Những cây Đa trong lòng Hà Nội phố
(Sóng Trẻ)- Sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa nếu như Thăng Long – Hà Nội nghìn năm tuổi thiếu vắng bóng dáng…cây đa cổ thụ. Đó là những “cụ” cây lặng lẽ tỏa bóng xuống thời gian, trở nên một trong những biểu trưng của đời sống văn hóa, tâm linh và giá trị lịch sử, thẩm mĩ đất Hà Thành.
Người Việt thường quan niệm “thần cây đa, ma cây gạo”, bởi lẽ đó, những cây đa thường được trồng ở bên cạnh rất nhiều di tích như biểu tượng của thần quyền và tâm linh. Giữa lòng Hà Nội giờ còn có những cây đa cổ thụ nổi tiếng, vừa vì tuổi đời của cây, vừa vì cây gắn liền với những mốc son lịch sử của Thủ đô Anh hùng.
“Cây đa Nhà bò” trước cửa Nhà hộ sinh B - Lò Đúc - Hai Bà Trưng – Hà Nội.
Lý giải cái tên "cây đa Nhà Bò", cô Hoàng Thị Kiều Nga (67t, bán nước dưới gốc đa, Lò Đúc, Hà Nội) kể: ‘từ nhỏ các cô đã được bố mẹ kể lại, vào những năm 1946 khi Hà Nội bị thực dân Pháp chiếm đóng, mảnh đất nhà hộ sinh B thuộc sở hữu của ông Tây đen người Ấn Độ lấy vợ Việt Nam tên là bà Tuất (mất ngày 23 tháng chạp âm lịch - ngày nay vẫn được thờ bên trong nhà hộ sinh). Khu vực đằng sau cây đa là nơi mở trang trại nuôi bò, vì thế cây đa mới có tên gọi là cây đa Nhà Bò”. Cây đa này cũng là nơi chứng kiến bao nhiều thế hệ người con Hà Nội cất tiếng khóc chào đời từ nhà hộ Sinh B này.
Cô Nga cho biết: "Xưa kia ở bên gốc cây đa Nhà Bò có một ngôi miếu cổ nhỏ. Trước cửa miếu có 4 con chó bằng đá rất đẹp, nhưng say khi chiến tranh và xây dựng lại nhà hộ sinh B mở cổng ra mặt đường Lò Đúc thì đã không còn nữa. Người dân nơi đây thường gọi là miếu cây đa Nhà Bò và nó rất linh thiêng. Những ngày mồng một, ngày rằm mọi người quanh vùng đến đây làm lễ. Trước cửa cây đa Nhà Bò là nhà hộ sinh, có nhiều cháu sinh ra không hoàn thiện cơ thể, ốm yếu rồi qua đời. Chính vì thế, người dân cho rằng ở đây có nhiều linh hồn đã mất, khi cầu cúng sẽ mang lại nhiều điều may mắn. Đó cũng một phần do tâm lý của người dân, người này thấy người kia đến thắp hương làm lễ thì cũng đến theo. Dần dần mọi người mới đến đông như vậy".
Không rõ chính xác cây đa Nhà Bò có từ bao giờ, nhưng đây là cây cổ thụ nằm trên phố Lò Đúc đã có từ trước khi trại nuôi bò của Ông Tây đen xây dựng. Cây cao khoảng tầm gần 30m, thân cây to chừng 10 người ôm mới hết. Hiện nay chưa có sử sách nào ghi lại đầy đủ về cây đa này, mà nó chỉ có trong ký ức của mọi người.
Cây đa trồng khuân viên toàn soạn báo Nhân Dân (số 71, Hàng Trống)
Cây đa trồng trong khuôn viên tòa soạn báo “Nhân Dân” (số 71, Hàng Trống) hay có tên gọi quen thuộc cây đa báo Nhân Dân, từng được mệnh danh là “cây đa số 1 Đông Dương”, chu vi thân khoảng 20 mét với 6 nhóm rễ phụ lớn, cây cao hơn 30 mét. Thời thuộc Pháp, tướng Morlière đã xây dinh thự nơi này. Gần gốc đa là tấm biển ghi nhớ trận chiến đấu oanh liệt đêm 24 rạng ngày 25-12-1946 của các chiến sĩ vệ quốc quân trong trận Hà Nội 1946.
Sau tiếp quản Hà Nội, năm 1954, Toà soạn báo Nhân dân được đặt tại 71 hàng Trống. Khi đó cây đa này chưa to như ngày nay và sau các trận bão, cành cây thường bị gãy, vì rễ phụ ra đến đâu là bị chặt luôn đến đó, không cho chúng tiếp đất. Để tạo thành các cột chống cho các cành ngang, ông Tổng biên tập của báo Nhân dân khi đó đã quyết định không cho bất kỳ ai được chặt rễ phụ và tạo điều kiện cho chúng tiếp đất, để chống đỡ sức nặng của các cành ngang khổng lồ và tạo dáng đẹp cho cây.
Sau nhiều thế hệ cán bộ nhân viên Toà soạn báo Nhân dân vẫn tiếp tục bảo vệ và chăm sóc cây đa quí này. Về tuổi tác, các nhà lâm học thuộc Viện Điều tra Qui hoạch rừng, cây đạt trên 300 tuổi, vì nó đã được trồng cạnh chùa Báo Thiên xây dựng cách đây hơn 300 năm. Ngôi chùa đã bị tàn phá nhưng vì dáng đẹp nên cây đã được giữ lại cho đến ngày nay.
Cây đa đền bà Kiệu (Số 59 Đinh Tiên Hoàng).
Cây đa đền Bà Kiệu (số 59, Đinh Tiên Hoàng) trông ra Hồ Gươm. Theo sử sách và bút tích trong đền có ghi nhận, cây đa này có từ thế kỷ 17, cùng thời gian xây dựng ngôi đền. Bà Nguyễn Thị Hồng (80t – Lò Sũ – Hà Nội) kể: “ Cây đa, cây gạo này tuổi cũng trên dưới 400 rồi. Các cụ xưa kể lại có một con quạ cắp mang hạt cây gạo về đây, cây đa thì có sau nhưng lớn dần ôm lấy gốc gạo. Gốc gạo già quá, sau trận bão năm 1955 nên bị gẫy mà chết, giờ chỉ thấy vết hõm rỗng trong thân cây đa. Những năm kháng chiến chống Pháp, Hà Nội nị ném bóm mấy lần những cây đa thì lại không hề bị ảnh hưởng. Sau này mưa bão cũng chỉ gãy vài cành nhỏ, tuy cây nhỏ nhưng nó sống khỏe lắm. Dân quanh đây quen gọi là “Cây Đa Lò Sũ” hay Cây đa đền bà Kiệu”.
Vị trí cây Đa đứng giống như một nhân chứng sống đã chứng kiến bao dấu mốc lịch sử của Thủ đô, cũng là nơi đặt Tượng đài “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” để vừa là nơi tưởng nhớ vừa là nơi khắc ghi dấu ấn về thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Những cây đa ấy sẽ còn sống mãi trong kí ức của bao người, như một phần kí ức đẹp về Hà Nội – xứng danh với tên gọi “Thủ đô Ngàn năm Văn hiến” của Việt Nam.
Hà Cường
Báo chí ĐPT K34 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận