Tác phẩm báo chí và thể loại báo chí (3)
(Sóng Trẻ) - Một chi tiết quan trọng nhất phải là chi tiết có vị trí then chốt trong toàn bộ những chi tiết, dữ kiện của thông tin mà nếu thiếu nó thì người tiếp nhận thông tin không thể hiểu rõ, hiểu đúng bản chất của sự thật. Việc lựa chọn đúng chi tiết quan trọng nhất còn có ý nghĩa quyết định trong việc tạo ra một “bố cục điểm mạnh” cho tác phẩm báo chí.
13. Chi tiết quan trọng nhất trong tác phẩm báo chí
13. Chi tiết quan trọng nhất trong tác phẩm báo chí
Muốn viết được một tác phẩm báo chí theo mô hình như đã nêu trên, người viết phải xác định rõ chi tiết nào là quan trọng nhất để có thể bố trí, sắp xếp nó vào đúng vị trí cần thiết. Vậy bằng cách nào để xác định được chi tiết quan trọng nhất?
Trước hết, việc lựa chọn, xác định chi tiết quan trọng nhất để nhấn mạnh nó phụ thuộc vào các yếu tố như quan niệm sống, kinh nghiệm, vốn văn hoá và những mục đích chính trị của cơ quan báo chí hoặc của bản thân người viết.
Trong bất cứ thông tin nào cũng có những chi tiết, dữ kiện giữ vị trí quan trọng nhất. Một chi tiết như vậy thường phải đáp ứng được những yêu cầu sau:
-Phải chỉ ra bản chất của sự vật, hiện tượng.
-Phải thể hiện xu hướng vận động chủ yếu, đích thực của sự vật, hiện tượng.
-Phải thể hiện được thái độ chính trị của người viết.
Người ta đã nêu ra một kinh nghiệm khi viết tin: nếu như bạn chỉ được quyền nói một câu để thông báo về sự việc đã xảy ra, đó chính là câu mở đầu của tin. Điều đó cho thấy trong câu mở đầu này đã chứa đựng chi tiết quan trọng nhất của thông tin mà người viết muốn truyền đạt.
Như vậy, một chi tiết quan trọng nhất phải là chi tiết có vị trí then chốt trong toàn bộ những chi tiết, dữ kiện của thông tin mà nếu thiếu nó thì người tiếp nhận thông tin không thể hiểu rõ, hiểu đúng bản chất của sự thật. Việc lựa chọn đúng chi tiết quan trọng nhất còn có ý nghĩa quyết định trong việc tạo ra một “bố cục điểm mạnh” cho tác phẩm báo chí.
14. “Bố cục điểm mạnh” trong tác phẩm báo chí
“Bố cục điểm mạnh” là cách gọi để chỉ việc bố trí, sắp xếp một cách tập trung những chi tiết quan trọng, những chi tiết có khả năng gây ấn tượng mạnh mẽ trong tác phẩm báo chí một cách hợp lý. Những chi tiết được bố trí một cách có chủ ý trong tác phẩm sẽ tạo ra những điểm mạnh nhằm tạo hiệu quả tác động cao hơn.
Trong một tác phẩm báo chí có khi chỉ có một điểm mạnh nhưng cũng có thể có nhiều điểm mạnh được bố trí ở những vị trí khác nhau. Điều này tùy thuộc vào năng lực tổ chức tác phẩm của người viết và tùy thuộc vào chất lượng của những chi tiết, dữ kiện, số liệu, tình tiết... mà tác giả thu thập được và tái hiện trong tác phẩm của mình.
Điểm mạnh trong tác phẩm báo chí có thể xuất hiện dưới bất cứ hình thức nào. Nó có thể là tít chính của bài, là phần sa-pô, là hét-lai, là các tít phụ hoặc nằm ở những chi tiết, tình huống, số liệu, câu nói, nét đặc tả mà tác giả sử dụng trong tác phẩm của mình. Điểm mạnh cũng có khi được tạo nên bằng những liên tưởng độc đáo, những so sánh thú vị và ấn tượng… hoặc xuất hiện ngay trong những từ dùng có chủ ý, những cấu trúc câu được sử dụng một cách chính xác, sinh động trong mạch viết của tác giả.
Dù được đặt ở vị trí nào và được xây dựng theo cách nào thì một điểm mạnh trong tác phẩm báo chí cũng phải thực sự gây được ấn tượng đối với công chúng, phải khiến cho công chúng phải nhớ - thậm chí là bị ám ảnh về những điều đó. Nó cũng chính là dư vị đọng lại lâu nhất trong công chúng sau khi họ đã tiếp nhận thông tin. Trên tinh thần đó, có thể nói việc bố trí tác phẩm báo chí theo bố cục điểm mạnh phải được coi như một trong những nguyên tắc tổ chức tác phẩm báo chí hiện đại.
LTKT
Cùng chuyên mục
Bình luận