Trần Văn Thịnh: “Nói chuyện” với người trong tranh

(Sóng Trẻ) - 10m2, vài cái bút chì than được vót nhọn cẩn thận cùng miếng vải trắng, số nhà 24 phố Hàng Đào đã trở thành một phòng triển lãm tranh thu nhỏ giữa lòng 36 Hà Nội dưới bàn tay của họa sĩ vẽ tranh truyền thần Trần Văn Thịnh.

Vẽ tranh từ năm 13 tuổi

PV: Xin chào họa sĩ Trần Văn Thịnh. Được biết đến là một trong số ít họa sĩ vẽ tranh truyền thần còn cần mẫn với nghề, xin ông giới thiệu một chút về bản thân mình?

Họa sĩ Trần Văn Thịnh: Tôi tên đầy đủ là Trần Văn Thịnh, nay đã 67 tuổi và làm nghề này đã hơn 50 năm. Vợ chồng tôi có một cô con gái. Tôi theo nghề này là do cha để lại. Cha tôi là cụ Cả Nghệ trước đó là học vẽ truyền thần từ chính bác ruột của mình. 

PV: Ông hãy chia sẻ với độc giả một kỷ niệm về những ngày đầu tiên học vẽ tranh truyền thần?

Họa sĩ Trần Văn Thịnh: Tôi cho rằng tôi có nhiều yếu tố may mắn trong đó. Bởi đây là nghề gia truyền của gia đình nên khi tôi còn nhỏ, thấy cha và một vài người người bạn của cha làm nghề này là tôi đã thích rồi. Lúc nhỏ khi còn phải đi học, cha tôi cũng chưa đồng ý và truyền hẳn cho nghề này. Nhưng vì đam mê, tôi đã theo dõi cha làm và tự học theo. 

Sau đó có chiến tranh, sau một thời gian học hết lớp 7 thì phải đi sơ tán tránh bom đạn nên cha tôi mới bảo thôi thì đi học xa quá vất vả, nhà có cái nghề sẵn mà tôi cũng đang thích. Từ đó ông cứ dạy cứ truyền dần cho tôi cái nghề này. 

Mang tâm tình vào nét vẽ

PV: Theo ông, tình yêu dành cho tranh truyền thần của mình được xuất phát từ đâu?

Họa sĩ Trần Văn Thịnh: Tôi vẽ tranh truyền thần đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Trong thời gian dài như vậy, tôi đã thu về cho mình nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Vẽ tranh truyền thần là một nghề cao quý. Tôi muốn đem lại niềm vui cho mọi người.

Trên phương diện tinh thần, tranh truyền thần phục vụ cho lối sống uống nước nhớ nguồn. Ngày xưa, họ đặt tranh trên bàn thờ để thờ cúng thân nhân đã khuất, thể hiện tấm lòng biết ơn, tưởng nhớ đến người đã không còn trên cõi đời này. Thực sự thì làm nghề này có nhiều cái thú vị lắm. 

PV: Vậy vẽ tranh truyền thần đã giúp ông nhận lại được những điều gì?

Họa sĩ Trần Văn Thịnh: Nghề này không làm cho con người ta giàu sang hơn, mà làm cho cốt cách con người thêm ôn hòa, kiên trì, nhẫn nại, dù việc khó tới đâu cũng làm được. Thực sự tôi làm việc này vì niềm đam mê sau bao nhiêu năm thì cuộc sống cũng ổn định nó lại khiến tôi điềm đạm hơn rất nhiều. 

PV: Với kinh nghiệm hơn 50 năm vẽ tranh truyền thần, theo ông một bức tranh đẹp phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì ?

Họa sĩ Trần Văn Thịnh: Tranh truyền thần, ngay từ cái tên đã nói lên tất cả. Tranh truyền thần thì phải có cái thần, đó là cái mà người ta gọi là linh hồn. Nhưng theo tôi, đổi thành cái thần của tranh thì đúng hơn. Linh hồn của tranh truyền thần thể hiện trên tất cả chi tiết của khuôn mặt. Nhưng quan trọng nhất là ở đôi mắt hay những người họa sĩ chúng tôi vẫn hay gọi là điểm nhãn. Đó chính là nét độc đáo trong các bức tranh truyền thần mà không một loại tranh nào thực hiện được. Sau là đến đôi môi. Đây là hai yếu tố thiết yếu nhất thể hiện rõ nhất cái thần con người, làm nên một bức tranh truyền thần hoàn mỹ.

b1.jpg
Ông Thịnh và không gian vẽ tranh- Ảnh:Vy Anh

PV: Việc họa được cái thần thái của nhân vật trong tranh truyền thần là cả một nghệ thuật. Ông có thể chia sẻ kỷ niệm đặc biệt về một bức tranh điển hình thể hiện được yếu tố này?

Họa sĩ Trần Văn Thịnh: Tôi vẫn còn nhớ thời buổi đất nước chìm trong khói lửa, số thanh niên Hà Nội ra đi làm nghĩa cử thiêng liêng cho Tổ Quốc nhiều hơn số người ở lại. Họ đi không hẹn ngày về, chính lẽ đó mà nhiều gia đình muốn có ảnh chụp lấy làm kỉ niệm với người thân mà thuở đó người ta ít có ảnh chụp lắm, những gia đình bố mẹ mà có con, người vợ mà có chồng, có anh, em mình đi bộ đội khi mà con, chồng, anh, em hy sinh người ta chỉ tìm thấy được những bức ảnh con mình rất là cũ nát , hoen ố thì họ đến nhờ tôi họa lại bức ảnh đó. Khi tôi vẽ xong tranh họ đến nhận mà lặng người, ngồi cả tiếng ở cửa hàng nhà tôi. Nhìn tranh mà cứ ngỡ đang gặp lại người thân, nên cứ thế mà òa lên khóc nức nở. 

Hay trong lần khác, tôi được yêu cầu vẽ ngài thủ tướng Thụy Điển Olof Palme ngồi trên chiếc xích lô ngắm phố phường Hà Nội. Nhưng oái oăm thay, ông thủ tướng lại không muốn người ta chụp ảnh mình trên chiếc xích lô làm mẫu. Vậy là tôi phải vừa vẽ vừa tưởng tượng ông đang ngồi trên chiếc xích lô vừa ngắm Hà Nội ra sao. Khi nhận lại bức vẽ, Ngài thủ tướng thích thú tới mức nhờ người đóng khung làm kỷ niệm và treo trong phòng làm việc của mình khi về nước. 

PV: Tôi thấy trong các tác phẩm tranh của ông, con người xuất hiện rất nhiều, đặc biệt là người Hà Nội. Vậy đâu là lý do khiến ông tập trung vào đối tượng này?

Họa sĩ Trần Văn Thịnh: Người Hà Nội trong những bức tranh của tôi có một nét đẹp rất riêng, không thể lẫn vào đâu được. Không cần họ xưng danh, chỉ cần nhìn qua cử chỉ, lời nói, cách ăn mặc tôi cũng đoán được xuất xứ. Người Hà Nội bao giờ cũng ánh lên vẻ điềm đạm, thanh thản, lịch sự trong đôi mắt và nụ cười. Phong cách ăn mặc họ không hề hào nhoáng, phô trương, nhưng vẫn toát lên được nét đẹp thanh lịch, dịu dàng. Nhìn họ, tôi luôn cảm thấy muốn gửi gắm và bình yên. 

PV: Những bức tranh ông vẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người Việt cũng như người nước ngoài. Tuy nhiên, cách thưởng thức và yêu cầu tranh của người phương Tây và người Việt chắc hẳn phải có sự khác biệt. Ông có chia sẻ gì về điều này?

Họa sĩ Trần Văn Thịnh: Cái này thì cũng không khác nhau là nhiều. Duy chỉ khác ở chỗ đối với những bức tranh mà người Việt dùng để thờ cúng thì bao giờ cũng mang hơi hướng nghiêm túc, trông cổ điển nhiều hoài niệm. Còn những bức tranh để kỉ niệm, để chơi thì cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài đều muốn có những bức trông nghệ thuật và thoáng đãng hơn . 

b2.jpg
Tranh truyền thần - Ảnh: Vy Anh

 

b3.jpg
Tranh truyền thần - Ảnh: Vy Anh

 

Thăng trầm nghề vẽ tranh truyền thần

PV: Hiện có rất nhiều dòng tranh mới như: Tranh trừu tượng, sơn dầu, cát lụa…đã xuất hiện lấn át sự ngự trị của dòng tranh truyền thần truyền thống. Vậy theo ông, trong công cuộc đổi thay này, tranh truyền thần có giá trị như thế nào ?

Họa sĩ Trần Văn Thịnh: Mấy cái môn nghệ thuật này nó khác nhau. Mỗi loại một vẽ, tranh truyền thần này gần như là sự tả thực còn những tranh kia là đi theo trường phái hội họa mà hai loại này chẳng có sự liên quan. Mà những dụng cụ vẽ tranh truyền thần cũng đơn giản lắm cũng có thể tự chế được như là bút than, bông gòn, vải cotton, giấy tốt vậy là đủ rồi. 

PV: Ông có thể chia sẻ những khó khăn của mình trong quá trình gìn giữ sức sống của dòng tranh này không?

Họa sĩ Trần Văn Thịnh: Việc gìn giữ sức sống của dòng tranh truyền thần đang gặp những khó khăn nhất định. Giờ đây ảnh kỹ thuật số đang lên ngôi. Thời gian chụp, rửa ảnh chỉ mất 5 phút, chi phí lại rẻ, chỉ khoảng mấy chục, mấy trăm. Còn tranh truyền thần có những bức lên tới mấy năm bảy trăm thậm chí tiền triệu, nên tâm lý khách hàng sẽ nghiêng về lựa chọn rẻ hơn. Nhưng tôi nghĩ nghề này nó cũng chỉ có ít người theo đi thôi, chứ không thể nào thất truyền, mai một được. Theo họ, tranh vẽ bằng tay sẽ ý nghĩa hơn so với sử dụng công nghệ. Không chỉ vậy, chất liệu giấy vẽ truyền thân sẽ bền tạo nên bức vẽ có chiều sâu hơn nhiều. Thậm chí, nếu người vẽ chắc tay, tranh sẽ có thần, còn đẹp hơn ảnh. Đây là ưu điểm của tranh truyền thần. 

PV: Trong từng ấy năm làm nghề, ông đã gặt hái được không ít những giải thưởng cống hiến trong nước và được nhiều người từ mọi nơi biết đến. Vậy nếu có cơ hội đem tranh đi triển lãm để quảng bá cho bạn bè quốc tế biết đến về truyền thần Việt Nam, ông có sẵn sàng làm việc này không?

Họa sĩ Trần Văn Thịnh: Ôi được vậy thì còn gì bằng nhỉ. Tôi luôn sẵn sàng làm điều này nếu cơ hội tới. (Ông cười lớn)

b4.jpg
Địa chỉ “phòng triển lãm tranh thu nhỏ”- Ảnh: Vy Anh

 

b5.jpg
Không gian trưng bày tranh - Ảnh: Vy Anh

 

PV: Hiện nay có khá nhiều bạn trẻ đam mê mỹ thuật mong muốn theo đuổi dòng tranh này. Với tư cách là một tiền bối đi trước giàu kinh nghiệm, ông có lời khuyên gì với những hậu bối trẻ tuổi không?

Họa sĩ Trần Văn Thịnh: Nghề này rất là quý, khiến con người ta tôi luyện cho mình những đức tính vô cùng tuyệt vời. Mà cái này chỉ có Việt Nam mình có thôi, nếu bạn trẻ nào đam mê thì hãy kiên trì mà theo đuổi, cố gắng học để giữ nghề mà cũng tạo cho mình một cái nghề song cũng là duy trì nét văn hóa cho đất nước Việt Nam.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông về buổi trò chuyện này! Chúc ông luôn có thật nhiều sức khỏe cũng như lòng nhiệt huyết yêu nghề để tiếp cho ra đời những bức vẽ truyền thần xuất sắc.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN