Văn hóa cơm nhà đang dần mai một?

(Sóng trẻ) - Giữa guồng quay bận rộn của cuộc sống, những bữa cơm nhà - từng là biểu tượng của sự sum vầy, kết nối đang dần trở nên phai nhạt. 

Nguyên nhân nào khiến bữa cơm nhà dần vắng bóng?

Uể oải trở về nhà sau khi tan làm, bạn Nguyễn Thu Giang (22 tuổi, Đống Đa) lựa chọn ăn ngoài vì tiện lợi. Dù gia đình cùng sinh sống tại Hà Nội, Giang cho biết, đến giờ cơm là cả gia đình lại mỗi người một hướng. Mẹ và em trai tranh thủ ăn sớm để kịp giờ đưa đón và đi học thêm, hai chị em gái thường xuyên tăng ca. Vì thế, mâm cơm nhà ít khi có khi đầy đủ các thành viên trong gia đình. 

“Vì công việc kết thúc khá muộn nên dần dần gia đình cũng không còn chờ cơm mình nữa. Có lúc mình sẽ về nhà ăn cơm một mình, nhưng đa số lựa chọn ăn ngoài để không tốn thời gian dọn rửa”, Giang bày tỏ. 

anh-1-1.JPG
Thu Giang thường xuyên vắng mặt trong mâm cơm gia đình. (Ảnh: NVCC)

 

Cũng như Thu Giang, Anh Minh (22 tuổi, Du học sinh Úc) cũng không có cơ hội được thường xuyên ăn cơm cùng bố mẹ nhiều năm nay: “Mình nhớ khi ở Việt Nam, gia đình mình vẫn thường dành thời gian ăn tối, chuyện trò với nhau. Nhưng vì việc học tập nên không còn được ở gần gia đình. Mỗi buổi chiều đi học về, mình lại một mình đi ăn, đi siêu thị nấu cơm, cảm thấy buổi tối trôi qua không còn đọng lại nhiều ý nghĩa như trước.”

Xa rời bữa cơm nhà không phải thực trạng của hai bạn trẻ Giang và Minh mà đang dần trở thành bối cảnh chung của toàn xã hội hiện đại. Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam của IPOS.vn trong 6 tháng đầu năm nay cho biết, sự khó khăn của nền kinh tế không làm giảm đi tần suất ăn ngoài của công chúng. Theo khảo sát, các mức tần suất cao (3-4 lần/tuần, hàng ngày) gần như không thay đổi so với năm 2023 với mức 30%. Đồng thời, nhóm khách hàng có tần suất 1-2 lần/tuần, có xu hướng tăng lên 4,1% so với năm trước.  

Cuộc sống bận rộn kéo theo ngành dịch vụ đang có những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, đồng nghĩa với đó, việc vắng bóng bữa cơm nhà hiện nay cũng đang dần trở nên phổ biến. 

Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân

Đứng ngoài xu thế của cuộc sống, gia đình anh Anh Tuấn (45 tuổi, Cầu Giấy) vẫn giữ thói quen tự nấu nướng và ăn cơm tại nhà. Đối với gia đình nhỏ, bữa cơm nhà đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. 

“Bữa cơm tối là khoảng thời gian cả nhà mong đợi sau những bận rộn với công việc, học tập. Có khi phải đợi các con đi học thêm về muộn, hoặc vợ chồng phải tranh thủ đi làm về sớm để chuẩn bị nấu nướng, nhưng chúng tôi luôn thấy xứng đáng để cố gắng”, anh Tuấn nói. 

anh-2.jpg
Bữa cơm là thời điểm kết nối các thành viên trong gia đình. (Ảnh minh họa)

 

Lựa chọn ăn cơm nhà không chỉ vì tiêu chí rẻ hay đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mà với gia đình anh Tuấn, đó là thời gian để các thành viên kết nối trước khi “ai về phòng nấy” với những công việc cá nhân: “Giờ cơm là khoảng thời gian không ai vội vã, mọi người cùng chia sẻ chuyện vui, chuyện buồn. Những giây phút bên cạnh nhau giúp chúng tôi nhận ra gia đình là chỗ dựa vững chắc trong cuộc sống đầy biến động này.”

Theo ThS. Nguyễn Thị Mỹ Linh (Giảng viên khoa Văn hóa phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền), bữa cơm nhà đóng vai trò không thể thiếu trong văn hóa sinh hoạt gia đình của Việt Nam: “Bữa cơm không chỉ mang giá trị thỏa mãn nhu cầu ăn uống của con người, mà còn mang giá trị tinh thần gắn kết các thành viên trong gia đình qua việc trò chuyện, sum vầy các thành viên. Bởi thế, các cụ xưa có câu: “Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân”.

Cô cũng cho biết thêm, bữa cơm nhà còn là thời gian thể hiện cách ứng xử chuẩn mực văn hóa trong gia đình qua lời mời, quy tắc bàn ăn hay bày tỏ sự quan tâm của cha mẹ với con cái, sự hiếu thảo của con cái dành cho ông bà, cha mẹ.  

Không thể phủ nhận những giá trị vật chất và tinh thần to lớn mà bữa cơm nhà mang lại, nhưng vì bận rộn, nhiều gia đình vẫn phải loay hoay để tìm những phút giây quý giá. “Quan trọng là mỗi cá nhân trong ý thức, tình cảm của mình luôn phải xác định được giá trị của gia đình và bữa cơm trong gia đình. Không thể bắt buộc các cá nhân phải có mặt trong tất cả các bữa cơm, nhưng chúng ta nên tìm cách bố trí, ưu tiên các khoảng thời gian phù hợp, dù chỉ 1 tuần 1 lần, để giữ được thói quen sum họp cùng nhau”, ThS. Mỹ Linh đưa ra giải pháp. 

Trong một chương trình truyền hình thực tế mới đây, ca sĩ Mỹ Linh đã chia sẻ rằng cô liên tục  mua vé máy bay từ Thành phố Hồ Chí Minh về Hà Nội để dành thời gian ăn bữa tối bên gia đình dù lịch trình dày đặc. Chắc hẳn câu chuyện của nữ ca sĩ đã gây ngạc nhiên và tạo ấn tượng mạnh mẽ với nhiều khán giả, khiến chúng ta dừng lại hồi lâu với câu hỏi: “Đã bao lâu rồi mình chưa ăn cơm nhà?”

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: “Dấn thân, phiêu lưu và suy tưởng” cùng Tour Giám tuyển

Hà Nội: “Dấn thân, phiêu lưu và suy tưởng” cùng Tour Giám tuyển

Tin nổi bật1 giờ trước

(Sóng trẻ) - Sáng 13/11, tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, đông đảo khán giả tham gia sự kiện "Tour Giám Tuyển" – một hoạt động nổi bật trong khuôn khổ Lễ Hội Thiết Kế Sáng Tạo 2024.

Người sáng lập “Squid Game” đặt câu hỏi về khả năng thay đổi thế giới đang suy thoái

Người sáng lập “Squid Game” đặt câu hỏi về khả năng thay đổi thế giới đang suy thoái

Tin nổi bật1 giờ trước

(Sóng trẻ) - Đạo diễn kiêm người dẫn chương trình Hwang Dong-hyuk cho biết mùa mới nhất của Squid Game thậm chí còn đi sâu hơn vào thực tế khắc nghiệt của thế giới.

Tọa đàm “Di sản kiến trúc trong thành phố sáng tạo”

Tọa đàm “Di sản kiến trúc trong thành phố sáng tạo”

Tin nổi bật2 giờ trước

(Sóng trẻ) - Sáng 13/11, tại Hội trường Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, diễn ra buổi tọa đàm “Di sản kiến trúc trong Thành phố sáng tạo” nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN