Sinh viên chơi net đêm: “liều thuốc phiện” hay "phương thuốc cứu rỗi tâm hồn"
(Sóng Trẻ) - 11 giờ đêm, khi mọi người đã thấm đẫm mồ hôi sau một ngày làm việc vất vả, mọi hoạt động xã hội đều tạm ngưng, vào thời điểm này chúng ta thường tìm về tổ ấm của mình. Tuy nhiên, tại một căn phòng khoảng chừng 50m2 trong ngõ nhỏ, từng âm thanh bàn phím và tiếng lăn chuột vẫn vang lên đều đặn, những hoạt động “giải trí” vẫn cứ diễn ra đều đều, dai dẳng.
Chơi ngày rồi lại chơi đêm
10 giờ đêm, trước cổng một địa điểm truy cập internet nằm trong một ngõ nhỏ gần trường đại học Bách Khoa, từng hàng xe nối dài chờ đợi một thanh niên trẻ ghi phiếu sắp chỗ. Thỉnh thoảng lại có vài tốp thanh niên đi theo nhóm vừa cười nói rôm rả, vừa bước vào phòng net, nhiều người phải tỏ ra ngạc nhiên vì độ năng động của các thanh niên này vào cái giờ mà ai nấy cũng đều mệt mỏi.
Trước cổng một quán net vào ban đêm
Trong không gian kín mít, toàn bộ các cửa đều được khóa chặt, khoảng hơn 50 con người tập trung vào chiếc màn hình trước mặt. Luật bất thành văn của các thanh niên chơi đêm là giữ trật tự, vì vậy căn phòng gần như chỉ còn lại âm thanh lách tách phát ra từ chuột và bàn phím, thỉnh thoảng lại có vài câu thì thầm trao đổi hoặc tiếng chửi thề vang lên văng vẳng trong phòng.
Mọi nhu cầu về đồ ăn hay nước uống đều được phục vụ một cách nhanh và tiện lợi nhất ngay tại chỗ, nhờ các phần mềm tích hợp trong máy tính. Tất cả những gì người dùng cần phải làm chỉ là “một cú click chuột”.
Có một thực trạng là sự gia tăng kì lạ của số lượng những người chơi net ban đêm, chủ yếu là giới sinh viên. Vào khung giờ từ sau 10 giờ tối, một số quán vào ngày cao điểm còn không đủ chỗ ngồi để đáp ứng nhu cầu này.
Chơi net đêm, một thực trạng quen mà lạ, lạ mà quen, hiện nay ta có thể bắt gặp ở hầu hết các điểm cung cấp dịch vụ internet ở Hà Nội. Dù là ở quy mô lớn hay bé, chất lượng cao hay thấp, vị trí mặt tiền thuận lợi hay không thuận lợi các địa điểm kinh doanh net đều áp dụng hình thức này.
Một dạng “thuốc phiện” hay “sự cứu rỗi tâm hồn”
Cứ đến 10 giờ hằng đêm, với cặp kính dày cộp, mái tóc xoăn tít và đôi mắt mệt mỏi, Bảo Anh (sinh viên năm 4 Đại học Bách khoa Hà Nội) lại bước vào một góc quán. Thanh niên này được cả quán biết đến với phong cách thời trang khá dị và khả năng chơi game thuộc hàng cao thủ của mình.
B.Anh chia sẻ rằng: “Trước đây, nhiều chuyện buồn liên tiếp xảy đến với mình, có lúc mình còn nghĩ quẩn, thế là mình tìm đến game online để giải tỏa tạm thời. Những trò chơi online có một sức hút mãnh liệt kéo mình thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực". Nghe thì có vẻ khá li kì, nhưng đây lại là một câu chuyện điển hình của hầu hết các thanh niên vào quán net đêm, họ thường vì lí do buồn phiền trong cuộc sống, từ đó tiếp xúc với game online và dần lạm dụng chúng. Cho đến khi đã không còn sự tự chủ, họ “hi sinh” luôn cả 8 tiếng giấc ngủ của mình cho việc giải trí này.
Bên trong một quán net đêm
Nhiều sinh viên chơi game online cả ngày, ăn ngủ ngay tại quán net
Tác động đến sức khỏe và tâm lý
Chơi net đêm là ‘kẻ thù” của sức khỏe, bất cứ ai trải nghiệm điều này đều phải trải qua sự thay đổi trong khung giờ sinh học của bản thân. Có những người chơi từ ngày sang đêm quên ăn, quên ngủ, thỉnh thoảng chỉ ăn tạm bánh mỳ cho qua bữa khiến cơ thể ốm yếu, xanh xao.
Chưa kể một số bạn mặc dù đã dừng chơi nhưng dư chấn từ trò chơi điện tử vẫn khiến đầu óc trở nên mệt mỏi, căng thẳng, thiếu tỉnh táo. Về lâu dài đó là nguy cơ dẫn tới bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường do ngồi lâu và tiêu thụ các chất đường bột,…
Không những chỉ tác động về sức khỏe sinh học, việc mất kiểm soát trong việc chơi game còn tác động nặng nề đến sức khỏe tâm lý của người chơi. Thạc sĩ Lê Thành Khôi, giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục và Nghiệp vụ sư phạm, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định: những người nghiện game nói chung trong hoạt động của mình tập trung rất lâu vào phía màn hình máy tính cả ngày, thậm chí là ngày này qua ngày kia, về mặt tâm lý học không ai có thể duy trì độ tỉnh táo của mình trong một thời gian dài như vậy.
Hệ quả của hành động này sẽ khiến tinh thần ở trạng thái mụ mị, nếu hành vi kéo dài sẽ gây thay đổi cả những thước đo khuôn mẫu và hành vi thậm chí là các chức năng quan trọng như chức năng ngôn ngữ.
Những người chơi này có thể cảm thấy những sức ép đáng kể trên, nhưng điều gì đã giữ và thúc giục thói quen chơi net đêm này tiếp tục, cũng như là khởi nguồn cho việc mất kiểm soát trong việc chơi game.
“Trước là tơ nhện sau là xiềng xích”
Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến nghiện game, Thạc sĩ Lê Thành Khôi nhận định: nguyên nhân nghiện game của giới sinh viên hiện nay trước hết phải kể đến sự thiếu quản lý từ phía gia đình và nhà trường, sinh viên là nhóm đối tượng đang dần bước vào độ tuổi trưởng thành, phải lần đầu đối mặt với nhiều áp lực từ cuộc sống nên rất dễ sa ngã.
Về bản thân những người bị nghiện game, đó là do không có mục tiêu và định hướng trong cuộc sống, thiếu các hoạt động vui chơi để giải tỏa áp lực, vì vậy dẫn đến việc tìm kiếm một thế giới “ảo” và “phi thường” khác để trốn tránh hiện thực.
Một khi đã sử dụng, trò chơi điện tử là “liều thuốc” giải tỏa tinh thần, những người nghiện thường tự nhốt mình trong thế giới riêng và không đủ sáng suốt để tự thoát khỏi điều đó.
Thạc sĩ Lê Thành Khôi phân tích nguyên nhân các bạn sinh viên nghiệm game ngày càng nhiều.
Theo Thạc sĩ Lê Thành Khôi, để giải quyết nạn nghiện game hiện nay không thể cấm việc chơi game được, vì nó liên quan đến cả quyền giải trí của con người. Cần phân định rạch ròi giữa chơi game là một hoạt động giải trí với nghiện game là một tệ nạn cần xóa bỏ. Vai trò quan trọng trước hết từ phía của các truyền thông trong việc lựa chọn quảng cáo các tựa game phù hợp và việc truyền thông thay đổi nhận thức về chơi game. Phía gia đình và nhà trường được nhận định có vai trò quan trọng trong việc quản lý giúp đỡ học sinh, sinh viên cai “nghiện game” nhưng điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của bản thân các sinh viên cần tìm cho mình một mục đích có ý nghĩa cho cuộc sống. |
Trung Kiên – Bảo Ngọc
Cùng chuyên mục
Bình luận