Nữ cán bộ: “Tôi bị chúng buộc đứng sám hối, sinh hoạt ở trại cải huấn cả tháng trời”

(Sóng trẻ) - Bà Trần Thị Điểm, 92 tuổi, là một nữ chiến sĩ cách mạng kiên cường, đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bất chấp những cực hình tàn bạo của kẻ thù.

Vào một buổi sáng mùa thu se lạnh, tôi may mắn được gặp bà Trần Thị Điểm trong căn nhà ở 216 Thụy Khuê (Hà Nội) - nơi bà sống cùng chồng của mình là ông Đinh Văn Niệm, nguyên thư ký chủ tịch hội đồng nhà nước, Cố vấn BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam. Trò chuyện với tôi về những năm tháng tham gia kháng chiến, bà nghẹn ngào chia sẻ: “Thú thật với đồng chí, chúng tôi ít kể với ai ngoài anh em đồng nghiệp vì chỉ có họ hiểu được những gì đã trải qua”. 

Giữ gìn kí ức: Những câu chuyện “khó nói” ở Tam Kỳ 

Trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng, ông bà kể với tôi về những kỉ niệm mà ông bà không thể nào quên được. 

z5980369191020_7f03066a824ca5a84010cbf48a06c26d.jpg
Ảnh bà Trần Thị Điểm chụp năm 1958 tại Tam Kỳ, Quảng Nam. (Ảnh: Thanh Ngọc) 

Năm 1952, bà tham gia Đoàn Thanh niên học sinh xung phong đi tuyên truyền thu thuế nông nghiệp, vận động thanh niên tòng quân giết giặc và dạy bình dân học vụ, bổ túc văn hóa cho nhân dân. Cùng năm đó, dù đã đi học cảm tình chuẩn bị kết nạp Đảng, bà tiếc nuối vì đã bỏ lỡ mất cơ hội vào Đảng do tỉnh Quảng Nam lúc đó đóng cửa để củng cố Đảng tăng cường sức chiến đấu. 

Sau khi hiệp định Giơ Ne Vơ kí kết năm 1954, chồng bà Điểm cũng bị bọn chúng bắt giam tại nhà lao quận Tam Kỳ. Kể tới đây, bà Điểm không khỏi xót xa vì khi ấy, ông bà mới kết hôn được 4 tháng. Tới đầu năm 1955, ông Niệm bị điều đi hoạt động ở miền Bắc để chuẩn bị lực lượng cho miền Nam sau này, còn bà Điểm, mới mang thai được 3 tháng, phải ở lại quê nhà.

Khoảng thời gian sống xa chồng, bà Điểm được Cán bộ huyện bổ nhiệm tham gia hoạt động cơ sở bí mật ở 3 xã Tam Kỳ, Tam An và Tam Thái. Bà hoạt động với vai trò liên lạc bí mật cho cơ sở Đảng, nhưng lúc đó bà chưa vào Đảng nên gọi là hoạt động đơn tuyến. Bà đưa tài liệu bí mật, thư từ liên hệ với các gia đình tập kết đồng thời, giáo dục người dân đấu tranh, tuyên truyền tham gia hoạt động Cách mạng. 

Bà không khỏi bồi hồi khi nhớ lại, trong khoảng thời gian 1955 tới 1959, bà bị bắt giam và tra tấn dã man tới 2 lần. Lần thứ nhất, chính quyền Pháp bắt tất cả gia đình có người tập kết, những người nghi ngờ nhận nhiệm vụ của Đảng, gia đình có truyền thống cách mạng để ép khai thông tin mật. Lần thứ 2, chúng bắt bà viết tường trình về việc chống chính quyền và khai báo cơ sở bí mật, rồi giam bà vào nhà lao quận Tam Kỳ một thời gian.

Bà Điểm nghẹn ngào: “Một buổi tối đầu tháng 7/1959, tôi vừa ở huyện Cẩm Khê về nhà mẹ chồng thì mấy tên ngụy quyền Tam Kỳ ập đến bắt giải tôi lên quận tra hỏi, dọa nạt, bắt khai cơ sở cách mạng. Không khai thác được gì, chúng thả tôi ra. 

Tôi thở phào nhẹ nhõm tưởng rằng bà đã thoát khỏi quân địch nhưng không. Bà Điểm ấm ức kể tiếp: “Hai hôm sau, tôi đang ở Tam Kỳ thì nửa đêm, 5 tên an ninh đến bắt tôi đưa lên nhà giam quận. Chẳng nói chẳng rằng, chúng trói quặt hai tay tôi ra sau lưng, bắt đứng lên bàn, lấy dây chão buộc vào hai tay, rút lên xà nhà. Tôi bị treo lơ lửng giữa nhà, hai khớp vai bị thân người kéo xuống đau nhói. Uất ức và căm phẫn tột độ, tôi dồn sức nhoài người, dùng hai chân quắp vào cổ một tên. Nó tức tối, gỡ chân tôi ra và lấy thanh gỗ đánh tôi tới tấp.

Bà Điểm tới giờ kể lại vẫn không khỏi rùng mình: “Toàn thân tôi nhiều chỗ thâm tím, rỉ máu, đau đớn. Sáng ra, bọn an ninh lôi tôi lên xe, đưa nhốt vào xà lim, chỉ có một lỗ thông hơi nhỏ bằng bàn tay. Suốt 20 ngày, mỗi ngày chúng chỉ cho tôi ăn hai vắt cơm với muối và ca nước lã để uống...”.

Sau 3 tháng bị giam cầm, tra tấn nhiều lần, bà Điểm một mực kêu oan, ngụy quyền Tam Kỳ phải thả bà về và bắt mỗi ngày lên trụ sở xã trình diện một lần. Chúng còn buộc bà tập trung học cải huấn, đứng sám hối. Có thời gian chúng bắt bà đem gạo, đem giường đến ăn ngủ ở trại cải huấn cả tháng trời. Dù có gian khổ, mệt mỏi nhưng bà vẫn làm theo nếu không chúng còn tìm cách làm khó bà hơn nữa. 

Hồi ức tại Sài Gòn, Rạch Giá

Hai lần bị bắt, lần thứ nhất bà Điềm được thả ra, các anh Cán bộ vẫn giao cho bà tiếp tục hoạt động bí mật. Nhưng tới lần thứ 2, thời điểm đó Ngô Đình Diệm quay trở lại với khẩu hiệu “Thà giết nhầm, còn hơn bỏ sót”, tổ chức Đảng thấy bà Điềm được thả. Đứng trước tình hình này, để tránh cho bà rơi vào tay địch và bị sát hại, cấp trên quyết định để bà cùng với con trai của mình chuyển công tác vào Sài Gòn hoạt động. 

Năm 1960, Bà di chuyển tới Sài Gòn bằng xe lửa với hình thức công khai, lấy lý do vào đó học Đạo. Tới Sài Gòn, bà được giới thiệu đến ở nhờ một gia đình thợ dệt để vừa học nghề, làm việc kiếm sống, vừa tiếp xúc với công nhân và nhân dân, bí mật tuyên truyền về đường lối tiến hành vũ trang cách mạng giải phóng miền Nam.

Chưa hết, Bà còn động viên mọi người tham gia đấu tranh chính trị, chống lại sự đàn áp, tù đày của ngụy quyền Sài Gòn và phổ biến bài hát “Giải phóng miền Nam” tới công nhân. Trong hai năm ở Sài Gòn, bà Điểm chịu khó học nghề dệt vải. Tay nghề của bà dần khá lên, thu nhập ngày càng cao, tự túc được lương thực, thực phẩm, quần áo của hai mẹ con và hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức giao. 

Bà vui vẻ kể thêm với đôi mắt tràn đầy ý cười: “Ngày đó, vì muốn tránh bị nghi ngờ, tôi còn tìm cách xin vào nhà thờ học kinh mỗi tuần. Cứ chủ nhật là tôi lại vừa học thuộc Kinh Thánh vừa lắng nghe cha xứ giảng giải. Lúc đầu còn bỡ ngỡ, nhưng dần tôi cũng thuộc lòng các lời kinh, thậm chí nhớ rõ từng lời cầu nguyện. Ngày đó, những buổi đọc kinh không chỉ giúp tôi đạt được mục đích, mà còn là khoảng thời gian để tôi học được nhiều điều, giúp tôi hạn chế bị để mắt tới”.

Năm 1962, quân Ngô Đình Diệm truy lùng toàn bộ người mới nhập cư vì người Quảng Nam nhiều người làm Cách mạng. Tổ chức đường dây bí mật của Đảng lúc bấy giờ liền điều động đưa bà Điểm và con trai chuyển công tác tới Rạch Giá (Kiên Giang). 

“Nếu em không đi chỗ khác thì sẽ bị lộ vì nó đang lùng tìm người Quảng Nam, hồi đó anh Hai Xương - công tác từ Quảng Nam, Rạch Giá đến Cần Thơ báo tôi biết, em tìm cách đi đi đừng ở đây nữa”, Bà Điểm kể lại. 

Tỉnh Rạch Giá có một số vùng được giải phóng sau năm 1960, nhưng đời sống nhân dân còn nghèo, trẻ em và nhiều người lớn chưa biết chữ hoặc biết sơ sơ, hiểu biết ít về đường lối Cách mạng. Biết bà Điểm đã học hết lớp 7 phổ thông tại Tam Kỳ, tổ chức tỉnh Rạch Giá phân công bà về Ban Tuyên huấn huyện An Biên, làm trưởng ngành giáo dục. 

Bà Điểm cùng đồng nghiệp tổ chức lớp và tham gia giảng dạy văn hóa cho thiếu niên, dạy bình dân học vụ, bổ túc văn hóa, bồi dưỡng trình độ chính trị cho thanh niên, nhân dân và cán bộ địa phương tỉnh Rạch Giá. 

“Người dân ở đây họ khó khăn lắm. Trẻ em, người lớn và cán bộ - họ đều chưa biết chữ và trình độ học hạn chế. Vì thế, công cuộc giáo dục, tuyên truyền công tác kháng chiến gặp khá nhiều chông gai”, Bà Điềm nhẹ nhàng nói. 

Muốn huy động lực lượng thì phải tổ chức giáo dục được người dân, cán bộ tại Rạch Giá vừa nâng cao trình độ văn hóa, đồng thời tuyên truyền vận động tham gia công tác kháng chiến, công tác Cách Mạng. 

Bà Điểm cùng đồng nghiệp vận động nhân dân địa phương ủng hộ đất đai, nguyên vật liệu xây dựng trường, làm hầm trú ẩn và cho con em đi học. “Trong điều kiện thiếu tài liệu giảng dạy, tôi đã chủ động tham khảo sách giáo khoa cũ để biên soạn giáo án. Nhiều ngày, máy bay Mỹ quần thảo, bắn phá gần trường, tôi vẫn bình tĩnh đứng lớp. Có ngày, để bảo đảm an toàn cho học sinh, tôi dạy vào ban đêm.

Bà sống nhờ dân và vì dân, nguồn động lực để bà tiếp tục công tác, cống hiến sức mình chứ không nhận 1 đồng lương bổng, tự lao động để nuôi sống bản thân và con trai.  

Bà cho hay, ở thời điểm đó bà còn vừa dạy phổ thông vừa dạy bình dân học vụ, bổ túc văn hóa cho một số người dân và cán bộ cơ sở. Bà còn theo học các lớp tập huấn nghiệp vụ của tỉnh, của Khu 9, tìm sách giáo khoa cấp 3 để tự học. 

Đến năm 1968, Bà Điểm đã có trình độ tương đương lớp 10. Bà kể thêm: “Ngoài ra, tôi còn tham gia các lớp tập huấn chính trị của huyện, tỉnh và thường xuyên nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải phóng để nắm đường lối, chủ trương của Đảng, của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, truyền đạt tới nhân dân địa phương”.

Bên cạnh đó, bà còn xin đất trồng lúa, học cách giăng câu để kiếm tôm cá, tự túc một phần lương thực, thực phẩm hằng ngày. Bà cho biết: “Đôi khi, có những chuyện ít người nào làm được mà tôi lại có thể. Ví dụ, nhà người dân nào có phụ nữ đẻ, tôi cũng sẵn sàng đỡ đẻ giúp. Lúc họ sinh xong, chưa có giặt giũ được quần áo, đồ đạc tôi sẵn sàng hỗ trợ”. 

z5987175989822_a2a30aff805835055760be0b7d6df131.jpg
Ảnh Bà Điểm chụp ở Vĩnh Thuận, Rạch Giá năm 1967 (Ảnh: Thanh Ngọc) 

Suốt 12 năm công tác ở Rạch Giá, bà Điểm đã cùng đồng nghiệp dạy văn hóa cho hàng nghìn học sinh, nhân dân, cán bộ địa phương, giúp mọi người có kiến thức nhiều mặt, vận dụng vào cuộc sống và tham gia công tác xã hội, tòng quân giết giặc. Nhiều người đã trở thành cán bộ nòng cốt ở thôn, xã.

“Hồi đó, mỗi lần đi qua nhà ai là họ lại mời vào ăn cơm, không thì họ cho lon gạo, miếng sắn. Gia đình nào quý hơn thì họ may cho cái áo, cái quần. Dân họ thương, nhiệt tình với Cán bộ chúng tôi lắm”. Bà Điểm xúc động kể lại. 

“Tôi luôn dặn lòng mình, dặn lòng phải gặp lại chồng”

Sau ngày Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), việc thông tin, đi lại giữa hai miền Nam-Bắc thuận lợi hơn trước. Bà Điểm được Tỉnh ủy Rạch Giá bố trí ra Bắc. Bà có mặt ở Hà Nội ngày 20/1/1974. Gặp lại người chồng thân yêu sau 19 năm xa cách và cậu con trai được Khu 9 đưa ra Bắc học tập mấy năm trước đó. 

“Tôi chỉ muốn nói với chồng: “Anh ơi, em đã thực hiện được lời hứa với anh, ở lại miền Nam tiếp tục hoạt động cách mạng, nuôi con và chung thủy đợi anh”, nhưng tôi không nói nên lời...”, bà Điểm xúc động nhớ lại khoảnh khắc đoàn tụ. 

z5987175994437_429b222f0a1535572dad6bde1b7828bb.jpg
Ảnh bà Điểm chụp cùng chồng năm 1974. (Ảnh: Thanh Ngọc) 

19 năm xa chồng, một con số không hề nhỏ. Tôi khâm phục sự thủy chung và kiên cường của người phụ nữ Việt Nam này. Trong suốt thời gian dài chờ đợi gặp lại chồng, bà chưa ngày nào ngừng hi vọng: “Tôi luôn dặn lòng mình, dặn lòng phải gặp lại chồng, không nghe những lời thính dỗ, không sợ gian khổ, không sợ hiểm nguy hay đau ốm bệnh tật”. 

Ông Niệm trìu mến nhìn bà Điểm: “Bà ấy chung thủy lắm. Hồi đó, tôi có viết thư nhờ Trung ương gửi vợ, nhưng phải 2 năm sau bà mới nhận được thư của tôi. Bà ấy đi vào trong hoạt động Cách mạng nhưng lại đành nói dối đi tìm chồng để tránh bị sinh nghi. Chứ quả thực, bà ấy biết tôi ở đâu”. 

Sau ngày sum họp với chồng con, bà Điểm được tổ chức bố trí đi chữa bệnh, an dưỡng. Rồi bà được điều về làm việc tại Văn phòng Chính phủ và chuyển sang Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương... 

anh-chup-man-hinh-2024-11-13-102952.png
Tủ trưng bày Huân chương của bà Điểm. (Ảnh: Thanh Ngọc) 

Với thành tích hoạt động cách mạng, bà Điểm đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng…

z5980369184142_147fa49790f70eb5d053e9862d371e7d.jpg
Hồi ký của bà còn sót lại. (Ảnh: Thanh Ngọc) 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN