Trẻ khủng hoảng tâm lý trong đại dịch - Kỳ 2: Kết nối tạo nên hạnh phúc
(Sóng trẻ) - Sức khỏe tinh thần của trẻ khi học tại nhà đang dần trở thành mối quan tâm chung. Từ đó, đã có nhiều hoạt động ra đời nhằm hỗ trợ các em vượt qua khủng hoảng.
Gỡ rối tâm lý cho trẻ
Nhận định về tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe tâm lý cho trẻ, cô Xuân Mai, Chuyên viên Tâm lý học đường thuộc Phòng Tâm lý học đường Trường THCS Nghĩa Tân (Hà Nội) cho biết, “Việc học trực tuyến kéo dài dễ khiến cho trẻ mệt mỏi, căng thẳng, tăng lo âu, giảm tương tác và bị cô lập với xã hội. Những điều đó nếu không được phát hiện kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm cho cá nhân học sinh, sau đó là cho gia đình và nhà trường”.
Trên thực tế, kể từ khi có dịch, các trường hợp học sinh gặp bất ổn về tâm lý cũng tăng lên đáng kể và phức tạp hơn trước. Cô chia sẻ, trước đây, học sinh được học tập và sinh hoạt tại trường, giao lưu, tương tác trực tiếp với bạn bè thầy cô. Nhưng hiện tại, học trực tuyến nguyên Học kỳ I, phải ở nhà lâu có thể khiến trẻ xuất hiện nhiều dấu hiệu tâm lý, như có các hành vi tự hại bản thân, hay lo lắng, mất kiểm soát, rối loạn giấc ngủ, thiếu các kỹ năng xã hội dẫn đến khó giao tiếp, tự tách biệt bản thân với gia đình, bạn bè, kết quả học tập giảm sút, bị lệ thuộc vào các thiết bị điện tử,...
Những cảm xúc tiêu cực kéo dài không được giải tỏa khiến trẻ ngày càng sa sút về tinh thần, ảnh hưởng đến cả sức khỏe và kết quả học tập, làm cho bố mẹ vừa lo lắng, vừa bất lực. Trả lời phỏng vấn, anh Lê Hoàn (Hải Phòng), có con trai đang học lớp 6, chia sẻ: “Dù có quan tâm để ý xem con có bị buồn chán gì khi học ở nhà không nhưng tôi vẫn khá mông lung vì con vốn đã ít nói nay lại cũng chẳng biểu hiện nhiều. Vợ chồng tôi cũng đi làm cả ngày, không thể ở cạnh quan sát con học mọi lúc mọi nơi. Chưa kể, chúng tôi không quá rành về tâm lý nên đôi lúc cũng chỉ biết động viên con bằng hành động”.
Do đó, trước khi có thể quay lại trường học, trong thời gian này, phụ huynh và nhà trường cần phối hợp giúp đỡ các em ổn định tâm lý. Theo lời khuyên của cô Xuân Mai, gia đình, bố mẹ là những người gần gũi với các em nhất, cần phải đồng hành và hỗ trợ các em vượt qua những khó khăn trên, trước hết là duy trì và thiết lập một môi trường lành mạnh trong gia đình.
Bố mẹ nên tạo cho con một không gian học tập riêng, để tránh tối đa các yếu tố gây xao nhãng, giúp con tập trung vào việc học, đạt được kết quả học tập tốt. Cùng với đó là khuyến khích các thói quen sinh hoạt lành mạnh cho con như ăn đủ bữa và đủ chất, ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc, tập thể dục thể thao đều đặn hàng ngày, khuyến khích con có các hoạt động vui chơi giải trí không màn hình ngoài giờ học…
Cô cũng đặc biệt lưu ý việc bố mẹ cần thiết phải giúp con tăng tương tác xã hội để bù đắp lại những thiếu hụt về tương tác với cộng đồng lớp học, trường học của con. Bố mẹ nên tạo điều kiện về không gian và thời gian để con có thể kết nối với bạn bè, dưới hình thức online một cách lành mạnh. Những khoảng thời gian tương tác xã hội chất lượng giữa các thành viên trong gia đình thông qua các hoạt động chung như cùng tập thể dục, xem phim, trò chuyện tâm sự cũng là điều cần thiết với trẻ trong giai đoạn này.
Về phía nhà trường, cô cho rằng “Nhà trường nên hỗ trợ xây dựng và thành lập Phòng tâm lý học đường với đội ngũ các chuyên viên Tâm lý học đường có kinh nghiệm để hỗ trợ học sinh và giáo viên một cách có hiệu quả. Thường xuyên chia sẻ, tìm hiểu và hỗ trợ học sinh, từ cấp lớp đến cấp khối và sau là cấp trường, từ GVCN, BGH nhà trường với các vấn đề về trang thiết bị điện tử học tập; quan tâm, tạo điều kiện cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hay các học sinh mắc COVID-19,...”.
Đa dạng các hoạt động hỗ trợ trẻ
Vấn đề sức khỏe tâm lý của trẻ giờ đã không còn là mối lo riêng cho các bậc phụ huynh hay nhà trường, mà cũng dần tạo được sự chú ý đối với các cơ quan, tổ chức. Tháng 10/2021, Bộ GD&ĐT cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Cũng trong thời gian này, đã có nhiều dự án, chương trình mới được ra đời nhằm hỗ trợ các bạn trẻ gặp vấn đề về tâm lý. Trong đó, có thể kể tới BlueBlue - một dự án phi lợi nhuận hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho thanh thiếu niên Việt Nam thông qua đường dây nóng cùng các hoạt động như Chương trình “11 ngày hạnh phúc” đồng hành giúp đỡ các bạn trong 11 ngày liên tục, hay câu lạc bộ tâm lý dành cho các bạn học sinh THPT để các bạn được tâm sự, giao lưu và chia sẻ các khó khăn của bản thân.
Ở các địa phương trên cả nước, nhiều trường học đã dần chú trọng và quan tâm hơn đến sức khỏe tâm lý học trò. Tại trường THCS Nghĩa Tân (Hà Nội), phòng Tâm lý nhà trường đã những hoạt động trực tuyến hỗ trợ về mặt tâm lý cho các bạn học sinh. Nổi bật trong số đó là “Học trực tuyến có hiệu quả?”, “Học hiệu quả - bắt đầu” nhằm chia sẻ các kinh nghiệm, các phương pháp học tập đa dạng.
“Bên cạnh đó, Phòng Tâm lý của nhà trường luôn nhận điện thoại và hỗ trợ online qua tin nhắn đối với rất nhiều trường hợp học sinh gặp vấn đề. Có những ca, các con học sinh liên lạc vào đêm khuya, nhưng vì trách nhiệm và cả sự đồng cảm, tôi vẫn sẵn sàng tiếp nhận, chia sẻ cùng các con học sinh” – Cô Xuân Mai chia sẻ.
Không giống với những vấn đề sức khỏe có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường hay qua các triệu chứng vật lý khác, tâm lý cần phải có sự can thiệp của các chuyên gia mới có thể nắm bắt được bệnh nhân. Những lời khuyên ở trên có thể là những giải pháp hữu hiệu cho các gia đình và nhà trường tham khảo. Tuy nhiên, tính hiệu quả sẽ rất khó có thể xác minh. Bởi nếu những em nhỏ ấy còn mặc cảm, không thể hiện mà muốn che giấu đi khủng hoảng về tâm lý thì đây thật sự là một vấn đề nan giải.
Với những tổng đài hỗ trợ tư vấn tâm lý qua cuộc gọi và tin nhắn, việc được thực hiện gián tiếp có thể gây ra khó khăn cho người tư vấn trong việc chạm đến cảm xúc của người cần được tư vấn. Từ đó, hiệu quả cũng không được như mong đợi.
Anh Hiếu Nguyễn, đại diện dự án BlueBlue chia sẻ rằng, trong quá trình thực hiện “11 ngày hạnh phúc”, do tiến trình kéo dài cũng như làm online nên khó khăn lớn nhất của dự án là việc kết nối với các bạn trẻ.
Đây cũng là điều dễ hiểu bởi thông thường khi đi tới các phòng tư vấn trực tiếp, bệnh nhân sẽ dễ dàng có được sự đồng cảm cùng nguồn động viên to lớn hơn. Trong các trường hợp đó, những hành động và cử chỉ đúng lúc sẽ hiệu quả và đáng giá hơn lời nói rất nhiều. Một cái ôm ấm áp, cái vỗ vai nhẹ nhàng hoặc cái nắm chặt tay sẽ khiến đối phương an lòng hơn rất nhiều. Thậm chí đối với những bệnh nhân tâm lý, chỉ cần có người ngồi cạnh họ trong khoảnh khắc cảm xúc tuôn trào cũng đã là niềm an ủi đối với họ. Việc không thể tiếp xúc trực tiếp, quan sát rõ các cử chỉ, hành vi của đối phương cũng là trở ngại lớn cho công tác tư vấn.
Với tình hình dịch bệnh còn kéo dài, việc học trực tuyến chưa biết khi nào sẽ kết thúc. Những hoạt động hỗ trợ cũng chỉ mang tính tạm thời, chưa thể giải quyết triệt để vấn đề tâm lý của các em. Do vậy, cha mẹ vẫn luôn là những người bạn gần gũi nhất để sẻ chia, đồng hành cùng con em vượt qua giai đoạn khó khăn này.