Nhiều bạn trẻ mắc chứng rối loạn giấc ngủ mà không hay biết
(Sóng trẻ) – Rối loạn giấc ngủ là tình trạng thường xuyên bị thiếu ngủ cả về thời gian lẫn chất lượng giấc ngủ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đáng nói, nhiều người không hề hay biết mình đã mắc chứng rối loạn giấc ngủ từ đó gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng.
“Ngủ bù” do thức khuya
Trần Ngọc Bình (18 tuổi, sinh viên) có thói quen thức khuya để chơi game, xem phim, trò chuyện với bạn bè…Bình đã duy trì thói quen này từ khi mới lên đại học vì “lớn” rồi nên bố mẹ không kiểm soát thời gian sinh hoạt của con nữa. Do đó mà Bình thường xuyên trong tình trạng “ngủ ngày cày đêm”. Giấc ngủ của Bình thường kéo dài từ 1h đến khoảng 9-10h sáng.
Tuy giấc ngủ kéo dài 8-9 tiếng/ngày, nhưng Bình luôn trong trạng thái mệt mỏi, “thèm ngủ”… Chàng trai đang ở độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu” lại cho hay: “Ngày em ngủ rất nhiều, ngủ từ 8-9 tiếng, trưa ăn cơm xong lại ngủ nhưng lúc nào cũng trong trạng thái thiếu ngủ, mất tập trung. Em nghĩ là do em thức khuya, ngủ không đủ giấc nên luôn cố gắng ngủ nhiều để bù lại…”. Có khoảng thời gian Bình không ngủ trưa để tối có thể ngủ sớm nhưng Bình lại rất khó để vào giấc nên thường xuyên mất ngủ và trong trạng thái lờ đờ, thiếu tập trung.
Đáng nói, Bình không hề hay biết mình đã bị rối loạn giấc ngủ mà vẫn luôn nghĩ do thức khuya nên cơ thể mới mệt mỏi, thiếu sức sống như vậy. Bình cho biết tình trạng này đã kéo dài khoảng 3 tháng và hiện chưa được cải thiện.
Tương tự như Bình, PXT (18 tuổi, sinh viên) cũng mắc chứng rối loạn giấc ngủ mà không hề hay biết. T cho biết: “Từ khi lên đại học, em vừa học vừa làm thêm nên cũng hơi eo hẹp về thời gian nên thời gian ngủ cũng không có nhiều. Ngày thường thì không nói nhưng mà ngày nghỉ em cũng không thể ngủ sâu giấc được, chỉ ngủ được khoảng 3-4tiếng/ngày là không thể ngủ được nữa. Có những lần đi ngủ sớm thì lại bị tỉnh lúc nửa đêm, trằn trọc mãi không ngủ lại được”.
Vì thường xuyên ngủ không đủ giấc nên T luôn trong trạng thái, lờ đờ, uể oải, thiếu tập trung và đạt hiệu quả không cao trong công việc. Nhịp sinh học bất thường là vậy, tuy nhiên T không hề biết rằng mình đã mắc chứng rối loạn giấc ngủ. Từ đó thiếu những phương pháp để cải thiện giấc ngủ. Việc thiếu kiến thức về sức khoẻ giấc ngủ gián tiếp gây ra những ảnh hưởng nghiêm trong đến sức khoẻ, sự an toàn và chất lượng sống.
Là nguyên nhân gây lờ đờ, uể oải, khó tập trung
Rối loạn giấc ngủ là tình trạng thường xuyên bị thiếu ngủ cả về thời gian lẫn chất lượng giấc ngủ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sự an toàn và chất lượng cuộc sống của mỗi người. Và những dấu hiệu như “ngủ ngày cày đêm”, ngủ rất nhiều nhưng vẫn buồn ngủ, hoặc ngủ rất ít nhưng rất khó để ngủ…” là những dấu hiệu hay gặp của chứng rối loạn giấc ngủ.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký -Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết: “Chứng rối loạn chu kỳ giấc ngủ là khi ngủ quá khuya hoặc làm việc theo ca khiến nhịp sinh học thay đổi gây cảm giác choáng váng, mất phương hướng và buồn ngủ vào ban ngày. Hội chứng chân không yên là một rối loạn chuyển động khi ngủ, gây cảm giác khó chịu, bồn chồn, thôi thúc người bệnh phải di chuyển chân khi đang cố gắng chìm vào giấc ngủ, ngoài ra còn có thể gặp các rối loạn khác như ngưng thở khi ngủ hoặc giảm thông khí khi ngủ”.
Cũng theo bác sĩ Sơn, nguyên nhân gây nên chứng rối loạn giấc ngủ có thể là do căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi, stress quá mức do áp lực về học tập, công việc, cuộc sống khiến người bệnh khó vào giấc, ngủ không ngon và hay mộng mị về đêm; ốm sốt, dị ứng, gặp tác dụng phụ của thuốc tây, gặp các vấn đề về hô hấp, hoặc mắc một số rối loạn thần kinh như tăng động giảm chú ý, co giật, động kinh hoặc Người mắc bệnh tiểu đêm, tuần hoàn máu kém, thiếu máu não, suy nhược cơ thể, các bệnh lý gây đau mạn tính (viêm khớp, viêm ruột, đau cơ xơ hóa,…) khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ.
Ở mỗi người bệnh, rối loạn giấc ngủ sẽ có những biểu hiện khác nhau đôi chút, tuy nhiên nhìn chung đều có những triệu chứng sau: khó đi vào giấc ngủ, hay trằn trọc, mộng mị, mất ngủ, tỉnh giấc giữa đêm, luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản, kiệt sức, ngáp ngủ, ngủ gà gật vào ban ngày, thiếu tập trung chú ý trong mọi công việc, khả năng ghi nhớ kém, không thể giữ sự tỉnh táo khi phải ngồi yên, xem ti vi, đọc sách, làm việc, lờ đờ, phản ứng chậm chạp trong mọi hoàn cảnh khó kiểm soát cảm xúc, dễ nổi nóng, tức giận, cần sử dụng cà phê mỗi ngày để giữ sự tỉnh táo.
Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng tới sức khỏe giúp cải thiện trí nhớ, tăng cường hệ miễn dịch. Bởi vậy, tình trạng rối loạn giấc ngủ lâu dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cụ thể: giảm khả năng tập trung chú ý, dẫn đến giảm chất lượng công việc, cuộc sống, giảm khả năng ghi nhớ, tư duy và suy luận logic của não bộ, rối loạn cảm xúc, hay chán nản, vui buồn thất thường, dễ rơi vào lo âu, trầm cảm, suy giảm hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác như tiểu đường, các bệnh lý tim mạch…
Cần có sự can thiệp của y học
Để có thể khắc phục hiệu quả tình trạng rối loạn giấc ngủ, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra, phân loại rối loạn giấc ngủ và nguyên nhân bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ cân nhắc có chỉ định dùng thuốc cũng như các phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả. Một số loại rối loạn giấc ngủ chỉ cần tự điều trị tại nhà, tuy nhiên một số loại lại cần đến sự can thiệp của các loại thuốc như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa rối loạn giấc ngủ…
Có nhiều loại thuốc có thể giúp hỗ trợ tình trạng rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như chloral hydrate, benzodiazepine, zolpidem, amitriptylin… Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc mà cần phải có chỉ định của bác sĩ và sử dụng đúng theo liều lượng và tình trạng bệnh mà bác sĩ kê đơn.
Rối loạn giấc ngủ có thể thoáng qua rồi hết nhưng cũng có thể kéo dài gây ảnh hưởng chất lượng sống và cần thực hiện điều trị. Đó có thể là biện pháp tự nhiên không dùng thuốc và cũng có thể là các phương pháp điều trị cần dùng thuốc. Người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc có thể làm bệnh nặng hơn và lệ thuộc vào thuốc ngủ.
Chứng rối loạn giấc ngủ có thể được phòng ngừa bằng cách tuân theo một lịch trình sinh hoạt lành mạnh. Theo đó, để hạn chế rối loạn giấc ngủ bạn cần lưu ý: duy trì lịch ngủ và thức vào một khung giờ nhất định trong ngày, không sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ tối thiểu 1 giờ, duy trì cân nặng hợp lý, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, hạn chế ăn các món chiên xào nhiều chất béo, dầu mỡ khó tiêu trước ngủ, vận động thường xuyên, uống ít nước trước khi đi ngủ.
Ngoài ra, bác sĩ Sơn còn cho biết chế độ ăn uống hằng ngày cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Một số loại thực phẩm có thể khiến chứng rối loạn giấc ngủ của bạn trầm trọng hơn trong khi một số khác lại giúp cải thiện tình trạng này.
Việc tiêu thụ đủ chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với chất lượng giấc ngủ con người. Việc thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng như canxi, magie và các loại vitamin A, C, D, E và K đều làm tăng khả năng bị rối loạn giấc ngủ cho bạn.
Để phòng ngừa và điều trị rối loạn giấc ngủ, quan trọng là nên ăn đa dạng các loại rau củ và trái cây, hạn chế tiêu thụ quá nhiều thực phẩm không lành mạnh như đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, thức ăn nhiều đường như bánh kẹo, các loại rượu bia và đồ uống có cồn… Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế các loại thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao vì các loại thực phẩm này có thể làm tăng số lần thức giấc vào ban đêm và giảm thời gian ngủ sâu, khiến bạn bị rối loạn giấc ngủ.