Tháng giêng - Mùa trẩy hội trên đất Kinh Bắc
(Sóng Trẻ) - Ngày nay, nói đến Bắc Ninh, nhiều người thường gọi đó là xứ sở của những ngôi chùa cổ, và xứ sở của những lễ hội truyền thống. Tết đến, hội triền miên từ làng này sang làng khác, cứ thế kéo dài cho tới hết 3 tháng xuân.
Tháng giêng là tháng ăn chơi. Xem ra câu ca ấy khá hợp với người dân Kinh Bắc - Bắc Ninh chúng tôi:
Mồng bốn là hội kéo co
Mồng năm hội Ó chẳng cho nhau về
Mồng sáu đi hội Bồ Đề
Mồng bảy trò về đi hội Đống Cao
Mồng bảy hội Khám
Mồng tám hội Dâu
Mồng chín đâu đâu
Trở về hội Gióng…
Mồng năm hội Ó chẳng cho nhau về
Mồng sáu đi hội Bồ Đề
Mồng bảy trò về đi hội Đống Cao
Mồng bảy hội Khám
Mồng tám hội Dâu
Mồng chín đâu đâu
Trở về hội Gióng…
Ngày nay, nói đến Bắc Ninh, nhiều người thường gọi đó là xứ sở của những ngôi chùa cổ, và xứ sở của những lễ hội truyền thống. Trong ký ức tuổi thơ của tôi còn gập tràn không khí của những ngày hội làng, hội tổng. Tết xong, tháng một, hay theo cách gọi của người Việt “tháng giêng” thật sự là “tháng ăn chơi” vì lễ hội triền miên. Hội làng này, sang làng khác. Cứ thế, hội kéo dài cho tới hết 3 tháng xuân.
Bắc Ninh - vùng đất giàu truyền thống văn hóa.
Cùng với hội chùa Phật Tích, vào ngày 4 tháng giêng (âm lịch) nhân dân Làng Đồng Kỵ, Từ Sơn lại tổ chức lễ rước Pháo đầu năm. Tương truyền, lễ hội này có từ thời Hùng Vương thứ 6, bắt nguồn từ việc tướng Thiên Cương về làng chiêu quân giúp vua Hùng đánh giặc. Khi thắng giặc, Thiên Cương dẫn đoàn quân thắng trận trở về và làng mở hội khao quân. Tập tục đó vẫn được dân làng Đồng Kỵ duy trì cho đến ngày nay. Lễ rước Pháo là một nghi lễ không thể thiếu của nguời dân Đồng Kỵ mỗi dịp xuân về, quả pháo dài 2-3 mét, đường kính 40-50 cm được trang hoàng cầu kỳ. Ngày nay người dân Đồng Kỵ vẫn duy trì và tổ chức lễ hội truyền thống của làng nhưng những tràng pháo được thay bằng những mô hình.
Lễ rước pháo làng Đồng Kỵ (Ảnh: giaoduc.net)
Hát quan họ là hoạt động văn hóa đặc sắc trong các lễ hội của vùng quê Bắc Ninh (Ảnh: Internet)
Ngày 13 mới là chính hội nhưng từ sớm ngày 12, đồi Lim – trung tâm lễ hội đã tưng bừng với các lán hát quan họ và các trò chơi dân gian. Cùng với việc duy trì các trò truyền thống như: Thi tổ tôm điếm, đu tiên, vật, đập niêu, thi cờ người, trò bịt mắt bắt dê và kéo co. Bên đình Lim, trong Nội Duệ, Lũng Sơn, Duệ Đông các liền anh, liền chị sở tại rong thuyền rồng hát quan họ phục vụ du khách thập phương. Tất cả tạo nên một không gian văn hoá riêng có của vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc. Những người đến hội Lim lần đầu tiên hẳn ngạc nhiên bởi hiếm có vùng nào lễ hội lại diễn ra trên khoảng không gian rộng như vậy.
Người ta tìm đến với hội Lim để được nghe và được hòa mình vào không gian của những canh hát quan họ, những giá trị văn hóa, tinh thần truyền thống của người quan họ. Tiếc rằng, không chỉ ở hội Lim, mà ở các lễ hội khác ở Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung, vẫn còn đang tồn tại những điểm tối, cần loại bỏ để trả lại nguyên bản những lễ hội xưa. Đó là những gian hàng với các trò đỏ đen kiểu “chiếc nón kỳ diệu”, các trò “cua cá”. Những cảnh chèo kéo khác trẩy hội, rồi người ăn xin, rồi nạn chặt chém như “20 nghìn một vé gửi xe máy và 30 một vé gửi xe ô tô” ở hội Lim, móc túi, giật đồ vẫn còn xảy ra. Đặc biệt là việc xả rác bừa bãi của một bộ phận du khách tham gia lễ hội đã làm mất mỹ quan của những không gian sinh hoạt văn hóa này.
Lễ hội truyền thống là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc. Là dịp để mỗi chúng ta, những thế hệ hôm nay nhớ về công ơn của các bậc tiền bối ngày xưa. Đây cũng là cách để giáo dục văn hóa, giáo dục lòng yêu nước cho giới trẻ.
Một mùa xuân nữa lại về, và người dân Kinh Bắc – Bắc Ninh lại nô nức, kéo nhau đi trẩy hội để cầu chúc cho một năm mới tốt lành, mùa màng tươi tốt. Hy vọng rằng, trong mùa lễ hội năm nay, những ai có điều kiện về với Bắc Ninh, về với hội Lim sẽ thật sự cảm thấy hài lòng và có dịp quay lại ở mùa hội năm sau.
Trần Văn Sỹ
Lớp Báo In K32B
Lớp Báo In K32B
Cùng chuyên mục
Bình luận