Vẽ truyền thần - Sợi dây gắn kết những thế hệ
(Sóng trẻ) - Vẽ truyền thần là một loại hình nghệ thuật vốn đã từng rất phát triển tại Hà Nội đến nay lại hồi sinh sau một thời gian vắng bóng. Tại các khu vực quanh Hồ Gươm, rất nhiều người mở "tiệm" vẽ truyền thần phục vụ du khách và những người có nhu cầu.
Vẽ truyền thần phát triển vào những năm trước thập niên 50, cực thịnh từ thập niên 60 tới sau thập niên 80 của thế kỷ trước ở các thành phố miền Bắc, nhiều nhất là Hà Nội. Những con phố Hàng Ngang, Hàng Đào… dẫn vào chợ Đồng Xuân và quanh đấy, các hiệu vẽ tập trung rất nhiều, thậm chí là liền kề.
Tuy nhiên đến thời điểm này, nhiều người sống ở đây vẫn khó có thể hình dung thế nào gọi là vẽ truyền thần. Để giới thiệu và bảo tồn nét độc đáo của mĩ thuật, nhiều họa sỹ đã tìm đến những địa điểm du lịch nổi tiếng. Hồ Gươm là một trong những ý tưởng đầu tiên - nơi không ai có thể bỏ qua nếu có dịp đến với thủ đô. Niềm đam mê cái đẹp từ đó mà được lan truyền từ người này sang người khác, thế hệ trước sang thế hệ sau.
“Tôi muốn thế hệ trẻ biết vẽ truyền thần là gì, để sau này khi tôi không còn thì loại hình nghệ thuật này cũng vẫn sống, chứ không chết như tôi” - họa sĩ Nguyễn Bảo Nguyên chia sẻ.
Phố Hàng Ngang nổi tiếng là nơi tấp nập, sầm uất và phát triển. Nhưng, có mấy ai biết rằng, trên con phố ấy, hình ảnh một cụ già tuổi xế chiều vẫn cặm cụi chau chuốt cho từng nét vẽ để “truyền thần” đến người xem những bức tranh chân dung tuyệt vời đã từng là một hình ảnh thân quen, tưởng như không thể nào biến mất. Rồi theo thời gian, hình ảnh ấy cũng dần mai một và mới đây, nó tiếp tục được tái hiện tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Hình ảnh nghệ nhân vẽ tranh truyền thân mới đây lại "sống dậy" trên đất hồ Gươm
Hình ảnh một cụ già móm mém cặm cụi mang giấy bút ra Hồ Gươm chăm sóc cho bức tranh của mình đã từng là chuyện có vẻ mới mẻ, bất ngờ nhưng giờ đây, dường như điều đó đang dần trở nên quen thuộc hơn ở nơi này.
Nghệ nhân chăm chút cho từng bức vẽ
Nài những nghệ nhân cao tuổi, việc vẽ tranh truyền thần tại hồ Gươm còn cớ sự tham gia của rất nhiều sinh viên theo học trong các ngành nghệ thuật như: Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Đại học Kiến Trúc Hà Nội… Dụng cụ để vẽ vô cùng đơn giản và dễ tìm như: que tre, bông gòn, lông thỏ, mèo làm bút, màu vẽ là muội than, cộng thêm cái kính lúp. Qua bàn tay tài hoa khéo léo những bức tranh vừa tự nhiên vừa hấp dẫn người xem. Cách vẽ không chỉ là trực tiếp nhìn mà còn nhìn qua điện thoại rồi vẽ lại... giống y như thật.
Công việc này đem lại rất nhiều ý nghĩa. Trước hết là thu hút được khách du lịch đến với Hồ Gươm, sau nữa là thể hiện niềm đam mê của những nét vẽ truyền thần. Nó là cơ hội để những người cao tuổi truyền lại cảm hứng cho thế hệ mới về một môn nghệ thuật đã từng chỉ là thứ "vang bóng một thời". Việc có thể duy trì thành công vẽ truyền thần cũng thể hiện việc tiếp nối, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong lòng giới trẻ và những người trân trọng những giá trị cổ truyền. Hay đơn giản hơn, nhờ những bức vẽ đẹp, các bạn sinh viên có thể tăng thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
“Để vẽ một bức tranh tự họa theo phương pháp truyền thần thì dụng cụ không phải là quan trọng nhất, mà cách cảm nhận của nguời vẽ mới là thứ tạo ra sự khác biệt giữa bức vẽ truyền thần và những bức ảnh chụp bằng máy. Vẽ truyền thần không chỉ đơn thuần là “chép ảnh” mà phải truyền cho được cái thần, cái ý, cái hồn. Tức là người họa sỹ phải làm toát lên được cái hồn của người trong ảnh qua trái tim người nghệ sĩ." - một người vẽ tranh truyền thần ở Hồ Gươm cho biết.
Vẽ truyền thần rồi sẽ đi về đâu? Có khi nào nó sẽ "sống lại" những chuỗi ngày "hoàng kim" trước kia hay mãi mãi chỉ bó hẹp trong mảnh đất du lịch hồ Gươm tuy đẹp, nổi tiếng nhưng lại quá ư nhỏ bé! Tương lai là những gì không thể nói trước. Nhưng bằng sự nỗ lực của những người đam mê nghệ thuật vẽ tranh truyền thần, sự sống của nó chắc chắn sẽ được hồi sinh và phát triển ngày một mạnh mẽ hơn.
Thiều Thị trang Minh
Phát Thanh K31
Cùng chuyên mục
Bình luận