Chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường: Không thể xem nhẹ!

(Sóng trẻ) - "Các bậc phụ huynh cần tỉnh táo để có những phân biệt rõ ràng, vì có thể đó chỉ là một sự thay đổi nhỏ về mặt tâm lý của con trong giai đoạn dậy thì hay chuyển cấp" - theo Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Bảo Huệ, Viện Tâm lý Viện Pháp.

PV: Đến nay nhiều người vẫn có những nhận thức sai lệch về “Sức khỏe tâm thần”. Theo bà “Sức khỏe tâm thần” là gì?

Đúng là hiện nay mọi người đang có nhận thức sai lầm về sức khỏe tâm thần. Mọi người thưởng hiểu nhầm “sức khỏe tâm thần” sang “sức khoẻ tinh thần” bởi vì chúng ta hơi nhạy cảm với từ “tâm thần”. Sức khỏe tâm thần được định nghĩa là một khả năng của bộ máy tâm lý hoạt động một cách hoàn toàn hợp lý,  bình thường, có hiệu quả, có thể đương đầu một cách mềm dẻo trước những tình huống khó khăn để tìm lại sự cân bằng cho chính mình.

PV: Xin bà cho biết một số nét chính về thực trạng chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường ở Việt Nam hiện nay?

Ở câu hỏi này, tôi sẽ tạm gọi nó là hiện trạng quan tâm tới vấn đề tâm lý học đường trong trường học. Hiện nay như chúng ta đã thấy, có một số trường học có phòng tư vấn, tham vấn tâm lý với đội ngũ cán bộ chuyên trách làm việc rất hiệu quả. Thế nhưng không phải bất kỳ trường học nào ở Việt Nam hiện nay cũng có. Trên thực tế, những gì ta đã làm vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu hiện tại.

Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Bảo Huệ, Viện Tâm lý Viện Pháp (Ảnh: Thanh An).
Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Bảo Huệ, Viện Tâm lý Viện Pháp (Ảnh: Thanh An).

PV: Thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều sự việc đau thương, điển hình là tự tử vì áp lực. Theo bà, nguyên nhân do đâu mà các em phải đi đến quyết định này?

Chúng ta đã nhìn thấy rất nhiều sự việc đau thương trên báo, đài liên quan đến áp lực, đặc biệt ở các bạn học sinh, sinh viên. Nhiều nguyên nhân để 1 người - đặc biệt là các bạn học sinh đi đến một quyết định đau thương như vậy. Có thể vì các bạn ấy không chia sẻ được với ai, có thể bị cô lập, bị bạo lực học đường trong thời gian dài hay do áp lực học hành, thi cử. Thời buổi ngày nay không chỉ đơn giản là việc cắp sách đến trường học rồi đi về mà còn có rất nhiều áp lực xung quanh. Tuy nhiên, nếu để tóm lại thì phần lớn đều do các bạn ấy không chia sẻ được với ai, không có nơi giải toả những khó chịu, uất ức trong lòng mình. Những điều này tích tụ lâu ngày dẫn đến việc các bạn bùng phát lên và dẫn đến hành động dại dột.

Có quá nhiều áp lực xung quanh đối với một học sinh trong độ tuổi
Có quá nhiều áp lực xung quanh đối với một học sinh trong độ tuổi "mới lớn" (Ảnh: Internet).

PV: Tình trạng rối loạn tâm lý ở trẻ đang ngày một nghiêm trọng. Theo bà, nếu không kịp thời xử lý sẽ để lại những hậu quả như thế nào?

Các vấn đề về rối loạn tâm lý ở trẻ nếu không được xử lý kịp thời thì rất nguy hiểm. Bởi vì đa số các bạn ở độ tuổi vẫn còn trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn vị thành niên, không phải bạn nào cũng được trang bị những kĩ năng để đương đầu với các vấn đề về tâm lý. Nếu lâu ngày, các tình trạng này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày trong sinh hoạt, trong học tập của trẻ. 

Ví dụ như bị thay đổi về thói quen sinh hoạt, các bạn ấy không ngủ được hoặc ngủ quá nhiều, chán ăn hoặc ăn quá nhiều cũng là những biểu hiện ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống. Nó sẽ khiến sức khỏe thể chất của các bạn bị giảm sút và kéo theo rất nhiều hệ luỵ khác. Nghiêm trọng hơn là có thể trở nên tiêu cực, trầm cảm. Và nặng nề nhất là như mọi người cũng thấy trong thời gian gần đây xuất hiện rất nhiều vụ tự tử, quyết định tự kết liễu cuộc đời để giải thoát cho bản thân.

PV: Vậy xin bà cho biết tầm ảnh hưởng của gia đình, nhà trường đến sức khỏe tâm thần của trẻ?

Vai trò của gia đình và nhà trường đến sức khỏe tâm thần của trẻ là rất quan trọng, bởi hoạt động của một đứa trẻ chủ yếu là học tập và vui chơi. 

Nếu như ở nhà các bạn ấy có một gia đình mà mọi người chia sẻ, cởi mở với nhau thì những câu chuyện lúc này rất dễ dàng để giải tỏa. Ngược lại, nếu không có sự chia sẻ thì dần sẽ trở thành cái thùng rác lâu ngày bị tích tụ mà không có ai xử lý, đổ nó đi cả. Đến một ngày nào đó, khi đã đầy, nó sẽ bùng nổ, phát tiết ra ngoài. Từ đó dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát. 

Còn ở trường học, nếu như trẻ đến trường có một môi trường an toàn và lành mạnh, được thầy yêu bạn mến, các bạn sẽ thoải mái khám phá và học tập. Chắc chắn những câu chuyện đau thương như tự tử do áp lực học đường sẽ không còn tồn tại nữa.

Một buổi tư vấn sức khoẻ tâm thần học đường của Viện tâm lý Viện Pháp (Ảnh: Thanh An).
Một buổi tư vấn sức khoẻ tâm thần học đường của Viện tâm lý Viện Pháp (Ảnh: Thanh An).

PV: Dấu hiệu nhận biết con em mình đang có những rối loạn về tâm lý?

Dấu hiệu để biết con em mình đang có rối loạn về tâm lý đó là những thay đổi trong hành vi. Trẻ sẽ có những hành vi bất thường, ví dụ: thường ngày con ăn uống rất tốt nhưng vài tháng trở lại đây con có  biểu hiện chán ăn, bỏ ăn; thay đổi về giấc ngủ; dễ dàng nóng giận; thu mình lại không thích giao tiếp xã hội nữa. Cha mẹ là những người ở gần với con nhất, nắm được những sở thích, thói quen của con nên chỉ cần để ý một chút sẽ nhận ra những bất thường ở con. 

Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta thấy có biểu hiện lạ một chút là đã phán đoán ngay rằng con đang gặp rối loạn tâm lý. Các bậc phụ huynh cần tỉnh táo để có những phân biệt rõ ràng, vì có thể đó chỉ là một sự thay đổi nhỏ về mặt tâm lý của con trong giai đoạn dậy thì hay chuyển cấp.

PV: Nếu như nhận thấy những dấu hiệu rối loạn tâm lý của con thì gia đình phải có những giải pháp gì, thưa bà?

Các bậc phụ huynh cũng không cần phải quá lo lắng khi thấy con có một thay đổi bất thường. Điều cần làm là hãy bình tĩnh, quan sát. Nếu nhận thấy những dấu hiệu cho là bất bình thường nhưng chưa có đủ chuyên môn để chắc chắn thì hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý, những nhà tham vấn tâm lý hay những bác sỹ khoa tâm thần tại các bệnh viện. Họ là những người có chuyên môn để giúp bạn xác định vấn đề tâm lý của con. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần sự kiên trì để cùng con vượt qua thời kỳ khó khăn đó.

PV: Làm thế nào để có thể nhận diện, chẩn đoán và chăm sóc sức khỏe tinh thần trong nhà trường?

Để nhận diện những vấn đề về tâm lý của trẻ trong trường học, ta sẽ nhờ vào các thầy cô, đặc biệt là cô chủ nhiệm - người có nhiều thời gian gần gũi với trẻ ở trường. Tất nhiên, trong đánh giá sẽ không chỉ đánh giá từ một phía. Để làm đánh giá lâm sàng, họ sẽ thử nghiệm trên chính bạn học sinh đó. Sau đó phỏng vấn bố mẹ, thầy cô và cả những bạn bè trong lớp của trẻ. Tuy nhiên, để những người đầu tiên phát hiện ra những dấu hiệu bất thường ngoài bố mẹ thì sẽ là thầy cô ở trường. Các thầy cô sẽ kết hợp với phòng tham vấn để giúp đỡ một cách tốt nhất về mặt tinh thần cho các con. 

Mặt khác, các thầy cô nên trang bị những kiến thức về tâm lý. Tôi nhận thấy rằng không phải thầy cô nào cũng nhận thức đúng về việc trẻ đang gặp vấn đề về tâm lý là như thế nào. Một số thầy cô cứ thấy bạn này nghịch hay hư mà thầy cô không nhắc được thì xác định rằng không ai có thể dạy nổi. Biện pháp cuối cùng là đưa trẻ xuống phòng tham vấn tâm lý. Tức là đối với họ, phòng tham vấn tâm lý giống như nơi để nhận hình phạt cuối cùng. Điều này khiến cho các bạn nhỏ nhận thức sai lệch về phòng tham vấn. Từ đó các bạn sẽ có một cái nhìn không tích cực, dẫn đến quá trình tham vấn không hiệu quả.

Ngoài học sinh, các bậc phụ huynh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hành trình tâm lý của con trẻ (Ảnh: Thanh An).
Ngoài học sinh, các bậc phụ huynh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hành trình tâm lý của con trẻ (Ảnh: Thanh An).

PV: Một hai năm gần đây, các trường học đã mở phòng tư vấn, chăm sóc tâm lý học đường. Theo bà, đâu là những khó khăn của nhà trường?

Hiện tại ở Việt Nam đang đề xuất trong các trường học sẽ có một vị trí cán bộ tham vấn tâm lý. Chúng ta cũng đang từng bước trong quá trình hiện thưc hiện hoá điều này. Song, không phải trường học nào cũng có một biên chế nhất định để tuyển cán bộ hay mở phòng tham vấn tâm lý. 

Bên cạnh đó, để mở một phòng tham vấn tâm lý đạt chuẩn, ngoài người có chuyên môn, chúng ta cũng cần có điều kiện về cơ sở vật chất. Từ vị trí của căn phòng, cách bài trí trong phòng để tạo cho học sinh cảm giác đây không phải 1 phòng học, không phải nơi con sẽ bị phạt mà nó đúng là nơi để con chia sẻ những khó khăn của mình. 

Một điều nữa, có nhiều thầy cô, nhiều bậc phụ huynh chưa hiểu rõ ở phòng tham vấn tâm lý các cán bộ phụ trách sẽ làm gì nên nhiều khi các cán bộ tham vấn tâm lý cũng gặp những khó khăn nhất định.

PV: Nhiều phụ huynh cho rằng: “Các phòng tư vấn tâm lý học đường ở trường học hiện nay hầu như chỉ hoạt động cầm chừng, cho có”. Là một thạc sĩ chuyên ngành tâm lý bà suy nghĩ như thế nào về ý kiến này?

Thực ra, hiện tại các trường học có phòng tham vấn tâm lý, tôi đánh giá là hoạt động đều, khá tốt. Còn lại, ở những trường chưa có thì thường các thầy cô làm công tác Đoàn/Đội kiêm nhiệm nên không đạt hiệu quả cao. 

Tuy nhiên đến hiện tại chúng ta hoàn toàn có những căn cứ, những cơ sở nhất định để có một niềm tin vào việc: chỉ trong một vài năm tới, công tác tham vấn tâm lý học đường sẽ phổ biến hơn và các bạn học sinh sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn từ dịch vụ này.

Xin chân thành cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN