Oằn mình kiếp sống "bốc vác gánh gồng"
(Sóng trẻ) - Chợ Long Biên - một góc Hà thành không bao giờ ngủ, bởi lẽ khi cả thành phố lên đèn cũng là lúc con người nơi đây lại bắt đầu với công việc mưu sinh của mình.
Cuộc sống “lấy ngày làm đêm”
Những người lao động ở đây, hầu hết là dân từ các Tỉnh, xa quê để làm ăn sinh sống. Gần1 giờ sáng, chúng tôi tìm đến chợ đầu mối Long Biên, cuộc sống diễn ra như đã thành quy luật. Khi những chiếc xe tải chở hàng hóa xuất hiện, những người cửu vạn lại vây quanh nhận chở hàng thuê.
Người cửu vạn đứng chờ đến lượt mình chở hàng
Cứ 10 giờ đêm, chợ Long Biên lại bắt đầu nhộn nhịp. Những người mua buôn lại tập trung đến để lấy hàng cho kịp giờ chợ sáng. Những chiếc xe tải nối đuôi nhau vào trong chợ, cũng là lúc người cửu vạn “nối đuôi nhau” vây quanh nhận chở hàng. Chị Lê Thị Huyền (37 tuổi, quê Thái Bình ) trong lúc chờ đến lượt mình kể với chúng tôi: “Hai vợ chồng lên Hà Nội làm cũng được gần 6 năm, con cái để ông bà nuôi. Biết sao được, cuộc sống khó khăn buộc mình phải tha hương, chứ ai muốn xa gia đình, con cái. Cũng cực lắm em ạ, nhìn nặng thế này thôi,chứ cũng chỉ được vài ba chục.”
Chị Huyền với chiếc xe kéo nặng trĩu, nhọc nhằn
Không chỉ riêng chị Huyền, ở cái chợ này còn rất nhiều người từ các tỉnh lẻ như Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang…đến đây làm ăn sinh sống. Họ chấp nhận việc bán sức lao động của mình dẫu biết chẳng được là bao. Công việc của họ cứ thế, nhọc nhằn từ 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng hôm sau.
Người phụ nữ tần tảo với gánh hàng đêm
Nỗi lòng người cửu vạn
Những người lao động tại đây đều có điểm chung là vì cuộc sống nghèo khổ, tới bước đường cùng họ phải đi làm cửu vạn. Nhìn những dáng vẻ nhọc nhằn lam lũ dường như đang bị vắt kiệt sức lực mới thấu hết nỗi lòng đang âm thầm hi sinh vì mong muốn trong tương lai, con cái họ sẽ không phải “nối nghiệp” .
Dáng vẻ mệt mỏi trong suốt cả đêm kéo xe
Dù là giữa đêm đông giá rét, vậy mà tôi vẫn nhìn thấy những giọt mồ hôi đang lăn dài trên má những người lao động khắc khổ. Khó khăn, cơ cực của nghề nghiệp khiến họ trông già hơn so với tuổi.
Gặp và nói chuyện với chú Hòa (45 tuổi, quê Bình Dương), người đã làm nghề bốc vác thuê ở đây gần chục năm, chú kể: “Ở đây ai mà chẳng giống nhau, khó khăn thì mới đến đây làm, ấy thế mà cả đêm cũng chỉ được 200.000 đồng. Hồi mới lên Hà Nội, chú cũng đi làm phu hồ, chán rồi lại đến đây bốc vác. Cái nghề cửu vạn thì vất vả rồi, lúc người ta ngủ thì mình đi làm.”
Trong lời tâm sự của chú, dường như chất chứa cả sự bất lực, phó mặc trước cuộc đời. Cuộc sống của họ quá lam lũ và khổ sở, họ không biết làm gì hơn là đêm đêm chăm chỉ với cái nghề vắt kiệt sức lao động này.
Chú Hòa (bên phải) trong lúc nghỉ giải lao
Làm việc quần quần suốt đêm, những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi cũng chập chờn, đứt quãng.
Giấc ngủ hiếm hoi của người cửu vạn
Càng về khuya, không khí càng lạnh dần. Những dáng người nhỏ bé vẫn đang ròng rã làm việc. Nghe đâu đây vẫn văng vẳng câu nói của chú Hòa: “ Cháu đang phải mặc hai áo khoác, vậy mà họ đang toát hết mồ hôi đấy”.
Đỗ Thị Thúy Nga
Báo mạng điện tử K34
Cùng chuyên mục
Bình luận