"Tết này không còn xa nửa vòng trái đất"
(Sóng trẻ) - Nằm dài trong ánh sáng lờ mờ của đèn đường lối sau khu chung cư ở trọ, tôi hát nghêu ngao mấy câu trong bài Home của Chris Daughtry: "Tôi đang về nhà, về nơi tôi thuộc về, nơi mà tình yêu em dành cho tôi luôn luôn đủ đầy... Tôi không hối tiếc cuộc sống này của riêng mình. Chỉ là những chốn này và những gương mặt này đã quá cũ kĩ. Nên tôi quay về... vậy thôi."
Khi cuộc sống xoay vần mãi giữa chỗ làm và nhà trọ; khi cả tuần không thấy nổi mặt trời giữa mấy tháng mùa đông đêm dài đằng đẵng; và khi nhận ra mình đang loay hoay mãi với một mớ hỗn độn mưu sinh, thiếu hẳn đi cuộc sống; thì niềm vui lớn nhất của lũ sinh viên cách quê 15 tiếng đồng hồ là dành dụm đủ tiền để quay về.
Những bất đồng bạn bè, bị chủ ăn hiếp, cuộc sống thiếu thốn cùng mấy cơn bệnh một mình sẽ dễ tan ra trong vòng tay Mẹ. Những mảnh tâm lý hỗn độn và những nỗi nhớ quay quắt sẽ nguôi đi nhanh khi đứng trước Cha và đứa em lớn xác nhưng vẫn quá nhiều thơ dại.
Không liều thuốc nào công hiệu bằng hơi ấm gia đình. Cho nên nhịn ăn bớt cả năm và làm thêm dài giờ để dành dụm vài ngàn đô tiền về cũng bớt cực nhọc hơn.
Cuối cùng thì tôi cũng thấy mình đứng ở cửa cách ly ở sân bay. Vòng tay ôm siết một cái ôm chia sẻ, cảm thông cho những đứa ở lại. Mặt ráo hoảnh nụ cười, nhưng trong lòng ít nhiều nước mắt ngắn dài. Thằng em cười cười cầm máy ra chụp ảnh "thời sự", mà rồi rối bời cảm xúc nên quên mất cả lấy máy ra khỏi cặp. Con em buồn xo, vốn ít nói lại càng ít nói hơn. Đứa khác mới về thì ước thời gian dài thêm một chút, hay chí ít có thể đu theo người đang lên máy bay, để trải thêm chút thời gian hạnh phúc ở nhà, và nối thêm chút yêu thương mới chớm.
Chính tôi đã không ít lần cũng đứng ở cửa cách ly, nhưng là người đứng lại vẫy tay chứ không phải người bước qua cửa. Tôi hiểu rất rõ mớ cảm xúc hỗn độn tiễn bạn về quê. Một chút hụt hẫng, ngậm ngùi. Một chút ganh tị, so sánh. Và một chút chán nản nghĩ đến sáng mai vẫn phải thức dậy nhìn sương đóng trắng lá cây mà đi làm, đi học. Cái lạnh không chỉ từ nài vào mà ít nhiều từ trong ra. Áo ấm nào che nổi?
Chẳng trách sao chúng nó mơ thấy chính chúng nó kéo vali đi vào. Thấy đang đứng ở nhà cười cười, nói nói với người thân. "Con biết không về Mẹ chờ, em trông. Nhưng nếu con về bạn bè thương mong." Thương mong mình thì ít mà thương mong gia đình chúng nó thì nhiều.
Cứ có Tết là có đứa phải đi tiễn đứa khác về nhà. Rồi sẽ thay phiên, nhưng vẫn cứ bùi ngùi...
Ngồi trên máy bay, thấy mình ra khỏi dải đất sáng rực trong đêm của xứ người, tôi mới thực sự cảm thấy mình đang thoát khỏi guồng quay cuộc sống mưu sinh. Thành phố nhìn trên cao xa hoa là mấy, thì lũ sinh viên xa nhà sống trong nó lại càng lăn lộn với cuộc sống bấy nhiêu. Và sau gần hai mươi tiếng, mãi khi thấy được bóng máy bay in nghiêng vụt ngang qua mấy mảnh cánh đồng và mái tôn xí nghiệp quê mình, tôi mới cảm giác rõ mình đã về nhà.
Cái nóng và mùi bùn xộc vào lối ra máy bay mới dễ chịu đến lạ. Tiếng nói Việt Nam từ một người xa lạ mới dễ nghe làm sao. Gương mặt Mẹ và em cười tươi rói, hạnh phúc. Đây là Nhà!
Sinh viên du học hay nghe nói một câu quen thuộc: "Ở bên này lâu, riết rồi cũng hết muốn về Việt Nam." Tôi giãy nảy lên phản đối. Tôi thấy tình cảm mình dành cho Việt Nam vẫn đong đầy sau ngót nghét năm năm đi xa. Tôi không tin.
Nhưng về nhà tôi lại thay hình đại diện Facebook là gương mặt Nobita đang khóc. Mọi người hỏi sao Nobita về Việt Nam mà lại buồn. Tôi trả lời đùa: "Lâu ngày về gọi Suneo ko bắt máy. Giant ở nhà cho con bú. Doraemon suốt ngày đi với người yêu. Gia đình Shizuka phản đối..."
Mới mấy năm mà mọi người thay đổi quá nhiều. Mấy đứa sinh viên chở nhau nài đường không còn ngang lứa tôi như ngày nào nữa. Ngang lứa tôi bây giờ là mấy anh mặc quần tây, áo sơ mi đóng thùng đi làm, và mấy cô tay bế con nhỏ, nặng nề bụng bầu đi lại dưới phố. Bạn thân một thời chia nhau từng trái xoài hái trộm, giành nhau từng miếng nước ngọt rót ra bịch nilon căn tin bán 500 đồng, nay đã xa nhau cả. Mỗi đứa mỗi cuộc sống, công việc riêng, bạn bè riêng. Ngay cả mấy đứa ở cùng cái thành phố bé xíu mười mấy cây số dọc và mười mấy cây số ngang, cũng chả biết nhà nhau.
Nuối tiếc dâng đầy kỉ niệm cũ. Miền kỉ niệm chỉ có thể chụp vào trong kí ức. Chỉ vì cảnh xưa cũng bị người ta dẹp đi đâu mất dấu. Không còn xoài, trứng cá. Không còn phở chui, hủ tíu chay sâu trong chợ. Bánh khọt khô khốc, cháo lòng mất tăm. Cả trường cũ cũng thay tên, đổi thầy. Nhà cũ cũng dọn sạch cây, để dành chỗ nhét vào một khối sắt thép di động cũ kĩ, vuông vức.
Ly cà phê bảy ngàn bây giờ đã hai mươi mấy. Tô bánh canh mười ngàn thì giờ đã ngót nghét ba mươi. Đi xe bị quẹt, mình tự xin lỗi thì bị nhìn như người trời rớt xuống. Đi chợ mua đồ, mình nói cảm ơn thì họ khúc khích cười.
Không cảnh, không người quen. Tết không có nhiều hoa, nhà không có mùi Tết, và phố chẳng mò đâu ra chút hương vị Tết Việt. Đâu đâu cũng giăng đầy bánh kẹo nại nhập, cùng cuộc đua biếu chác, chạy chọt. Cuộc sống đang lên mà sao tình người cứ càng chai sạn.
Ở bên kia, người ta thèm Tết Việt bao nhiêu, những ánh mắt sáng lên khi ngồi hàn huyên về Tết Việt bao nhiêu, thì ở nhà, Tết Việt lại càng hao hao giống những ngày Tết xa xứ bấy nhiêu. Chỉ là người ta tự vui, tự sướng với kỉ niệm và những hình ảnh cũ kĩ năm nào cũng lôi ra ngắm lại trong đầu mình. Thế thôi. Đã vậy còn có người đòi bỏ Tết Ta mà ăn Tết Tây. Chạy mãi theo đời sống thực dụng mà không mệt?
Giá ngày xưa tôi biết chụp ảnh như bây giờ, tôi đã kịp lưu lại kí ức mình rõ rệt hơn. Bây giờ có lẽ muộn. Nhưng thứ này tôi đã không còn thuộc về thì chụp lại có còn ý nghĩa chi.
Hôm qua có người lang thang tìm những chốn cũ và liên lạc những con người cũ. Xóa bài Home của Chris Daughtry ra khỏi máy nghe nhạc... Vì Tết này không còn xa nửa vòng Trái Đất. Vì được ngồi gói bánh chưng, mãn nguyện nhìn nụ cười của ba mẹ. Và hơi ấm gia đình sẽ là ca khúc ngọt ngào trọn vẹn nhất.
Đào Lê Nguyễn
Du học sinh ĐH British Columbia Institute of Technology, Canada.
Cùng chuyên mục
Bình luận