Ngôn ngữ thời @ đang ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt
(Sóng trẻ) - Một bộ phận giới trẻ đang sử dụng từ lóng, ngôn ngữ thời @ như một phần không thể thiếu trong giao tiếp hàng ngày. Tuy nhiên, quá lạm dụng ngôn ngữ này cũng dẫn đến tình trạng đáng báo động.
Tình trạng báo động
Kiểu ngôn ngữ Việt không ra Việt, Tây không ra Tây trở thành một hiện tượng đáng báo động trong giới trẻ hiện nay. Trên các diễn đàn, trang mạng xã hội không khó để bắt gặp các từ ngữ “xì-tin”, thậm chí tin nhắn, các câu nói đùa hàng ngày của giới trẻ ngày càng lạ lẫm nếu người lớn không học cách tìm hiểu ý nghĩa của chúng.
Việc lạm dụng quá nhiều tiếng lóng đang làm cho ngôn ngữ “chính thống” bị méo mó. Gần đây, một đề thi học kỳ môn Ngữ Văn lớp 9 khiến cộng đồng mạng xôn xao khi có đề cập đến vấn đề sử dụng "ngôn ngữ chat" của giới trẻ hiện nay.
Đề thi
Cộng đồng mạng đang truyền tay nhau một bức hình chụp lại đề thi học kỳ môn Ngữ văn lớp 9 được cho là của một trường trung học phổ thông ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Điều đặc biệt ở đề thi này là bởi câu hỏi thứ 2 đề cập đến việc giới trẻ hiện nay đang lạm dụng quá nhiều "ngôn ngữ chat", "ngôn ngữ teen" làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
Không dừng lại ở những phiên bản ngôn ngữ tiếng Việt quái đản kiểu trên, tại một số trang blog cá nhân không ít các bạn trẻ tuổi teen còn giới thiệu cho những ai không đọc được ngôn ngữ thời @ này thì dùng phần mềm V2V ( tạm xem là công cụ “dịch” tự động Việt sang Việt, và còn “dịch” được cả “ngôn ngữ siêu Việt”) sẽ làm cho người đó biết chính xác ngôn ngữ của tuổi teen đang sử dụng muốn nói gì.
Cần sự định hướng
Trước thứ ngôn ngữ không giống ai đang trở nên thông dụng hơn bao giờ hết trong giới trẻ, nhiều người lớn đang tự đặt câu hỏi cho mình: Không biết có phải mình không bắt kịp thời đại? Thực tế cho thấy, đa số lớp trẻ thời @ thích tạo cho mình một phong cách riêng không giống ai từ cách ăn, mặc, đi đứng cho đến cách sử dụng ngôn từ trong giao tiếp hàng ngày để tự khẳng định mình là người của thời đại mới.
Chính vì tâm lý không muốn thua bạn kém bạn bè, bắt chước lẫn nhau từ đó xuất hiện những từ ngữ teen và trở thành “mốt”. Việc lạm dụng ngôn ngữ “chat” của lớp trẻ thời @ khiến mất dần vốn tiếng Việt, đánh mất dần sự trong sáng của tiếng Việt, mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có sự phối hợp giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội để định hướng người trẻ có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và phát triển nó một cách lành mạnh, qua đó nâng cao lòng tự tôn dân tộc!
Thùy Linh
Báo mạng K.31
Học viện Báo chí và Tuyên tuyền.
Cùng chuyên mục
Bình luận