Môi trường làm việc ở Việt Nam đã đủ hấp dẫn du học sinh?
(Sóng trẻ) - Câu chuyện của Á quân Đường lên đỉnh Olympia mùa đầu tiên - Nguyễn Thành Vinh sau khi được đăng tải trên các trang báo mạng đã khiến dư luận dậy sóng trong suốt thời gian qua. Câu chuyện chảy máu chất xám, sự cống hiến, câu chuyện du học sinh nên về hay ở, … lại được đặt ra. Đặc biệt, đó là câu chuyện về cơ chế sử dụng nhân tài của đất nước ta trong thời điểm này.
Câu chuyện du học sinh không chịu về nước cống hiến không phải là mới. Nhưng câu chuyện đó lại được dịp lật lại khi Nguyễn Thành Vinh – á quân Olympia mùa 1 không ngần ngại khi cho rằng về nước là sự lãng phí khi môi trường và cơ chế làm việc ở Việt Nam chưa phù hợp cho người thực tài phát triển giá trị và năng lực của bản thân.
Tính đến thời điểm này, chương trình Đường lên đỉnh Olympia đã bước sang năm thứ 15. Trong số 13 nhà vô địch, chỉ có 1 người đã tốt nghiệp và về Việt Nam làm việc. Đó là còn chưa kể đến những du học sinh Việt có tài năng hiện đang nghiên cứu, làm việc ở nước nài.
Môi trường làm việc tại Việt Nam: đã đủ hấp dẫn du học sinh?
Trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 2015 và kế hoạch năm 2016 sáng ngày 02/11, Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP HCM) day dứt khi đưa ra câu hỏi: Vì sao 13 cháu du học, 12 người không về? Theo ông, việc 13 nhà vô địch Olympia được nhân học bổng du học chỉ có một người quay trở về chỉ là một ví dụ minh họa cho tình trạng bức xúc trong sử dụng nhân tài.
Khi được hỏi về vấn đề này Nhà báo Nguyễn Như Mai – cố vấn của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia chia sẻ: “Thực ra, không chỉ những “nhà leo núi Olympia” mới như vậy, nhiều du học sinh Việt có tài năng sau khi đi du học cũng thế thôi. Họ còn có một thực tế phải đối măt khi về nước, đó là phải chạy chọt xin việc, phải va đập vào những thủ tục phức tạp, phải lo lót “đầu tiên”- tiền đâu. Mà nhiều khi vẫn thất nghiệp.”
Trong khi đó, PGS Văn Như Cương kịch liệt phản đối việc du học sinh không chịu về nước làm việc. Ông cho rằng: "Trên thực tế, nhiều du học sinh về nước có những công trình nghiên cứu, mang đến cơ hội việc làm cho nhiều người, đóng góp lợi ích kinh tế cho đất nước và tạo dựng thành công cá nhân. Nếu họ cũng suy nghĩ như thế thì đâu có được thành tựu.
Các bạn nói, trong thời đại công nghệ, làm việc ở đâu vẫn có thể cống hiến cho Việt Nam, công trình nghiên cứu khoa học in trên tạp chí Việt Nam. Đó cũng là cách nói ngụy biện. Tôi nghĩ, các bạn muốn làm gì cho đất nước đều phải trở về để hiểu Việt Nam cần phát triển gì, lâm nghiệp, cơ khí, khoa học hay công nghệ thông tin?
Vậy lý do mà nhiều sinh viên lại quyết định ở lại nước nài làm việc thay vì trở về quê hương? Phải chăng chúng ta chưa có một môi trường, cơ chế phù hợp cho những người thực tài để họ cống hiến?
Theo quý độc giả, phải làm sao để các bạn du học sinh Việt sau khi học tập ở nước nài thì quay trở về cống hiến cho nước nhà. Xin mời quý độc giả hãy tham gia bày tỏ quan điểm của mình thông qua hệ thống bình luận của trang tin điện tử Sóng trẻ.
Quang Đức, Đặng Huyền,
Nguyễn Ly, Thúy Trang, Phượng
Cùng chuyên mục
Bình luận