"Sự giàu có" của nghề giáo
(Sóng trẻ) - “Nếu tình thương là quý nhất trên đời, cô giáo em là người giàu có nhất. Cô dành trọn tình thương cho học trò lớp lớp, bao năm rồi không một chút cạn vơi”, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm.
Lương “ba đồng”, sống bằng “lửa nghề”
Trong các cuộc khảo sát về những ngành, nghề áp lực nhất trong xã hội, nghề giáo luôn là một trong những nghề áp lực, căng thẳng tinh thần nhất. Đó là những áp lực về hiệu quả giảng dạy, các chỉ tiêu phấn đấu, về những vấn đề của cả phụ huynh và học sinh,…
Thế nhưng thu nhập của giáo viên hiện nay không tương xứng với công sức bỏ ra và áp lực phải gánh chịu của nhà giáo. Đồng lương tháng “ba cọc ba đồng” đôi lúc khiến các thầy cô chạnh lòng khi nghĩ tới một cuộc sống thoải mái mà không còn lo tới “bữa cơm tối”.
Nhưng chính bởi nhận thức được sự cao cả của nghề cầm phấn và niềm hạnh phúc khi được cống hiến cho những “tương lai”, nhiệt huyết trong thầy cô luôn nóng đỏ để giữ được lửa nghề. Giá trị tinh thần mà họ nhận được lớn hơn bội lần so với những thang bảng lương.
Trong hơn 1 triệu giáo viên phổ thông trên cả nước, có nhiều người lương thấp, sống cuộc sống khó khăn nhưng vẫn sống với nghề. Có những thầy cô lội chục cây số để đến với những điểm trường xa xôi, có những thầy cô tự bỏ tiền túi mua đồ dùng học tập, nấu cơm bán trú cho các em no bụng,…
Không ai bắt các thầy cô làm vậy, họ có thể có vô vàn lựa chọn khác dễ dàng hơn. Nhưng họ có lý do để giữ lửa nghề âm ỉ trong tim khiến họ vượt qua mọi thiếu thốn, gian nan mà vẫn hạnh phúc. Nhiệt huyết có lẽ là ngọn lửa thắp lên cái tài, cái tâm của mỗi người giáo đứng lớp.
Nghề giáo – nghề giàu nhất
Nghề giáo lương chẳng bằng ai, nhưng có những thứ giàu có thì chẳng ai bằng.
Đó là nguồn tri thức vô tận được sửa soạn hằng đêm để những bài giảng trên lớp được truyền đạt tới học sinh sâu sắc nhất. Nhà giáo là những người “nhiều chữ” nhất trên thế giới này.
Là những thứ thường nhật, nhỏ bé nhất cũng khiến trái tim thầy cô hạnh phúc suốt ngày dài: cái khoanh tay lễ phép, tiếng chào trong trẻo, niềm vui sướng mỗi lần được khen ngoan giỏi,... Thầy cô hạnh phúc vì thầy cô biết chính các học trò, những “thành quả dạy dỗ” của mình cũng đang hạnh phúc.
Ngày Nhà giáo, những học sinh tay xách tay mang những hoa những thiệp làm quà tặng thầy cô. Những tấm thiệp chúc mừng tặng thầy cô là cả một tác phẩm kỳ công của học trò. Những con chữ ngây ngô còn chưa ngay ngắn nhưng vẫn phải thật điệu: chữ hoa phải thêm mấy đường cong cong, vẽ thêm hoa, tô thêm màu,...
Chẳng cần đến những thứ vật chất hay hoa mỹ, chính những con chữ ngây ngô, đơn giản với những nét chữ còn chưa đủ tròn vuông mới là thứ đáng quý, đẹp đẽ, là thứ “xa xỉ phẩm” nhất trên thế giới này.
Nghề giáo vốn không giàu vật chất, những ai mong được sự giàu có thường không chọn nghề giáo, và những ai đã làm nghề dạy học thì không mong nghĩ đến chuyện làm giàu từ viên phấn, con chữ.
Điều này cho thấy, phải là một người cực kỳ tâm huyết với nghề cầm phấn mới có thể trở thành một người giáo viên chân chính và gắn bó với nghề suốt mấy chục năm, mới có thể đưa hết những lớp trò này đến lớp trò khác vững chân bước ra đời.
Nhà giáo, những người làm công việc cống hiến cao cả này chẳng cần phải tìm cách làm giàu. Những thứ “giàu có” sẽ tự tìm đến những người thầy cô quyết tâm hết mình với nghề, yêu thương học trò bằng cả trái tim. Đó là ánh mắt, nụ cười, trái tim và tâm trí vô cùng trong sáng, đẹp đẽ của trẻ thơ.
Những con trò chăm ngoan, trưởng thành và hạnh phúc là “tài sản” quý giá nhất của người thầy cô.