Nhiếp ảnh gia Lê Dũng: “Tôi muốn tạo một sợi dây gắn kết thế hệ trẻ với những giá trị truyền thống”
(Sóng trẻ) - Với mong muốn lưu giữ những bức ảnh Hà Nội xưa và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống Hà Nội đến thế hệ trẻ, nhiếp ảnh gia Lê Dũng bắt tay vào công việc sáng tạo nội dung thông qua kênh Tiktok "Tò mò Hà Nội" và group “Ảnh Hà Nội xưa”.
Anh Lê Dũng (29 tuổi) là người chuyên lưu trữ và sưu tầm tư liệu ảnh xưa của Hà Nội qua các thời kỳ. Anh là thế hệ thứ 4 của một hiệu ảnh tại Hà Nội có từ những năm 1950. Chàng nhiếp ảnh gia trẻ tuổi thừa hưởng những tư liệu cũ về ảnh Hà Nội của gia đình. Từ đó, anh phát triển và chia sẻ rộng rãi đến mọi người qua mạng xã hội. Hiện tại, anh sở hữu kênh TikTok “Tò mò Hà Nội” và group “Ảnh Hà Nội xưa” với hàng chục nghìn người theo dõi. Đồng thời, anh Dũng cũng là người sáng lập quán Cafe “Phố Hàng” - một quán cafe có thiết kế cổ kính, tái hiện lại khung cảnh 36 phố phường Hà Nội xưa.
Phóng viên (PV): Lý do nào khiến anh thực hiện sưu tầm các hình ảnh về Hà Nội xưa?
Lê Dũng: Tôi nghĩ việc chia sẻ những tư liệu cũ về Hà Nội là một cách để kế thừa truyền thống gia đình. Gia đình tôi có truyền thống làm nghề ảnh từ cụ ngoại, ông ngoại, mẹ tôi và đến tôi là đời thứ tư. Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm trong việc duy trì và kế thừa sự nghiệp cha ông để lại. Nhờ vậy, tôi có cơ hội tiếp cận và gìn giữ một số tư liệu quý giá về Hà Nội xưa và mong muốn được chia sẻ chúng rộng rãi hơn với mọi người.

PV: Quá trình “thai nghén” nhóm Ảnh Hà Nội xưa được diễn ra thế nào, thưa anh?
Lê Dũng: Tôi và bác Dũng - một nhà giáo về hưu - đã cùng sáng lập nhóm “Ảnh Hà Nội xưa”. Tôi nhận thấy rằng những tư liệu quý này nếu được kết hợp với cách thể hiện phù hợp sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn tới người trẻ. Vì vậy, tôi xin phép bác Dũng phát triển nội dung của nhóm theo hướng “trẻ hóa” mà vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử. Từ đó, tôi muốn người trẻ khi xem có thể cảm thấy vui vẻ, thú vị, đồng thời vẫn tiếp nhận được tinh thần lịch sử Hà Nội.
PV: Anh đã sưu tầm những tư liệu ấy bằng cách thức nào?
Lê Dũng: Thời đại 4.0 giúp mọi người kết nối dễ dàng hơn và tôi đã tận dụng điều đó để phát triển nội dung. Khi chia sẻ một số tư liệu lên mạng, nhiều người xem xong đã gửi lại cho tôi những hình ảnh, kỷ niệm riêng của gia đình họ. Nhiều người chỉ muốn lưu giữ khoảnh khắc của gia đình, con phố nơi từng sinh sống,… Tôi thấy mọi người rất hào hứng, vui vẻ khi chia sẻ những tư liệu quý của họ lên nhóm. Từ đó, tôi nhận ra tại sao mình không phát triển cộng đồng này mạnh hơn để dù ở xa, mọi người vẫn có thể kết nối với nhau. Tôi đã quyết định định hướng phát triển nhóm “Ảnh Hà Nội xưa” theo mạch cảm xúc đó. Nhờ vậy, tôi đã góp phần kết nối hàng trăm buổi gặp mặt, giúp nhiều mối quan hệ xưa cũ được nối lại – như bạn bè, thầy trò – trong khi nhiều người trong số họ nay đã ngoài 70, 80 tuổi. Họ tìm lại được nhau qua những bức ảnh Hà Nội xưa, thông qua mạng xã hội. Tôi cho rằng đó là một sự kết hợp rất thú vị giữa hiện đại và truyền thống, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

PV: Anh có thể chia sẻ về bức ảnh ấn tượng nhất đối với anh trong quá trình lưu trữ và sưu tầm tư liệu về Hà Nội?
Lê Dũng: Đến bây giờ, bức ảnh để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng tôi là bức Bác chụp với đoàn Đại biểu Phụ nữ Hà Nội tại Phủ Chủ tịch năm 1958. Đó là bức ảnh do cô Hương cung cấp, cô có người mẹ chụp chung cùng Bác Hồ trong bức ảnh ấy. Trong thời gian Mỹ ném bom B52 năm 1972, nhà cô bị hư hỏng và không may đúng vào góc có hình mẹ cô. Tôi đã liên hệ được với một người con khác cũng có mẹ xuất hiện trong bức ảnh đó. Cô ấy đã cung cấp cho tôi bản gốc, và tôi mang đi scan, phục chế lại rồi gửi tặng lại cô Hương. Sau hơn 40 năm, họ mới có lại được một bức ảnh nguyên vẹn của mẹ mình chụp cùng Bác Hồ. Từng ấy năm trôi qua, họ vẫn không nỡ vứt đi bản ảnh cũ bởi đó là bức ảnh vô giá, không chỉ chụp cùng Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, mà còn là tư liệu hiếm hoi về người mẹ đang mang thai cô Hương thời điểm đó. Sau khi tôi in và gửi tặng lại bức ảnh, cậu của cô Hương đã gọi điện cảm ơn tôi. Tôi thật sự biết ơn những lời cảm ơn chân thành từ tận đáy lòng của họ. Năm ngoái, khi Bảo tàng Hà Nội tổ chức một chuyên đề về Bác Hồ, tôi cũng đã đưa cô Hương và câu chuyện cùng bức ảnh đó đến với không gian của bảo tàng. Đây cũng chính là bức ảnh may mắn đạt hơn một triệu lượt xem trên TikTok – một điều rất ấn tượng, khi những tư liệu xưa được đan xen và lan tỏa đến cộng đồng mạng.


PV: Giá trị anh muốn lan tỏa đến cộng đồng khi xây dựng kênh Tik Tok Tò Mò Hà Nội và group Ảnh Hà Nội xưa là gì?
Lê Dũng: Thật ra, tôi đã lập group Ảnh Hà Nội Xưa từ rất lâu rồi và phần lớn thành viên trong nhóm đều là người lớn tuổi. Tôi vẫn luôn trăn trở tại sao những câu chuyện hay như thế này lại chưa được lan tỏa rộng rãi tới nhiều bạn trẻ hơn. Bản thân tôi luôn mong muốn tạo ra một sợi dây gắn kết giữa thế hệ trẻ với những giá trị truyền thống. Vào thời điểm đó, tôi nhận thấy TikTok là nền tảng dễ tiếp cận khán giả, nên đã chọn TikTok làm nơi để thử nghiệm và chuyển hóa những bức ảnh đó thành nội dung trên nền tảng này. Cũng rất may mắn khi tôi có những video viral và được các bạn trẻ đón nhận rất nhiệt tình. Những câu chuyện về Hà Nội xưa như vậy thực sự được các bạn yêu thích. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì điều đó, bởi nó chứng minh rằng những nội dung tôi chia sẻ phù hợp với mọi lứa tuổi, từ những người lớn tuổi cho đến các bạn trẻ Gen Z.

PV: Nhiều người cho rằng việc sưu tầm những bức ảnh xưa nói chung và những bức ảnh về Hà Nội xưa nói riêng không có nhiều ý nghĩa xã hội, níu giữ những thứ lạc hậu và không hợp với thị hiếu hiện nay. Anh nghĩ thế nào về quan điểm này?
Lê Dũng: Khi nhìn những bức ảnh cũ ở độ tuổi 40, 50 hay 60, mọi người thường có cảm xúc đặc biệt. Đó là hình ảnh của tuổi thơ, gia đình và những ký ức đã qua. Họ sẽ tự hỏi nơi chốn ấy là đâu, tại sao ông bà hay bố mẹ từng nhắc đến. Những bức ảnh không chỉ ghi lại cảnh vật. Chúng còn chứa đựng câu chuyện của con người từng sống ở đó. Tôi cho rằng gọi những bức ảnh đó là lạc hậu là không đúng. Chúng có giá trị lịch sử sâu sắc. Hình ảnh là minh chứng sống động mà văn bản khó thể hiện được. Từ những tấm ảnh xưa, ta thấy được không gian sống, cách ăn mặc, lối sinh hoạt của các thế hệ trước. Những tư liệu này rất quý giá. Khi các bạn trẻ trân trọng những bức ảnh như vậy, tôi tin các bạn sẽ yêu đất nước hơn và thêm trân quý những giai đoạn thăng trầm của lịch sử.
PV: Theo anh, chúng ta cần làm gì để có thể giữ gìn, lan tỏa những hình ảnh cũng như những nét đẹp truyền thống của Hà Nội đến với người trẻ hiện nay?
Lê Dũng: Tôi cảm nhận được những tín hiệu đáng mừng khi ngày càng nhiều bạn trẻ làm nội dung về Hà Nội trên mạng. Điều đó sẽ dần lan toả tình yêu Hà Nội tới nhiều người hơn. Bản thân tôi từng may mắn được Đài Truyền hình Hà Nội thực hiện một bộ phim tài liệu mang tên “Vì một tình yêu Hà Nội” – một tiêu đề mà tôi rất yêu thích. Tôi tin rằng việc các bạn trẻ triển khai nội dung về Hà Nội xưa chính là cách lan tỏa văn hóa và những câu chuyện lịch sử của đất nước. Khi các bạn có thể sử dụng nhiều ngôn ngữ, nội dung ấy còn có thể vượt ra khỏi phạm vi trong nước. Những hình ảnh và câu chuyện văn hoá sẽ đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Tôi xem đó là một niềm vinh dự. Mỗi lần được ra nước ngoài và kể về Việt Nam – nơi tôi sinh ra và lớn lên – tôi luôn cảm thấy tự hào. Với tôi, đó là một thành tựu tuyệt vời mà người trẻ hôm nay đang làm được.
Cảm ơn nhiếp ảnh gia Lê Dũng đã tham gia buổi phỏng vấn!