Tọa đàm trực tuyến: Báo chí trong cuộc chiến với thông tin rác trên không gian mạng

Chiều 10/11, BBT Sóng trẻ tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề ‘Báo chí trong cuộc chiến với thông tin rác trên không gian mạng’. Buổi tọa đàm nhằm giúp công chúng hiểu rõ hơn về những nỗ lực của người làm báo trong hoạt động ngăn chặn tin rác cũng như giảm thiểu tác động của chúng tới nhận thức cộng đồng.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, mọi người có thể dễ dàng chia sẻ, lan truyền thông tin trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác. Tuy nhiên, việc lan truyền thông tin sai lệch, không chính xác trên mạng xã hội ngày một nhiều. Điều này gây nguy hại nghiêm trọng cho an ninh xã hội. Vậy nên, việc báo chí tăng cường kiểm chứng thông tin và hướng dẫn người dùng về việc nhận biết thông tin rác là vô cùng cần thiết.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các khách mời: Thạc Sĩ Hoàng Thị Anh Thư - Chuyên viên chính Phòng Thanh tra, Pháp chế, Cục Báo chí, nguyên Tổ trưởng Tổ Công tác xử lý tin giả trên không gian mạng - Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử và ông Nguyễn Bảo Anh - Trưởng phòng Sản xuất nội dung đa phương tiện Trung tâm Nội dung số - Đài PTTH Hà Nội. Hai khách mời là những chuyên gia có kinh nghiệm làm việc lâu năm trong ngành báo chí, đặc biệt là trong việc xử lý cũng như kiểm định các thông tin xấu độc trên các nền tảng số.

z4867339681492_7785babafc8a19557d5e66ad0108cc22.jpg
 Đại diện Ban biên tập Sóng trẻ tặng hoa cho hai khách mời tham gia tọa đàm

 

Trong quá trình tiếp nhận, xử lý và sản xuất nội dung đa phương tiện, ông có hay bắt gặp những nội dung tiêu cực phản cảm trên nền tảng số hay không?

Ông Nguyễn Bảo Anh: Chúng tôi gặp hằng ngày những nội dung tiêu cực. Và nếu các bạn mong muốn trở thành những nhà báo trong tương lai thì các bạn cũng sẽ phải đối mặt với nó hàng ngày, hàng giờ. Chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn nó mà chỉ có thể nhận diện và có thái độ đúng với nó. Những thông tin tôi gặp thường là thông tin sai và phải được  kiểm chứng. Cần đặt câu hỏi là có đúng hay không, nó ở đâu ra, ai là nguồn phát và nó có đang diễn biến như thế hay không. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải kiểm chứng thông tin, chúng tôi làm việc đó gần như hằng ngày, lặp đi lặp lại và là một phần trong công việc của chúng tôi. Còn bản thân tôi, do thói quen sử dụng nên tôi gặp khá ít thông tin xấu độc. Các mạng xã hội có những phân tích, thói quen về dữ liệu người dùng, bạn hay xem gì, bị thu hút bởi thông tin gì nó sẽ phân phối cho bạn nội dung như thế. Nếu các bạn tò mò về chuyện xấu độc, nó sẽ thường xuất hiện với bạn thôi.

Bà thường thấy những thông tin giả, tin xấu, tin độc xuất hiện trong trường hợp nào? 

Bà Hoàng Thị Anh Thư: Công việc của chúng tôi là cần tìm và loại bỏ nhiều thông tin xấu độc. Đồng thời, chúng ta vẫn muốn những nền tảng mạng xã hội giữ lại một số thông tin đó để cảnh báo thông tin qua hoạt động bình luận và gạch chéo để công chúng biết chúng độc hại ở đâu và không nên tiếp cận chúng. 

Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thông tin độc hại, tin giả xuất hiện lan tràn trên không gian mạng như vậy?

Bà Hoàng Thị Anh Thư: Như chúng ta đã biết, chúng ta tìm kiếm những thông tin xấu độc do tính tò mò. Chính vì vậy, chúng ta càng xem và càng tương tác thì lượng tin xấu độc sẽ càng tăng lên. Nhưng chúng ta cũng có thể báo cáo là tin này không phù hợp với độc giả, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia , an toàn xã hội và cả tin lừa đảo. Chúng ta không vào tương tác thì tin đó sẽ rất ít người biết đến, ngoài ra chúng ta có thể kiểm chứng thông tin qua các trang web của chính quyền từ TW đến địa phương.

Ông Nguyễn Bảo Anh: Tôi muốn bổ sung thêm một nguyên nhân nữa, thật ra đó là một xu thế. Chúng ta nói tin xấu độc tràn lan, những thông tin tốt cũng rất nhiều, đó là xu thế phát triển của công nghệ số, mọi người ai cũng có thể tiếp cận, đăng thông tin và sáng tạo nội dung. Thông tin xấu hay tốt đều có, nhưng có một thực tế là những nội dung giật gân thì có tính kích thích tò mò, còn những thông tin tốt, về người tốt việc tốt, cũng có thể lan tỏa nhưng chúng ta hay lướt qua nó vì chúng ta nghĩ nó không đủ kích thích. 

Các cơ quan báo chí làm cách nào có thể hoàn thành được sứ mệnh đưa thông tin chính xác, đúng đắn nhất tới nhiều công chúng trong khi có quá nhiều tin giả, tin độc hại trên nền tảng số tràn lan? ([email protected])

Bà Hoàng Thị Anh Thư: Trước kia, báo chí chỉ có báo in rất thô sơ. Ngày nay, nhờ có công nghệ, độc giả không cần đợi để tiếp cận thông tin vì đã có báo điện tử. Vì vậy công nghệ và nội dung là điều quyết định tinh thần một tờ báo. Nền tảng số thì mang tính thúc đẩy, thay vì đưa trao tay nhau thì đưa xem qua nền tảng số là một yếu tố thúc đẩy. Giờ đây chúng ta có nhiều app như VTVgo, hay như Hà Nội On, hoặc chúng ta có thể xem ngay trên Facebook. Chính vì vậy, tôi nghĩ nền tảng số thúc đẩy sự phát triển, nhưng cái chính là chúng ta phải kiểm soát được nội dung, đưa cái gì lên, đưa cái gì truyền tải tốt nhất đến công chúng.

Trong vai trò là Trưởng phòng Sản xuất nội dung đa phương tiện Trung tâm Nội dung số, ông đã gặp phải những thuận lợi và khó khăn nào trong quá trình sản xuất và quản lý các nội dung trên nền tảng số? ([email protected])

Ông Nguyễn Bảo Anh: Vai trò của chúng tôi là sản xuất nội dung. Đối với bản tin truyền hình, chúng tôi bị giới hạn thời lượng, còn trên nền tảng số, chúng ta có thể thực hiện những phiên livestream hàng tiếng đồng hồ. Trên nền tảng số chúng ta có nhiều đất hơn để độc giả dễ tiếp cận hơn. Khó khăn nhất là phải hiểu được nhu cầu của công chúng trên môi trường số. Ví dụ như ông bà chúng ta, đến giờ thì bật TV. Nhưng các bạn trẻ sẽ không có thói quen đó, nhu cầu và sở thích của người trẻ sẽ khác thế hệ trước. Vì vậy chúng tôi cần tìm hiểu họ cần gì. Ở thời điểm này, chúng tôi đang cập nhật thị hiếu của công chúng nhanh hơn bao giờ hết.

z4867394120779_7662c4be7d0c455a1e72aeabe02179be.jpg
Thạc Sĩ Hoàng Thị Anh Thư chia sẻ trong buổi tọa đàm

 

Hiện nay các tin tức được đăng tải trên nền tảng số rất nhiều, thậm chí những trang tin chưa được kiểm định và những tài khoản cá nhân còn đưa tin nhanh chóng hơn các trang báo chí uy tín rất nhiều. Và nhiều người vẫn chọn tin những tin tức chưa được xác thực đó. Điều này gây ra tác hại gì, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều trẻ em dưới 13 tuổi tiếp cận MXH?

Bà Hoàng Thị Anh Thư: Đây là một thực trạng đáng buồn. Mặc dù trên Internet phải khai báo thông tin, nhưng trẻ em dưới 13 tuổi thường sẽ không đặt tuổi thật. Vì vậy, chúng ta cần quản lý con em sát sao hơn. Khi tạo lập tài khoản cho con cái, chúng ta cũng cần giám sát con em tiếp cận với chương trình gì. Thông tin xấu độc có thể lọt đến các em hay không đó là điều cha mẹ cần lưu tâm và các nhà báo cũng nên tuyên truyền đến các bậc phụ huynh chọn lựa chương trình.

Mỗi một nhà báo, phóng viên đều có sử dụng mạng xã hội, không chỉ vậy mà có nhiều tài khoản được công chúng quan tâm, có thể nói họ có thể định hướng được thông tin của một nhóm công chúng, vậy các vị có nghĩ rằng việc phản bác lại những thông tin sai lệch là nhiệm vụ của mỗi nhà báo trên nền tảng mạng xã hội của họ không?

Ông Nguyễn Bảo Anh: Theo tôi là có. Nhiệm vụ của một nhà báo là cần phải đưa cho công chúng biết đó là thông tin giả, xấu độc. nhà báo cần phải chỉ ra, cung cấp đến độc giả biết rằng thông tin nào là thông tin sai. Nhưng tôi nghĩ cách để đẩy lùi thông tin giả, xấu độc là tạo ra nhiều thông tin tốt để những thông tin xấu ít dần đi. Có thể chúng không hết hẳn, nhưng ít nhất chúng ta cũng đẩy lùi được chúng.

Bà Hoàng Thị Anh Thư: Đứng trước một vấn đề chúng ta cần có một góc nhìn đa diện. Chúng ta cần kiểm tra thông tin từ các nguồn chính thống để nhận biết được đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin sai sự thật. Ngay cả khi một thông tin được nhiều người cho là đúng thì chúng ta cũng không nên vội tin theo mà nên có sự kiểm chứng của bản thân.

Hiện tại, Trung tâm Nội dung số, Đài PTTH Hà Nội đang áp dụng những chiến lược, phương pháp nào để giữ vững và tăng cường sự hấp dẫn của nội dung trên nền tảng số? 

Ông Nguyễn Bảo Anh: Ở Trung tâm Nội dung số của Đài PTTH Hà Nội, chúng tôi quan trọng nhất là nội dung. Dù chúng tôi có hoạt động ở tất cả các platform mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok,... thì chúng tôi vẫn phải đảm bảo chất lượng nội dung. Vì vậy nội dung của chúng tôi phải theo đúng chỉ đạo đường lối của Bộ Thông tin - Truyền thông và Ban Tuyên giáo TW, đồng thời cũng phải đáp ứng được nhu cầu của công chúng.

Báo chí trên nền tảng số sẽ hứa hẹn công chúng được thụ hưởng báo chí, truyền thông như thế nào? ([email protected])

Bà Hoàng Thị Anh Thư: Như các bạn biết, hiện tại chúng ta đang ở trong bối cảnh toàn cầu hóa. Vì vậy, chúng ta phải chuyển đổi số mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực để bắt kịp với thế giới. Do đó hiện nay, Bộ Thông tin - Truyền thông đang hỗ trợ việc đào tạo chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí.

Ông Nguyễn Bảo Anh: Sứ mệnh của báo chí là đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả. Tôi nghĩ chuyển đổi số diễn biến như thế nào đi nữa thì nhiệm vụ của báo chí vẫn là cung cấp thông tin cho độc giả. Các nhu cầu xem, nghe về mặt tinh thần sẽ không thay đổi. Tuy nhiên  trong thời đại mới, thông tin sẽ được tiếp cận dễ hơn, nhanh hơn và ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.

z4867394019617_f17285858d093f4d9adf42fc8c8f4d67.jpg
 Ông Nguyễn Bảo Anh trả lời các câu hỏi từ độc giả trên sóng Livestream

 

Theo điểm e, khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020 (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14/2022), hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” bị áp dụng mức xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Bà có nghĩ rằng mức xử phạt này của pháp luật là quá nhẹ so với hậu quả mà nó gây ra? ([email protected])

Bà Hoàng Thị Anh Thư: Chúng ta cần nhìn nhận pháp luật toàn diện và tùy vào tác động của hành vi sai phạm mà có mức xử phạt thích hợp. Ví dụ như trường hợp của bà Phương Hằng livestream phát ngôn gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của một số nghệ sĩ. Trường hợp không dừng lại ở mức xử phạt hành chính mà còn bị xử lí hình sự. Đây là một ví dụ điển hình của việc pháp luật có những mức phạt phù hợp với từng hành vi, đối tượng và hậu quả mà nó gây ra.

Phải chăng khả năng ẩn danh và giao tiếp cách mặt của Internet phải chăng đã tạo cảm giác an toàn cho người dùng và khiến họ dần trở nên vô trách nhiệm với lời nói của bản thân mình? ([email protected])

Ông Nguyễn Bảo Anh: Có nhiều người khi giao tiếp trực tiếp rất rụt rè, nhưng khi lên mạng thì như một người khác, lên mạng chia sẻ quan điểm dữ dội, phản bác người khác đến tận cùng. Tôi nghĩ đó một phần là do khả năng giao tiếp cách mặt và tính năng ẩn danh trên Internet. Tuy nhiên, hiện nay đã có việc xác minh tài khoản, cá nhân lập tài khoản phải xác lập thông tin cá nhân. Do đó, tôi nghĩ nó liên quan đến nhận thức của con người nhiều hơn là tác động của công nghệ số.

Thông tin xấu độc gây ảnh hưởng tới cộng đồng thường bị gọi là thông tin rác, vậy thì giải pháp chính hiện nay để giải quyết tình trạng này là gì?

Bà Hoàng Thị Anh Thư: Để giảm bớt thông tin xấu độc, chúng ta cần làm thông tin tốt trở nên hấp dẫn hơn. Thông tin tốt khi thu hút người dùng thì cũng có thể làm giảm thiểu thông tin xấu đi rất nhiều. Mặt khác khi chúng ta có những làn sóng tẩy chay tin xấu độc từ những tài khoản Facebook cụ thể hoặc những nhóm người cụ thể phát ra thì chúng ta cũng có thể giảm bớt tác hại của thông tin xấu độc.

Lời khuyên dành cho độc giả để họ có thể chủ động hơn trong việc phát hiện và bài trừ những tin xấu độc là gì? 

Ông Nguyễn Bảo Anh: Thông tin xấu độc thì dễ nhận biết. Còn về tin giả, lời khuyên của chúng tôi với độc giả là đừng vội tin khi đọc một thông tin, mà hãy kiểm chứng qua nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là những nguồn chính thống. Do đó, thông tin trên báo chí cần phải đi trước mạng xã hội. Không chỉ vây, chúng ta còn phải kiểm chứng, thậm chí phải bổ sung thông tin mới để độc giả dần tin và tạo thói quen để công chúng bớt vội vàng tin các thông tin trên mạng xã hội. Mạng xã hội vô cùng tiện lợi, nhưng cũng có rất nhiều tài khoản có động cơ xấu lợi dụng thế mạnh đó để đăng tải thông tin xấu độc. Để bài trừ, chúng ta không nên chia sẻ những thông tin đó. Nhiều người nghĩ chia sẻ để cảnh báo, nhưng điều đó có thể tiếp tay cho mưu đồ xấu.

z4867874489295_706f7593e248da71e121eeb098af3626.jpg
 Ban biên tập Sóng trẻ chụp ảnh cùng hai vị khách mời

 

Trang tin điện tử Sóng trẻ xin chân thành cảm ơn quý độc giả đã theo dõi và tương tác với buổi tọa đàm trực tuyến “Báo chí trong cuộc chiến với thông tin rác trên không gian mạng”. Kính mong quý độc giả tiếp tục đón nhận các tác phẩm tiếp theo trên trang tin điện tử Sóng trẻ. Mọi phản hồi xin gửi về hòm thư góp ý của trang tin: [email protected].

 

 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN