Tổng kết diễn đàn: “Làm mới “nhạc đỏ”: Sáng tạo thế nào cho phù hợp?”


(Sóng trẻ) - Sau hơn một tuần tranh luận, diễn đàn: “Làm mới “nhạc đỏ”: Sáng tạo thế nào cho phù hợp?” đã nhận được hơn 30 ý kiến của độc giả về đề tài này. Trong đó, đa phần các ý kiến đều ủng hộ việc cách tân các ca khúc “nhạc đỏ”, nhưng vẫn phải giữ được cái hồn, tư tưởng chủ đạo của ca khúc mà tác giả đã gửi gắm.

Việc “nhạc đỏ” trở lại rầm rộ trên sóng truyền hình, từ các cuộc thi hát đến gameshow ca nhạc, cho thấy sức sống đáng kể của dòng nhạc này và nhu cầu có thực của công chúng mong được thưởng thức những bài hát về một thời hoa lửa.

Điều đó có thể nhìn thấy rõ khi trong “Giai điệu tự hào” và “Những bài hát còn xanh”, có nhiều ca khúc cũ được làm mới khiến khách mời hoặc giám khảo lẫn khán giả truyền hình rất thích thú, đánh giá cao. Ngược lại, cũng có các ca khúc gây tranh cãi và tạo nên nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Trong tổng số 32 ý kiến bình luận về chủ đề “Làm mới “nhạc đỏ”: Sáng tạo thế nào cho phù hợp?” chỉ có 7 ý kiến (chiếm 22%) không đồng tình với việc làm mới các ca khúc nhạc xưa. 

Độc giả [email protected] khẳng định: “Chính nhạc sĩ Phú Quang sau khi nghe Trần Thu Hà biểu diễn đã thốt lên rằng: “Hoài niệm của tuổi trẻ không có lỗi, Trần Thu Hà là người hát hay, Quốc Trung phối hay, nhưng người lớn nghe không xúc động, bởi vì nó hoàn toàn lạ với tâm trạng của họ”. Nhạc đỏ làm mới dù dễ nghe nhưng thiếu một thứ quan trọng nhất, đó là tinh thần của bài hát.” 

Cùng chung quan điểm, bạn đọc có địa chỉ email: [email protected] bày tỏ: “Vẫn biết nghệ thuật phải luôn sáng tạo. Nhưng mà làm mới ca khúc cũ không phải muốn làm là làm, làm cho có, theo kịp trào lưu. Bài “Nối vòng tay lớn” khí thế, vang vọng như thế mà các ca sĩ hát quá tẻ nhạt, không nói lên được ý nghĩa của bài. Tôi thấy nghệ sỹ cần chọn lọc, cân nhắc kỹ trước khi quyết định làm mới bất cứ ca khúc nào.”

Mặt khác, có 10 ý kiến (chiếm 31%) tích cực ủng hộ việc làm mới các ca khúc này. Bằng cách “thổi” tinh thần trẻ trung vào các sáng tác xưa, cảm nhận bằng tất cả niềm tự hào và thể hiện chúng một cách mạnh mẽ trên nền nhạc đương đại, những nghệ sĩ trẻ đang tạo nên sự cách tân hiệu quả cho những bài hát “nhạc đỏ”.

Độc giả [email protected] thẳng thắn cho rằng: “Sao cứ phải đóng khung nhạc đỏ theo lối hát truyền thống mới gọi là có giá trị? Cứ thế thì dòng nhạc này sẽ chẳng phát sinh thêm điều gì mới nữa. Qua thời kì bom đạn khói lửa chiến tranh rồi, bây giờ đó là những bài ca đại diện cho lòng yêu nước, được hát lên để thể hiện lòng tự hào dân tộc, để nhớ lại những chiến công hào hùng. Việc thế hệ ngày nay tiếp tục kế thừa và có ý thức làm mới các bài hát là rất đáng trân trọng rồi.”

Đồng tình với điều này, bạn đọc tại địa chỉ email [email protected] nêu ý kiến: “Mình ủng hộ việc cách tân các ca khúc nhạc đỏ. Thế giới luôn chuyển động và tiếp biến, việc các giá trị cũ thay đổi và thích ứng với điều kiện mới là không có gì lạ cả. Thực tế, trước đây, rất nhiều ca khúc nhạc vàng cũng đc đem ra hát theo kiểu nhạc sống và thu hút rất đông người nghe, nó đã trở thành hẳn một dòng nhạc hot một thời. Thay vì rên rỉ nhạc vàng ỉ ôi, nhạc sống đã truyền lửa cho các ca khúc này sống thêm lâu dài hơn. Bên cạnh đó, các ca khúc nhạc vàng được hát theo lối truyền thống vẫn tồn tại song song mà ko hề biến mất. Tôi nghĩ các ca khúc cách mạng cũng như vậy, hoàn toàn có thể tồn tại các ca khúc hát theo lỗi truyền thống bên cạnh ca khúc hát theo lối hiện đại hơn!”

Việc sáng tạo, phá cách các ca khúc nhạc cách mạng theo phong cách mới là một thách thức không nhỏ với nhiều ca sĩ trẻ. (Nguồn: giaidieutuhao.com.vn)


Đặc biệt, có tới 15 ý kiến (chiếm 47%) đưa ra quan điểm trung lập. Trong âm nhạc, việc sáng tạo và làm mới là cần thiết. Tuy nhiên, làm mới ở mức độ nào để khán giả khi nghe ca khúc vẫn cảm được linh hồn và màu sắc mới của bài hát mới là điều quan trọng nhất.

Bạn đọc [email protected] chia sẻ: “Mình nghĩ, con mắt, cái nhìn của mỗi thế hệ là khác nhau. Việc làm mới nhạc đỏ gây ra nhiều ý kiến trái chiều cũng xuất phát từ tư duy thẩm mỹ, thị hiếu thưởng thức âm nhạc của các thế hệ 9X, 10X khác các thế hệ 6X, 7X... Tuy nhiên, cuối cùng thì cái cốt của sáng tạo, nhất là sáng tạo trên các giá trị đã đi vào lòng người phải phù hợp, "dễ chịu", gây hứng thú với người trẻ nhưng không quá "lố" khiến các thế hệ trước khó chịu, phản cảm. Cái này cần sự đầu tư của người làm mới nghệ thuật để vẫn giữ cái hồn của ca khúc khi mặc cho nó lớp áo khoác mới."

Không chỉ đưa ra quan điểm, độc giả [email protected] còn đề xuất giải pháp, tìm hướng đi để các ca khúc “nhạc đỏ” tiếp tục tồn tại, có chỗ đứng thực sự trong lòng công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ: “Muốn “nhạc đỏ” tiếp tục trở nên quen thuộc với khán giả cần sự hợp tác lâu dài của nhiều tổ chức và cá nhân tâm huyết, không chỉ đơn thuần qua vài chương trình truyền hình mà làm được. Tôi nghĩ đầu tiên cần tiếp tục sáng tạo thêm các format chương trình mới về nhạc cách mạng để làm cầu nối tiến gần hơn đến với thế hệ trẻ. Cái nữa là khuyến khích các bạn thí sinh với nhiều lứa tuổi, nhất là lứa tuổi học sinh tham gia. Như vậy, thế hệ trẻ mới có cơ hội để tiếp cận và hiểu rõ hơn về “nhạc đỏ” và gián tiếp hiểu biết thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc.”

Trong bối cảnh nhội nhập văn hóa với thế giới ngày càng sâu rộng, các ca khúc “nhạc đỏ” đang tỏa sáng trở lại trong một không gian mới nghệ thuật mới. Không đơn thuần mang mục đích cổ vũ chiến đấu, kêu gọi lòng yêu nước, giờ đây các ca khúc này đã trở thành những bài ca đại diện cho lòng yêu nước, được hát lên để thể hiện lòng tự hào dân tộc thiêng liêng. Vì vậy, việc cách tân “nhạc đỏ” để dòng nhạc này "sống lại" trong cuộc sống bình dị của mỗi người, nhất là người trẻ là điều cần thiết và nên làm.

Tuy nhiên, trên thực tế, ranh giới giữa sự phá cách và phá hỏng là rất mong manh, vì thế việc làm mới ca khúc đôi khi là một thách thức không hề nhỏ đối với những người phụ trách âm nhạc. 

Để các ca khúc thỏa mãn được nhiều đối tượng khán giả, người nghệ sỹ cần sáng tạo sao cho cho khán giả vừa cảm nhận được sự tươi mới nhưng vẫn giữ được cái hồn, tư tưởng chủ đạo của ca khúc.

Mặt khác, sự tồn tại lâu dài của “nhạc đỏ” cũng nằm ở giá trị âm nhạc và thái độ tiếp nhận của người nghe. Giá trị âm nhạc có thể không thay đổi, nhưng thái độ thưởng thức của khán giả chính là nhân tố quyết định sự “sống còn” của bất cứ dòng nhạc nào.

Diễn đàn “Làm mới “nhạc đỏ”: Sáng tạo thế nào cho phù hợp?” xin được khép lại tại đây. Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm và đóng góp ý kiến của quý vị độc giả.

Khánh Linh
Nhóm 1
Báo mạng điện tử K.31

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN