Showbiz Việt: Các nghệ sĩ lệch chuẩn cần được "thanh lọc" khỏi giới?
(Sóng trẻ) - Trước làn sóng nghệ sĩ Hoa ngữ bị “phong sát”, nhiều ý kiến cho rằng, showbiz Việt nên dùng “quyền lực” này để trả lại sự trong sạch cho giới nghệ sĩ.
Thời gian gần đây, cộng đồng fan Hoa ngữ được một phen “rúng động” trước sự kiện Trung Quốc “phong sát” hàng loạt nghệ sĩ có tên tuổi như Triệu Vy, Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm,... Theo dõi làn sóng “phong sát” xứ Trung, nhiều khán giả Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn làng giải trí Việt có những biện pháp thanh lọc để trả lại sự trong sạch cho giới nghệ sĩ. Nhất là trong bối cảnh showbiz Việt đang có quá nhiều sự việc lùm xùm, từ việc nghệ sĩ thiếu minh bạch khi làm từ thiện, cho đến ứng xử thiếu chuẩn mực, thiếu văn hóa, quảng cáo sai sự thật…
Theo Từ điển tiếng Trung, “phong sát” là "dùng lệnh cấm hoặc phong tỏa để ngăn một người tiếp tục xuất hiện trong một lĩnh vực nhất định". Như vậy, các nghệ sĩ nhận lệnh sẽ không được tham gia các hoạt động nghệ thuật, chương trình giải trí, bị gỡ tất cả các tài khoản mạng xã hội, phim ảnh, biển quảng cáo, không được phép xuất hiện trước công chúng. |
Bộ Quy tắc ứng xử là cơ sở để "phong sát" nghệ sĩ ứng xử thiếu chuẩn mực?
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho ra mắt dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ vào đầu tháng 9/2021. Mặc dù đang trong quá trình hoàn thiện nhưng Bộ Quy tắc được các chuyên gia, nhà quản lý, nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là dư luận ủng hộ và kỳ vọng sẽ là bàn đạp để thực hiện quá trình thanh lọc nghệ sĩ ở Việt Nam, từng bước hình thành chuẩn mực đạo đức trong hành vi ứng xử của nghệ sĩ, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt.
Anh Phan Thanh Kiên (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Tôi rất mong Bộ quy tắc ứng xử sớm được ban hành để các nghệ sĩ căn cứ vào đó ứng xử văn minh, lịch sự, có trách nhiệm, tạo ảnh hưởng tích cực đến người hâm mộ, nhất là đối với những thế hệ trẻ”.
Chia sẻ với nhóm PV, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho biết, Bộ Quy tắc áp dụng đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, trong và ngoài công lập.
Theo đó, Bộ Quy tắc ứng xử dự kiến sẽ có 5 điều ứng với 5 quy tắc ứng xử: Quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp; Quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp; Quy tắc ứng xử đối với công chúng, khán giả; Quy tắc ứng xử trong công tác xã hội và Quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội.
Một trong những yêu cầu chung của các quy tắc này là giữ gìn đạo đức, hình ảnh, tác phong, uy tín của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam và pháp luật của Nhà nước. Không làm tổn hại uy tín của tập thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác. Đề cao trách nhiệm cá nhân, chọn lọc, tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin văn minh, hiệu quả.
Bên cạnh những động thái ủng hộ, nhiều người có ý kiến cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử không có chế tài xử lý vi phạm nên chưa đủ mạnh để tạo chuyển biến đối với những người hoạt động nghệ thuật.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đắc Thực – Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Thư nhận định: Bộ Quy tắc ứng xử chỉ có giá trị định hướng hành vi của nghệ sĩ, hoàn toàn không có các chế tài như luật, không phải là công cụ để "trừng trị" những vi phạm pháp luật của nghệ sĩ.
“Ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nơi có nền giải trí phát triển mạnh chỉ cần một bê bối dù nhỏ cũng có thể làm sụp đổ sự nghiệp của nghệ sĩ. Chính vì vậy, Bộ Quy tắc cần phải có văn bản ở cấp độ cao hơn, đó là luật để xử lý nghiêm những vi phạm, tránh lợi dụng sự nổi tiếng để trục lợi cá nhân”, luật sư Thực chia sẻ.
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội lại nhận định: “Bản chất của những Bộ Quy tắc ứng xử không có chế tài, mà chỉ mang tính hướng dẫn hành vi giống như Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành trước đây, trong đó đề cao nguyên tắc “trách nhiệm, tôn trọng, lành mạnh, an toàn”.
“Chính vì vậy, Bộ quy tắc vẫn có giá trị nhất định. Nó sẽ cung cấp một cơ sở đánh giá chung cho xã hội, từ đó hình thành dư luận xã hội để đánh giá nghệ sĩ. Ai vi phạm chuẩn mực đạo đức ắt sẽ bị thanh lọc. Còn về chế tài, chúng ta đã có quy định xử phạt trong các nghị định của Chính phủ hay thông tư của Bộ”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh thêm.
Có nên “phong sát”?
Thực tế, nền giải trí Việt Nam quá dễ dãi với nghệ sĩ, khi không một ai bị tẩy chay sau scandal, đôi khi là scandal do chính họ tạo dựng. Những chuẩn mực đạo đức cũng thường xuyên bị vi phạm trong showbiz Việt với danh nghĩa "quyền cá nhân", "quyền tự do ngôn luận".
Tất cả đều xuất phát từ việc nghệ sĩ Việt đang coi nhẹ vai trò của mình, còn fan hâm mộ dễ dàng “thỏa hiệp” trước lời xin lỗi của thần tượng để mọi chuyện lại tiếp tục như… chưa từng có gì xảy ra. Phải chăng cộng đồng và nhà quản lý quá bao dung với sai lầm của nghệ sĩ?
Như trường hợp ồn ào mới đây của ca sĩ Jack. Khán giả đã chỉ trích, phản đối lối sống không lành mạnh, thiếu tôn trọng phụ nữ của Jack và lên tiếng tẩy chay, đòi nhà sản xuất chương trình loại ca sĩ Jack. Song, cho đến hiện tại thì Jack hay nhiều trường hợp scandal tương tự trước đó đều không bị ảnh hưởng gì nhiều đến sự nghiệp.
Một vấn đề khác cũng khiến nhiều người quan tâm chính là sự minh bạch trong việc từ thiện của các nghệ sĩ. Câu chuyện nghệ sĩ Hoài Linh nhận hơn 13 tỷ đồng tiền từ thiện nhằm mục đích cứu trợ miền Trung đợt bão lũ năm 2020, nhưng tới 6 tháng sau vẫn chưa chuyển tiền tới bà con từng khiến nhiều người bất bình.
Lý giải cho sự việc trên, nghệ sĩ Hoài Linh cho biết, vì bản thân rất bận, cộng thêm những ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 khiến anh khó chuyển tiền kịp thời tới tay bà con. Tuy nhiên, phần lớn khán giả cho rằng lời giải thích này không thỏa đáng.
Bên cạnh đó cũng phải đề cập tới nhiều diễn viên, ca sĩ, người mẫu sở hữu hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên mạng xã hội vẫn mặc nhiên buông những lời lẽ dung tục, bỗ bã ngay trên trang cá nhân, bất chấp việc họ có sức ảnh hưởng rất lớn tới công chúng.
Ví dụ điển hình là nam ca sĩ Duy Mạnh với loạt phát ngôn gây sốc, thậm chí có những phản ứng dữ dội với người mang suy nghĩ trái ý mình. Hay người mẫu Trang Trần thường xuyên có những lời lẽ thiếu văn hóa trong các video livestream trên trang cá nhân. Dù người mẫu này từng nhận rằng mình không còn là nghệ sĩ nữa và giờ chỉ tập trung kinh doanh, tuy nhiên trên thực tế cô vẫn là một người có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội, khả năng ảnh hưởng tới rất nhiều người.
Nhìn sang các nền giải trí trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, nghệ sĩ “có vết” không dễ dàng tiếp tục sự nghiệp. Thậm chí nhà quản lý đưa ra biện pháp trừng phạt mạnh tới nỗi nghệ sĩ mất nghề. Cuối năm ngoái, nữ diễn viên Trịnh Sảng bị “phong sát” do bê bối mang thai hộ và chối bỏ con; hay vừa qua, nam diễn viên - ca sĩ Ngô Diệc Phàm đối mặt án tù và đương nhiên là lệnh “phong sát” vì bê bối lạm dụng người hâm mộ, trẻ vị thành niên.
Từ thực tế đó, để thế hệ sau không bị "méo mó" về văn hóa, việc thực hiện "phong sát" ở showbiz Việt có nên hay không?
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết: “Ở các môi trường giải trí khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, làn sóng tẩy chay rất mạnh mẽ khi nghệ sĩ vướng scandal. Tất nhiên, chúng ta không hoàn toàn dựa vào đó để áp dụng điều tương tự đối với môi trường giải trí Việt Nam vì nền văn hóa, xã hội cũng có sự khác biệt”.
“Tôi cho rằng việc “phong sát” nên sử dụng ở Việt Nam với một mức độ nhất định, tức là chúng ta có thể dừng hoạt động của các nghệ sĩ có vi phạm về mặt đạo đức trong một khoảng thời gian nhất định để họ nhận thấy rằng đây là một hình thức xử phạt. Còn đối với những nghệ sĩ tài năng, những người cầu thị, tận tâm với nghề thì chúng ta cũng nên mở đường để họ quay trở lại, đóng góp thêm nhiều điều cho công chúng”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lương Xuân Đoàn - chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định rằng, nền nghệ thuật của Việt Nam là hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ. Chính vì vậy, việc “phong sát” có lẽ không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Thay vào đó, chúng ta cần có đơn vị đủ mạnh cả về đại diện Nhà nước và quyền lực phủ rộng các ngành từ quản lý nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và truyền thông.
Cụ thể, các nhà sản xuất phim, âm nhạc, các đài truyền hình cần cấm sóng những nghệ sĩ có scandal. Còn các nhãn hàng hãy nói không với những người nổi tiếng dính phốt hay hành xử vô văn hóa dưới bất cứ hình thức nào. Chỉ khi dùng tổng thể các biện pháp mạnh như vậy thì mới có hy vọng giảm được những scandal phản cảm của một số nghệ sĩ giải trí.
Bạn nghĩ thế nào về việc các nghệ sĩ lệch chuẩn cần được "thanh lọc" khỏi giới? Quý độc giả có thể tham gia bình luận, đóng góp ý kiến ý kiến của mình qua địa chỉ: [email protected].