có nhiều thay đổi nhằm giảm bớt thủ tục để phụ nữ có thể an tâm sinh con với BHYT cũng như nhận trợ cấp nghỉ thai kỳ. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, tại một số địa phương, đặc biệt là những vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn - nơi điều kiện còn hạn chế, vẫn chưa thể hoàn toàn đơn giản hóa thủ tục. Đây là một vấn đề phức tạp và cần nhiều thời gian để tháo gỡ.
Phóng viên: Trong khoảng thời gian gần đây, luật pháp đã có những thay đổi gì trong bảo hiểm xã hội để tăng quyền lợi cho phụ nữ khi sinh con?
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền: Trong thời gian gần đây cũng đã có những cái kiến nghị nhất định lên Quốc Hội hoặc là có sự sửa đổi trong luật Lao động, luật Phòng chống bạo lực gia đình hay là có những cái ý kiến sửa đổi về luật bình đẳng giới. Hệ thống pháp luật thì phải đồng bộ và có những cái tương tác lẫn nhau, bởi BHXH chính là chính sách chi trả cái lưới an sinh - không chỉ liên quan đến chính sách lao động thuộc luật Lao động mà còn cả luật Bình đẳng giới cũng như các luật khác nữa, bởi người lao động sẽ thuộc nhiều phạm trù luật pháp khác nhau. Cá nhân tôi nghĩ để dẫn đến sự thay đổi rõ rệt trên luật phát, chúng ta cần sự thay đổi về mặt nhận thức thông qua việc truyền thông và các kiến nghị để lấp khoảng trống về mặt chính sách, khiến cho cả BHXH tự nguyện cũng có chế độ thai sản, qua đó tăng quyền lợi cho người lao động nữ ở khu vực phi chính thức.
Phóng viên: Cảm ơn Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền đã nhận lời tham gia buổi phỏng vấn!