Phú Thọ: Làng ủ ấm Sơn Vi tất bật vào vụ đông
(Sóng trẻ) - Chớm đông, gió heo may mang theo chút rét ngọt đầu mùa cũng là lúc không khí lao động tại làng Sơn Vi tất bật, rộn ràng. Những thợ thủ công lành nghề đang khẩn trương sản xuất ủ ấm truyền thống cung cấp cho các tỉnh thành trên cả nước.
Để đạt được các tiêu chí bền, đẹp, giữ nhiệt tốt, làm đậm đà cho những ấm nước chè xanh, lá vối, nhân trần... trong suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, ủ ấm phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ việc chọn nan, uốn vanh, lên khuôn, cắt ván gắn đáy, may túi nhồi bông, đánh bóng và sơn.
Trong đó, công đoạn khó nhất là lúc làm nan, người thợ lấy nứa cạo sạch tinh, cắt ngắn theo kích cỡ, vuốt nan, đem phơi khô vài nắng sau đó đem luộc lên. Người thợ tiếp tục phơi lại cho khô rồi bó vào từng bó, đến lúc đem ra làm lại phải ngâm nước cho mềm nan để hạn chế mối mọt. Cũng bởi vậy mà chiếc ấm ủ Sơn Vy vẫn bền đẹp, giữ nguyên màu sắc dù tuổi thọ lên đến hàng chục năm.
“Khác với những ủ ấm nơi khác, ủ ấm ở Sơn Vi được ghép từ hàng trăm nan tre nhỏ và tạo ra những hình dáng bầu bĩnh, thuôn tròn với những màu sắc chủ đạo là đỏ son, vàng, nâu”, ông Nguyễn Văn Hảo - người có kinh nghiệm hơn 50 năm làm ủ ấm tại làng Sơn Vi chia sẻ.
Mỗi dịp đông về, trung bình có khoảng 10.000 chiếc ủ ấm được cả làng Sơn Vi cung cấp ra thị trường trong nước và nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ, Pháp…Mỗi chiếc có giá từ 80.000 – 300.000 đồng, tùy kích cỡ.
Hiện tại, cả làng Sơn Vi chỉ còn khoảng 20 hộ theo nghề và 3 hộ sản xuất chính. Đa phần những người thợ đều là những người trung niên và cao tuổi. Một điểm chung mà tôi thấy được là kinh tế của họ chẳng mấy khá giả. Có lẽ bao nhiêu công sức, thời gian, họ dành hết cho việc giữ “lửa” trước cơn bão đô thị hóa, công nghiệp hóa khiến cho kinh tế gia đình thường chỉ đủ ăn.