Tiền Giang: Sơ ri Gò Công - Một hướng đi
(Sóng Trẻ) - Tiền Giang là “vương quốc trái cây” với hơn 50 ngàn ha cây ăn quả. Nhờ thiên thời, địa lợi và sự dày công của bà con nơi đây nên cây trái Tiền Giang luôn xanh tươi, trĩu quả, phục vụ tích cực cho nhu cầu thị trường trái cây trong nước và xuất khẩu. Trong đó, quả sơ ri ở Gò Đông được coi là sản vật có một không hai.
Huyện Gò Công Đông là một huyện nằm ở phía Đông của tỉnh Tiền Giang, nơi có diện tích trồng cây sơ ri tập trung nhất, ở các xã Bình Ân, Bình Nghị, Tân Đông và Long Thuận… Chỉ ở đây quả sơ ri mới mang đầy đủ hương vị chua ngọt đặc sắc mà không nơi nào so sánh được.
Hiện tại Gò Công có 2 giống sơ ri chủ yếu: Sơ ri ngọt và sơ ri chua, tuy nhiên giống sơ ri chủ lực được mệnh danh “Đặc sản Gò Công” là giống sơ ri chua. Sở dĩ là đặc sản vì chỉ ở Gò Công giống cây sơ ri này mới ra hoa, kết quả và trái cho mùi hương đặc trưng, trái nhỏ nhưng nhiều thịt.
Những năm trước, diện tích trồng sơ ri trên địa bàn nhỏ lẻ, không tập trung, sản xuất không theo quy trình đồng nhất, có những thời điểm sản lượng rất thấp, không đáp ứng cho nhu cầu thị trường. Vì vậy, Hợp tác xã sơ ri Bình Ân được thành lập vào cuối năm 2008 gồm 28 xã viên tham gia với 8 ha. Những năm trở lại đây, trái sơ ri được thị trường tiêu thụ mạnh, nhất là từ đầu năm 2010 đến nay giá cả ổn định, người dân yên tâm trồng mới, không còn cảnh trồng rồi đốn bỏ.
Hiện toàn huyện Gò Công Đông có 270 ha sơ ri, trong đó HTX sơ ri Bình Ân có 14,5 ha, số xã viên lên 77 người, tăng 6,5 ha và 49 xã viên so với ngày đầu thành lập. Hiện sơ ri đang có giá từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg nên xã viên an tâm sản xuất và phát triển diện tích sơ ri. Năm 2012, HTX đã thu mua gần 190 tấn trái, tổng doanh thu là hơn 800 triệu đồng/năm.
Bà Nguyễn Thị Bầu ngụ ấp Gò Me xã Bình Ân, xã viên hợp tác xã cho biết: “Từ trước tới nay, gia đình bà chỉ trồng sơ ri với 200 gốc. Từ khi vào HTX các xã viên được tạo điều kiện hướng dẫn kỹ thuật, tham gia các mô hình canh tác sơ ri để trồng có hiệu quả hơn. Nếu giá sơ ri ổn định như thế này thì thu nhập người trồng được nâng lên”.
Bà Nguyễn Thị Bầu thu hoạch sơ ri
Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết: “Cây sơ ri dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít bị sâu bệnh, mỗi năm cho trái khoảng 8 đợt, mỗi đợt trái cách nhau chỉ hơn tháng. Năng suất bình quân từ 2 đến 3 tấn trái/công/năm, mỗi hecta nhà vườn thu được vài chục triệu đồng. Đã có không ít hộ vươn lên khá giàu từ cây sơ ri, nhờ đó làm thay đổi bộ mặt nông thôn”.
Anh Nguyễn Văn Thông, Chủ nhiệm HTX sơ ri Bình Ân cho biết: “Hội viên được thường xuyên tham gia hội thảo về phòng trị ruồi đục quả, sản xuất theo hướng VIETGAP, ý thức trong việc sản xuất sơ ri an toàn và được hỗ trợ về phân bón, thuốc trừ sâu bệnh”.
Sơ ri tươi do người nông dân sản xuất ra được tập trung tại các điểm thu mua nhỏ, rồi phân loại sản phẩm chuyển đi phân phối các điểm lân cận. Anh Nguyễn Văn Dũng chủ điểm thu mua sơ ri tại địa bàn xã Bình Ân cho biết: “ Lúc cao điểm, cơ sở anh thu mua mỗi ngày từ 1,5 đến 2 tấn tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động nhàn rỗi ở địa phương”.
Đồng thời, góp phần vực dậy một ngành nghề mà xưa nay đã có nhưng chưa có cơ hội phát triển và giải quyết công ăn việc làm cho bộ phận lao động ở địa phương, tạo thêm đầu ra cho Sơ ri Gò Công và tăng thu nhập cho bà con.
Bên trong trái sơ ri mang rất nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C. Sơ ri được mệnh danh là “vua vitamin C”, rất tốt cho sức khỏe con người. Hiện nay, hợp tác xã đã chế biến và sản xuất mứt sơ ri và có một thị trường tương đối ổn định với mức tiêu thụ 100-200 hủ/tháng. Đặc biệt tết năm 2013 Hợp tác xã đã xuất đạt mức 1000 hủ/tháng, khách hàng chủ yếu là quen biết hoặc đã từng biết đến sản phẩm. Thị trường phân phối chủ yếu đa phần tại TP Hồ Chí Minh, tại Tây Ninh và xuất sang Campuchia. Nài ra, còn có nước ép, rượu sơ ri…
Tuy nhiên, để loại trái cây đặc sản này có thị trường ổn định thì vấn đề tiêu chuẩn trái an toàn, đạt chất lượng hợp vệ sinh đang là yêu cầu đòi hỏi nhà sản xuất quan tâm thực hiện. Do đó, việc đầu tư phát triển sơ ri sạch và an toàn theo tiêu chuẩn (Việt GAP) là vấn đề chính quyền địa phương quan tâm và cần được các nhà khoa học nghiên cứu hỗ trợ cho nông dân, nhằm đảm bảo chất lượng và đầu ra, mang lại giá thành cao, cải thiện đời sống người trồng sơ ri, có như vậy cây sơ ri mới phát triển bền vững.
Sơn Phước Tín
Lớp Báo chí Tiền Giang
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Cùng chuyên mục
Bình luận