Phụ nữ Việt Nam từ “hậu phương” đến người lãnh đạo
(Sóng trẻ) - Vượt lên những định kiến, rào cản tồn tại hàng trăm năm, người phụ nữ Việt Nam hiện nay ngày càng khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của mình, góp phần đẩy lùi sự bất bình đẳng giới tại nước ta.
Những định kiến vô hình vẫn chưa thể biến mất
Hiện nay, vấn đề định kiến giới vẫn còn đang diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là tại các vùng nông thôn và miền núi xa xôi. Theo báo cáo Tình hình dân số, lao động và việc làm quý IV và cả năm 2023 của Tổng cục Thống kê, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao:112 bé trai trên 100 bé gái. Nhiều người Việt quan niệm chỉ con trai mới gánh vác trọng trách thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường, dẫn tới tỷ lệ sinh trai nhiều hơn gái
Lý giải lý do mất cân bằng giới tính khi sinh, TS. Trương Thúy Hằng - Giảng viên bộ môn Giới và Phát triển xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết nguồn gốc sâu xa xuất phát từ chế độ gia trưởng, trọng nam khinh nữ. Điều đó được củng cố thông qua quá trình xã hội hoá giới từ gia đình, nhà trường, truyền thông, cộng đồng.
Định kiến giới dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực cho cuộc sống của mỗi người, của cộng đồng và sự phát triển của đất nước. Để trở thành một nhà lãnh đạo, phụ nữ thời nay vẫn phải đối mặt với rất nhiều rào cản như: thể chế, chính sách, quan niệm, văn hóa, giáo dục và truyền thông.
TS. Trương Thúy Hằng chỉ ra một số rào cản cụ thể khiến phụ nữ khó vươn lên vị trí lãnh đạo. Thứ nhất, về chính sách, dù đã có những bước tiến nhưng quy định về độ tuổi nghỉ hưu vẫn chưa thực sự cân bằng giữa nam và nữ. Một số chính sách đào tạo cũng gây bất lợi, hạn chế khả năng thăng tiến và phát triển năng lực của nữ giới.
Thứ hai, về nhận thức xã hội, một bộ phận người dân vẫn chưa có cái nhìn đúng đắn về vai trò và vị thế của phụ nữ. Điều này khiến một số phụ nữ tự ti, an phận, không dám vươn lên.
Thứ ba, rào cản từ văn hóa truyền thống cũng có tác động đáng kể. TS. Hằng phân tích: “Việc tiếp tục duy trì, cổ vũ cho những quan niệm như 'Công - Dung - Ngôn - Hạnh', 'Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm'... vô hình chung trói buộc phụ nữ vào vai trò chăm sóc gia đình, hạn chế cơ hội phát triển sự nghiệp và khẳng định bản thân ở các vị trí lãnh đạo, quản lý”. Cuối cùng, giáo dục và truyền thông thiếu nhạy cảm giới cũng góp phần tạo nên những rào cản này.
Cách các “nữ cường nhân” tiến đến thành công
Tuy nhiên, vượt qua các định kiến đã tồn tại hàng trăm năm, nữ giới của thế kỷ 21 đang dần gỡ bỏ những hình mẫu mà xã hội gán ghép để tự do làm chủ bản thân và sự nghiệp. Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, ngày càng nhiều “nữ cường nhân” đạt được thành công. Qua đó, vai trò của họ trong xã hội dần được nâng cao.
Chảo Thị Yến (hay còn gọi là Chảo Yến) là ví dụ điển hình cho nỗ lực vươn lên số phận. Với khát khao làm chủ cuộc sống, Chảo Yến (sinh năm 1990) tại bản Ngám Xá, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát (Lào Cai) đã quyết tâm học hành và giành được học bổng du học châu Âu. Đến nay, cô gái đã thành công "thoát nghèo" nhờ con đường học tập.
Tháng 7/2023, Chảo Yến chính thức trở thành Giám đốc Hợp tác xã Tri thức - Bản địa “Goong”. Cô đặt tên là “Goong” (trong tiếng Dao có nghĩa llàt tốt đẹp) với mong muốn giá trị mà hợp tác xã đem lại sẽ tạo ra những điều tốt đẹp cho cộng đồng.
Shark Thái Vân Linh là hình ảnh truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những bạn trẻ đam mê khởi nghiệp. Hơn 20 năm kinh nghiệm gắn bó với lĩnh vực tài chính, tiếp thị và vận hành, cô từng nắm giữ nhiều vị trí cao cấp thuộc bộ máy các tập đoàn lớn như: Giám đốc điều hành của Vingroup Ventures, Giám Đốc Chiến Lược và Vận Hành của Công ty quản lý Quỹ VinaCapital,… Hoạt động trong môi trường mà nam giới chiếm phần đông, Shark Linh bản lĩnh vượt lên tất cả những định kiến về khả năng lãnh đạo của nữ giới.
Cô từng chia sẻ rằng định kiến xã hội vẫn chỉ là định kiến. Phụ nữ dù làm việc trong môi trường đông nam giới vẫn có thể tạo ra thành tựu của chính mình. Bởi thực tế trong môi trường làm việc với 90% nam giới, sự khác biệt về năng lực và trí tuệ không hề lớn. Do vậy, nữ giới không nên ngần ngại khi lựa chọn theo đuổi công việc mà họ yêu thích để tạo ra thành công cho bản thân.
Phát huy vai trò lãnh đạo của nữ giới
Theo TS. Trương Thúy Hằng, phụ nữ, đàn ông hay bất cứ ai làm lãnh đạo đều có thể có những điểm tương đồng và khác biệt. Trên thực tế, những nghiên cứu cho rằng, phụ nữ làm lãnh đạo có sự linh hoạt, khả năng kiềm chế cảm xúc tiêu cực, lắng nghe, chia sẻ và thấu cảm nhiều hơn so với nam giới. Nhưng điều này không hoàn toàn tuyệt đối. Các đặc điểm này cũng có thể bắt gặp ở một số nam giới trong lãnh đạo, quản lý.
Vượt lên trên những định kiến, người phụ nữ vẫn có quyền được tham gia vào các hoạt động của đời sống chính trị. Từ việc ứng cử, bầu cử vào các cơ quan đại diện của nhân dân, đến việc được bổ nhiệm, đề bạt vào các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan, tổ chức của Nhà nước.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2030: “Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu Ban Thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20-25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp đạt trên 35%."
Chia sẻ suy nghĩ về xu thế “phụ nữ làm lãnh đạo”, TS. Trương Thúy Hằng cho biết: “Thực tế đó cũng phần nào phản ánh kết quả quá trình xã hội thay đổi, đấu tranh thúc đẩy bình đẳng giới. Đây là những tín hiệu đáng mừng và tôi kỳ vọng có những thay đổi mạnh mẽ hơn, tăng cường vai trò và phát huy hơn nữa tiềm năng của người phụ nữ trong điều kiện mới.”
Các bạn trẻ, đặc biệt là nữ giới hãy nuôi dưỡng ước mơ, kiên định theo đuổi đam mê và vững vàng trước những định kiến xã hội. Bởi lẽ, thành công không phân biệt tuổi tác hay giới tính, chỉ cần nỗ lực hết mình vì những điều đúng đắn và có ích.