Khúc tráng ca của người chiến sĩ trên chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập

(Sóng trẻ) - Trong những năm tháng hòa bình hiện tại vẫn còn những chứng nhân lịch sử kể mãi không dứt câu chuyện cũ - câu chuyện thời chiến.

Trong hành trình trở về những giá trị lịch sử tốt đẹp, chúng tôi có vinh hạnh được tới thăm bác Nguyễn Bá Tứ, một người chiến sĩ xe tăng năm xưa đã từng tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Hồi ức quý giá của những năm tháng “máu lửa” 

Đã 48 năm kể từ ngày lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, thế nhưng từng giây phút khói lửa chiến tranh vẫn còn sống mãi trong hồi ức của người chiến sĩ Nguyễn Bá Tứ. Bác là chứng nhân lịch sử cho thời khắc huy hoàng của dân tộc, một nhân chứng sống của thời kì "máu lửa".

f509e77d-3049-4ac7-9b1a-97d0c781d3a4.jpg
Chiếc xe tăng T54 mang số hiệu 846 của chiến sĩ Nguyễn Bá Tứ và đồng đội tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng

Trong bức hình, người chiến sĩ Nguyễn Bá Tứ đang đứng trên tháp pháo, nạp đạn và chiến đấu. Bác giữ vai trò pháo thủ số hai trên xe tăng 846 (Đại đội 5, Tiểu đoàn 2). Bác tâm sự với chúng tôi về bức ảnh lịch sử bằng giấy bút và khẩu âm bởi 11 năm trước bác phẫu thuật u thanh quản bị mất tiếng đến bây giờ.

Bác Tứ viết: “Lúc chiến đấu mệt mỏi. Chiến đấu mong ngày về nhà. Từ đầu chiến dịch cho đến khi vào Dinh là hết chiến dịch, mệt mỏi, nên không ăn được mấy bữa cơm mà chỉ uống nước suối pha đường”. Ảnh: Nguyễn Thực
Bác Tứ viết: “Lúc chiến đấu mệt mỏi. Chiến đấu mong ngày về nhà. Từ đầu chiến dịch cho đến khi vào Dinh là hết chiến dịch, mệt mỏi, nên không ăn được mấy bữa cơm mà chỉ uống nước suối pha đường”. Ảnh: Nguyễn Thực

“Bác xông pha chiến đấu, không biết đến sự tồn tại của bức ảnh. 35 năm sau bác trở lại thăm Dinh Độc Lập, vào nhà truyền thống mới nhận ra bóng hình mình và chiếc xe tăng năm xưa. Thế nhưng, bác lại không có liên lạc hay thông tin của những người đồng đội cũ. Tròn 40 năm sau, vào năm 2015, phóng viên Trần Mai Hưởng mới liên hệ được hết 4 anh em để có cuộc hội ngộ đông đủ”. Cô Nguyễn Thị Mùi - vợ bác Tứ, kể lại câu chuyện của chồng.

Người lính trẻ năm xưa bây giờ chỉ có thể thều thào trong cổ họng những câu nói mà chúng tôi phải gắng nhìn khẩu hình và nhờ đến sự “phiên dịch” của vợ bác để hiểu. Câu chuyện được kể đến đâu, bác Tứ sẽ diễn tả bằng hành động đến đấy. Trong mắt bác ánh lên màu máu của đồng đội hy sinh, màu lửa của chiến tranh tàn khốc, dường như dòng hồi tưởng khiến hình ảnh hiển hiện trước mắt.

dvkcx-lz.png
Người chiến sĩ Tứ nghẹn ngào về những câu chuyện đau thương cùng đồng đội. Ảnh: Nguyễn Thực.

Sự tàn khốc của chiến trường hiện lên trong từng câu nói của bác: “Đồng đội của bác núp dưới bánh xe tăng để ăn nốt bữa trưa đang dang dở, thế nhưng một viên đạn xuyên qua đầu, rồi ở lại mãi trên chiến trường. Bác tiến công trên chiến xe tăng 864, cứ tiến thẳng rồi bỏ qua biết bao thân xác của đồng đội mình”.

Hồi ức chiến tranh dai dẳng trong tâm trí người chiến sĩ. Rồi, bác cười khi kể về kỉ niệm với người đồng đội cũ: “Một quả đạn 31 cân nhưng có ngày bác nạp đến 100 quả, bắn liên tục. Bác ngắm mục tiêu, bắn rồi nạp đạn rồi lại bắn tiếp. Sau khi chiến thắng, đội của bác được ăn một ăng-gô (cặp lồng quân chủng của quân đội) mỳ tôm ở trong bếp của Dinh mà ngon như ăn cỗ. Lúc ăn xong, bốn người lăn ra ngủ, khổ lắm”. 

Trên khuôn mặt đen sạm, mệt mỏi của bác ánh lên nụ cười nhạt. Những năm tháng chiến đấu ác liệt của người chiến sĩ vẫn tồn tại những câu chuyện vui vẻ bên đồng đội, làm dịu đi màu "máu" của chiến tranh.

Những đồng đội cứ ngỡ sẽ mãi chia ly

Bác Tứ và những người đồng đội hội ngộ đông đủ vào năm 2015, tròn 40 năm sau sự kiện lịch sử - chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam. Những ngày tháng trở về từ ngày lá cờ Giải phóng bay trên nóc Dinh Độc Lập, bác và những người đồng đội không hề liên lạc được với nhau, “biết tìm ở đâu, tìm như thế nào bởi không ai biết rõ địa chỉ của nhau” - người cựu chiến binh viết lên giấy với đôi tay run rẩy.

Khi chúng tôi hỏi về những cảm xúc của cuộc hội ngộ. Bác khóc, người lính vỡ òa trong dòng nước mắt. Bác gạt vội đi, qua khẩu âm, chúng tôi biết bác đang nói: “Vui”. Rồi bác im lặng, lau nốt những giọt nước mắt còn vương lại. Người chiến sĩ nhìn chúng tôi, chính trong giây phút ấy chúng tôi nhận ra  rằng tình đồng chí, gắn bó với nhau qua thời kì máu lửa mới đáng quý như thế nào. 

Những người đồng đội sau một thời gian dài, gặp lại nhau, những cái ôm siết thỏa hết mọi nỗi niềm. Bác Mùi, người đồng hành cùng với bác Tứ trong cuộc hội ngộ, cho phóng viên biết thêm: “Những năm tháng chiến tranh để trải qua đâu có dễ, biết bao kỉ niệm thế nên các anh cứ kể không hết chuyện. Bây giờ, các anh vẫn còn giữ liên lạc với nhau, như anh Hòa (Nguyễn Quang Hòa - trưởng xe T54 số hiệu 846) ở Nam Định, thỉnh thoảng anh ấy đến thăm nhau, ở cùng nhau 1 - 2 ngày rồi lại trở về chỗ cũ”.

Những người đồng đội hội ngộ sau 40 năm xa cách. Ảnh: Nguyễn Thực.
Những người đồng đội hội ngộ sau 40 năm xa cách. Ảnh: Nguyễn Thực.

Người lính cùng vào sinh ra tử, cùng xông pha trận địa thế nên những hồi ức đồng hành trên chuyến hành trình chiến đấu là vô giá. Đặc biệt đối với bác Tứ, một người chiến sĩ bị di chứng chiến tranh, đã nằm trên bàn phẫu thuật, đi qua lằn ranh sống chết. Những kí ức về bữa cơm chiến thắng, về giấc ngủ dài sau khi lá cờ Giải phóng được treo lên, cả những lần sinh ly tử biệt cùng đồng đội khiến bác bồi hồi, gương mặt gầy với gò má cao cứ lặng nhìn, chìm trong hồi ức. Bác lấy cho chúng tôi xem những bức hình kỉ niệm ngày hội ngộ, bàn tay đen gầy nhăn nheo của tuổi xế chiều chạm cẩn thận vào từng bức ảnh.

Người chiến sĩ xe tăng luôn cất giữ cẩn thận những bức ảnh kỷ niệm dịp hội ngộ với đồng đội sau hòa bình. Ảnh: Nguyễn Thực.
Người chiến sĩ xe tăng luôn cất giữ cẩn thận những bức ảnh kỷ niệm dịp hội ngộ với đồng đội sau hòa bình. Ảnh: Nguyễn Thực.

Bác Tứ trở về miền Bắc sau hòa bình, được quân giải phóng miền Nam trao tặng Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Ba. Giấy tờ chứng nhận đã ố vàng nhưng vẫn được bác giữ cẩn thận trong ví - minh chứng cho một chứng nhân lịch sử đã trải qua năm tháng hào hùng của dân tộc.

Chính chúng tôi, những phóng viên đang lắng nghe câu chuyện của bác cũng phải bồi hồi xúc động. Một thế hệ cha anh hào hùng đã hy sinh vì lý tưởng vĩ đại của dân tộc, hy sinh để bảo vệ hai chữ “Tổ quốc” thiêng liêng.

Kỷ vật thời chiến luôn luôn là
Kỷ vật thời chiến luôn luôn là "kỷ niệm rất quý giá". Ảnh: Nguyễn Thực.

Cuộc tình “nghèo” của người chiến sĩ giải phóng

Người chiến sĩ giải phóng hết mình cho tương lai đất nước thế nhưng tận sâu trong lòng họ vẫn mong ngóng ngày trở về được đoàn tụ với gia đình. Chính khi trở về, họ cũng có thể thấy được tấm lòng người thương đang chờ đợi.

Bác Tứ cũng không ngoại lệ, người thương của bác sau ngần ấy năm xa cách chiến tranh vẫn chỉ có người vợ hiện tại, cô Mùi. Bác Tứ gặp cô Mùi nhờ vào cái duyên năm 1972, lúc ấy bác Tứ theo cha đi xây nhà cho bố mẹ cô Mùi. Chuyện tình trai gái cứ nảy nở theo thời gian. 

Cô Mùi gọi thứ tình giữa cô và bác lúc ấy là “thứ tình nghèo”. Bác mời cô đi xem phim, đi ăn bánh rán, đôi lúc bác lại phụ cô dăm ba việc lặt vặt quanh nhà. Thế nhưng, sau Tết năm 1973, bác Tứ phải lên đường hành quân, cô và bác chia rẽ từ đấy. Cuộc tình của cô và bác không hề có thư từ qua lại, không hề hẹn ước tương lai.

Trong thời gian kháng chiến, cô Mùi ở Hà Nội nghe tin xe tăng của bác Tứ bị cháy lớn, nghĩ bác Tứ cũng khó lòng qua khỏi. Cô nhớ lại: “Lúc đấy bản thân cô đã nguội lòng. Cô chỉ nghĩ, bây giờ anh Tứ chỉ có “xanh cỏ” hoặc “đỏ ngực”. Nhưng chiến tranh ác nghiệt, lòng cô cũng không trông mong, chờ đợi gì nữa”. 

Tuy nhiên, 3 năm sau, vào năm 1976, hòa bình lập lại, bác Tứ còn sống sót, trở về địa chỉ cũ và gặp cô Mùi. Chuyện tình của cô và bác tiếp diễn, đến năm 1977 thì cô và bác lấy nhau. Năm 1978, cô đẻ con gái đầu lòng. Hiện tại, cô với bác đã ở với nhau 46 năm và có tất cả 3 người con. 

Cô Mùi và bác Tứ trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống để rồi đến tuổi xế chiều họ lại bình dị ở bên nhau. Ảnh: Nguyễn Thực.
Cô Mùi và bác Tứ trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống để rồi đến tuổi xế chiều họ lại bình dị ở bên nhau. Ảnh: Nguyễn Thực.

Sau một thời gian trở về từ kháng chiến, bác Tứ phát hiện mình mắc bệnh u dây thanh quản. Bác điều trị, làm phẫu thuật rồi từ đó mất hẳn giọng nói. Bác chỉ có thể thều thào trong cổ họng, lúc đấy, cô Mùi vừa là một người vợ vừa trở thành “phiên dịch viên” trong quá trình giao tiếp của bác Tứ. Cô gắn bó với bác trong cả những chuyến đi hội ngộ với những người đồng đội cũ. Đối với cô, hành động chăm sóc bác vì cái tình và hơn cả vì cái nghĩa vợ chồng. Còn đối với chúng tôi, đôi uyên ương ấy như hòa vào thành một và chung tình chung ý quá nửa đời người.

njdsvlk.png
Cô Mùi - "Tiếng nói" của bác Tứ trong suốt nhiều năm qua.

Cô tâm sự: “Những người yêu nhau họ đến với nhau nhờ những cảm xúc, sự an tâm trong mối tình. Cuộc tình đẹp, hợp tình hợp lý nhau phải có sự chấp thuận từ hai phía. Trong cuộc tình, cái nắm tay giữa người yêu càng ấm áp thì bản thân càng được yêu, càng hy vọng hơn. Khi những người yêu nhau cầm tay nhưng sự truyền cảm, cảm xúc không tới, không an tâm trong lòng, chắc hẳn đó chưa phải yêu. Khi ở với bác, chính cô cảm nhận được cái tình, thấy an tâm trong lòng”. 

cnzx.png
Bác Tứ và cô Mùi ở tuổi xế chiều. Ảnh: Nguyễn Thực

Chuyện tình của cô với bác giản dị, “một thứ tình nghèo” nhưng chưa hẳn là “nghèo”. Chính nó là động lực tiếp thêm sức mạnh vượt qua sóng gió trong cuộc đời người lính. Bây giờ, người chiến sĩ Nguyễn Bá Tứ đã trở về quê nhà, sống cuộc sống đời thường như bao người nhưng ở bác vẫn toát lên hào quang người chiến sĩ - một vẻ đẹp của tấm lòng “vẹn tròn với nghĩa nặng tình quê”.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN