Sinh viên báo chí đi thực tập: Bức tranh đa sắc

(Sóng Trẻ) - Đã thành thông lệ, cuối năm học thứ 3, sinh viên các ngành báo chí sẽ bước vào kỳ thực tập 3 tuần để làm quen với môi trường báo chí chuyên nghiệp. Lần đầu tiên va vấp với thực tế tại tòa soạn, chính thức tham gia môi trường báo chí chuyên nghiệp hẳn để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc cũng như những băn khoăn, trăn trở cho các bạn sinh viên báo chí. Đây cũng là khoảng thời gian quý báu để các bạn nhìn lại mình, đánh giá 3 năm học trên giảng đường. Dưới đây là những chia sẽ của các bạn sinh viên Báo mạng điện tử K.26 về đợt thực tập vừa qua.

Tăng cường thực tế, tự tin thực tập

Đối với những chuyên ngành khác, đợt kiến tập năm thứ ba thường là dịp để trực tiếp đến các cơ quan, chứng kiến công việc của những người đi trước. Với sinh viên báo chí lại khác, kiến tập chính là đợt thực tập đầu tiên kéo dài trong một tháng, nghĩa là sinh viên không chỉ đến chứng kiến tòa soạn làm việc mà còn phải dấn thân viết và có sản phẩm.

Dưới áp lực đó bắt buộc sinh viên báo chí phải “tìm đủ mọi cách” để có thể hoàn thành chỉ tiêu thực tập – dù bằng thực lực hay do “quen biết”. Các tòa soạn ở tờ báo lớn thường rất bận rộn, một ngày ban biên tập phải lo bài vở với cường độ cao nên việc họ tiếp sinh viên thực tập một cách thờ ơ là điều dễ hiểu và dễ thông cảm. Một số tòa soạn khác công việc nhàn hạ hơn hay do đang thiếu cộng tác viên thì việc có sinh viên thực tập lại là việc đáng mừng, sinh viên đương nhiên được tiếp đãi nhiệt tình hơn. Chính vì thế sinh viên đăng ký thực tập nên xét theo khả năng để lựa chọn thực tập tại nơi phù hợp.

Còn trường hợp quen biết nên tin bài được đăng thực ra cũng chỉ là một phần may mắn “hơn người”, nghĩa là bạn có người quen trong tòa soạn thì cơ hội được đăng bài của bạn cao hơn của các bạn khác một chút nhưng bạn vẫn cứ phải tùy thân vận động, phải tìm tòi và viết được tin bài thì mới có sản phẩm để được “chiếu cố”.

Hiện nay trường ta cũng đang khuyến khích việc học và làm đi đôi với nhau, nghĩa là với những bạn có sản phẩm được đăng trên các tờ báo có thể được cộng điểm xét học bổng với mức điểm tối đa là 0.2, các thầy cô cũng bắt đầu thực hiện “chính sách” tính điểm theo quá trình học và hành chứ không chỉ là điểm thi học phần đơn thuần. Đây là cách khuyến khích sinh viên báo chí lao vào nghề rất hay, đồng thời giảm tối đa tỷ lệ sinh viên báo chí ra trường không theo nghề đã học.

Trong ba năm học đã qua, cũng không ít lần lớp tôi được đi thực tế tại các tòa báo, được thực hành làm một tờ báo theo đúng quy trình sản xuất, với đầy đủ tổng biên tập, biên tập viên, kỹ thuật viên… Và cũng đã có những tờ báo “made in nhóm” ra đời nói về các làng nghề, về các vấn đề được cho là nóng hổi… Thiết nghĩ các thầy cô nên tăng cường thực hành như thế này đối với sinh viên ngay từ khi mới vào trường và xuyên suốt 4 năm học, như thế việc thực tập cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều và tránh trường hợp “nước đến chân mới nhảy”.

Vũ Biên Thùy, BMĐT K26

 

Thực tập – cuộc tập dượt cho sinh viên báo chí

Thực tập là dịp để sinh viên báo chí áp dụng kiến thức mình đã học vào trong thực tế. Đó cũng là dịp để khơi dậy lòng yêu nghề của các nhà báo tương lai, dịp để sinh viên tích luỹ cho mình những kiến thức và bài học.

Làm sao đủ chỉ tiêu tin bài ?

Mặc dù tới tháng 5 mới phải đi thực tập nhưng từ tháng 2, tháng 3 trong tôi đã canh cánh nỗi lo mình không biết viết báo.

Toà soạn nơi tôi thực tập khá thoải mái. Các chị ở đó bảo : “Em cứ đi tìm đề tài rồi viết đi, các chị sẽ đăng cho”. Nhưng tôi biết tìm đề tài ở đâu trong khi ba năm học trong trường tôi chưa từng viết báo. Khi học, thầy cô luôn bảo chúng tôi rằng : “đề tài nằm ngay trong cuộc sống, phải chịu khó quan sát mới có thể phát hiện ra được ”.

Tôi cũng quan sát, tìm tòi nhưng chẳng phát hiện ra đề tài nào cả, đến khi phát hiện được đề tài lại chẳng biết viết nó ra sao. Không có người chỉ dẫn, tôi thấy mình thật sự lo lắng về chỉ tiêu tin bài mà khoa đưa ra. Nỗi lo ấy ám ảnh tôi mỗi lúc, ngay cả trong giấc ngủ.

Không riêng gì tôi mà nhiều người trong lớp cũng vậy. Hôm nào gặp nhau trên mạng là y rằng một điệp khúc: “Mày ơi, viết được bài nào chưa? Tao lo quá”.

Hai tin một bài, với những người thường xuyên cộng tác với các báo thì đó là chuyện nhỏ. Có những bạn hôm trước vừa đi thực tập, hôm sau lập tức đã có một hai, bài được đăng. Với những người chưa một lần viết báo thì đó quả là một thử thách lớn.

Cứ nghĩ rằng, khi thực tập chúng tôi sẽ được đi cùng các anh chị ở toà soạn viết bài, xem cách họ tác nghiệp ra sao. Thực tế thì hoàn toàn khác, phần lớn chúng tôi phải tự bơi mặc dù chưa được dạy bơi lần nào.

Để hoàn thành chỉ tiêu, có sinh viên phải xin tin, bài ở toà soạn, có người viết những bài báo vô thưởng vô phạt rồi cũng được đăng nhưng những bài báo ấy lại chẳng hề mang tính báo chí.

Một tháng – một khoảng thời gian ngắn để sinh viên vừa tìm hiểu tổ chức toà soạn báo, vừa học hỏi cách làm báo lại vừa hoàn thành chỉ tiêu tin bài. Tôi nghĩ rằng không nên đặt nặng chỉ tiêu tin bài mà hãy coi thời gian đó để sinh viên nhận thức rõ ràng hơn, sâu sắc hơn về nghề báo.

Và những bài học

Bài học đầu tiên tôi rút ra được sau đợt thức tập vừa rồi đó là: nghề báo không phải là một giấc mộng. Đó không chỉ là những giải thưởng báo chí, sự ái mộ của độc giả, sự giàu có và nổi tiếng mà đằng sau đó là những giọt mồ hôi cực nhọc, những giọt nước mắt, sự mệt mỏi, thất bại.

Bài học thứ hai tôi rút ra cho mình là: khi tìm được đề tài hãy bắt tay ngay vào viết mà không được chần chừ. Bởi vì ngay lúc đó, ngọn lửa say mê vẫn đang sục sôi, những câu viết ra là những câu gan ruột nhất. Khi đã theo đuổi một đề tài hãy kiên trì theo đuổi nó tới cùng.

Khi đã theo nghề báo, phải gạt bỏ tính nhút nhát cố hữu của bản thân. Đi viết bài, chỉ vì ngại ngùng mà năm lần bảy lượt tôi đến rồi lại về, không dám tiếp xúc với nhân vật. Cuối cùng, tôi lấy hết can đảm trò chuyện với họ, sau đó tôi thu thập thông tin dễ dàng hơn. Thì ra, mọi chuyện cũng không quá khó khăn như tôi tưởng.

Phải có trách nhiệm với bài viết của mình: Phải có trách nhiệm ngay khi thu thập thông tin cho bài viết, trách nhiệm trong việc chăm chút từng câu chữ. Chỉ vì không thật tận tâm đầu tư cho bài viết của mình mà khi bài được đăng lên, tôi không dám đọc lại bài viết của mình.

Đợt thực tập vừa qua đã mang lại cho tôi cái nhìn đầy đủ hơn về nghề báo và khả năng của bản thân đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp.

Trần Thị Hiến, BMĐT K26

 

Hãy cố gắng thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh

Như chúng ta đã biết, với mỗi khóa học đều có hai đợt thực tập để sinh viên có cơ hội cọ xát nhiều hơn trước khi chính thức bước chân vào nghề. Đúng là còn nhiều khó khăn, nhiều cản trở, nhưng những gì gặp phải có lẽ chưa thấm vào đâu. Những khó khăn đó sẽ lớn hơn gấp bội nếu chúng ta bắt buộc phải làm được khi đó là “miếng cơm manh áo” hàng ngày. Vậy tại sao chúng ta không cố gắng hơn nữa và rút ra kinh nghiệm cho mình thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh.

Với mỗi đợt thực tập của nhà trường, bao giờ cũng có hai đối tượng đó là: Nhóm sinh viên đã có cộng tác với các cơ quan báo chí và nhóm thứ hai là những sinh viên chưa viết báo bao giờ.

Ở nhóm thứ nhất là những người đã có cộng tác với các cơ quan báo chí, vì lí do này hay lí do khác, họ có thể do có người quen trước hoặc đang cộng tác nên có ưu tiên. Nhưng chắc chắn không phải ai cũng có được cái “may mắn” là có người quen ở các cơ quan báo chí, trong đó cũng có rất nhiều sinh viên phải cố gắng rất nhiều mới có được mối quan hệ để cộng tác.

Chắc chắn ai cũng nghĩ những nhóm sinh viên này rất dễ dàng có được chỉ tiêu, nhưng chúng ta mới chỉ nhìn được bề nổi đó là chỉ tiêu với họ quá dễ mà quên mất rằng tại sao họ có thể vượt qua nó dễ dàng như vậy? Nguyên nhân từ đâu?

“Bề nổi” như đã nói ở trên là chỉ tiêu kiến tập rất dễ dàng với họ nhưng cũng nên biết rằng, trước khi có được những cái “dễ dàng” ấy họ đã phải đổ mồ hôi rất nhiều, đồng nghĩa với việc vừa đảm bảo việc học, vừa phải tự “mò mẫm” vì cũng chẳng quen biết ai, tất cả cái họ có chỉ là sự nỗ lực, cố gắng và có tham vọng thực sự. Trong khi đó, các bạn sinh viên khác vẫn chỉ tập trung duy nhất vào nhiệm vụ học trên trường. Điều đó không có gì sai nhưng nó cũng đã lí giải tại sao họ có được kết quả khó khăn hơn vì họ chậm chạp, thụ động ngay trong chính nghề nghiệp của mình.

Ở nhóm sinh viên thứ hai đó là những sinh viên chưa bao giờ viết bài cộng tác, vấn đề đặt ra ở nhóm này chắc không cần nói chúng ta đều biết, việc có được tin bài đủ chỉ tiêu là việc không hề dễ cộng với thời gian rất ngắn nên càng khó hơn. Với yêu cầu công việc đòi hỏi tính năng động cũng như kinh nghiệm, chắc chắn nhóm sinh viên đầu tiên sẽ được lựa chọn vì làm được việc. Hơn nữa, chắc chắn với nhóm sinh viên thứ hai này việc gặp phải những câu hỏi kiểu như : “Học năm thứ 3 mà chưa có bài viết nào à?” là chuyện không quá lạ. Nó không chỉ gây sức ép về thời gian mạnh hơn mà còn tạo tâm lý khá ức chế.

Quả thật, nếu cùng cảnh sinh viên chúng ta có thể hiểu được chuyện chưa có bài viết vì lí do năng lực, trình độ chưa cho phép cũng là một phần không nhỏ bên cạnh những lí do khác. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng bất cứ nghề nghiệp nào chứ không chỉ nghề báo đều đòi hỏi sự cần mẫn, tìm tòi và cố gắng hết mình bên cạnh yếu tố năng khiếu bẩm sinh. Tôi có thể lấy ví dụ cụ thể là chính bản thân tôi, không phải là người có năng khiếu văn chương, cũng không phải là người quá giỏi. Tôi chỉ là một sinh viên có năng lực thuộc tầm “tàm tạm”. Thời kì đầu, để có được tin bài cộng tác, tôi cũng đã phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi vì không quen ai làm báo. Rồi thức đêm viết bài, sau đó mạnh dạn gửi bài đến các báo. Cảm giác thất vọng khi gửi bài đi mà không có hồi âm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, sau thời gian không phải là ngắn cho những tin bài chẳng có hồi âm, tôi đã có những tin bài được đăng đầu tiên. Nói thì ngắn nhưng để có được như hiện tại, dù chưa là gì khi bước chân vào nghề báo, nhưng cũng không phải dễ dàng với tôi.

Sinh ra không phải ai cũng là người thông minh. Số đó thực tế không có quá nhiều nên nếu chúng ta là những người bình thường thì hãy nhớ lấy câu tục ngữ của ông cha “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Chỉ có cố gắng, cần cù mời có được thành công chứ đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh. Tất cả có được dựa trên sự cố gắng của chính chúng ta.

Vũ Xuân Ngọc, BMĐT K26

 

Không thành công bởi chưa chủ động

Thực tập lần một là cơ hội lớn cho các sinh viên năm thứ ba ngành báo chí tìm hiểu về lao động báo chí trong thực tế. Tuy nhiên, sau bốn tuần thực tập, không phải ai cũng hài lòng với kết quả đạt được. Có nhiều nguyên nhân, và nguyên nhân trực tiếp nhất phải nói đến khuyết điểm chủ quan của bản thân người thực tập.

Với chỉ tiêu tương đối nhẹ nhàng: được đăng báo hai tin một bài, mục đích chính của đợt thực tập lần một chỉ là giúp cho sinh viên có cái nhìn tổng quan về nghề nghiệp và xác định được khả năng của bản thân. Nhưng không hiếm người chỉ có một, hai tin ít ỏi mang về. Một số người thậm chí vẫn còn chưa nhận thức được mô hình làm việc của cơ quan nơi hoạt động. Có thể coi đó là một thất bại trong đợt thực tập.

Mặc dù nguyên nhân dẫn đến kết quả không như mong đợi là rất nhiều, tôi chỉ xin đề cập đến một nguyên nhân quan trọng: sự bị động của bản thân người thực tập. Một số ý kiến cho rằng, bộ phận sinh viên chưa có kinh nghiệm thực tiễn lép vế hơn những người đã đang hoạt động báo chí. Điều đó đúng, nhưng theo tôi, mục đích chính của thực tập không phải là so sánh chỉ tiêu với bạn bè, mà là cơ hội để học hỏi và phát triển kỹ năng của bản thân. Chính vì vậy, không có điều kiện nào quan trọng hơn sự chủ động của người sinh viên.

Khi bước vào tòa soạn và mang cảm giác không được chào đón, một số bạn đã mang tâm trạng buồn chán, ngại đến tòa soạn thường xuyên và ít liên hệ với phóng viên. Đây là một trong những biểu hiện thường thầy nhất của sự bị động. Cách phản ứng này không đem lại gì cho các bạn nài việc các phóng viên quên hẳn rằng họ đang phụ trách hướng dẫn sinh viên thực tập.

Có lẽ, thay vì trông chờ vào may mắn (rằng các phóng viên có giáo trình cho thực tập sinh?), các bạn nên chủ động quan sát, chuẩn bị những câu hỏi về nghiệp vụ và hoạt động của cơ quan, có lẽ phần nào công việc sẽ trôi chảy hơn. Ít nhất các phóng viên sẽ phải nhận ra sự quan tâm thực sự của các bạn đối với công việc và sẽ chú ý tới các bạn hơn.

Tuy rằng thật là khó để tìm kiếm được đề tài khi bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng khoảng thời gian một tháng không phải là quá ít cho một, hai đề tài có thể đăng báo. Nếu cơ quan báo chí của bạn đặt yêu cầu cao, bạn vẫn có thể đăng bài ở các báo khác. Vấn đề ở đây, một lần nữa, lại là sự thụ động của người sinh viên khi làm việc.

Bốn tuần thực tập, không quá ngắn cũng không quá dài để đem lại những nhận thức đầu tiên về nghề nghiệp cho những phóng viên tương lai. Và thất bại là mẹ thành công. Nếu chúng ta thất bại nhưng dám nhìn thẳng vào vấn đề, chắc chắn chúng ta sẽ không vấp ngã như lần đầu khi bước tiếp con đường phía trước.

Nguyễn Thùy Dương, BMĐT K26

 

Sinh viên cần chủ động

Bạn nghĩ rằng đi thực tập sẽ được trực tiếp chỉ bảo để làm những công việc cụ thể trong tòa soạn? Nhưng thực tế lại khiến bạn thực sự thất vọng và chán nản. Điều quan trọng mà tôi nhận ra và cũng là điều vốn đã được thầy cô dặn dò từ trước: đó là sự chủ động trong quá trình thực tập.

Tòa soạn không phải là giảng đường

Không có thầy giảng trò tiếp thu, phản biện, tòa soạn là nơi làm việc thực sự. Không còn là những cô cậu sinh viên, bạn trở thành phóng viên của báo trong vòng gần một tháng. Không có chuyện bạn được cầm tay chỉ việc, tự bản thân phải tìm tòi học hỏi. Đi thực tập, bạn phải làm việc thật sự nếu muốn có tác phẩm đăng báo.

Mỗi một cơ quan báo chí lại có một cách hướng dẫn khác nhau. Có những nơi rất nhiệt tình chỉ bảo cho sinh viên trong quá trình thực tập. Có những nơi lại mong muốn sinh viên tự tìm hiểu. Không gian làm việc ở tòa soạn cũng không phải lúc nào cũng có sẵn chỗ ngồi hoặc trang thiết bị cho sinh viên. Vì vậy ngay buổi đầu, chị trưởng ban nơi tôi thực tập đã nói rõ rằng không phải thường xuyên lên tòa soạn, có gì trao đổi qua email là được rồi. Hơn nữa, những phóng viên, biên tập viên của tòa soạn đều có công việc cụ thể của mình. Cho nên việc họ bỏ ra thời gian ra với mình là vô cùng khó khăn.

Đến tòa soạn thực tập, nài việc chủ động liên hệ, bạn còn phải xác định rõ bản thân có sở trường ở lĩnh vực gì và đề nghị lãnh đạo cơ quan báo chí giúp đỡ, sắp xếp. Tránh trường hợp khi được hỏi, chúng ta lại lúng túng không biết nên vào ban nào.

Khi tiếp xúc với những trưởng ban, bản thân sinh viên đã phải có trong mình một vài đề tài ấp ủ rồi. Nhóm sinh viên thực tập ở Vietnamnet chúng tôi đều rất bất ngờ khi vừa được giới thiệu với trưởng ban thì đã được yêu cầu nêu đề tài sẽ thực hiện. Chúng ta phải chủ động tìm đề tài, thực hiện đề tài, chủ động hỏi ý kiến hay xin giúp đỡ nếu gặp khó khăn khi thực hiện đề tài. Nếu bạn muốn theo chân anh chị phóng viên nào đó để quan sát học hỏi kinh nghiệm, hãy mạnh dạn đề nghị để được giúp đỡ.

Việc bạn “hùng hục” đi lấy tin rồi sau đó “tiếc đau tiếc đớn” vì báo đã cử phóng viên đi viết đề tài này cũng thể hiện sự thiếu chủ động. Nếu bạn trao đổi trước với trưởng ban phụ trách mảng đó thì bạn đã nắm được tình hình. Nài việc đỡ mất công, với những đề tài bạn có thể thực hiện biết đâu họ sẽ gợi ý cho bạn cách triển khai hiệu quả nhất. Vì vậy việc thường xuyên liên lạc với các trưởng ban là vô cùng quan trọng.

Chỉ có bằng việc chủ động và linh hoạt, bạn mới có thể học được nhiều điều từ đợt thực tập chứ không chỉ là vấn đề đủ chỉ tiêu tin bài. Luôn có ý thức học tập mọi lúc mọi nơi và tất cả mọi người nếu bạn cảm thấy mình có thể học được gì từ họ. Mong muốn cháy bỏng của sinh viên là luôn có sự liên kết mật thiết giữa nhà trường và cơ quan báo chí để có được môi trường học tập thuận lợi và hiệu quả nhất.

Thời gian thực tập chính là điều kiện để bạn hoàn thiện kỹ năng làm việc. Hãy luôn chủ động để nắm bắt được môi trường làm việc tương lai của bạn.

Vương Hồng Thủy, BMĐT K26

 

Thế nào là một kỳ thực tập thành công ?

Rõ ràng, không thể chờ đợi qua 1 tháng, thậm chí là 3 tháng của kỳ thực tập để sinh viên báo chí có thể hòa mình vào đời sống nghề nghiệp. Vậy mục đích của kỳ thực tập là gì, phải chăng chỉ là một thoáng “cưỡi ngựa xem hoa”.

Theo tôi, kỳ thực tập giống như những giờ học nại khóa hơn là một cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp. Thay vì lý thuyết trên giảng đường, sinh viên được va chạm với đời sống thực tế, tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp và hoàn thành một số tác phẩm đầu tay. Nếu so sánh với nền giáo dục ở các nước phát triển thì việc có các giờ học nại khóa như thế này không có gì là lạ. Sinh viên Việt Nam vốn bị coi là biết lý thuyết suông mà thực hành thì kém. Một phần gây ra tình trạng trên cũng bởi chúng ta chưa có, và chưa sẵn sàng cho việc hòa nhập lý thuyết – thực hành. Hay nói cách khác, sự liên kết giữa lý thuyết và thực tế là không cao.

Tôi không muốn đi sâu tìm nguyên nhân hay thực trạng cho vấn đề nêu trên bởi đó đang là nỗi nhức nhối của toàn bộ hệ thống giáo dục nước nhà. Thay vào đó, tôi muốn chia sẻ về quan niệm thế nào là một kỳ thực tập thành công. Đầu tiên, chắc hẳn chúng ta đều nghĩ tới điểm số. Không ai có thể phủ nhận chúng ta ganh đua bằng điểm số, chúng ta được đánh giá thông qua điểm số. Bởi vậy, điểm phẩy cao là mong muốn của tất cả mọi người. Nhưng xét cho cùng, nó mới chỉ là một trong rất nhiều cơ sở để người khác đánh giá về bạn. Còn chính bản thân bạn đánh giá về mình ra sao, đó mới là câu hỏi khó trả lời.

Một tháng thực tập cho bạn cơ hội được ngồi tòa soạn (hoặc ngồi nhà và làm việc qua mạng), được đi họp báo, được chạy toát mồ hôi trong những sự kiện để chụp ảnh, phỏng vấn…Và có thể, là vui mừng nhận những đồng nhuận bút đầu tiên. Nó mang đến cho bạn nhiều niềm vui và có lẽ cũng không ít băn khoăn. Tôi có hợp với nghề này không ? Tôi có thể thành công hay không ? …là những câu hỏi luôn đặt ra với bạn, thách thức khả năng và lòng đam mê của bạn.

Nếu coi 4 năm đại học là những tháng ngày chúng ta mò mẫm đến với nghề báo, thì 2 kỳ thực tập có thể coi là ngọn đuốc dẫn đường cho bạn. Nó sẽ chỉ ra cho bạn thấy một phần đời sống báo chí, những áp lực của người làm báo. Đơn giản hơn, kỳ thực tập là cơ hội để bạn biết thế nào là đi làm, là ngồi ở văn phòng 8 giờ vàng ngọc hay tạo dựng mối quan hệ với những đồng nghiệp. Đó mới là thành công mà tôi hướng đến. Và nếu bạn đã có một kỳ thực tập thành công, tôi tin rằng nghề báo đang chờ đón bạn với vinh quang và mồ hôi nước mắt.

Lê Vũ Minh, BMĐT K26

 

Thực tập: Thời gian thử việc

Thực tập là thời gian sinh viên tiếp xúc một môi trường làm việc chuyên nghiệp, khác hoàn toàn trường lớp. Đây cũng là thử thách đầu tiên của sinh viên trước khi bước ra ngưỡng cửa cuộc đời, tạo dựng cho mình những kinh nghiệm làm việc ban đầu. Có thể tạm gọi đó là thời gian thử việc!

Đối với sinh viên báo chí, thực tập không chỉ tập trung vào chỉ tiêu đề ra mà còn phải làm quen với toà soạn, tìm hiểu tất cả các khâu trong hoạt động báo chí, từ quy trình sản xuất một tác phẩm báo chí đến quy trình sản xuất. Từ đó, sinh viên có thể vận dụng kiến thức đã học của mình vào thực hành sáng tạo tác phẩm báo chí một cách thành thạo.Thông qua những nhận xét của cơ quan báo chí, số lượng tin bài cộng với quá trình học tập của sinh viên qua những năm học, nhà trường sẽ đánh giá được toàn bộ học lực cũng như năng lực làm báo của sinh viên. Chỉ tiêu thực tập là cái đích được đề ra nhưng đó cũng là yếu tố khiến sinh viên làm quen dần với môi trường báo chí, giúp sinh viên có những cái nhìn thực tế hơn về nghề nghiệp.

Không phải tất cả các sinh viên trong quá trình thực tập đều nhận thức được vai trò của việc tự ý thức. Thiếu sự tự tin, bản thân không có sức bật và quá bị động trong mọi tình huống – đó là những yếu tố khiến sinh viên không hoàn thành trọn vẹn được chỉ tiêu được giao.

Lần thực tập này của tôi tuy không thành công nhưng nó đã giúp cho tôi rút ra được nhiều bài học quý báu, rằng : mọi thứ không quá dễ dàng và nên học hỏi kinh nghiệm của thế hệ đi trước, nên bắt nhịp với phong cách làm việc của một tòa soạn báo để khắc phục những bỡ ngỡ khi bước vào nghề. Bên cạnh đó, toà soạn nên tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập hòan thành chỉ tiêu, không nên quá thờ ơ với sinh viên thực tập. Điều đó không chỉ thể hiện sự quan tâm của các cơ quan báo chí đối với thế hệ trẻ tương lai mà còn thể hiện tình cảm đồng nghiệp chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

Nguyễn Phương Thảo, BMĐT K26

 

Ta học được gì?

Tôi nghĩ trong kỳ thực tập ngắn hạn này, mỗi bạn đều có những bài học riêng cho mình. Như các bạn, tôi cũng tham gia kỳ thực tập và thu nhận được những kinh nghiệm không giống ai.

Tôi đồng ý với các bạn có ý kiến không lấy chỉ tiêu tin bài và điểm số ra để đánh giá về quá trình thực tập. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là hãy va chạm để thấy nghề báo sẽ là như thế – Một công việc đòi hỏi phải quan sát, phải nghe ngóng, phải chịu áp lực…

Sau kỳ thực tập có thể bạn nhận ra rằng bạn không muốn làm báo, không hợp với nghề báo, không thích làm báo thì kỳ thực tập đó vẫn là bài học cho bạn. Bài học để bạn hiểu chính bạn, hiểu những gì nghề báo yêu cầu và năng lực của bản thân bạn. Không phải những người sẽ làm báo mới cần tìm hiểu về nghề báo!

Chọn một lĩnh vực khác sở trường!

Tham gia thực tập gần 1 tháng, tôi đã băn khoăn nên chọn tòa soạn nào để thực tập. Tôi đã có cộng tác với một vài báo, quen với một vài người có thể giúp nhưng tôi không chọn. Tôi muốn có một môi trường khác hơn, lạ hơn để thấy mình không còn quen tay nữa. Tôi đã chọn báo An ninh thủ đô, một tờ báo chuyên viết về an ninh. Đúng như tôi nghĩ, quá khó để tham gia viết ở một lĩnh vực mà mình chưa bao giờ va chạm. Không mối quan hệ, không kinh nghiệm, không có tư cách pháp nhân để tôi có thể tham gia viết những vụ án pháp luật.

Một tháng, tôi chỉ quan sát tất cả các anh chị làm việc: khai thác thông tin, tìm thông tin ở đúng nơi đúng chỗ, cách lọc và xử lý thông tin…Ở lĩnh vực này thì tuyệt đối không được đưa thông tin thiếu chính xác. Và sau đó tôi nhận ra rằng, mình cần phải có kiến thức vững chắc trong lĩnh vực mà mình sẽ chọn.

Đương nhiên, được tạo điều kiện thực tập là quá tốt. Dù ít có những cơ hội thực tập như thế này thì chúng ta cũng nên tự tạo cơ hội cho mình, dù chỉ viết cho mỗi bản thân mình đọc. Vấn đề là qua quá trình thực tập bạn nhận được gì, hãy chia sẻ cho tất cả mọi người cùng nghe.

Nguyễn Quỳnh Trang, BMĐT K26

 

Đừng quá coi trọng chỉ tiêu thực tập

Chỉ tiêu thực tập là yêu cầu không thể thiếu mà nhà trường đề ra để mỗi sinh viên nâng cao tính nghiêm túc và tự giác của bản thân trong suốt đợt thực tập. Đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả của cả quá trình thực tập của bạn. Tuy nhiên, đôi khi chính nó lại là yếu tố hoặc khiến không ít sinh viên tự bó hẹp khả năng bản thân, hoặc tự tạo áp lực cho chính mình.

Yêu cầu phải có cả tin và bài được cho là giúp các sinh viên hoàn thiện kỹ năng viết báo của mình hơn. Tuy nhiên, nếu bạn không thể viết tốt cả hai thể loại này thì đừng nên quá đặt nặng vấn đề. Thực tế cho thấy rằng, với những sinh viên mà kỳ thực tập lần đầu tiên tham gia viết báo, họ chưa thể xác định sở trường, sở đoản của mình. Vì vậy mà việc phải có được cả tin và bài chất lượng tốt vô hình chung tạo ra một áp lực không nhỏ. Mải mê chạy theo chỉ tiêu, lo lắng làm sao đáp ứng đủ yêu cầu nhà trường đặt ra, không ít bạn đã làm báo một cách “gượng ép” – cố viết cho xong.

Mặt khác, với những sinh viên có khả năng, con số 2 tin, 1 bài có vẻ là khá ít. Tuy nhiên, nó lại khiến không ít bạn trở nên lười biếng. Trường hợp này xảy ra với những sinh viên có tinh thần và thái độ làm việc không cao. Hoàn thành sớm chỉ tiêu, họ sớm bằng lòng với kết quả đó và tự thưởng cho mình bằng việc tham gia những công việc khác, mặc dù kỳ thực tập vẫn còn khá dài. Và dĩ viên, tinh thần làm việc thiếu nỗ lực như vậy sẽ khiến tòa soạn nơi bạn thực tập không thể hài lòng.

Trong quá trình tham gia thực tập của mình, khi đặt vấn đề về việc hoàn thành chỉ tiêu 2 tin, 1 bài, tôi nhận được câu trả lời của chị phụ trách: “Em đừng nên bám vào chỉ tiêu thực tập mà viết bài. Chỉ cần cố gắng làm hết sức mình là được”. Đúng vậy, chỉ tiêu thực tập chỉ là một trong số các tiêu chí, chứ không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá quá trình thực tập của một sinh viên. Điều quan trọng là bạn đã nỗ lực như thế nào trong kỳ thực tập đó, và thu được những kinh nghiệm ra sao. Kết quả thực tập không phải chỉ là ở chỉ tiêu, mà là ở bản thân bạn đã thay đổi nhận thức ra sao sau 1 tháng sống cùng nghề báo. Đó mới chính là cái đích quan trọng mà nhà trường mong muốn khi tạo điều kiện thực tập cho mỗi sinh viên.

Trần Thị Hồng Ngân, BMĐT K26

 

Sinh viên năm 3 đi thực tập, thừa những gì?

Tôi đứng như một kẻ ngớ ngẩn, trân trối nhìn vào đám đông người qua kẻ lại trước mặt mình. Tay vẫn run run chưa mở nắp ống kính. Bàn chân như tê liệt. “Qua rồi, chậm quá”- phải một lát tôi mới mấp máy môi để tự nói với mình như vậy. Nhiều lúc tôi vẫn ngồi tiếc ngẩn ngơ cái khoảnh khắc ấy, khi người cha mình đẫm mồ hôi nở nụ cười ấm áp đón con đi thi trở về. Sau đó, tôi tự trách mình.

Nhiều lúc tự hỏi chính bản thân, một sinh viên năm 3 học báo chí, thiếu những gì, nhưng tìm mãi vẫn thấy không đủ và không hợp lý. Tôi ngẫm lại, và thấy mình dư thừa hơn là thiếu thốn.

Thừa tự ti

Hoàn thành năm thứ ba, đã từng “mang tiếng cộng tác” với một vài tờ báo, nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy ngại ngùng trước mọi việc. Tôi ngần ngừ không dám tới toà soạn một mình, nấn ná với việc chụp một vài bức ảnh và ngượng nghịu đặt ra những câu hỏi phỏng vấn.

Ấp ủ dự định một đề tài nào đó, tôi triển khai, nhưng mãi vẫn chưa thấy có bài. Nguyên nhân là do tôi chỉ có “quan sát từ xa”. Kĩ năng quan sát là một trong những kĩ năng quan trọng không thể thiếu đối với mỗi nhà báo. Tôi vin vào đó để cứ mãi đứng nài, chỉ nhìn thôi, chỉ đóng vai người thứ ba, xa lạ, không ăn nhập vào bài báo của chính mình.

Thừa sự lười nhác

Kết quả của đợt thực tập vừa rồi, tôi không có cho mình một mẩu tin trong nước nào. Không phải do thiếu nguồn tin. Tôi vẫn nhận được từ bạn bè, toà soạn những lá thư mời đi dự triển lãm, hội chợ, buổi toạ đàm… một cách khá thường xuyên, nhưng bản thân lại thường tự vận động mình không đi vì vô vàn những lý do mà chỉ tôi mới nghĩ ra. Trời nắng, nghỉ. Tin nhỏ quá, nghỉ. Không phù hợp với báo của mình, nghỉ… Cứ thế, tôi tự gạch đi những cơ hội của bản thân và tạo điều kiện cho sự ù lì ngày càng lớn mạnh.

Thừa chậm chạp

Tôi khá nhanh nhạy trong việc tiếp cận với công nghệ và những thứ liên quan đến nó. Còn đối với việc tìm kiếm thông tin, chủ yếu qua phỏng vấn trực tiếp, thì tôi là đứa chậm chạp hạng bét. Không dám hỏi, hoặc khó bắt chuyện với những người lạ, làm sao có thể có được thông tin. Làm báo thiếu năng động, làm báo cứ đứng yên, làm báo chỉ ngồi nhìn. Tôi nhận ra: Không có kiểu làm báo nào như thế!

Sau gần một tháng thực tập, tôi học được nhiều điều. Tiếp cận gần hơn với thực tế, rút ra cho mình một số kinh nghiệm, và cảm nhận được không khí làm báo thực sự. Điều tôi nhận ra mình quá thừa thãi, cũng là điều tôi muốn gạt bỏ. Tôi không thích nói với người khác HÃY thế này, bạn sẽ PHẢI thế này hay thế khác, viết ra những dòng tâm sự này, tôi mong rằng, bạn cũng như tôi, có thời gian nhìn nhận lại chính mình để hoàn thiện hơn trong những lần sau.

Nguyễn Ngọc Thuý, BMĐT K26

 

Thất bại trong kì thực tập, lỗi tại sinh viên

Sau kì thực tập tại các cơ quan báo chí, nhiều sinh viên “vỡ mộng” vì công việc thực tế không như mong đợi. Trở ngại về mối quan hệ với tòa soạn, kém nhạy cảm với sự kiện… là lý do mà các bạn sinh viên đưa ra. Nhưng nguyên nhân chính của thất bại thực ra đến từ chính sinh viên.

Không chỉ đến kì thực tập, sinh viên mới có cơ hội tiếp xúc với các cơ quan báo chí chuyên nghiệp. Ngay trong thời gian học, thầy cô luôn cố gắng giúp học trò tiếp cận với thực tế.

Thầy Tuấn Anh dẫn sinh viên lớp Báo mạng điện tử K26 đến làm quen với các phóng viên của VOV News; giới thiệu sinh viên với tòa soạn VnExpress. Thầy Hà Huy Phượng, gợi ý học trò của mình đến với cổng điện tử Thánh Gióng tham gia viết bài. Thầy Đức Dũng thì luôn khuyến khích những đóng góp của sinh viên cho website của khoa.

Với môn Tin, cô Thanh Xuân “đẩy” sinh viên của mình ra nài thực tế để học cách khai thác và viết tin sao cho nhanh mà hiệu quả. Rồi nhận xét từng bài một cách kĩ lưỡng để sinh viên rút ra kinh nghiệm.

Phân tích đề tài và hướng giải quyết cho từng đề tài của sinh viên là những gì thầy Đức Dũng giúp sinh viên của mình trong quá trình thực hành môn Phóng sự. Lý thuyết không còn là trên giấy vở, mà chủ yếu chính là thực tế công việc.

Có thể nói, các thầy cô đã cố “đẩy” sinh viên của mình vào môi trường báo chí ngay từ khi mới bắt đầu. Bởi vậy, những lý do khiến kì thực tập của sinh viên đạt kết quả không tốt chính là do sức “ì” quá lớn mà mỗi người chưa tự mình thoát ra được.

Tòa soạn báo không phải là “cơ sở đào tạo”

Một số sinh viên báo chí lại mong muốn khi đi thực tập được cơ quan báo chí đón nhận và chỉ bảo cho họ phải làm thế nào để đi lấy tin? Lấy tin gì, ở đâu? Hay xử lý thông tin như thế nào? Đây chính là sai lầm của họ bởi cơ quan báo chí không phải là nơi đào tạo nghiệp vụ cho sinh viên!

Tòa soạn là một bộ máy làm việc chuyên nghiệp. Tất cả những gì sinh viên cần làm là thể hiện khả năng của mình. Các sinh viên báo chí đến để thấy mình trở thành “phóng viên” chứ không chỉ là nơi để bạn học tập. Chính vì thế, bạn phải “tự” làm tất cả một cách tốt nhất để nhận về những thành quả sau đợt thực tập. Tòa soạn sẽ góp ý về đề tài bạn sẽ tham gia viết. Hay từ những chỉnh sửa của ban biên tập để bạn tự nhận thấy “lỗi” trong tác phẩm của mình. Họ đón nhận sinh viên thực tập như những người phóng viên đã qua đào tạo chứ không phải một người chưa biết gì về nghề nghiệp!

Không một tòa soạn nào từ chối những sản phẩm chất lượng! Và để làm được điều đó, bạn phải rèn luyện các kĩ năng ngày từ khi bạn đã quyết tâm theo học làm báo.

Chính ý thức về vài trò của bản thân sinh viên đã quyết định tới 50% thành công của đợt thực tập.

Kinh nghiệm – Bí quyết của kì thực tập tốt

Vạn sự khởi đầu nan! Nếu những sinh viên báo chí không đặt ra quyết tâm cho mình, không có quá trình trải nghiệm thực tế thì không có bất kì một kì thực tập nào tốt cả!

Bạn Vũ Biên Thùy, sinh viên lớp Báo mạng điện tử 26-Học viện Báo chí Tuyên truyền cũng đã từng vất vả dịch bài và gửi cho dantri.com.vn để rồi được nhận làm CTV quen thuộc của báo.

Với những kinh nghiệm cộng tác viết bài cho Lao Động và là CTV quen thuộc của Điện tử tiêu dùng, bạn Lê Vũ Minh đã không phải “lận đận” với thực tập như nhiều sinh viên khác.

Lưu Bích Hường, sinh viên lớp truyền hình K25 – Học viện Báo chí Tuyên truyền đã có được kì thực tập đáng nhớ tại Đài Truyền hình Hà Nội. Liên tục được tham gia vào sản xuất các chương trình truyền hình, lên sóng đều đặn với 25h mua sắm, làm MC của chương trình truyền hình trực tiếp “Âm vang Trường Sơn”…. Thực sự, Hường đã được đón nhận rất nhiệt tình tại cơ quan thực tập bởi khả năng và kinh nghiệm làm việc được tích lũy từ lâu chứ không phải là do mối quan hệ.

Viết bài thường xuyên cho bongdaso.com hay mục thể thao của báo điện tử Dantri, với những cố gắng và kinh nghiệm viết báo của mình, Nhật Minh, sinh viên lớp Báo mạng điện tử K25 – Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đã không khó khăn nhiều khi “đổi” sở trường của mình về thể thao để sang viết bài cho mục Kinh doanh của VnExpress trong đợt thực tập.

Tất cả đó là sự cố gắng, “say” nghề và lao vào thực tế, để rồi từ đó các bạn nhận được sự đền đáp xứng đáng chính là kinh nghiệm viết báo!

Trong thực tế, có mấy ai được như bạn Thu Hà, sinh viên khoa Báo chí–Truyền thông (ĐH KHXH&NV) có chị làm biên tập viên ở báo Vietnamnet nên dễ dàng được đăng khá nhiều tin, bài. Nhưng khả năng đã được chứng minh khi anh thư kí tòa soạn đi công tác về và các tác phẩm của Hà không còn được đăng nữa!

Sau kì thực tập, Xuân Dương, lớp Báo mạng điện tử 26-HV Báo chí tuyên truyền cũng tự nhận thấy lý do chính cho thất bại của mình trong tác nghiệp chính là sức “ì” của bản thân mình khi không có sự rèn luyện thường xuyên cho viết báo.

Bởi vậy, nếu thực sự “say” nghề, đam mê với nghề, thực tập đơn thuần chỉ là khoảng thời gian sinh viên báo chí tự khẳng định mình sau thời gian tích lũy kinh nghiệm của 3 năm theo học. Bởi vậy, thực tập với nghành báo chí đơn thuần không phải là lúc mà sinh viên bắt đầu bước vào tác nghiệp.

Thực tập không phải là một kỳ kiểm tra để bạn làm cho qua. Đó là kỳ sát hạch quan trọng cho thấy bạn có hợp với nghề mà bạn chọn hay không. Bạn không cảm thấy áp lực hay lo lắng về kỳ thực tập? Chúc mừng vì bạn đã chọn đúng nghề. Còn bạn thấy mệt mỏi và không vượt qua được những khó khăn trong vẻn vẹn 3 tuần? Muộn còn hơn không, hãy chọn một nghề khác. Bởi đơn giản, nghề báo không dành cho những người kém bản lĩnh!

Nguyễn Thị Hải Hà, BMĐT K26

 

Sinh viên đi thực tập: được và mất

Trải qua gần một tháng thực tế và trải nghiệm, mỗi sinh viên khi về đều mang trong mình những cảm xúc riêng rất khác nhau. Người thì hồ hởi như được tiếp thêm đam mê với nghề nghiệp, người lại cảm thấy thất vọng, chán nản và muốn bỏ cuộc. Vậy sinh viên chúng ta đã được gì và mất gì sau đợt thực tập đầu tiên?

Ba năm ngồi trên ghế nhà trường để học lý thuyết, để nghe những lời răn đe của giáo viên, rằng: “Làm nghề báo sẽ rất vất vả”, “Nghề báo thực sự là nghề nguy hiểm”, “Nếu không có đam mê thì không thể làm báo”,… nhưng khi chưa được cọ xát thực tế, chúng ta không thể nhận thức hết được ý nghĩa của những lời giảng ấy.

Mỗi người đến với tòa soạn nơi mình thực tập với một “phong thái” khác nhau nhưng hầu như ai cũng mang theo một chút hi vọng, một chút bỡ ngỡ, một chút hào hứng, nhiệt tình,… Để rồi khi đợt thực tập kết thúc, chúng ta mới nhận thức rõ những cái được và mất.

Nhiều bạn cảm thấy chán nản khi mọi sự không như mình tưởng tượng. Chật vật với chỉ tiêu của nhà trường đề ra. Ấm ức khi tin của mình mất bao nhiêu công sức viết lại bị bỏ ra nài rìa vì có phóng viên khác của báo viết rồi. Thất vọng với những lời hứa suông rằng: “Anh sẽ xem qua!” mà chờ mãi không thấy đâu. Mệt mỏi với việc cứ chạy theo phóng viên để xin được đi tác nghiệp cùng mà không được người ta nhiệt tình đáp lại… Tất cả khiến cho các bạn cảm thấy một chút gì đó đổ vỡ, để rồi đánh mất nhiệt huyết với nghề, đánh mất niềm tin vào bản thân rằng mình có thể làm báo,… Thậm chí nhiều bạn phải thốt lên: “Sau này mình sẽ không làm báo nữa. Nghề này không hợp với mình!”. Và bởi thế, nhiều bạn đâm ra oán trách, hoặc cảm thấy sợ, rùng mình khi nghĩ lại thời gian thực tập.

Thế nhưng, nếu nhìn một cách lạc quan và thực sự nghiêm túc với nghề mà mình đã chọn thì bạn sẽ thấy bạn được nhiều hơn mất. Dù có thể bạn không đạt đủ chỉ tiêu, có thể bạn không được các cơ quan báo chí tiếp đón nồng nghiệt, có thể những hi vọng của bạn khi lần đầu tiên đặt chân tới tòa soạn đã không thành hiện thực,… nhưng bạn đã có được một cái nhìn chính xác về nghề báo. Hiểu rõ và được trực tiếp trải nghiệm những điều thầy cô đã cố truyền đạt với bạn ở trên lớp nhưng có thể bạn đã quên. Nài ra, đợt thực tập đã cho chúng ta cơ hội để va chạm thực tế, cơ hội để trải nghiệm và thử sức. Nó cho chúng ta biết khả năng thích ứng với công việc đến đâu để tự điều chỉnh mình cho phù hợp hơn trước khi ra trường và chính thức bước chân vào nghề.

Hơn nữa, nếu bạn vẫn cảm thấy nghề này không hợp với bạn thì đợt thực tập cũng đã cho bạn có cơ hội để xác định lại nghề nghiệp của mình sau này. Chỉ còn một năm cuối cùng nữa là ra trường, chúng ta sẽ không còn là sinh viên nữa. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn không thể hàng tháng ngửa tay ra xin tiền bố mẹ mà bạn phải tự lao vào cuộc sống để tự nuôi trước hết là bản thân mình và sau là phụng dưỡng cha mẹ. Đã đến lúc bạn phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về tương lai của mình.

Nguyễn Thu Trang, BMĐT K26

Nhà trường hãy tạo điều kiện cho sinh viên thực tập

Thực tập là quãng thời gian quí báu giúp sinh viên học hỏi và cọ xát với thực tế. Là lần đầu nên sinh viên sẽ còn nhiều bỡ ngỡ, hơn hết họ cần sự giúp đỡ và tạo điều kiện từ phía nhà trường cũng như toà soạn.

Có nhiều sinh viên nỗ lực tìm hiểu thực tế để viết tin bài, nhưng không được sử dụng. Lý do tòa soạn đưa ra thường là: “Tin đó đã có phóng viên của báo viết rồi, mà các em không viết được tin kịp với phóng viên của báo đâu, nếu em có máy ảnh chụp làm tin ảnh may ra đăng được…” hay “Bài đó đề tài cũ rồi, hãy tìm cái mới cái lạ mà viết…”. Vẫn biết sinh viên thực tập không thể so sánh được với các anh chị phóng viên chuyên nghiệp nhưng nếu toà soạn tạo không tạo điều kiện thì làm sao sinh viên có thể học hỏi và tiến bộ. Hãy cho sinh viên cơ hội để thử sức!

Bên cạnh đó, ở những báo lớn, yêu cầu về chất lượng tin bài rất cao. Nên nhiều toà soạn không mấy thiện cảm với sinh viên thực tập. Nhiều báo thờ ơ và không nhiệt tình hướng dẫn, có chăng chỉ là trao đổi đề tài khi sinh viên đưa ra. Nhưng họ không chỉ dẫn cho sinh viên nên làm như thế nào. Do chưa thành thạo các kỹ năng, nên nhiều khi sinh viên còn lúng túng trong khâu chọn đề tài, đi phỏng vấn, tổ chức tác phẩm, sử dụng ngôn từ. Như vậy, người phụ trách nên giao đề tài cho sinh viên hoặc cho sinh viên đi theo để quan sát, sau đó biên tập bài và chỉ rõ những lỗi mắc phải.

Chỉ tiêu tin bài là cần thiết, nhưng không quan trọng bằng hai mục đích: thứ nhất, sinh viên làm quen với toà soạn, tìm hiểu tất cả các khâu trong hoạt động báo chí, từ qui trình sản xuất một tác phẩm báo chí đến quy trình sản xuất, phát hành một tờ báo; thứ hai, là vận dụng các kiến thức, kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí đã được học vào thực tiễn.

Các trường luôn khuyến khích sinh viên “ học đi đôi với hành”. Nhiều khoa báo chí sau khi tham khảo phương pháp đào tạo báo chí nước nài đã không đặt chỉ tiêu về số lượng tin bài nhằm khuyến khích tăng chất lượng bài viết. Nhà trường nên đánh giá hiệu quả thực tập của sinh viên căn cứ vào: quá trình học tập, nhận xét của cơ quan báo chí, số lượng và chất lượng tác phẩm, sổ thực tập, báo cáo thực tập.

Ba năm học, tôi cũng như nhiều sinh viên báo chí chủ yếu học lý thuyết. Thực tập là một dịp tốt để thực hành kỹ năng nghề nghiệp. Vì thế, khoa chủ quản nên quan tâm đến những khó khăn và đề xuất của sinh viên từ đó điều chỉnh phương pháp đảm bảo chất lượng thực tập.

Nguyễn Thị Hoàn, BMĐT K26

Vạn sự khởi đầu nan


Kỳ thực tập để biết đến nghề, để học nghề của sinh viên báo chí năm ba Học viện báo chí tuyên truyền vừa diễn ra. Có người nhăn mặt kêu gặp nhiều có khăn, cũng có người thở phào nhẹ nhõm … Nhưng dù là thái độ được thể hiện như thế nào đi nữa, đây cũng là kỳ thực tập không hề dễ dàng của các bạn.

Khó khăn đầu tiên: Làm quen với nghề . Đây là việc không đơn giản. Kiến thức trong trường chỉ là nền tảng, vì công việc làm báo thật khác so với kiến thức nền. Khi bắt tay vào công việc ,nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng bởi: không khí năng động của toà soạn, phần mềm xuất bản bài viết, phong cách viết…

Thứ hai: sức ép của chỉ tiêu hai tin một bài. Nhiều bạn sau khi đi thực tập đã không thể hoàn thành chỉ tiêu mà nhà trường đặt ra. Một phần do các bạn thiếu năng động để đi tìm đề tài khai thác. Một phần do thiếu sự “thông thoáng” trong suy nghĩ vì chỉ tiêu này không ép buộc các bạn chỉ có bài viết ở duy nhất báo mình đi thực tập. Một phần do tin, toà soạn đòi hỏi bài chất lượng rất cao.

Khó khăn thứ ba là thiếu “lửa” nghề nghiệp. Nghề nào cũng cần có “lửa” mới có thể hoàn thành tốt công việc được. Thái độ thờ ơ với nghề của một số sinh viên báo chí là có. Làm tin qua loa để đủ tiêu chí, nhờ người viết tin, bài hộ, hoặc xin tin, bài của toà soạn là chuyện đã từng xảy ra.

Và trong những khó khăn trên, sự thiếu “lửa” là nguy hại nhất. Một điều không phủ nhận, báo chí là ngành mở, bất cứ ai có “lửa” nghề báo đều có thể làm báo. Người học công nghệ cũng đi làm báo được, người học kinh doanh cũng đi làm báo được. Đây là một khó khăn rất lớn cho sinh viên báo chí, vì nếu lòng nhiệt huyết của họ dành cho nghề không nhiều, họ sẽ lép vế với những người học ngành học khác. Những người đó họ vừa có kiến thức nghề của mình và hơn hẳn ở sự đam mê nghề báo cháy bỏng.

Khó khăn không thể tránh khỏi. Trong kinh doanh có cái khó của kinh doanh, quản lý nhân sự có cái khó của quản lý nhân sự, báo chí có cái khó của báo chí… Mỗi nghề một khó riêng và bởi vậy khi khởi nghề ai cũng muốn nhủ mình một câu rằng: Vạn sự khởi đầu nan.

Trần Ngọc Linh, BMĐT K26

 

Thực tập báo mạng điện tử: Dễ hay khó?


Ở mỗi ngành học khác nhau, sinh viên đều có một khoảng thời gian để đi thực tập theo giấy giới thiệu của nhà trường. Đối với sinh viên báo mạng điện tử thì đây là cơ hội được trực tiếp đến và làm việc tại một tòa soạn báo mạng, khai thác thông tin nài thực tế và viết bài. Tuy nhiên, để đạt được nhiều thành công trong đợt thực tập không đơn giản.

Chắc hẳn những ai đi thực tập ở một tòa soạn báo mạng điện tử đều nhận thấy rằng các phóng viên ở đây đều khá trẻ, năng động. Các anh, chị sẵn sàng tiếp sinh viên đến thực tập và trao đổi về mô hình tòa soạn.

Nhiều tòa soạn đưa ra tiêu chí khá “thoáng” cho sinh viên như: có thể thông báo đề tài cho trưởng ban, nếu được sẽ có thể đi khai thác, viết bài và gửi qua mail, không nhất thiết phải đến tòa soạn.

Tuy nhiên sinh viên cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại

Đầu tiên đó là khâu phát hiện đề tài. Trưởng ban yêu cầu sinh viên phải tự đưa ra vấn đề mình định viết, tự đi khai thác thông tin và nộp bài. Anh, chị trong ban sẽ duyệt, nếu tốt sẽ được đăng, nếu không sẽ được sửa chữa, rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, do còn thiếu kinh nghiệm thực tế nên không ít sinh viên vấp phải khó khăn khi xác định đề tài. Những đề tài nêu ra hoặc là đã cũ, không có gì đặc biệt, hoặc là đề tài quá rộng, cần thu hẹp hơn. Khi được hỏi thì đa số anh, chị đều nói: “Cứ ra đường thật nhiều sẽ có nhiều đề tài hay”.

Khó khăn thứ hai đó là viết bài mà không được đăng. Do còn thiếu kiến thức nền tảng nên một số sinh viên gặp khó khăn khi phỏng vấn: người được phỏng vấn không trả lời, trả lời cho qua chuyện. Nài ra, còn một số lỗi khác như chụp ảnh bị nhòe, về trưởng ban bắt đi chụp lại… Đến khi nộp bài thì không ít bài bị hủy vì “không có gì hấp dẫn”.

Có những tòa soạn như Vietnamnet sẵn sàng nói “không” với tin dịch, tin về các cuộc triển lãm, hội nghị vì “Ban đã có anh, chị chuyên làm những tin bài này rồi!”. Việc xin đi theo phóng viên đến cơ sở để học hỏi kinh nghiệm còn tùy thuộc vào ý kiến của trưởng ban, có ban cho đi, có ban thì không.

Cần sự nỗ lực từ phía bản thân sinh viên

Những khó khăn kể trên mới chỉ là những khó khăn đầu tiên mà sinh viên vấp phải trong quá trình đi thực tập. Tuy nhiên, không ít bạn đã vượt qua những khó khăn đó và viết được nhiều tin, bài đăng báo. Vấn đề ở đây là sinh viên báo mạng điện tử cần xác định cho mình một tác phong làm việc có khoa học, tránh lười nhác rồi lại đổ tại hoàn cảnh.

Qua những lần cọ xát thực tế, sinh viên đúc rút được nhiều kinh nghiệm và bài học hơn khi ngồi trên ghế nhà trường. Từ đó, các bạn sẽ trưởng thành hơn, yêu nghề hơn, thực hành nhiều hơn để sau này có thể trở thành nhà báo giỏi.

Lê Minh Dũng, BMĐT K26

Một vài giải pháp


Dù bạn đã là cộng tác viên hay chỉ mới bắt đầu có tác phẩm vào đợt thực tập thì những trăn trở và bài học rút ra của chính các bạn và bản thân tôi đã chứng tỏ một điều rằng: chúng ta đang lớn theo nghề.

Nghề báo vất vả, nghề báo gian nan, nghề báo đua tranh…vân vân v

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN