Thêu Bình Lăng trước nguy cơ bị mai một

(Sóng trẻ) - Giống như nhiều làng nghề truyền thống khác tại nước ta, làng nghề thêu truyền thống Bình Lăng (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) cũng đang đứng trước nguy cơ bị mai một đi bởi nhiều lý do.

Thiếu lao động trẻ nối nghề

Hiện nay, tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động trẻ ở Bình Lăng đang ở mức đáng báo động, nhiều cơ sở thêu truyền thống phải đóng cửa do không có lao động dù vẫn có đơn đặt hàng.

Theo ông Nguyễn Văn Nam - trưởng thôn Bình Lăng cho biết thì tình trạng thiếu nhân lực trẻ tại đây đã xuất hiện vài năm nay nhưng càng ngày càng trầm trọng từ khi xuất hiện các cụm công nghiệp trên địa bàn như: Quất Động, Phụng Hiệp,…và chỉ có những người cao tuổi không đi làm ở đó được mới tiếp tục theo nghề thêu.

Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục, chủ xưởng thêu Dục Thành – một trong những xưởng thêu ít ỏi còn duy trì được tại Bình Lăng cho biết: “Hiện nay tại xưởng thêu của gia đình chỉ có 8-9 người, lao động chính vẫn là người trong nhà, chủ yếu trên 50 tuổi, nhiều khi có đơn hàng mà làm không xuể. Vậy nên lao động thêu rất ít, chúng tôi rất cần lao động thêu”.

 

Lao động thêu tại Bình Lăng hiện tại chủ yếu là những người trung tuổi (Ảnh: Hoàng Huyền)

Cũng theo ông Dục, việc học thêu cần đầu tư rất nhiều thời gian, ít nhất là 6 tháng đào tạo mới có thể làm được các “sản phẩm hàng chợ” (sản phẩm giá rẻ, kém chất lượng – PV) nên nhiều người rất dễ nản chí và bỏ cuộc giữa chừng, không theo được. Lớp trẻ giờ theo thị trường, chỉ làm khi có lợi nhuận chứ không cố gắng làm nghề với mong muốn duy trì và phát triển như ông. 

Thu nhập không đủ trang trải cuộc sống

Tại xưởng thêu Dục Thành của nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục cũng như các xưởng thêu khác tại Bình Lăng, trung bình một người thợ thêu có tay nghề cao với kinh nghiệm trên 15 năm thì mức lương trung bình là 150.000/ngày, còn những thợ có tay nghề thấp hơn là 80.000 – 100.000/ngày.

“Thanh niên trong làng hầu hết đi làm ở các công ty trong cụm công nghiệp gần nhà với mức lương cao hơn gấp 2-3 lần đi thêu mà còn nhàn hơn nên chỉ có những người lớn tuổi ở nhà mới theo được nghề”, cô Vương Thị Hà (40 tuổi), thợ thêu của xưởng thêu Tuấn Dung (thôn Bình Lăng, xã Thắng Lợi) cho hay. “Hơn nữa việc duy trì nghề thêu hiện nay rất khó khăn vì lương thấp, không ổn định nên bây giờ ít ai mặn mà với cái nghề gọi là truyền thống này”, cô Hà chia sẻ thêm.

 

Thêu tay đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức nhưng thu nhập lại vô cùng thấp (Ảnh: Hoàng Huyền)

Cô Phùng Thị Hường (58 tuổi), thợ thêu đã có kinh nghiệm 40 năm trong nghề cho biết: “Chỉ làm thêm mỗi lúc nông nhàn vì lương thấp quá, mỗi ngày làm hơn 8 tiếng mà lương chỉ có hơn 2 triệu, cũng không đủ trang trải cuộc sống mà chỉ là nghề phụ kiếm thêm mỗi lúc nông nhàn, nhà tôi có hai người con nhưng cũng không ai theo được nghề truyền thống vì thu nhập bên nài cao hơn, thêu không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày”.

Công sức bỏ ra để có một sản phẩm thêu rất lớn nhưng thu nhập lại quá thấp khiến cho nhiều người, kể cả những người thợ lành nghề cũng cảm thấy chán nản và muốn bỏ nghề.

Cạnh tranh với thêu máy Trung Quốc, nan giải trong vấn đề tìm đầu ra

Vài năm gần đây, khi thêu máy xuất hiện thì tranh thêu truyền thống lại phải vất vả cạnh tranh với tranh thêu máy Trung Quốc ngay tại “sân nhà”. Nhiều cơ sở thêu và hộ gia đình tại Bình Lăng đã phải chuyển sang thêu máy để phục vụ nhu cầu của khách hàng, cũng như duy trì nghề và trang trải cuộc sống. Theo ông Nguyễn Văn Nam, trưởng thôn Bình Lăng: “Nếu thời kỳ vàng kim (từ năm 1987-2000) có 110/140 hộ thì giờ chỉ còn khoảng 4-5 hộ duy trì được, một số cơ sở khác đã chuyển sang thêu máy”.
 

Tranh thêu truyền thống phải cạnh tranh vất vả ngay tại “sân nhà” (Ảnh: Hoàng Huyền)

Tuy giảm được ngày công và giá thành sản phẩm nhưng tranh thêu máy thường có chất lượng thấp, giá trị sản phẩm không có và thậm chí làm mất cái hồn trong từng bức tranh thêu, mất đi giá trị truyền thống của làng nghề.

Là người có hơn 50 năm gắn bó và có nhiều đóng góp cho việc giữ gìn và phát triển nghề thêu truyền thống ở Bình Lăng, ông Dục trăn trở: “Có thời kỳ tôi phải đi từng nhà chào hàng, bớt khó khăn một chút thì thợ lần lượt nghỉ việc vì lương thấp, hai vợ chồng lại tiếp tục lặn lội ra Hà Nội tìm thị trường, phải vay vốn ngân hàng. Sau khi thương hiệu được gây dựng, việc kinh doanh đi vào ổn định một chút thì vài năm gần đây, tranh thêu dấu nhân Trung Quốc lại xuất hiện, tranh thêu truyền thống phải cạnh tranh rất vất vả”.

Thay vì sử dụng, thưởng thức những sản phẩm cao cấp, tỉ mỉ, chất lượng cao của thêu tay truyền thống thì khách hàng lại ưu tiên sử dụng những sản phẩm công nghiệp có giá thành rẻ hơn. Vậy nên việc mở rộng làng nghề và tìm đầu ra hiện nay là vô cùng khó khăn.

Chính sách có… nhưng chưa thực tế?

Đứng trước vấn đề nghiêm trọng này, các cấp chính quyền đã có những chính sách, chủ trương chung như tuyên truyền, hỗ trợ mở các trường nghề đào tạo miễn phí để thu hút lao động trẻ. Tuy nhiên, biện pháp này mới chỉ giải quyết được vấn đề ở mức độ nhất định nào đó chứ chưa thực sự đi vào thực tế vì những lớp học này chỉ có thời gian đào tạo 3 tháng mà đối với nghề thêu là quá ngắn. Theo ông Dục, người thợ được đào tạo ít nhất là 6 tháng mới cho ra được các “sản phẩm hàng chợ” thì 3 tháng chưa thể làm ra được một sản phẩm thêu hoàn chỉnh để bán ra thị trường. Đào tạo như vậy không thể tạo được ham muốn, niềm đam mê theo nghề nên nhiều học viên sau khi được đào tạo đều bỏ do thu nhập thấp, rất tốn thời gian, công sức và tiền bạc.

“Tại các hội thảo của xã và huyện tổ chức cũng đã đề nghị tạo điều kiện khai thác thăm quan du lịch để quảng bá cho khách hàng trong và nài nước biết tới làng nghề, mở rộng thị trường tiêu thụ. Vì sản phẩm bán ra nhiều sẽ làm tăng thu nhập của người thợ thêu tay. Từ đó có thể thu hút được nguồn nhân lực theo nghề và tiếp tục duy trì làng nghề truyền thống”, ông Nam, trưởng thôn Bình Lăng cho biết.

Làng nghề truyền thống là tài nguyên nhân văn, nét văn hóa đặc biệt của nước ta. Vậy nên, việc bảo vệ, duy trì và phát triển giá trị các làng nghề trước nguy cơ bị mai một như hiện nay cần được đặc biệt quan tâm và chú trọng.

Hoàng Huyền


Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN