Thăm làng Quan họ cổ Hoài Trung (Kỳ 2): Sáng làm nông, tối làm nghệ nhân

(Sóng trẻ) - Quan họ Hoài Trung mang trong mình chiều sâu lịch sử, lưu giữ những câu chuyện xưa đậm giá trị nhân văn, cùng với đó là sự bảo tồn những phong tục truyền thống của Quan họ cổ. Người dân nơi đây nổi bật bởi sự tinh tế, nhã nhặn và đằm thắm, luôn trân quý cái nghĩa, cái tình trong từng cử chỉ, lời nói.

Sáng làm nông dân tối làm nghệ nhân

​​Giống như bao làng Quan họ khác, Quan họ Hoài Trung cũng từng phải lắng lại trong những năm tháng chiến tranh, nhường chỗ cho những nỗi lo toan của sản xuất và chiến đấu. Tuy nhiên, dòng chảy của Quan họ nơi đây chưa bao giờ ngừng tuôn, hòa vào máu thịt của các liền anh, liền chị, và dù năm tháng trôi qua, nó vẫn vẹn nguyên, không hề phai nhạt.

Từ những ký ức còn vẹn nguyên, những câu Quan họ cổ được truyền lại qua bao thế hệ nghệ nhân cao tuổi, và chính từ tình yêu, niềm đam mê với câu Quan họ của các thế hệ kế tiếp, làng Quan họ Hoài Trung ngày nay vẫn giữ vững được dòng chảy của một làng Quan họ gốc, nổi tiếng từ bao đời. Với sự góp mặt của nhiều thế hệ liền anh, liền chị, Quan họ Hoài Trung luôn là nơi thu hút bạn bè từ khắp nơi tìm đến để giao lưu, ca hát, và học hỏi những câu hát hay của làng.

49eebab6-92f9-495a-acfb-bc96bc259bc5.jpg
Một buổi tái hiện canh hát truyền thống của CLB Quan họ Hoài Trung. Ảnh: D.Đ.T.

Các nghệ nhân thường nói về niềm say mê của mình bằng những câu như "bỏ công bỏ việc" để đi chơi Quan họ, hay "làm gì cũng hát Quan họ". Như cố nghệ nhân Dương Thị Tiếp, dù cuộc sống hàng ngày phải vất vả lo toan, có lúc là bán khoai, hái dâu hay nuôi tằm, nhưng mỗi khi được mời hát, dù xa đến đâu, cụ cũng sẵn sàng bỏ công việc mà đi. Có lần, khi đang hái dâu, cụ nhận tin các anh ở Diềm mời lên Xà Ngọt hát, định bỏ ngay để chuẩn bị, nếu không có các chị em cùng bọn giúp hái, thì tằm hôm đó đã không được chăm sóc.

Những ngày tháng Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh về Hoài Trung để học từ các nghệ nhân, họ không chỉ tham gia sinh hoạt văn hóa mà còn cùng bà con làm ruộng, phát triển kinh tế. Chỉ đến tối, khi công việc đã xong, họ mới trải chiếu ngoài đình để học hát Quan họ. Các nghệ sĩ nổi tiếng như Thúy Cải, Thúy Hường cũng đã từng đến đây và được các nghệ nhân như Dương Văn Quyến, Dương Thị Tiếp trực tiếp truyền dạy.

Bài hát Quan họ nổi tiếng "Ruộng năm sào" được NSND Thúy Cải hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1976 cũng chính là học từ làng Hoài Trung: "Ruộng năm sào ai cấy người gặt/ Em qua bờ em ngắt một bông/ Gié lúa vàng nấu cơm càng dẻo/Bông Sói vàng càng héo càng thơm…".

Nghệ nhân Dương Thị Tiếm vẫn còn nhớ những buổi tối, mấy chị em trong làng quây quần, trải tấm chiếu ngồi chuyện trò với nhau. Những câu chuyện cứ thế trôi qua, rồi lại nối tiếp bằng những câu Quan họ, lời ca ngân vang "mãi chẳng chán". Già Tiếm bảo, đó là còn ít, vì các cụ ngày xưa hát canh không chỉ đến tận đêm khuya mà có khi kéo dài cả mấy ngày, không hề thấy mệt mỏi.

Nghệ nhân Dương Thị Tương, chị gái nghệ nhân Dương Thị Tiếm, năm nay cũng đã bước sang tuổi 90. Cụ phấn khích chia sẻ cái niềm say mê với Quan họ và quãng thời gian câu dân ca Quan họ trong quá trình khôi phục: "Thời xưa ham mê lắm anh ạ. Đi cấy đi cày trời rét buốt, nhưng cứ hát véo von, quên cả rét đấy! Tôi giờ thành người cổ rồi, chẳng nhớ được nhiều đâu. Nhưng vẫn nhớ cái năm bảy ba, bảy tư (1972-1973) thì phải, chị Thúy Cải về đây thì tôi cũng ra học cùng. Bấy giờ tôi cũng biết nhiều câu rồi, nhưng cứ ra học thêm".

Cụ Tiếm kể lại, trong những năm tháng nghèo khó, chẳng có gì ngoài câu dân ca, người ta hát chỉ để quên đi nỗi vất vả, để xua tan cái khó khăn mỗi ngày. Nhưng chính từ những lúc ấy, câu Quan họ ngấm vào lòng, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, chẳng thể nào quên.

68dbda2a-d964-41b4-a917-9abcfdaf3521.jpg
Tình yêu say mê Quan họ ở Hoài Trung được tiếp nối từ đời này sang đời khác. Ảnh: D.Đ.T.

Ngày nay, CLB Quan họ Hoài Trung vẫn duy trì được ngọn lửa ấy, với đủ mọi thế hệ, từ trẻ em đến người già. Mỗi người đều có công việc riêng, nhưng hễ khi có việc liên quan đến Quan họ, họ lại trở thành những nghệ nhân, cần mẫn luyện tập và trang trọng trong trang phục.

Ông Nguyễn Thành Mạnh, nguyên Chủ tịch UBND xã Liên Bão, nay đã nghỉ hưu nhưng vẫn là một liền anh của CLB Quan họ Hoài Trung. Ông tự hào khoe với chúng tôi những cuốn tài liệu học hát Quan họ, trong đó có cả những cuốn ông tự tay chép. Với ông, Quan họ Bắc Ninh không chỉ là di sản văn hóa, mà còn là niềm tự hào sâu sắc về quê hương Hoài Trung, nơi sinh ra những làn điệu Quan họ nức tiếng.

Ông cũng tự hào vì chính ông hiện tại được học Quan họ, hát Quan họ: "Từ lúc tôi sinh ra cũng đã được ông bà và mẹ truyền dạy cho những câu Quan họ. Thời trẻ đã phục vụ cho đất nước, tới giờ nghỉ hưu tôi lại được mang những câu ca Quan họ phục vụ cho bà con. Về hưu cũng là một điều rất thuận lợi cho tôi để nghiên cứu, tìm hiểu. Có những bài ca từng thất lạc nhưng khi tìm lại được và hát lên thì thấy quá hay. Tôi cảm nhận được những lời ca ấy đi vào lòng người, rất tình cảm, tình tứ. Câu Quan họ đi sâu vào trong tâm thức tạo cho tôi cái nếp từ lời ăn tiếng nói rất tốt đẹp để truyền lại cho con cháu sau này".

Đậm nghĩa tình nhân văn Quan họ

Chuyện Quan họ có thể kể suốt tháng suốt năm mà vẫn không hết, nhưng nghe mãi vẫn không biết chán. Các liền anh, liền chị Hoài Trung cứ thế say sưa chia sẻ với tôi về cái tình nghĩa sâu sắc của người Quan họ: "trọng nhau vì nết, mến nhau vì tình, và say nhau bằng câu ca." Những lời hát ấy không chỉ đơn thuần là âm thanh, mà là sự gắn kết, là nguồn sức mạnh tinh thần nâng đỡ những tâm hồn mộc mạc, chân thành.

Anh Thắng ngân nga câu hát: "Trong tứ trấn người đà chưa tỏ/ Ngoại năm thành chỉ có Bắc Ninh/ Yêu nhau trở lại xuân đình/ Nghề chơi Quan họ có tinh mới tường".

"Phải tinh mới tường, phải am hiểu sâu sắc về Quan họ mới thấm cảm đầy đủ vẻ đẹp tinh túy, cái sang trọng, lịch lãm của một lối chơi văn hóa hết sức công phu", anh Thắng nhấn mạnh.

7f88f8eb-a9be-458b-bfd5-fce8b20b3ffb.jpg
Người Quan họ trọng nhau vì nết, mến nhau vì tình và say nhau bằng câu ca. Ảnh: D.Đ.T.

Ngày xưa, thời phong kiến, trai gái trong làng không được phép kết thân. Thế nhưng, vào những ngày hội làng ở xứ Kinh Bắc, nam nữ lại có dịp quây quần bên nhau, tham gia vào nhiều hoạt động cộng đồng. Đặc biệt trong Quan họ, quy tắc là nam Quan họ của làng này phải kết bạn với nữ Quan họ của làng kia mới có thể cùng nhau ca đối đáp. Các anh hai, chị hai không chỉ được phép kết bạn thân thiết mà người phụ nữ trong Quan họ cũng luôn được tôn trọng và coi trọng, là một phần không thể thiếu trong nét đẹp văn hóa ấy.

Trong xã hội phong kiến ấy, đình làng là không gian mà quyền lực của nam giới được tôn vinh, và đàn bà con gái thường chỉ có thể vái vọng từ xa. Tuy nhiên, trong nghi thức ca thờ Quan họ, các liền chị lại được vinh dự "rước" vào để làm lễ và ca hầu thánh. Các liền anh Quan họ luôn xưng hô với các liền chị không phải bằng "em" hay "cô", mà là "chị hai", "chị ba", "chị tư", hoặc bằng những lời gọi trìu mến như "người ngoan", "người ơi", "Quan họ ơi". Mối quan hệ giữa họ luôn thể hiện sự tôn trọng và khiêm cung, với cách xưng hô "anh em chúng em", kèm theo những lời thưa gửi, dạ vâng lễ phép.

Đó chính là tinh thần nhân văn đặc trưng của Quan họ. Đặc biệt, tại làng Hoài Trung, những câu chuyện về nghĩa tình và nhân văn trong Quan họ cũng đầy ắp. Một trong những câu chuyện nổi bật mà tôi được nghe là về thân mẫu của hai nghệ nhân Dương Thị Tiếm và Dương Thị Tương, cụ Nguyễn Thị Tương (còn gọi là cụ Tư), một nghệ nhân Quan họ danh tiếng một thời.

Liền anh bạn Quan họ của cụ Tư, cụ Lý Hoạch người làng Diềm, là một tấm gương sáng về tình nghĩa bạn bè trong Quan họ. Để người bạn của mình có thể yên tâm lên Diềm chơi Quan họ vào ngày hôm sau, cụ Hoạch đã không ngần ngại đánh trâu, vác cày đi suốt một đoạn đường dài từ Diềm đến Hoài Trung. Trong một đêm, cụ cày xong thửa ruộng cho cụ Tư, rồi lại vác cày, đánh trâu trở về Diềm khi trời vừa sáng. Sáng hôm sau, khi cụ Tư ra ruộng, ngỡ ngàng khi thấy ruộng nhà mình đã được cày xong, ngay ngắn, tươm tất. Và chẳng còn lý do gì để cụ không cùng chị em lên Diềm, hòa cùng những câu hát Quan họ đầy tình nghĩa.

ff51cf80-42a7-4b32-8e30-51c6e492a286-1.jpg
Chân dung nghệ nhân Dương Văn Quyến - người có công truyền dạy cho Đoàn Quan họ Bắc Ninh năm 1972-1973. Ảnh: D.Đ.T.
 

Một câu chuyện khác mà tôi được nghe về thời kháng chiến, chính là của cụ Dương Văn Quyến, ông nội của anh Dương Đức Thắng. Những năm 1946-1954, giống như bao liền anh khác, cụ Quyến tham gia bộ đội địa phương và bị bắt giam ở Hòa Bình, nơi cụ phải đi khai thác đá. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh gian nan đó, cụ vẫn luôn giữ vững niềm tin vào tương lai, cất cao câu Quan họ để động viên đồng chí, đồng đội cùng cảnh ngộ.

Viên cai ngục nghe thấy và mê mẩn trước những lời ca. Dần dần, hắn không bắt cụ đập đá nữa mà yêu cầu cụ hát cho hắn nghe. Cụ chia sẻ với viên cai ngục về cái nghĩa tình, sự gắn kết trong Quan họ. Chính nhờ sự chân thành ấy, dù bị tù 10 năm, nhưng chỉ sau 7 năm, cụ đã được thả về, mang theo một tấm lòng đầy ắp tình người.

 

 

 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN