Tham gia hội đồng trường: Sinh viên nói gì?
(Sóng trẻ) - Một trong những điểm mới gây tranh cãi trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung là quy định sinh viên bắt buộc phải nằm trong Hội đồng trường.
Theo Bộ GD-ĐT, quy định này nhằm tạo điều kiện cho sinh viên – đối tượng vừa là “khách hàng”, vừa là “sản phẩm” của trường đại học có thể phản biện hoặc góp ý về các chiến lược phát triển của nhà trường.
Dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung quy định sinh viên bắt buộc phải nằm trong Hội đồng trường
Cho rằng sinh viên vào HĐT là hoàn toàn hợp lý với thực tế, sinh viên Phạm Thế Hưng, Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất một số ý tưởng: Thứ nhất là tỉ lệ sinh viên tham gia vào HĐT phải đủ để đại diện đó thực sự có tiếng nói trong Hội đồng. Thứ hai, đại diện sinh viên bắt buộc phải được thành lập và tổ chức có tính độc lập với các thành phần khác trong HĐT và với Nhà trường, phải tự chủ và không nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng, chịu áp lực từ Nhà trường.
"Có như vậy, quy định phải có đại diện của sinh viên tham gia vào HĐT mới thực sự đem lại giá trị trong thực tế" - Thế Hưng khẳng định.
Còn Phạm Trà My, cựu sinh viên Học viện Quản lý Giáo dục, thừa nhận rằng số lượng sinh viên hiểu được tầm nhìn, sứ mệnh và chiến lược của nhà trường chiếm tỷ lệ rất thấp. Tuy nhiên, các trường không được phép phủ nhận và đánh giá thấp vai trò và ý kiến của sinh viên.
“Điểm mấu chốt là phải tạo ra các hạt nhân là các sinh viên tiêu biểu, có tiếng nói, có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng sinh viên. Những hạt nhân này sẽ giúp nhà trường hiểu được tâm tư sinh viên, đồng thời giúp sinh viên cùng trang lứa hiểu được những định hướng của nhà trường”.
Theo Trà My, việc chọn ra được những sinh viên thực sự phù hợp là điều quan trọng
Phạm Điệp Anh, Chủ tịch Hội sinh viên Trường ĐH Nại Thương, cũng đưa ý kiến: “Cá nhân tôi cho rằng sinh viên nên có quyền tham gia vào HĐT vì đây là thành phần quan trọng nhất của trường đại học. Đặc biệt, khi các trường bắt đầu thực hiện tự chủ, việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của sinh viên sẽ giúp nhà trường đưa ra các chiến lược đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình chung”.
Theo Điệp Anh, ở các nước phát triển, Hội sinh viên giữ một vai trò rất quan trọng trong việc thu thập ý kiến sinh viên, phản ánh kịp thời với nhà trường. Trong khi ở Việt Nam, Hội sinh viên hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Những vấn đề của sinh viên chỉ được cập nhật qua các diễn đàn, buổi thảo luận thường được tổ chức 2 lần/ năm, hoặc thông qua việc chủ tịch Hội sinh viên tham mưu cho Ban giám hiệu. Song đó là một quá trình mất nhiều thời gian và không cập nhật.
Để sinh viên tham gia HĐT hiệu quả, nữ sinh này đề xuất, đại diện sinh viên tham gia HĐT phải là người chịu trách nhiệm về phong trào sinh viên (Bí thư Đoàn Thanh niên/ Chủ tịch Hội Sinh viên trường) để tránh thông tin chồng chéo.
Thúy Nga