Với nghệ thuật điêu khắc, Trần Trọng Tri vẫn còn phải đi rất nhiều “chuyến”
(Sóng trẻ) - Đó không chỉ là những chuyến đi trên những nẻo đường thực mà còn là những chuyến đi trong tâm tưởng để sáng tạo và cũng là để đến gần hơn với đỉnh cao trong nghệ thuật điêu khắc.
Ngày 25/3, tại Bảo tàng Mỹ thuật (số 66, Nguyễn Thái Học, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã diễn ra buổi Tọa đàm triển lãm “Một chuyến đi” của nghệ nhân điêu khắc Trần Trọng Tri. Tham dự Tọa đàm có Họa sĩ, Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, các thầy cô giáo đã từng giảng dạy nghệ nhân và đông đảo những công chúng yêu thích nghệ thuật điêu khắc.
Nhà điêu khắc trẻ Trần Trọng Tri sinh năm 1978, tại Hải Dương. Năm 2012, Trần Trọng Tri tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Điêu khắc và tham gia vào công tác giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Từ năm 2003 đến nay, Trần Trọng Tri đã tham gia rất nhiều triển lãm điêu khắc như Triển lãm 10 năm điêu khắc (2003); Triển lãm mỹ thuật toàn quốc (2005); Trại sáng tác điêu khắc Hậu Giang (2009); Triển lãm điêu khắc nhóm Sài Gòn (2010); Trại sáng tác sắt hàn tại Hà Nội (2011); Triển lãm New Form (2012). Và đầu năm 2015, đó là Triển lãm “Một chuyến đi” (23/3 – 29/3). Có thể thấy được rằng, đó là một quá trình lao động nghệ thuật bền bỉ không ngừng của nghệ nhân điêu khắc trẻ này.
Nhà điêu khắc trẻ Trần Trọng Tri
Những điều bình dị nhất tạo nên nghệ thuật Trần Trọng Tri
Sự bình dị trong những sáng tác của nghệ nhân được thể hiện ngay từ trong nguồn cảm hứng sáng tác. Những chuyến đi dài, ngắn khác nhau đều mang đến cho con người những trải nghiệm quý báu. Đối với Trần Trọng Tri, dấu chân in hằn lên những con đường chính là một trong những điều tạo nên cảm hứng cho những sáng tác của nghệ nhân. Tại triển lãm cá nhân mang tên “Một chuyến đi”, Trần Trọng Tri đã tái hiện lại những chuyến đi của mình với hình ảnh xuyên suốt, ám ảnh tác giả đó là Thuyền và Nước. Chia sẻ tại buổi tọa đàm, nghệ nhân cho biết: “Thuyền và Nước là những thứ rất gần gũi, thân thuộc với đời sống của con người. Với tôi, Thuyền không chỉ là một vật thể, một phương tiện mà còn là thứ để chở tinh thần, ý niệm của tôi”.
Sự gần gũi trong những sáng tác của Trần Trọng Tri còn được thể hiện ở chất liệu làm nên chúng. Những sáng tác của nghệ nhân là những con thuyền kim loại bằng thép, bằng đồng, những mô đất nhấp nhô bằng kim loại in hằn những dấu chân có nước đọng lại; những con thuyền làm bằng trấu, gỗ, mùn cưa và vải vụn. “Kim loại rất đắt, nên tôi luôn cố gắng tận dụng những vật liệu sẵn có trong đời sống hằng ngày như trấu, tre, mùn cưa,… để tiết kiệm hơn và cũng làm cho những sáng tác đến gần hơn với công chúng”, nghệ nhân tâm sự.
Những con thuyền bằng kim loại tại Triển lãm “Một chuyến đi”
Tác giả cũng chia sẻ rằng, nổi bật ở triển lãm này là tác phẩm điêu khắc mang tên Đường xa – khắc họa con đường với rất nhiều những dấu chân và câu chuyện trăm trứng của mẹ Âu Cơ: những mảnh vỡ của quả trứng trên con thuyền. Đó là nơi vật liệu và chất liệu gặp nhau.
Tác phẩm “Đường xa”
Tác phẩm “Câu chuyện trăm trứng”
Từ những điều bình dị đó, Trần Trọng Tri muốn thể hiện những trăn trở của mình trước những đổi thay của xã hội hiện đại ngày nay.
Vẫn còn rất nhiều “chuyến đi” phía trước
Triển lãm “Một chuyến đi” là một thành công mới của Trần Trọng Tri, nhưng “tôi vẫn phải học tập, nghiên cứu nhiều hơn nữa”, tác giả chia sẻ.
Những con thuyền cứu sinh
Đó là con đường đến với nghệ thuật điêu khắc ở một tầm cao mới. Bình về những sáng tác của Trần Trọng Tri, Họa sĩ, Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nói: “Qua những sáng tác có thể thấy được sự công phu của anh Tri. Tuy nhiên, trong đó còn mang chủ nghĩa tự nhiên rất nhiều. Anh không chú trọng tới chi tiết. Nghệ thuật điêu khắc cần nâng lên một mức cao hơn mà ở đó, không cần phải có con thuyền thật trước mặt, người ta vẫn nhìn thấy đó là chiếc thuyền”.
Và đó còn là con đường đến gần hơn với công chúng. “Tôi luôn muốn hướng tới một nghệ thuật đa nghĩa”, Trần Trọng Tri khẳng định. Và chính điều đó cũng mở ra phía trước nghệ nhân một thử thách khác nữa. Đó là phải làm sao để công chúng có thể hiểu nhiều hơn và đúng với tư tưởng nghệ thuật mà nhà điêu khắc muốn truyền tải? Đó cũng là những trăn trở của những người có mặt tại buổi tọa đàm qua những chia sẻ mong muốn tiếp nhận được nhiều hơn với những sáng tác của nghệ nhân.
Những “chuyến đi” phía trước của nhà điêu khắc trẻ Trần Trọng Tri chính là những tìm tòi, nghiên cứu, những trải nghiệm mới; là những thay đổi trong cách tư duy của nghệ thuật điêu khắc trên con đường tìm đến nghệ thuật điêu khắc chân chính.
Lê Loan
Báo mạng điện tử K33
Cùng chuyên mục
Bình luận