Sóc Sơn - Sức vươn lên của một huyện anh hùng trong thời kỳ đổi mới
(Sóng trẻ) - Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, bằng ý chí tự lực, khát vọng vươn lên của lớp lớp cán bộ và mỗi người dân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã đạt nhiều thành tựu đáng tự hào.
8h sáng ngày 15/3, buổi thực tế - chính trị của 52 sinh viên Báo phát thanh K42, Học viện Báo chí và Tuyên truyền diễn ra tại Huyện ủy Sóc Sơn (Hà Nội). Tại đây, đồng chí Lê Hữu Mạnh – Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết thành quả sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới là điểm nhấn nổi bật của huyện.
Năm 2021, Sóc Sơn vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới. “Đó chính là sự ghi nhận cho những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, nhân dân trên địa bàn”, đồng chí nhấn mạnh.
Nền kinh tế khởi sắc
Về nông nghiệp, Sóc Sơn có diện tích “dồn điền, đổi thửa” lớn nhất thành phố Hà Nội (gần 11.000 ha). Bình quân từ 11 - 13 thửa vào năm 2010, đến năm 2023, giảm xuống còn 2,5 thửa/hộ.
Bên cạnh đó, với 8 nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp được công nhận, huyện xây dựng các vùng sản xuất tập trung và chuyển đổi cây trồng. Tiêu biểu như mô hình bưởi ở xã Phú Cường, Tiên Dược; đu đủ, gà đồi, nuôi ong lấy mật ở xã Nam Sơn; chè sạch tại xã Bắc Sơn; rau hữu cơ Thanh Xuân, Trung Giã,...
Lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống chú trọng đổi mới công nghệ sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Năm 2020, tổng giá trị ngành công nghiệp đạt gần 6.500 tỷ đồng, dịch vụ thương mại đạt hơn 5.400 tỷ đồng, tổng doanh thu hàng hóa dịch vụ đạt trên 48.600 tỷ đồng, đưa cơ cấu công nghiệp - dịch vụ của huyện lên gần 92%.
Về sự “chuyển mình” ngoạn mục của nền kinh tế, đồng chí Lê Hữu Mạnh chia sẻ: “Huyện xác định phát huy nội lực là chính, lấy sức dân để lo cho dân”. Trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, Sóc Sơn huy động được hơn 4.400 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động nhân dân và các nguồn xã hội hóa hơn 1.300 tỷ đồng.
Nhìn con đường bê tông trước mắt, bà Nguyễn Thị Quyết (50 tuổi, xã Xuân Giang) bày tỏ: “Tôi cũng như các hộ gia đình trong xóm rất phấn khởi, quyết tâm mở con đường vì tương lai của con em sau này được ở trong xóm ngõ rộng rãi”.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm
Hiện nay, đời sống nhân dân huyện càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đạt 68,7 triệu đồng/người/năm. Đồng chí Lê Hữu Mạnh cho biết: “Trước khi sáp nhập, huyện có tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Nhưng sau hơn 45 năm xây dựng và phát triển, cả huyện chỉ còn 32 hộ nghèo; phấn đấu hết năm 2024, số hộ nghèo sẽ bằng 0”.
Bệnh viện đa khoa, các trung tâm y tế, phòng khám đa khoa, các trạm y tế được tập trung xây mới, cải tạo nâng cấp. Cùng với đó, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai rộng khắp, số hộ gia đình văn hóa đạt trên 93%.
Hệ thống trường học cũng được đầu tư nâng cấp khang trang. Từ 8 trường chuẩn năm 2012, đến năm 2020 tăng lên 84 trường, đạt tỷ lệ 83,3% trường đạt chuẩn quốc gia.
Vẫn còn thách thức phải đối mặt
Những thành tựu kể trên cho thấy diện mạo Sóc Sơn đang đổi thay từng ngày, bộ mặt làng quê có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, đồng chí Lê Hữu Mạnh cũng chỉ ra một số tồn đọng, như: Nhiều công trình quy hoạch chồng lấn nhau; tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 55% (tỷ lệ trung bình tại Thủ đô là 75%); tỷ lệ cấp nước sạch còn thấp;...
Huyện cũng đối mặt với thách thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống trong thời kỳ đổi mới. “Tiếp nối lễ hội đền Sóc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại, huyện phấn đấu mỗi thôn có ít nhất một lễ hội; tập trung đầu tư thiết chế văn hóa; thường xuyên rà soát quy ước, hương ước để khắc phục lạc hậu, phát huy điểm sáng”, đồng chí nhấn mạnh.