Thầy giáo trẻ đam mê làm từ thiệ
(Sóng trẻ) - Hơn ba năm làm từ thiện, với hàng chục chuyến đi đến các nẻo đường trên mọi miền Tổ quốc, thầy giáo trẻ Trần Đại Dương (1992) đã trao những phần quà vô cùng ý nghĩa đến các em học sinh nghèo và những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp họ có thêm niềm tin trong cuộc sống.
Hiện đang công tác tại trường THCS Tân Sơn, huyện Lục Ngạn - một trong những huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, thầy Đại Dương hiểu rõ nỗi vất vả của những hộ gia đình nghèo và hành trình đi kiếm con chữ đầy cực nhọc của các em học sinh nơi đây. Đó cũng chính là động lực lớn nhất thúc đẩy thầy cùng những người bạn của mình gạt hết những bộn bề, lo toan trong cuộc sống để đến và sẻ chia với những mảnh đời còn nhiều thiệt thòi.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học, thầy Đại Dương không ngừng phấn đấu để theo đuổi đam mê của mình. Tốt nghiệp THPT, anh theo học khoa Xã hội – Nhân văn tại Đại học Sư phạm Thái Nguyên và hiện nay đã trở thành một nhà giáo, gieo con chữ đến những học sinh nghèo tại huyện miền núi xa xôi của tỉnh nhà. Do theo học và giảng dạy chuyên ngành Địa lý nên anh rất thích đi du lịch, khám phá và trải nghiệm nhiều vùng đất mới, tìm hiểu văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng cao. Cũng từ những chuyến đi đó, anh đã chứng kiến cuộc sống còn nhiều éo le, khổ cực của những mảnh đời thiệt thòi. Anh ấp ủ một kế hoạch cho riêng mình, đó là vận động các mạnh thường quân cùng chung tay ủng hộ những mảnh đời kém may mắn đó. Đến nay, kế hoạch của anh đã thực hiện được 3 năm. Mỗi năm từ 2 đến 3 lần, đoàn thiện nguyện gần 20 nhà giáo ấy đã mang những phần quà đầy ý nghĩa đến mọi miền đất để nước trao tặng cho những em học sinh vùng cao, những hộ gia đình nghèo khó.
Thầy Đại Dương (thứ ba từ phải sang) trao quà cho học sinh nghèo tại tỉnh Hà Giang
Đối với thầy Dương, được san sẻ gánh nặng với những người đang gặp khó khăn là một niềm vui lớn trong cuộc đời. Anh kể rằng, có những chuyến đi xuyên ngày thâu đêm để kịp đến địa điểm trao quà cho người dân khiến cơ thể mệt mỏi rã rời. Thế nhưng khi tới nơi, nhận được sự đón tiếp nồng hậu của người dân, những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười rạng rỡ, rồi được tắm suối với dân bản, được tham gia sinh hoạt văn hóa với họ, thì bao nhiêu mệt mỏi cũng tan biến. Anh chia sẻ trong xúc động: “Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự, tự hào khi được mọi người tin tưởng và giúp đỡ thực hiện dự án này. Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những mạnh thường quân đã dang tay che chở những mảnh đời kém may mắn. Tuy chúng tôi mang quần áo đến ủng hộ để sưởi ấm cho các em học sinh và đồng bào vùng cao, nhưng chính những người đi thiện nguyện như chúng tôi lại thấy ấm lòng nhất.”
Thầy Dương trong một chuyến thiện nguyện tại vùng cao
Nói về những con người nơi bản làng vùng cao ấy, thầy Dương còn nhớ như in từng gương mặt trẻ thơ lấm lem bùn đất, từng ánh mắt vô tư hồn nhiên, từng nụ cười tươi rói của các em học sinh nghèo khi nhận được quà. Anh cũng nhớ rõ những khuôn mặt rạng ngời ánh lên niềm hạnh phúc của đồng bào vùng cao khi bắt tay cảm ơn anh. Và anh chẳng thể quên được anh Đình – một người dân ở bản Lùng Tám – Quản Bạ - Hà Giang, với đôi mắt rưng rưng, đôi tay gầy guộc bấu chặt lấy cánh tay anh nghẹn ngào: “Thay mặt đồng bào, cảm ơn em và đoàn thiện nguyện đã mang hơi ấm đến rẻo cao này.”
Có lẽ, đối với thầy Dương, món quà lớn nhất trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay không phải những bó hoa rực rỡ, mà chính là những nụ cười rạng rỡ khi được cắp sách tới trường của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đó chính là nguồn động lực mạnh mẽ nhất để anh và nhóm thiện nguyện của mình tiếp tục công việc vô cùng ý nghĩa ấy cho đến ngày hôm nay và nhiều năm sau này…
Nguyễn Ngọc Mai
Báo chí đa phương tiện K33
Cùng chuyên mục
Bình luận