Gấu con lon to

(Sóng Trẻ) - Ngôi nhà nhỏ xinh của Gấu con ẩn trong một khu rừng xanh mướt màu chè. Sáng nay Gấu con dậy thật sớm. Sáu giờ sáng. Quảy chiếc đòn gánh có treo hai chiếc xô màu lá trúc lên vai, bé tung tăng ra suối lấy nước.

Vừa đi, bé vừa ngẩng đầu nhìn trời. Cái mông béo ú ngúng nguẩy theo nhịp bước. Những làn mây bông mập mạp trắng hững hờ ôm lấy vòm trời mênh mông. Một lúc, thấy mỏi, Gấu con cúi xuống, lắc lắc cổ. Rồi lại ngẩng lên. Bé đang đợi mây tan, và trời xanh sẽ hiện ra.

Bé thích màu xanh, tất cả các màu xanh.

Con suối cách nhà một quãng, dài bằng ba lần cúi xuống ngẩng lên của bé Gấu. Nước trong xanh ngắt soi bóng những cây thông cao vút. Hàng cây chen nhau um tùm bên bờ suối. Gió buổi sáng mát rười rượi. Thông mùa này chưa có quả.

Gấu con ngồi xuống, chống cằm nhìn ngắm những viên sỏi cuội trong lòng suối. Bé nhặt một viên bám đầy rêu xanh sậm, tung lên trời. Viên sỏi bay lên xa tít, tưởng như mất hút trong khoảng không. Rồi rùng mình, quay trở lại, rơi một tiếng “bõm” trên mặt nước, chìm vào lòng suối. Những vòng tròn nước bé tí ti bắt đầu lan ra. Những vòng tròn có màu pha giữa màu trời và màu lá cây.

Hai chiếc xô đã đầy nước. Nước trong xô sóng sánh có ba màu xanh. Gấu con ì ạch bước. Mông cũng không cong lên được nữa. Gấu con thấy bụng mình núc ních theo từng nhịp bước. Ngó xuống, chỉ thấy hai chỏm chân tí xíu thòi ra sau vòm bụng tròn. Bé thút thít “Heo ơi, Gấu mập lên rồi!”

Lúc này mây vẫn chưa tan. Làn mây trắng đang dần ửng hồng, làm Gấu con nhớ đến đôi má của Heo con ngày xưa. Giống lắm nhỉ? Chợt, bé lắc đầu, “Không, không xinh bằng Heo con của Gấu”.

“Heo con của Gấu” hôm nay đến chơi.

Bé đã sắp sẵn mười hũ mật ong để dành cho dịp này. Mười chiếc hũ bé dùng màu nước tô xanh thẫm.

Hôm qua, Thỏ con bảo hũ màu xanh đựng mật màu nâu trông chả hợp chút nào. Cừu con cũng đế vào, lâu như vậy rồi, thẩm mỹ của Gấu vẫn chẳng tăng lên chút nào cả, Heo con sẽ chê cho mà xem. Cả Hươu con nữa, cứ rình lén dốc cả hũ mật của Gấu con vào bụng. Hươu cười hì hì, bảo Heo con đâu có thích mật ong. Gấu nạt “Nói bừa!”.

Cả đống hỗn lão đó đã bị Gấu con “Xùy, xùy” hết rồi.

Gấu con trải lên bàn một chiếc khăn mới màu côban lành lạnh. Vừa giặt hôm qua, vải khăn thơm phức mùi trà dịu mát. Bé vuốt nhẹ góc khăn bằng bàn tay ú ụ lông, “Heo ơi, chiếc khăn này trông thật thích mắt phải không?”.

Trên giàn thiên lý trước cửa nhà, Gấu con treo một hình trái tim tươi xanh kết bằng lá chè. Lá chè đầu mùa còn non mơn mởn. Dải dây ở đuôi trái tim thòng xuống vướng vào tai bé. Gấu con tính sửa, nhưng lại nghĩ, “Chắc chẳng sao, Heo con bé hơn Gấu con nhiều, sẽ không bị vướng đâu”.

Căn nhà ngăn nắp và tinh tươm. Chiều hôm qua, Gấu con đã hí hoáy lau lau, quét quét, cho đến sờ tay lên sàn nhà cũng không cảm nhận được một hạt bụi nhỏ. Hai xô nước đầy để ở phía sau vườn. Heo con đi đường xa hẳn sẽ mệt và bị bám bụi.

************

Lâu lắm rồi Heo con không quay lại khu rừng này.

Bé mang theo một nhánh hoa tuy líp. Cánh hoa vàng còn hơi non phảng phất màu xanh. Gấu con của bé thích màu xanh. Trong chiếc túi đan bằng len đeo trước cổ, bé để mười chiếc bánh rán gói trong giấy bóng màu xanh. Năm chiếc cho Gấu và năm chiếc cho Heo. Như ngày trước.

Bánh rán vùng Pimienta do Heo con làm, phết với mật ong của Gấu con dự trữ từ mùa xuân, sẽ thật tuyệt diệu.

Heo con khịt mũi thích thú. Gió nghịch ngợm chen qua những sợi len, cuốn theo mùi của những chiếc bánh ủ vani phảng phất trong không khí.

Heo con còn nhớ. Ngôi nhà gỗ nhỏ của Gấu con có một “vòng” thông xanh um bao bọc. Sau những cơn mưa, thỉnh thoảng những hạt nấm nhỏ lại đến làm tổ dưới chân bức tường gỗ phết sơn màu lá chuối già.

Heo con không quên điều đó. Chỉ có điều, con đường dẫn đến ngôi nhà đó, ngày trước là bãi cỏ thênh thang, nay đã thành một “khu rừng bé”. Hàng hàng lớp lớp những cây chè nối đuôi nhau xanh ngút tầm mắt. “Đi vào rừng chè e sẽ lạc mất”, Heo con thần người.

Bé quyết định đi đường vòng. Vòng qua hàng hàng lớp lớp cây chè. Quãng đường thật dài và chẳng biết điểm dừng. Bốn chân ngắn tủn của Heo con mỏi nhừ. Bé đã chạy xa đồi chè một quãng. Mệt đến nỗi không biết rẽ tiếp hướng nào mới đúng.

Heo con dừng lại dưới dốc một thông, hai mắt ngập nước. Đã muộn lắm rồi. Gấu con của Heo sẽ giận và cho rằng bé nói dối. Heo con không thích Gấu con lại giận như ngày xưa.

************

Gấu con còn nhớ. Heo con có một ưu điểm. Đó là luôn luôn đúng giờ. Heo con cũng có một nhược điểm. Đó là luôn luôn đúng giờ.

Cái nhược điểm đó lần này làm Gấu con vò lông bứt lông khốn khổ.

Thường Heo con vẫn hay đến đúng giờ. Heo con nói chín giờ, thì đúng boong chín giờ sẽ giơ hai chân trước mũm mĩm gõ vào cửa nhà Gấu con. Nếu có đến trước, Heo sẽ ngồi chờ, ngắm nghía giàn thiên lý, nghịch nghịch chiếc vòng lá chè hình trái tim, đợi đến chín giờ. Đó là Heo con của Gấu.

Chín giờ đã qua từ một tiếng trước.

Mặt Gấu con giờ đây xụ lại một đống. Hai con mắt bé tròn xoe của bé cụp xuống, chiếc mũi chun ra. Những sợi lông nâu mềm mại xung quanh mồm rướn lên khi bé trề môi.

Gấu con há miệng ngáp dài. Bé ngồi ngắm kiến. Một chú kiến đang bò từ đầu mép bàn ra giữa bàn, chỗ bé để hũ mật ong. Gấu con với tay lấy chiếc ấm chè, rót vào chén một “vòng” nước xanh ấm áp. Bé nghiêng miệng chén cho nước chảy giọt ra mặt bàn, ngay trên con đường chú kiến đang đi tới.

Kiến ta cứ thẳng đường mà tiến, đến khi gặp vũng nước, liền khựng lại. Chú loay hoay quay đầu, nghiêng ngó, đi tới đi lui, cuối cùng cũng phát hiện ra chỉ cần đi vòng qua vũng nước là tới được “tòa lâu đài xanh xanh, tròn tròn” có chứa mật.

Gấu con thích đùa dai. Cứ lấy tay gạt vũng nước trà lan rộng để can đường chú kiến. Lông ở ngón tay cái múp míp của bé dính nước chè, bết cả lại.

Gấu con giật mình. Nước chè xanh. Bé lấy lá chè từ rừng chè xanh um ngay cạnh nhà. Rừng chè mọc lên sau khi Heo con đi, cũng lâu lắm rồi. Heo con đâu có biết, chắc là bị lạc rồi!

Gấu con mếu máo chạy ra khỏi nhà. Thoáng lại, cái bóng nâu nâu mập ú đã biến mất sau biển lá xanh mướt của rừng chè.

************

“Cháu làm sao thế? Sao lại ngồi đó khóc thế? Bị mẹ đánh à?”, bác Sóc già thò đầu ra từ một tán cây um tùm lá.

Heo con nức nở “Cháu bị lạc rồi, bác Sóc ơi!”.

“Cháu tìm ai?”, Bác Sóc già ái ngại, đeo cặp kính lão lên mũi, “Hở bé Heo xinh xắn?”

“Cháu tìm bạn Gấu con ạ”.

“A, Gấu Béo ấy à?”.

“Không, bạn Gấu con cơ”.

“Gấu con béo chứ gì?”.

“Không, Gấu con mập cơ!”.

“Haha. Ừ thì Gấu con mập. Sáng nay nó vừa ra suối lấy nước. Sớm ơi là sớm, lịch kà lịch kịch, làm ta tỉnh giấc mấy lần. Cháu quay đầu lại, thẳng hướng này mà đi. Qua bãi đất rộng toàn là cỏ lau, quay trở lại rừng chè nhé. Xuyên qua những cây chè là một lối mòn. Đường mòn khá rộng đấy và cháu sẽ không bị lạc đâu. Tất cả là nhờ công Gấu con béo ngày nào cũng đi gánh nước đấy. Haha”.

“Thật thế hả bác? Vậy thì cháu phải đi đây không Gấu con giận. Gấu con giận đáng sợ lắm bác ạ.”

“Ừ cháu đi đi”. Sóc ta phe phẩy đuôi.

Heo con quay đầu chạy một quãng, chợt như nhớ ra điều gì, bé quay lại, gọi to.

“Bác Sóc ơi, bác phải nói là Gấu con mập, không phải Gấu con béo”.

“Hở? À… ừ, Gấu con mập. Được chưa?”.

“Dạ”.

Heo con hớn hở quay đi, rồi được một quãng, lại như nhớ ra điều gì, bé trở lại, bẽn lẽn lấy từ trong túi ra hai chiếc bánh rán.

“Bác Sóc ơi”, Heo con dài giọng.

“Gì thế Heo con mập, ý quên, Heo con”, bác Sóc đưa tay lau lau trán.

“Cháu cảm ơn bác nhiều ạ!”, vươn hai chân trước, đặt chiếc bánh vào tay bác Sóc, Heo con nở nụ cười tươi hết cỡ. Liền đó, quay mông, lũn cũn chạy thật nhanh.

Heo con cho bác Sóc hai chiếc bánh, để vẫn còn lại tám chiếc bánh, có thể chia đều cho Heo con và Gấu con. Chín chiếc chia sao tiện đây?

 

************

Heo con không thể tin mình lại có thể lạc đường. Rừng chè mà cậu tưởng, hóa ra không đến nỗi dày đặc nhường ấy. Khoảng cách giữa các cây khá thưa thớt, đồ chừng Gấu con cũng có thể đi lọt. Heo thích thú nghĩ khi bé “phi nước đại” băng băng qua những gốc chè.

Khi ngôi nhà mái gỗ nâu thẫm hiện lên trong tầm mất, Heo con càng tăng tốc. Túi bánh trên cổ bé tung bay mạnh đến nỗi mấy lần suýt văng ra khỏi cổ. “Gấu con của Heo ơi, xấu hổ quá, Heo không làm thế nào chạy nhanh hơn được nữa. Bụng của Heo mập chỉ thua bụng Gấu con thôi”.

Kia thềm nhà và giàn thiên lý đang rủ bóng, bóng đen gần như thẳng đứng . Chợt nhớ ra là gần giữa trưa rồi, Heo con vươn hai chân trước thật cao, nhảy qua ba bậc tam cấp, và tự dưng thấy… mình treo lửng lơ. “Sao thế này? Huhu”. Heo con đưa hai chân sau đang ở trong không khí lên quẫy mạnh. Phịch, bé rơi xuống thềm nhà. “Đau mông quá, huhu”.

Cảm giác như có vật gì hình răng cưa mềm mềm cọ vào lưng mình, Heo con nhìn xuống. Ngó nghiêng. Kéo ra. Một trái tim kết bằng lá chè xanh đã bị rách một đường dài ở đỉnh trái tim. “Gấu con mập làm trò gì thế này. Kết trái tim xấu chết đi được. Hi hi”.

Chợt nhớ lúc nãy mình đã làm cú phi thân gọn lỏn vào giữa trái tim, trông xa như xiếc thú trên tivi, Heo con phì cười. Má lại nóng hết cả lên rồi. Quyết định giấu nhẹm cái vòng lá đi mới được. Gấu con biết thì mất thể diện quá.

Và, mười hai giờ trưa, Heo con, người vẫn hay đến đúng giờ, đưa hai chân trước mũm mĩm gõ vào cửa nhà Gấu con. Bộp bộp. Không thấy động tĩnh gì. Cào móng chân vào cửa. Két két. Không ai trả lời. Dưới sức nặng của Heo con, cánh cửa trượt về phía sau. “Ồ, cửa không khóa ư? Gấu con bất cẩn quá, không sợ Hươu con đến ăn vụng ư? Thật là…”.

Heo con bước vào nhà. Căn phòng ngăn nắp quá. Những hũ mật ong màu xanh xếp ngay ngắn trên tủ gỗ. Khăn trải bàn xanh côban trông thật mát mẻ. Bên bàn là hai chiếc ghế tựa trải đệm xanh màu da trời buổi sáng. Heo con cảm giác màu sắc trong căn phòng đang phản chiếu lên lớp da trắng hồng của bé, đến nỗi bé cũng xanh lè cả lên.

Trên tường treo một bức ảnh, Heo con và Gấu con đứng dưới tán cây thông, mùa hè năm nái. Đó là hồi Gấu con bắt đầu mập hơn Heo con rồi, và cao hơn Heo con nữa, bắt đầu có thể hái những quả thông ở trên cành cao. Khung gỗ của bức ảnh có màu lá thông dưới ánh nắng.

“Nhưng… Gì thế này?” , Heo con chợt để ý, trên khăn trải bàn xanh nổi bật một đường chỉ màu đen. Không, một đàn kiến. Trông như một sợi đen mây mỏng vắt qua bầu trời. Kiến bò từ hũ mật trên bàn, ra đến mép bàn, bò xuống chân bàn. “Gấu con thật là luộm thuộm quá đi”, Heo con chép miệng, bất giác mỉm cười.

 

“Đã qua trưa rồi, mệt quá đi!” Gấu con vừa đi vừa thở. Bé đang quay lại lối đi mình đã đi lúc sáng. Hai chỏm tai nâu nâu của bé nhấp nhô trên những ngọn chè. Chỉ còn mấy cây chè nữa là về đến nhà rồi. Đi lang thang suốt mấy tiếng, Gấu con chỉ muốn về nhà, uống mật và ngủ một giấc đã đời. “Thế là tối nay không có Heo con để ôm rồi. Huhu”.

Những cây chè xanh mướt dần lùi lại phía sau, Gấu con đưa tay lên mắt che đi ánh nắng. Đằng kia là nhà, và sau đó là giấc ngủ. Chân ơi cố lên nào! Và…

Heo con đang ngồi bệt trên sàn gỗ trước nhà, tỉ mẩn gỡ những chiếc lá chè bị rách ra khỏi “trái tim xanh mướt”, bé dùng dây kết từ nhành leo thiên lý, buộc lại ở chỗ đỉnh của trái tim. Tại nút thắt, Heo con tết một chiếc nơ nhỏ màu xanh.

“Heo con của Gấu!”

Gấu con đang chạy đến với hình tượng ú ụ nhất mà Heo con từng thấy. Khuôn mặt nở nụ cười ngộ nghĩnh nhất. Heo con thấy mình bị nhấc bổng lên. Gấu con đúng là khỏe quá rồi mà. Đặt trái tim chè xanh – thiên lý lên đầu Gấu con, Heo con thì thầm.

“Gấu con của Heo!”.

 

Tháng 12/2009

Pham Mi Ly

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN