Nhặt rác tại bến xe: Khi đồ bỏ đi là của kiếm qua ngày

(Sóng trẻ) - Bến xe Mỹ Đình từ lâu đã trở thành nơi kiếm sống của biết bao người. Vào những ngày giáp Tết, bến xe lại đông hơn bao giờ hết. Giữa chốn tấp nập người ngược người xuôi về quê thì có những người phụ nữ gạt nỗi niềm nhớ nhà về một phía. Những người nhặt rác ở bến xe Mỹ Đình là như thế.

Gạt nỗi nhớ về một bên

Vào những ngày cuối năm này, mọi người đều hối hả tìm xe về quê ăn Tết. Nhưng có những người phụ nữ vẫn miệt mài nhặt chai lọ. Hầu hết những người phụ nữ này là người nại tỉnh lên đây làm công việc này để mong kiếm thêm thu nhập. Đồ nghề của họ khá đơn giản chỉ là một chiếc túi bóng lớn. Cứ như thế, họ đi quanh bến xe xem có những chai lọ, lon bia, bìa giấy…mà khách vứt đi thì nhặt về bán phế liệu.

Cổng sau bến xe Mỹ Đình có một khoảng sân cao gần quán sửa xe máy. Đây cũng là nơi chất chứa phế liệu mà họ nhặt được hàng ngày ở trong bến ra. Sau mỗi lần nhặt đầy túi ni lông, những người phụ nữ này lại đem về đây phân loại và để riêng vào những  bao tải lớn khác nhau.

Chính những người phụ nữ này cũng không biết một ngày họ đi bao nhiêu lượt quanh bến xe. Chỉ biết rằng ngày nào họ cũng đi sớm về muộn. Chị Bùi Thị Hoa (55 tuổi, quê ở Thái Bình) cho biết: “Bốn rưỡi thì dậy, dậy rửa mặt đánh răng xong cứ thế là đi. Ra đến đây lắm hôm xe ở trên miền Trung về vứt nhiều thứ thì nhặt thì mới được bấy nhiêu không có thì chả được. Cứ tranh thủ đi, tối thì cứ về đến nhà là tầm bảy rưỡi, bảy giờ ở đây sắm sửa về. Về ăn cơm xong thì tắm rửa rồi đi nghỉ sáng mai lại đi tiếp, ngày nào cũng thế. Mưa cũng đi bão cũng đi, mặc quần áo mưa vào đi.”

0d1f0a2c0_1_1.jpg
Chị Hoa không nhớ làm công việc này từ bao giờ

Nếu như ngày thường những người nhặt rác dành một tiếng để nghỉ trưa thì vào những ngày giáp Tết như thế này, họ làm việc liên tục để mong thêm được đồng nào hay đồng đấy khi về Tết. Thu nhập từ nhặt phế liệu một ngày của họ khoảng 60 nghìn đến 70 nghìn đồng nhưng cũng có ngày chỉ kiếm được 20, 30 nghìn đồng. Thu nhập không nhiều trong khi chi phí tiền nhà, tiền ăn lại đắt đỏ. Vì thế một số người làm thêm công việc bốc vác. Mỗi lần bê đồ cho khách họ được trả 5 nghìn, 10 nghìn, cao nhất là 20 nghìn đồng. Nhưng theo quy định của bến xe thì cổng sau không dành cho người đi bộ cũng như nhân viên chuyển hàng. Vì thế họ thường xuyên bị bảo vệ ngăn cản khi bê đồ cho khách.

Mưu sinh xa quê

Những người phụ nữ nhặt rác ở đây, mỗi người một số phận, một hoàn cảnh khác nhau. Với dáng người cao gầy, khuôn mặt rám nắng và trong chiếc áo xanh công nhân đã sờn màu vì nắng mưa, chị Hoa không nhớ rõ đã làm công việc này từ khi nào. Đằng sau nụ cười của chị có lẽ ít ai biết rằng trên vai chị là cả gánh nặng gia đình. Chồng bị bệnh không làm gì được, mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình đều do chị “đứng mũi chịu sào”. Chị kể nhiều khi con cái động viện mẹ cố gắng thêm mấy năm đến khi các con ra trường thì đỡ vất vả. Nhưng khi chị trêu các con không biết có sống được đến lúc đấy không thì cô con gái út chỉ biết khóc.

Nhắc đến cái Tết sắp đến gần, giọng chị trầm hẳn xuống và đôi mắt rưng rưng: “Tết thì cũng có Tết mua được ba cân thịt, có Tết thì đúng được một cân thịt không nói giấu gì. Nghĩ thấy xấu hổ con người ta có bánh chưng nhà mình thì không có. Con đi chơi Tết thì người ta phát vốn cho, hai nhà anh trai mỗi nhà cho được hai chiếc. Nhà chú cho được hai chiếc là sáu chiếc. Thế thôi Tết nào nhiều lắm thì mua được ba cân, có tiền mới mua được chứ không có tiền thì lấy đâu ra.”

Bà Nguyễn Thị Lư, 78 tuổi từ Quảng Xương, Thanh Hóa lên đây tìm kế mưu sinh. Lẽ ra ở tuổi này nhất là vào những ngày giáp Tết, bà phải được sum họp cùng con cháu. Thế nhưng hàng ngày bà vẫn lang thang khắp bến xe để nhặt rác. Bà nói: “Ra đây mà không đi làm thì không có tiền tiêu. Đi làm đóng tiền ăn, tiền nhà rồi tiền dành dụm về nhà. Mỗi tháng gặp may thì được hai triệu còn không thì triệu rưỡi hoặc triệu tám. Triệu rưỡi thôi vì mình đem tiền đó đóng tiền ăn, tiền nhà đi rồi, còn mang về trả tiền khoán, tiền cày, tiền cấy, tiền gặt thỉnh thoảng lại để cho ông trăm, vài trăm ông ở nhà mua thức ăn.Có tuổi nhưng ở trong quê thì túng thiếu ra đây làm thì nhằng nhằng ngày cũng được năm chục kiếm cái ăn. Đi làm thì phải vất vả mới kiếm được cái ăn chứ”.

0d1f0a2c0_2.jpg

Bà Hoa và bà Lư là những con người điển hình nhất trong số những người làm nghề nhặt rác ở bến xe Mỹ Đình. Hiện nay, bến xe này đang trong quá trình thi công để mở rộng. Với người dân đó là điều đáng mừng vì sẽ không còn cảnh chèo kéo hay chặt chém khách nữa. Nhưng có lẽ sự mưu sinh của những người phụ nữ này sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Anh Trần Hùng Cường, tổ viên tổ bảo vệ trật tự tại bến cho biết: “Đợt tới này bến sẽ có những quy định ngặt nghèo hơn là có vé mới được vào bến không có vé là không vào bến. Thực tế ra người ta vào bến thì người ta đi xe chứ không phải kiếm ăn ở trong sân bến. Vì trong sân bến này có một tổ dịch vụ một tổ quét này người ta chỉ cần rơi một hai cái rác ra là một lúc có người đến quét vì người ta có một công ty chuyên quét rác ở bến này”.

Niềm tin trong nỗi vất vả

Dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, những người nhặt rác luôn tin điều tốt đẹp sẽ đến với người làm ăn lương thiện. Những ngày cuối năm, nhìn mọi người xách đồ về quê ăn Tết khiến họ không khỏi chạnh lòng và lo lắng về một cái Tết đang đến rất gần. Ai cũng muốn nghỉ sớm để về quê đoàn tụ gia đình nhưng nỗi lo cuộc sống vẫn còn trên vai. Có người 25, có người 28 Tết mời về. Họ chỉ có một mong muốn đơn giản cho năm mới. Chị Đông Thị Tiến chia sẻ: “Chả muốn gì, giờ chỉ muốn sức khỏe thôi bây giờ tôi đau dọc hết người. Đau lắm, cúi xuống khều vỏ chai mà gượng không cúi được. Bây giờ già rồi muốn ở nhà trông cửa trông cháu chứ chả muốn đi thế này vất vả lắm, đi này không nhàn đâu. Người ta bảo thứ nhất bỏ quê cha, thứ hai gánh vác, thứ ba săn rừng đi bộ suốt  ngày thế này mỏi mệt lắm rời rã chân tay ra”.

Chị Hoa thì chỉ có một mong muốn duy nhất: “Chỉ cần sức khỏe không cần khỏe lắm làm gì cứ bình thường như thế này là được rồi. Còn ốm thì không ốm cầu trời khấn Phật ơn nhờ bề trên cho lai dai như thế này vậy để đi làm, vào đây thì mong là các ông ấy đừng có đuổi”.

Có những thứ được gọi là rác thải, phế liệu, nhưng lại nuôi sống và thắp lên hi vọng cho biết bao nhiêu người. Cuộc sống còn nhiều những khó khăn, nhọc nhằn, nhưng khát vọng sống và ước mong cuộc đời sẽ đổi khác thì không bao giờ tắt ở những người bà, người chị làm nghề nhặt rác nơi bến xe ấy.

Quỳnh Trang
Phát thanh K31
(ảnh: Internet)

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN