Sự thật là sức mạnh của báo chí cách mạng


(Sóng Trẻ) - Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn các nhà báo phải luôn trung thực, coi đó là một trong những tiêu chuẩn đạo đức số một của người làm báo cách mạng. Với báo chí cách mạng, chân thật, khách quan là sức mạnh, bản sắc, đồng thời là lý do tồn tại. Thông tin càng nhanh nhạy, đa dạng, phong phú thì càng phải trung thực, chính xác.

Người cho rằng, báo chí muốn thuyết phục được công chúng thì bản thân phải mang tính chân thực cao, cán bộ báo chíviết phải thiết thực, nói có sách, mách có chứng, tức là nói việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào?, kết quả thế nào?”. “Chống tham ô thì phải nói rõ ai tham ô, ai lãng phí?, cơ quan nào tham ô?, lãng phí cách thế nào? Ngày, tháng nào,… Chớ viết lung tung”.(1)  Đây đồng thời là sự mong đợi của nhân dân, “quần chúng đang chờ đợi những… tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới chẳng những để làm gương cho chúng ta ngày mai, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau”.(2)

Vì quần chúng luôn “mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi” nên người làm báo phải luôn viết rõ sự thật: Việc đó ai làm, ở đâu, ngày tháng nào…, nếu chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ thì “chớ nói, chớ viết”. Thậm chí, sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần. Chính xác, cụ thể, trung thực, cẩn trọng là những phẩm chất Người đòi hỏi phải có trong từng bài viết, bài nói, trong từng vấn đề nêu ra của mỗi nhà báo.

23038ce04_7304259686_652aedec53.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn các nhà báo phải luôn trung thực.

(Nguồn: Internet)  

Báo Nhân Dân số ra ngày 14-6-1961 đăng tin: Hội đồng Chính phủ quyết định điều chỉnh giá bán lẻ một số hàng công nghiệp. Người đã gạch chữ “điều chỉnh” và thay vào bằng chữ “giảm” cho chính xác.

Cũng báo Nhân Dân số ra ngày 18-3-1963 có bài “Triều Tiên được mùa lớn trong tình hình lụt nặng”, Người gạch dưới ba chữ “trong tình hình” và sửa thành hai chữ “mặc dù” (Triều Tiên được mùa lớn, mặc dù lụt nặng) cho hay và chính xác.(3) 

Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 3-1-1961, trên trang nhất, nửa bên phải, dưới đầu đề lớn “Thắng lợi vô cùng to lớn về quân sự và chính trị”, bài báo viết: “Đánh chiếm hàng loạt vị trí chiến lược...”, Người gạch chéo giữa chữ “Đánh”“chiếm”, thay vào bằng hai chữ “giải phóng” cho đúng và hay hơn.(4)


Đôi khi có những thông tin báo chí nêu, Người chỉ thị cho Văn phòng xác minh lại. Đối với những gương người tốt, việc tốt, Người thường rất cẩn thận, đề phòng trường hợp tin đưa không chính xác, người nhận phần thưởng chưa xứng đáng và việc tốt đó không phát huy được tác dụng cổ vũ, động viên. Và cũng đã có 1, 2 trường hợp địa phương nhận được chỉ thị của Người đi xác minh người và việc thì tìm không ra. Đó là vì báo đã đưa tin không có thật!(5)

Người từng phê bình các báo là “thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm(6), tránh né những tiêu cực trong xã hội. Tin tức thì có báo đưa hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng, chỗ đáng khen thì không khen, chỗ đáng chê lại đi khen.

Theo Người, báo chí phải có khen, có chê, có nêu cái tốt cũng có viết về cái xấu, không nên chỉ viết cái tốt mà giấu đi cái xấu. Nhưng viết về cái hay, cái tốt cũng phải có “chừng mực, chớ phóng đại, có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt”.(7) Nói bộ đội ta đánh thắng thì phải nói rõ đánh thắng trận nào, ngày nào, thắng như thế nào, thắng bằng cách nào, giết được bao nhiêu địch, thu được bao nhiêu súng, phải nói cho rõ ràng, chính xác nhưng cũng phải nhớ đừng “lộ bí mật” quân sự. Viết về sự hung ác, xấu xa của giặc thì phải viết chúng độc ác, xấu xa thế nào, nhiều việc chúng làm bên nài thì tốt nhưng bên trong thì thật là xấu (như việc chúng cướp chỗ này lại đi “giúp” chỗ khác), phải có dẫn chứng cụ thể. Khi viết về một kinh nghiệm hay mà chỉ nêu thôi thì chưa đủ, phải có số liệu để so sánh, phân tích xem cũng trong điều kiện ấy, thời gian ấy không làm như thế thì kết quả như thế nào.

Viết phê bình thì phải chân thành, đúng mức, chính xác, “phải đứng trên lập trường hữu nghị.” Nếu khen quá lời thì người được khen cũng cảm thấy xấu hổ mà chê quá đáng thì người bị chê vừa khó tiếp thu lại vừa sinh tâm lý bực tức, thù oán. Người làm báo đừng nên vì việc gì mà lại “thêu dệt thêm vào, dùng những lời vô phép” làm tổn hại đến người khác.

Từng bài báo được viết ra dù đó là khen hay chê đều phải hướng tới đích xây dựng, lấy xây để chống, lấy chống để xây tốt hơn, góp sức làm lành mạnh hoá cuộc sống xã hội. Nhà báo khi đưa tin cần tránh những thông tin có nguy cơ gây ra sự bất hoà hoặc làm rối loạn sự đoàn kết, hoà hợp của đất nước, của dân tộc. Vì thế rất cần nhà báo phải cẩn trọng trong sử dụng các chi tiết, khách quan thông tin, tránh kích động khi thông tin về những vụ lộn xộn, có thể làm xấu thêm tình hình.

Khi nói về kinh nghiệm viết báo, làm báo của mình, Người nói đó là phải viết chính xác, phải đọc đi đọc lại bài viết của mình nhiều lần, thấy câu nào thừa, chữ nào thừa, không chắc chắn thì bỏ đi đừng tham chi tiết.

Một trong những đặc trưng nổi bật của báo chí Hồ Chí Minh là luôn tạo được sự gắn bó chặt chẽ giữa báo chí và đời sống xã hội, luôn có những tư liệu, số liệu chân thực, chính xác trong các bài viết. Đời sống xã hội với những vấn đề rộng lớn, những hiện tượng tiêu biểu và các chất liệu đời thường luôn được Người đưa rất cụ thể trong các tác phẩm báo chí.

Đọc các bài báo của Người trong những năm đầu của thế kỷ XX, chúng ta thấy được những số phận, những cảnh đời có thật của những người nghèo khổ ở Đông Dương và các nước thuộc địa, những con số biết nói, biết tố cáo tội ác của bọn thực dân và thức tỉnh lương tri của mọi người.

Khi tố cáo thực dân Pháp đã bảo hộ, che chở và đưa những kẻ bất tài, chuyên “làm bậy” đến làm quan ở Đông Dưong, Người đã dẫn chứng:

“Ông Bôđoanh mặc dù bị tố cáo hẳn hoi về tội giả mạo và dùng giấy tờ giả mạo, bây giờ vẫn cứ là toàn quyền.

Ông Đáclơ nguyên bán cháo, trước là quan cai trị tỉnh, bị lên án là ăn hối lộ, là cường hào và đã gây ra cuộc nổi dậy đẫm máu ở Thái Nguyên, đã được chính phủ thuộc địa cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn.

Ông Têa, kỹ sư giám đốc một hãng buôn lớn, bị tố cáo là có tội nhũng lạm mà không bị rầy rà gì...”(8)

Khi chứng minh nước Pháp đích thực là một “nước quân phiệt”, “một nước đế quốc chủ nghĩa”, Người nêu dẫn chứng:

“Năm 1914, quân đội chiếm đóng gồm có 1.825 sĩ quan, 17.290 hạ sĩ quan và lính người Âu, 42.099 người bản xứ; lại phải thêm vào số đó 1.979 người trong các đội cảnh vệ bản xứ của Đahômây, Ghinê và Bờ Biển Ngà, hiện nay những đội lính này đã thay thế bằng những đội quân chính quy. Tổng cộng quân số là 63.220 người… Nếu chúng ta nói thêm rằng, chỉ riêng ở Đông Dương, chi phí về quân sự năm 1921 cũng đã hơn 35.600.000 phrăng, trong khi đó ngân sách giáo dục có không đầy 350 nghìn đồng bạc và ngân sách về y tế không đầy 65 nghìn đồng bạc thì sẽ thấy ngay tất cả sự tốt đẹp của chế độ thực dân của cái nước Cộng hoà Pháp nhân từ và đã tải giảm quân bị này”.(9)

Trong bài viết “Tình cảnh người nông dân Bắc Phi” đăng trên số 1 của Tạp chí “Quốc tế Nông dân”, Người đã nêu ra những dẫn chứng hết sức thuyết phục: Hàng vạn người dân da trắng ồ ạt kéo đến đuổi nông dân bản xứ đi để cướp rộng đất. Ở Angiêri và Tuynidi, thực dân Pháp đã cướp 1.800.000 héc ta ruộng đất của nông dân, 2.700.000 héc ta rừng, 800.000 héc ta công điền. Cũng ở Ma rốc, chúng cướp 545.000 héc ta đất đai(7)

Nhà nghiên cứu Thu Trang trong “Nguyễn Ái Quốc ở Pari” đã đưa ra một nhận xét có căn cứ về đặc điểm tính thời sự và những chất liệu cụ thể của đời sống trong những bài báo của Nguyễn Ái Quốc: “Những bài báo ngắn gọn, có tính thời sự và đi vào từng việc một cách cụ thể, nhất là chú ý đến những quyền lợi của thợ thuyền, đượm tính chất tranh đấu kiểu công đoàn…”(11)

Nhận xét về “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Người, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có một so sánh thú vị với tác phẩm “Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh” của Ph.Ăngghen: Đó là những trang trần trụi về cuộc sống thực tế, với những chi tiết khốc liệt, không lý luận, không triết lý, mà lại làm sáng ngời lên triết lý của lịch sử, phương hướng đấu tranh của các dân tộc và của loài người.(12)

Dưới ngòi bút của Người, các thể loại dù là bình luận, chuyên luận cũng không bao giờ có tính chất trừu tượng, chủ quan. Những lời bình luận bao giờ cũng dựa trên cơ sở vững chắc của những sự việc khách quan, những ví dụ cụ thể.

Sau cách mạng tháng Tám, trên cương vị là một vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người không có nhiều điều kiện, thời gian để tiếp xúc trực tiếp và sử dụng những tư liệu cụ thể trong đời sống. Nhưng Người vẫn quan tâm đến tất cả mọi vấn đề của đời sống, từ những vấn đề lớn như dân chủ, chăm lo cho giáo dục, trồng cây… đến những việc liên quan đến cuộc sống hàng ngày như nấu rượu, cờ bạc, mổ bò bừa bãi, mở tiệc linh đình, tảo hôn, cưới xin, đánh vợ… Người chọn lọc những hiện tượng tiêu biểu để đề xuất vấn đề và bàn luận. Đặc biệt, Người luôn có ý thức khai thác triệt để những tư liệu trên báo chí để có những số liệu cụ thể, chính xác.

Trong bài “Cần phải nâng cao chất lượng hàng hoá”, khi phê phán một số cán bộ và công nhân kém tinh thần trách nhiệm đã sản xuất hàng hoá xấu, kém chất lượng làm thiệt thòi cho nhân dân, Người đã nêu dẫn chứng:

“- Kim khâu quá to, khó khâu, hay làm đứt chỉ.

- Đinh (của công ty Phú lợi) quá xấu. Người ta mua 500 cây thì non một nửa không dùng được.

- Xe đạp “Thống Nhất” có cái mới đi 30 cây số đã xộc xệch.

- Khăn mặt có cái dùng một tháng đã rách

- Áo đi mưa mặc dăm lần đã đứt cúc.

- Ủng đi mưa, 12 đồng một đôi, chỉ dùng được vài tháng.

- Áo may sẵn cho trẻ con, mới mặc một buổi thì 3 khuy đã rơi mất 2.

- Bút máy “Trường Sơn” có cái dùng đựoc vài tháng thân bút đã nứt.

- Bút chì “Hồng Hà” thường hay gẫy, không vót được.

(Trích báo Nhân Dân, ngày 17-11-1962)

- Dép da “Minh Tân” khâu dối. Mấy nghìn đôi bị ứ đọng không bán được.

- Vở bán cho học sinh, gạch xiêu vẹo, bị mực hoen ố, bị loại ra 10 vạn tập.

- Giường bán mỗi chiếc 70 đồng, nhưng mua về lắp vào không được, lỗ đục nhỏ mà mộng lại to. Giường ghế đóng không đúng quy cách, cán bộ mậu dịch vẫn cứ nhận.

(Trích báo Thời mới, ngày 20-11-1962)(13)

Trong bài “Uy danh lừng lẫy khắp năm châu” nói về trận đánh thắng tại sân bay Biên Hoà của du kích miền Nam, Người ví dụ:

“- Báo Sao đỏ Liên Xô viết: “Đã đến lúc Mỹ phải chấm dứt ngay cuộc chiến tranh bẩn thỉu và rút hết lực lượng ra khỏi miền Nam Việt Nam”. Các báo Trung Quốc đều nhiệt liệt hoan hô thắng trận Biên Hoà và viết: “Ở Nam Việt Nam, việc Mỹ thất bại nhất định sẽ không thể tránh khỏi”. Báo Anmana ở Irắc viết: “Du kích đánh vào sân bay Mỹ ở Biên Hoà chứng tỏ rằng không lực lượng nào ngăn được bước tiến của cách mạng Nam Việt Nam”.

- Các báo phương Tây thì mỉa mai Mỹ. Báo Anh viết: “...” Báo Pháp Lơ Phigarô viết: “...”. Báo Nhân đạo viết: “...”

- Dư luận Mỹ thì rất bi quan. Báo thì viết: “...”. Báo thì viết: “...”. Thời báo Nữu Ước viết: “...”. Luận đàm Nữu Ước viết: “...”(14)

Không chỉ có bài viết mà Bác Hồ còn đặc biệt quan tâm đến nội dung, chất lượng thông tin, hình thức thể hiện của thể loại ảnh báo chí. Ngay khi báo Nhân Dân ra hàng ngày và có sử dụng ảnh đen trắng, Bác thường xuyên nhắc nhở Tổng biên tập Hoàng Tùng, đồng chí Trần Quang Huy và Vũ Tuân chú ý đến tính chân thật của ảnh báo chí. Theo Bác, phải quan tâm nhiều đến vẻ đẹp vốn có của đời sống, tránh kiểu “bố trí chụp ảnh” khiến ảnh nặng về trang trí, hình thức. Chú thích ảnh cũng phải đảm bảo tính chân thật, sinh động, có khi xem xong, Bác sửa lại nội dung lời chú thích ảnh đăng trên báo rồi giao cho thư ký chuyển Ban biên tập báo để rút kinh nghiệm.

Nài ra, Bác cũng nhắc các báo thường xuyên đăng ảnh “chân dung người tốt việc tốt” bởi với sức mạnh và tính chân thật của mình, ảnh báo chí sẽ góp phần nhân lên trong xã hội nhiều hơn những con người, những việc làm như thế. Thấy bức ảnh chân dung đăng báo nào đẹp, lột tả được tình cảm chân thật của nhân vật, Bác dùng bút chì đỏ viết chữ “tốt” bên cạnh rồi gửi tờ báo cho Ban biên tập(15).

Trong xã hội ta, dân chủ ngày càng được mở rộng và đội ngũ nhà báo là những người nắm được nhiều nhất những thông tin mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là mặt trái, những hiện tượng tiêu cực, các tệ nạn xã hội. Do vậy, đòi hỏi họ phải thực sự khách quan, không chỉ trong việc phản ánh thông tin mà ngay cả trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin đó. Học tập và làm theo những lời dạy trên, đó sẽ là món quà quý giá, thiết thực nhất mà mỗi người làm báo dâng lên trong ngày sinh của Bác Hồ kính yêu./.

  

Chú thích:

(1) (7) Tạ Ngọc Tấn, Hồ Chí Minh về vấn đề báo chí, Hà Nội, 1995, tr152

(2), (11), (12), (13), (14) Hà Minh Đức, Báo chí Hồ Chí Minh chuyên luận và tuyển chọn, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr280, tr101, tr104, tr497-499, tr515-517.

(3), (4), (5) Nguyễn Thành, Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2005, tr369, tr410, tr406)

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 10, tr613-616

(8), (9) Tạ Ngọc Tấn, Tiểu phẩm báo chí Hồ Chí Minh, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2000, tr118-119, tr124-125,

(10) (15) Văn Hiền, “Những mẩu chuyện làm báo của Bác Hồ”, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2003, tr30, tr21-22

 TS. Trường Giang

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(Bài đăng trên Tạp chí Người làm báo số tháng 5/2012)


Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

Sóng trẻ - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN