Xây dựng văn hóa từ thiện "đẹp trong mắt mình, tốt trong mắt người"

(Sóng trẻ) - 14h ngày 30/11, trang tin điện tử Sóng Trẻ tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Văn hóa từ thiện: Của cho không bằng cách cho” tại Ocean Studio, ngõ 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội. Đây là cơ hội để độc giả có thể trực tiếp trao đổi, bày tỏ quan điểm về văn hóa từ thiện trong cộng đồng hiện nay.  

Tham dự buổi tọa đàm có Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, Giảng viên cao cấp, nguyên Phó trưởng khoa Văn hóa & Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và chị Hoàng Thị Hồng Hạnh, phó Đoàn thiện nguyện viên trẻ, đại diện Hội sự nghiệp từ thiện Minh Đức tại Hà Nội. Buổi tọa đàm đang được tường thuật trực tiếp trên Trang tin điện tử Sóng Trẻ News (Songtre.com.vn) và phát livestream trên Fanpage Sóng Trẻ. 

BTC chương trình tặng hoa cho khách mời
BTC chương trình tặng hoa cho khách mời

Buổi tọa đàm trực tiếp bắt đầu.

Phóng sự vừa rồi ghi lại các hình ảnh “dở khóc dở cười” của một số hoạt động thiện nguyện. Như chúng ta có thể thấy, có rất nhiều trường hợp từ thiện một cách tùy tiện, ủng hộ quần áo cũ rách như thể “dọn rác”.

Thưa TS. Nguyễn Ánh Hồng, bà có suy nghĩ như thế nào sau khi xem đoạn video ngắn vừa rồi?

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng: Khi xem video này, cảm xúc của tôi rất hỗn độn. Nói thật với các bạn, người ta không mong muốn có những hoạt động từ thiện diễn ra. Bởi từ thiện chỉ có khi xảy ra sự cố, trong khi chúng ta đang cố xây dựng một xã hội bình đẳng, hạnh phúc, tốt đẹp hơn. 

Hoạt động từ thiện khiến tôi có nhiều cảm xúc, bởi chính bản thân tôi là người con của miền Trung, là khúc ruột của Tổ quốc. Đầu tiên là thương cảm, sau đó là tôn kính với những tấm lòng của người dân cả nước. Cuối cùng, tôi cũng không tránh khỏi chạnh lòng khi thấy những thùng đồ ăn bị ném qua dòng nước lũ như vậy. Đó không chỉ là dòng nước lũ, mà còn là dòng nước mắt của đời.

Sau khi xem những trường hợp làm từ thiện như trên, chị Hạnh có cảm xúc như thế nào?

Chị Hoàng Thị Hồng Hạnh: Cũng là một người khá quan tâm đến các hoạt động từ thiện nên những trường hợp thế này thì năm nào mình cũng nhìn thấy, năm nào cũng diễn ra. Bản thân mình có tin vào nhân quả, và luôn tâm niệm những gì cho đi thì một ngày nào đó cũng sẽ quay lại với mình. Việc làm từ thiện trước hết là mang cái tâm của mình ra, chia sẻ lắng nghe với các khó khăn của đồng bào, những người có số phận kém may mắn hơn mình. Nên việc từ thiện này thiếu tôn trọng với đồng bào thì rất vô tâm và đáng buồn.

Thưa 2 vị khách mời, việc để quần áo cũ rách, không phù hợp như thế chuyển đến tay người dân có hoàn cảnh khó khăn thì lỗi thuộc về ai? 

TS Nguyễn Ánh Hồng: Trước khi nói về trách nhiệm, tôi xin phép được gửi lời cảm kích đối với những người hoạt động thiện nguyện. Con người ta sinh ra với tấm lòng lương thiện, họ đã truyền đạt lòng tốt ấy ngày càng trở nên sâu sắc hơn, vươn xa hơn. Nhưng tuy nhiên, có một số người chưa hiểu lắm về định nghĩa “từ thiện”, từ thiện làm sao vừa đẹp trong mắt mình, vừa tốt trong mắt người. Họ nghĩ rất đơn giản rằng chỉ cần cho đi thứ mình không cần thì đã được gọi là từ thiện mà không nghĩ rằng phải cho những gì đối phương cần. Trong tình cảnh lũ chồng lũ như vậy thì người dân ở đó cần gì.

Bên cạnh đó sẽ là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước. Chúng ta nên có các quy chuẩn quy định sao cho phù hợp. tuy trong hoàn cảnh đó, để mà kiểm soát, kiểm duyệt là một điều rất khó khăn, nhưng đây cũng là một cách để có thể giải quyết được những tồn đọng bất cập.

Chị Hoàng Thị Hồng Hạnh: Theo mình một phần lỗi trước hết thuộc về mỗi cá nhân phải có trách nhiệm lọc ra để kiểm tra quần áo trước. Vì ban tổ chức không thể kiểm soát hết được vừa nhanh vừa chính xác. Mỗi người cần tự chọn đồ của mình ra trước sau đó đến với những người vận chuyển vào miền Trung cũng cần phải chọn lọc tránh mang những đồ không dùng được, quá cũ, hay rách gây mất thiện cảm.

Hai khách mời trao đổi những vấn đề xoay quanh văn hóa từ thiện
Hai khách mời trao đổi những vấn đề xoay quanh văn hóa từ thiện

Như mọi người có thể thấy, quần áo cũ rách không mặc được thì thôi nhưng đã từng có trường hợp ủng hộ thuốc chữa bệnh, sữa hết hạn sử dụng. Nếu như mang đi cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số họ không hiểu biết mà uống vào thì hậu quả sẽ rất khôn lường. Vậy theo TS. Nguyễn Ánh Hồng, làm thế nào để người dân có ý thức và trách nhiệm hơn khi tham gia các hoạt động từ thiện?

TS Nguyễn Ánh Hồng:  Tôi nghĩ giải pháp quan trọng nhất là hoạt động truyền thông. Truyền thông để mọi người thấy được và hiểu được trách nhiệm với cộng đồng, để biết trong trường hợp đó người ta phải làm gì. Có lần, tôi xem một chương trình nói rằng người ta ủng hộ đồ ăn, thuốc hết hạn vào cho người dân khó khăn. Trước tình cảnh đó, bản thân tôi cảm thấy rất buồn. Giả sử như người thân của mình nhận được, mình sẽ cảm thấy như thế nào? 

Thứ hai, tôi xin phép được đề cập đến vấn đề quản lý. Như phường chỗ tôi khi kêu gọi đóng góp, những cán bộ và người lớn tuổi đi đến từng nhà để nhắc nhở mọi người sắp xếp đồ dùng quyên góp phải dùng được, phải đảm bảo chất lượng. Chúng tôi sẵn sàng đi suốt đêm để đảm bảo đồ chuyển đi là đồ tốt.  Chính những tấm gương đó sẽ truyền lửa, đánh thức trách nhiệm cá nhân, tình thương cảm, chân thành. Cho nên truyền thông cần phải làm tốt điều đó hơn, đánh mạnh vào tuyên truyền, giáo dục chứ không nên dùng pháp luật

Như quý vị độc giả và 2 vị khách mời có thể thấy trong clip vừa rồi có đoạn một đoàn từ thiện đã ném mì tôm, nước lọc vào nhà dân thay vì chèo thuyền hay lội nước vào để trao tận tay. Đoạn video này khi đăng tải trên mạng xã hội đã nhận phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng cách làm đó giống như bố thí, người dân nghèo họ cũng có lòng tự trọng và dễ bị tổn thương. “Của cho thì không bằng cách cho”, phải chăng nhiều người chưa hiểu được đạo lý này và vẫn làm từ thiện một cách hời hợt, mang nặng tính hình thức, thưa chị Hạnh?

Chị Hoàng Thị Hồng Hạnh: Mình cũng đã tham gia các hoạt động từ thiện rất lâu, trong Hội từ thiện Minh Đức. Mọi người tham gia rất dài rồi nên không thể đánh giá là hời hợt được. Lần đầu tiên mình có thể làm sai nhưng những lần sau sẽ có người nhắc nhở nên không thường xảy ra lỗi. Nên cá nhân mình không có nhiều ý kiến về vấn đề này.

Ai cũng hiểu, làm từ thiện phải có văn hóa. Xin được hỏi hai vị khách mời, vậy “văn hóa” trong hoạt động từ thiện nên được hiểu một cách đơn giản nhất là gì? (Facebook Hồng Minh Phạm)

TS Nguyễn Ánh Hồng:  Để hiểu được văn hóa là gì không phải chuyện đơn giản. Trên thế giới có đến hàng trăm định nghĩa về văn hóa, Việt Nam mình cũng đang lạm dụng định nghĩa văn hóa rất nhiều. Chúng ta có văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, văn hóa giao thông, văn hóa đạo đức. Hiểu một cách đơn giản nhất thì từ thiện là cách thức chúng ta thực hiện hành vi hoạt động từ thiện một cách đúng đắn với giá trị đạo đức của văn hóa Việt Nam. Quan trọng hơn, chúng ta phải cho làm sao để người nhận cảm thấy cảm kích, thoải mái, cảm nhận được tấm lòng xuất phát từ trái tim chứ không phải sự ban ơn.

Chị Hoàng Thị Hồng Hạnh: Theo cách hiểu của mình 3 yếu tố cần có là: đúng lúc, đúng nơi, đúng người. Quan trọng là cách mình cho đi như thế nào , mình đã cho đúng người hay chưa, người ta có cần hay không. Ví dụ như quyên góp tiền thì mình đã dùng tiền vào việc đúng hay chưa? Người nhận có nhận được đúng với những gì người ta mong muốn hay không?

Khán giả theo dõi buổi tọa đàm và trực tiếp đặt câu hỏi
Khán giả theo dõi buổi tọa đàm và trực tiếp đặt câu hỏi

Theo tôi được biết, hội Hội sự nghiệp từ thiện Minh Đức từng khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Vậy, từ phía Hội, việc kiểm soát và đảm bảo chất lượng thuốc trước khi đến tay người bệnh có được thực hiện một cách quy củ không?

Chị Hoàng Thị Hồng Hạnh:  Thực tế chương trình khám bệnh phát thuốc hàng năm của Hội từ thiện Minh Đức là chương trình chính, được các thành viên trong hội dành nhiều tâm sức và thời gian nhất. Thông thường mỗi chương trình như vậy chúng tôi sẽ xây dựng bệnh viện dã chiến, có các phòng siêu âm điện tim, đầy đủ các trang thiết bị và bác sĩ đến từ bệnh viện lớn. Danh sách thuốc sẽ lấy thuốc trực tiếp từ các công ty thuốc trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM. Toàn bộ số thuốc sử dụng trong chương trình sẽ có hạn sử dụng 1 năm. Trong thời điểm diễn ra chương trình, chúng mình sẽ có phòng dược, chúng mình sẽ lấy thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bác sĩ sẽ ghi rõ cách dùng, liều dùng và tất cả sẽ là miễn phí. 

Nhiều người cho rằng nên đề ra các biện pháp răn đe, xử phạt đối với các tổ chức làm từ thiện hời hợt vì có thể gây hại cho người dân? Thưa TS. Nguyễn Ánh Hồng, theo bà, việc xử phạt có hợp lý không và tại sao? 

TS Nguyễn Ánh Hồng:  Trước hết tôi xin chia sẻ cảm nghĩ về hoạt động từ thiện của bạn Hạnh. Tôi thấy các bạn rất chuyên nghiệp, từ đó cho thấy trách nhiệm và kỹ năng của cả một tổ chức. Đây là một hướng làm rất đáng phát huy. Trở lại với câu hỏi, chúng ta đã có luật để quản lý quỹ từ thiện, tổ chức từ thiện, còn hoạt động từ thiện thì chưa có.  Tôi nghĩ chúng ta không nên có chế tài răn đe xử phạt vì đó là hoạt động tình nguyện áp dụng luật pháp khiến chúng ta có cảm giác đang thể chế hoá lòng tốt con người, làm cho ta cảm thấy sợ làm điều tốt. Do đó pháp luật vô tình trở thành bức tường ngăn cản ta làm từ thiện. Tuy nhiên chúng ta cũng không nên buông thả. Ví dụ như việc từ thiện ở miền Trung, tổ chức từ thiện phải liên hệ với UBND và các cơ quan chính quyền, không nên tự phát, tự giác gây khó quản lý. Như vậy từ thiện như bạn Hạnh nói mới đúng nơi, đúng chỗ, đúng lúc, đúng người và mới phát huy được giá trị của từ thiện. 

Nhiều người cho rằng nên đề ra các biện pháp răn đe, xử phạt đối với các tổ chức làm từ thiện hời hợt vì có thể gây hại cho người dân? Thưa TS. Nguyễn Ánh Hồng, theo bà, việc xử phạt có hợp lý không và tại sao? 

TS Nguyễn Ánh Hồng: Trước hết tôi xin chia sẻ cảm nghĩ về hoạt động từ thiện của bạn Hạnh. Tôi thấy các bạn rất chuyên nghiệp, từ đó cho thấy trách nhiệm và kỹ năng của cả một tổ chức. Đây là một hướng làm rất đáng phát huy. Trở lại với câu hỏi, chúng ta đã có luật để quản lý quỹ từ thiện, tổ chức từ thiện, còn hoạt động từ thiện thì chưa có.  Tôi nghĩ chúng ta không nên có chế tài răn đe xử phạt vì đó là hoạt động tình nguyện Áp dụng luật pháp khiến chúng ta có cảm giác đang thể chế hoá lòng tốt con người, làm cho ta cảm thấy sợ làm điều tốt. Do đó pháp luật vô tình trở thành bức tường ngăn cản ta làm từ thiện.

Tuy nhiên chúng ta cũng không nên buông thả. Ví dụ như việc từ thiện ở miền Trung, tổ chức từ thiện phải liên hệ với UBND và các cơ quan chính quyền, khôn nên tự phát, tự giác gây khó quản lý. Như vậy từ thiện như bạn Hạnh nói mới đúng nơi, đúng chỗ, đúng lúc, đúng người và mới phát huy được giá trị của từ thiện.

 Nhiều người lo ngại rằng, nếu đề ra các biện pháp xử phạt thì có thể khiến cho người ta mang tâm lý “sợ” làm từ thiện? Chị Hạnh có nghĩ như vậy không?

Chị Hoàng Thị Hồng Hạnh: Mình hoàn toàn đồng ý với ý kiến của cô Hồng, giống như hội trưởng đã nói một khi mình đã làm từ thiện chân chính đúng thì mình không việc gì phải e dè cả. Điều đó không phải là rào cản mà nó đang hỗ trợ cho mình làm cho việc từ thiện trở nên chuyên nghiệp hơn, con đường từ thiện đi được xa hơn.

Có một thực tế là từ trước đến nay chúng ta vẫn nghĩ rằng người nghèo sẽ gắn liền với hình ảnh khổ sở, rách rưới và khi bắt gặp những người ăn mặc tươm tất thì cho rằng họ giàu và không đáng để nhận cứu trợ. Ví dụ như vụ việc cây ATM gạo, 1 bạn trẻ đến nhận gạo nhưng bị từ chối vì trông bề ngoài bạn này không giống người thiếu thốn. Bạn trẻ đó có hoàn cảnh hết sức khó khăn, đi xin gạo thì bị đuổi đi vì trông “không giống người nghèo”? Hay 1 ví dụ khác là khi ca sĩ Thuỷ Tiên phát tiền cho người dân bị ngập nước, khi thấy một số người đeo vàng, sơn móng chân thì đã ngay lập tức dừng phát để cho những người dân đợi chờ cả buổi phải quay về tay trắng. Phải làm thế nào để cưỡng lại tâm lý này? Xin phép được hỏi TS. Nguyễn Ánh Hồng?

TS Nguyễn Ánh Hồng:  Đây là một nét tâm lý trong tư tưởng của người Việt Nam, “trông mặt mà bắt hình dong” khiến trang phục bị đưa ra làm thước đo đánh giá. Đôi khi, họ đồng nhất vẻ ngoài và tính cách bên trong của một con người. Đây chính là lý do vì sao hầu hết mọi người cho rằng nghèo khó thì phải ăn mặc rách rưới.

Trên thực tế, có nhiều người họ muốn đói cho sạch rách cho thơm, họ muốn ăn mặc một cách tử tế. Đơn cử như vụ việc ở cây ATM gạo. Bản chất của chương trình này là hình thức lan tỏa tình thương của mọi người nên việc đánh giá một cá nhân qua vẻ bề ngoài trong hoàn cảnh này là không phù hợp.

Bản thân cô gái đến nhận gạo và bị đuổi về như vậy cũng mất đi niềm tin đối với mọi người và cũng chính vì sự mặc cảm đó, cô gái ấy cũng sẽ có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và cộng đồng. Cũng như trường hợp của Công Vinh và Thủy Tiên, họ dầm mưa dãi nắng mang tấm lòng của bản thân và của những mạnh thường quân đến với người dân vùng lũ. Chẳng còn gì đáng quý hơn sự hi sinh đó, nhưng có lẽ trong một khoảnh khắc nào đó, cảm tính dẫn đến hành động chưa được đẹp lòng, chưa hoàn toàn đúng đắn khiến cộng đồng mạng xôn xao. Nhưng may mắn thay, mọi việc cũng đã qua và những điều tốt đẹp nhất cũng đã đến tay người cần.

Mang quần áo từ dưới xuôi lên để ủng hộ, từ thiện cho bà con ở vùng cao liệu có phải là giải pháp đúng đắn? Nhiều người cho rằng khi chúng ta mang những quần áo dưới xuôi lên với những logo thương hiệu của nước ngoài cho người dân tộc mặc, về mặt lâu dài sẽ làm mất đi bản sắc văn hóa. Người dân tộc có thể sẽ ưa chuộng dùng những quần áo đó thay cho những trang phục thổ cẩm, trang phục truyền thống, điều này đúng hay là không?  (Facebook Phương Nguyễn)

TS Nguyễn Ánh Hồng: Thường khi đi từ thiện, người ta chỉ nghĩ đến sự kịp thời chứ không thể nghĩ đến lâu dài, còn câu hỏi lại hướng đến giá trị dài lâu. Ví dụ như chúng ta khát nước, có hai cốc đựng nước lọc và nước ngọt. Nhiều người cho rằng nếu uống những sản phẩm nước ngọt nhiều quá sẽ khiến chúng ta quên đi hương vị thuần Việt. Nhưng với tôi, đây không phải bản chất vấn đề vì cái trước mắt là ta cần giải tỏa cơn khát, sau khi cái tối thiểu được giải quyết thì mới nghĩ đến nhãn mác, thương hiệu. Đó lại là trách nhiệm của các nhà quản lí. 

Xét theo khía cạnh văn hóa, chúng ta không nên lợi dụng việc làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi, để được nổi tiếng. Tuy nhiên, một số cá nhân đang dùng từ thiện để đánh bóng tên tuổi nhưng họ vẫn mang lại giá trị thật cho cộng đồng. Em muốn gửi câu hỏi này đến Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, cô nghĩ sao về những trường hợp như thế, có nên ủng hộ hay không? (q[email protected])

TS Nguyễn Ánh Hồng: Đây là vấn đề khiến nhiều người quan tâm vì khi Thủy Tiên bắt đầu làm từ thiện thì nhiều cá nhân cũng đồng thời đặt ra câu hỏi rằng các tổ chức Nhà nước đang ở đâu, vì sao các nghệ sĩ lại là người vào cuộc nhanh hơn? Tôi cho rằng, các nghệ sĩ với trái tim nhạy cảm, vui buồn trước người đời nên họ muốn bắt tay vào việc ngay lập tức. Hơn nữa, họ là người nổi tiếng nên sức ảnh hưởng cũng lớn hơn, họ cũng có thể kêu gọi được số tiền lớn trong thời gian ngắn, và bản thân họ cũng thấy đó là điều nên làm. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng không bàng quan, vô tâm. Nhưng đã liên quan đến ngân sách Nhà nước, quyền lợi của dân thì không thể nhanh chóng. Mặt khác, hành động của Nhà nước có tính bền chặt và song song hơn.

Rất nhiều người rất ấn tượng với phương châm hoạt động của Hội sự nghiệp từ thiện Minh Đức, xem từ thiện là sự nghiệp để phấn đấu, truyền lại nhiều đời sau, để từ thiện hun đúc nên con người mình. Đó là từ thiện chân chính. Từ xưa đến nay, từ thiện là tự nguyện, xuất phát từ cái tâm. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được đạo lý đó và nhiều người lợi dụng từ thiện để đánh bóng tên tuổi hay thậm chí trục lợi cho bản thân. Là một người hoạt động thiện nguyện nhiều năm, chị Hạnh nghĩ sao về vấn đề này?

Chị Hoàng Thị Hồng Hạnh : Trước khi chia sẻ về việc đánh bóng tên tuổi thì mình cũng muốn chia sẻ với mọi người một chia sẻ của Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Giải Hiền là hội trưởng hội từ thiện Minh Đức, sư phụ đã nói rằng: “Phải coi hoạt động từ thiện là một hoạt động dài lâu trong cuộc sống của chúng ta chứ không phải là việc làm trắc ẩn trong một năm một ngày. Chúng ta hãy để bàn tay hôm nay nhận thiện tâm của chúng ta, ngày mai họ úp xuống và trao thiện tâm đi cho người kém may mắn hơn”. Đó không chỉ là tâm niệm của sư phụ mà còn là tâm niệm của tất cả mọi người. Dùng việc từ thiện để đánh bóng tên tuổi mình thấy rất đáng buồn và cũng rất buồn cười. Mình không đồng ý về việc đó. 

Thời gian qua đã có rất nhiều nghệ sĩ đứng ra kêu gọi sự quyên góp của cộng đồng để ủng hộ đồng bào miền Trung. Đặc biệt có thể kể đến trường hợp ca sĩ Thuỷ Tiên, số tiền kêu gọi lên tới hơn 170 tỷ đồng. Thuỷ Tiên đã đến tâm lũ hỗ trợ bà con, không quản ngại khó khăn, lội nước lũ bị ghẻ khắp chân, mệt lả đi phải truyền nước, không có bữa ăn nào tử tế. Cộng đồng mạng đã tung hô Thuỷ Tiên là cô Tiên giáng trần. Và từ đó, khi một số nghệ sĩ không có động thái đứng ra quyên góp hay quyên góp với số tiền ít thì bị nhận cơn mưa “gạch đá”, thậm chí là chửi bới từ cộng đồng mạng. Thưa chị Hạnh chị nghĩ sao về việc cộng đồng mạng cho rằng từ thiện là trách nhiệm của những người có sức ảnh hưởng như các nghệ sĩ?

Chị Hoàng Thị Hồng Hạnh: Theo mình những nghệ sĩ có một lượng lớn công chúng chú ý quan tâm đến mình nên khi họ chia sẻ thì sự lan tỏa được truyền đi rộng rãi hơn. Quy về trách nhiệm thì giúp đỡ người khác không phải trách nhiệm của ai cả. Việc tốt xuất phát từ tâm mình, mình cảm thấy muốn làm thì mình đặt tâm vào đấy và làm. Hành động xuất phát từ tâm mới chính xác chỉnh chu được. Nếu mình chỉ hời hợt, không có trách nhiệm trong đấy thì cũng không nên vì điều đó không có ý nghĩa gì cả, việc từ thiện cũng không đi được xa.

Thuỷ Tiên không phải là người đầu tiên đứng ra kêu gọi mà từ trước tới nay, rất nhiều cá nhân, hội nhóm vẫn hoạt động thiện nguyện như thế. Đợt mưa lũ vừa rồi, nhiều đoàn từ thiện nhỏ lẻ kéo vào miền Trung. Tuy nhiên, có đoàn gặp nạn lại khiến cơ quan chức năng lao đao đi cứu hộ thêm cả đoàn từ thiện.  Vậy việc các mạnh thường quân đứng lên kêu gọi mọi người đóng góp, hoạt động với các quỹ từ thiện nhỏ lẻ, từ thiện mang tính chất tự phát như vậy là nên hay không thưa TS. Nguyễn Ánh Hồng?

TS: Nguyễn Ánh Hồng:  Nói nên cũng không đúng mà không nên cũng chưa hợp lý. Nên vì đây là điều tự nguyện tự tâm, người ta muốn làm việc tốt mà lại bảo rằng không nên làm thì không chính xác. Mặt khác, tôi nghĩ rằng không nên có những đoàn từ thiện tự phát. Tôi đã gặp một đoàn từ thiện vào Quảng Trị thì gặp sự cố trên đường. Trong hoàn cảnh đó, tấm lòng rất đáng được ghi nhận, nhưng không phải theo phương pháp tự phát như vậy. Nếu những người trên chuyến xe ấy gặp nạn thì trách nhiệm thuộc về ai? Làm từ thiện rất tốt nhưng chúng ta cần có tổ chức quản lý để phòng tránh những trường hợp vừa rồi. Chính quyền địa phương lại vừa phải đi cứu nạn, vừa phải đi hỗ trợ đoàn thiện nguyện tự phát kia. Như vậy, bất kì hoạt động nào cũng đều cần được tổ chức chặt chẽ.

Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu rằng “Có đất nước nào mà lũ lụt, dịch bệnh người dân thương nhau đến như vậy”. Phát biểu này rất hay và xúc động. Thế nhưng có ý kiến lại bình luận rằng “Vậy chính quyền ở đâu khi người dân phải tự thương nhau”. Nhiều tổ chức từ thiện chủ động tận tay trao quà cho người dân thay vì thông qua chính quyền, vậy có hay không sự lo ngại, dè chừng rằng nếu thông qua chính quyền, các món quà từ thiện sẽ không đến đúng người? Nếu có thì tại sao? (Facebook Phan Lê Anh)

Chị Hoàng Thị Hồng Hạnh: Theo góc nhìn của mình thì mình thấy người ta thường có tâm lý sợ những gì người ta không biết. Và người ta sẽ thường chọn một người tin tưởng để trao đi số tiền từ thiện. Chính quyền có nơi sẽ rất tận tình để nhà hảo tâm trao trực tiếp đến tay người nhận. Mình thấy Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hay Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam có những bài đăng về việc trao quà từ thiện thường hơi sơ sài, chưa cụ thể là trao bao nhiêu suất quà, mỗi suất quà gồm những gì,... để những người ở xa không trực tiếp công tác cứu nạn biết. Nên họ có tâm lý không yên tâm, hoang mang không biết chứ không phải họ ghét chính quyền. Tâm lý e dè thì họ sẽ thường chọn địa chỉ uy tín, cho số liệu rõ ràng hơn để họ gửi tấm lòng của họ vào đấy. 

Thời gian gần đây một chủ đề khiến dư luận rất quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều là việc minh bạch thông tin tài chính khi làm từ thiện. Nhiều người nói rằng khi đã “chọn mặt gửi vàng”, uỷ quyền cho người khác thay mình đưa đến tay người dân thì phải tin tưởng hoàn toàn. Tuy có người lại nói, với số tiền quá lớn, đặc biệt là tiền của rất nhiều người quyên góp lại, 1 cá nhân không thể kiểm soát được và cần có trách nhiệm tìm đến sự giúp đỡ của những người làm công tác kiểm toán để mọi thứ minh bạch rõ ràng. Thưa TS. Nguyễn Ánh Hồng, vừa qua một số cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp cho rằng khi số tiền đóng góp nhiều, họ không thể giải trình các khoản thu chi một cách chi tiết và những người đóng góp cần thông cảm cho họ. Bà nhận xét thế nào về lời giải thích này?

TS Nguyễn Ánh Hồng: Tôi xin bắt đầu từ câu nói của Thủ tướng Vũ Đức Đam rằng, trong những ngày đại dịch, tôi đau lòng khi thấy hình ảnh của những người thân thuộc đang phải chịu đựng những khó khăn, gian khổ. Đây là hình ảnh của một người đang đau nỗi đau dân tộc. Như chúng ta đã thấy, Việt Nam là đất nước duy nhất trên thế giới thành công trong việc chống đại dịch Covid. Cả thế giới cho đó là sự kỳ diệu, đó là kết quả của sự đồng lòng, của sự đoàn kết toàn Đảng, toàn dân. Đảng và Nhà nước luôn đứng cạnh nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ và trách nhiệm. 

Tôi nghĩ ai cũng muốn minh bạch tài chính, muốn tiền đóng góp đến đúng người cần. Đây là một nhu cầu đúng đắn, nhưng liệu điều này có động chạm đến lòng tin và làm tổn thương người đi làm từ thiện hay không? Người làm từ thiện đa phần đều trong sạch và giàu lòng nhân đạo, chúng ta không nên đòi hỏi sự minh bạch đến từng chi tiết.  Nghi ngờ lòng tốt khiến người ta dễ tổn thương và e ngại làm từ thiện, gây ảnh hưởng đến cộng đồng.

Các quỹ từ thiện chuyên nghiệp thường có hệ thống quản lý chặt chẽ, bài bản, mô hình hoạt động bền vững. Ngoài cái “tình” thì phải có cái “lý” để duy trì cái “tình” ấy được bền vững. Vậy bên phía Hội của chị Hạnh có sử dụng các dịch vụ của công ty kiểm toán hay có bộ phận phụ trách kiểm toán để đảm bảo mọi thứ được minh bạch hay không?

Chị Hoàng Thị Hồng Hạnh: Hội hoạt động trên nguyên tắc khoản chuyên dùng, khi kêu gọi chương trình nào sẽ kêu gọi trong thời điểm đó không giữ 1 khoản nào quá lớn. Ví dụ như thuốc men, các đồ cứu trợ và rất nhiều các khoản khác đều sẽ được lên danh mục cụ thể trên fanpage của hội với các chương trình đã kêu gọi. Khi số tiền đã đủ ban tài chính sẽ dừng nhận quyên góp hoặc hỏi ý kiến của hội để chuyển sang các chương trình tiếp theo. Ban tài chính cũng phụ trách tất cả các thu chi trong hội vì ngoài các danh mục hiện vật quyên góp còn có những chi phí khác ăn uống đi lại ngủ nghỉ của các thành viên trong hội tham gia vào chương trình đó. Ngoài các thành viên của hội còn có các bác sĩ, dược sĩ thiện nguyện. Số người tham gia thực hiện chương trình rất là lớn cần rất nhiều chi phí ai tham gia thì tự đóng góp cho ban tài chính. Ban sẽ đứng ra để làm việc thanh toán với các bên liên quan. 

Câu chuyện làm từ thiện giờ đây không chỉ dừng lại ở tấm lòng nữa mà nó đòi hỏi sự chuyên nghiệp, mang đến cho đồng bào những thứ họ cần. Việc không hiểu được mong muốn của người dân đã khiến cho nhiều món quà trao đi một cách vô nghĩa. Theo chị Hạnh, chúng ta có nên đề xuất các giải pháp số hoá hoạt động từ thiện? (để từ đó các hội nhóm hoạt động chuyên nghiệp hơn, hiểu được người dân họ muốn gì để cho sao cho đúng)

Chị Hoàng Thị Hồng Hạnh: Theo ý kiến của mình, mục đích của việc số hóa từ thiện là rất tốt, là sự kết nối giữa nhà hảo tâm với người có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng việc triển khai là rất khó. Mình đã xem một vài website nhân đạo, mình thấy việc kêu gọi cho hoàn cảnh gặp khó khăn nó không khác nhau quá nhiều. Thậm chí là khó hơn việc kêu gọi trực tiếp. Sáng nay, mình có xem một trường hợp kêu gọi cho một gia đình ở vùng lũ nhưng họ lại không kêu gọi rõ số tiền bao nhiêu, cũng không nói rõ ai là người đứng ra kêu gọi, cũng không có số tài khoản, thông tin cụ thể gì cả. Mình thấy cần phải chỉnh chu hơn nữa đối với các ứng dụng, website từ thiện đó. Để hoạt động này trở nên chuyên nghiệp và nâng cao hơn nữa.

Những người dân gặp khó khăn họ cũng có lòng tự trọng và dễ bị tổn thương. Chúng ta vẫn thường nhắc đến câu chuyện cho làm sao để người dân cảm thấy không giống như đang nhận bố thí. Thế nhưng, tôi xin phép nhìn từ hướng ngược lại, không phải ai cũng biết trân trọng tấm lòng người cho. Nhiều người lợi dụng tình thương của cộng đồng, nhận tiền từ thiện để đánh bạc, có tình trạng chặn đoàn từ thiện để xin tiền, không trong danh sách nhận ủng hộ nhưng vẫn xếp hàng nhận tiền. Hay thậm chí như trường hợp mà Thuỷ Tiên gặp phải, có người phụ nữ dắt Thuỷ Tiên vào gia đình khó khăn, sau khi Thuỷ Tiên ủng hộ và rời đi thì người phụ nữ ăn chặn tiền của gia đình.

Xây dựng văn hoá từ thiện là điều nên làm. Vậy việc xây dựng văn hoá từ thiện nên bắt đầu từ đâu. Câu hỏi này xin được hỏi TS. Nguyễn Ánh Hồng, một chuyên gia về lĩnh vực văn hoá?

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng: Thật ra để xây dựng văn hóa từ thiện thì phải xây dựng sao cho họ nhận thức được từ thiện là gì, từ thiện không phải là bố thí hay ban phát. Từ thiện là dâng và cho, làm sao để người ta hiểu được đúng khẩu hiệu mà tọa đàm đưa ra: “Của cho không bằng cách cho”. Có những người lúc đem tiền đến hỗ trợ với một thái độ thiếu tôn trọng. Nhiều khi, cái người nhận cần chỉ là sự ấm nóng từ con tim, từ hành vi và từ giao tiếp. 

Đầu tiên, chúng ta cần truyền thông làm sao cho cộng đồng hiểu được ý nghĩa của từ thiện là sự tôn trọng. Nhiều người hỏi tôi rằng, tại sao vợ chồng Thủy Tiên lại phải lao vào dòng lũ để làm từ thiện, họ có thể giao cho người khác làm cũng được nhưng bạn phải hiểu rằng, việc bạn ăn hàng lúc nào cũng không ngon bằng việc bạn tự tay nấu một bữa cơm nhà. Cái sự ấm nóng ấy, sự quây quần có ý nghĩa về mặt tinh thần cao hơn vật chất. khi người tt hểu được điều đấy thì họ mới nhận ra được ý nghĩa cốt lõi của việc từ thiện.

Thưa chị Hạnh, câu chuyện tôi muốn đề cập ở đây là phía người cho chỉ nên làm tròn trách nhiệm “cho” hay là nên có những biện pháp cụ thể để thứ mình cho đến với đúng người cần nó và đảm bảo món đồ được sử dụng đúng mục đích?

Chị Hoàng Thị Hồng Hạnh: Theo mình điều đó còn tùy thuộc vào cái là mình cho đi cái gì? Nếu cho đi cái cần dùng ngay, dùng nóng thì mình cũng không cần quá sát sao xem người ta dùng như thế nào. Còn nếu mình cho đi hiện vật quá lớn thì mình cũng nên để  ý một chút. Thế nhưng khi mình đã cho đi rồi thì người nhận dùng vào việc gì, dùng như thế nào mình chỉ có thể khuyên thôi chứ mình không thể tức giận với người ta được. Mình không thể bắt họ phải dùng số tiền này vào việc gì. Mình không nên cho tiền mà lại đi đem lòng nghi ngờ như vậy nữa. 

Có nhiều người dân sống rất khó khăn và thiếu thốn, sau khi nhận được từ thiện, cuộc sống của họ đã trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, một số trường hợp lại trở nên lười nhác, bắt đầu có xu hướng dựa dẫm vào từ thiện thay vì kiếm sống bằng sức lao động của mình. Vậy, liệu rằng chúng ta nên thay đổi cách thức ủng hộ, thay vì chỉ cho đi những thứ đồ vật chất như tiền, đồ ăn, quần áo… chúng ta nên giáo dục họ nhiều hơn, tạo cơ hội để họ có được công ăn việc làm ổn định? (Facebook Quang Trần)
Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng: Tôi nghĩ câu hỏi thông mình vì ta đặt ra vấn đề từ thiện làm thay đổi người ta như thế nào. Mặc dù trường hợp như trong câu hỏi là rất ít. Đa phần nhận từ thiện sẽ tập trung sản xuất, vượt qua khó khăn, có ý thức để cải thiện cuộc sống. Ít người sau khi nhận từ thiện, cuộc sống trở nên khấm khá mà lại nghèo trở lại, vì tự họ sẽ thấy xấu hổ và phải tự vấn lương tâm. Với những người như vậy chúng ta cần quan tâm nhiều. Nhưng tôi tin rằng số lượng đó rất ít. Đa phần mọi người sẽ thấy may mắn khi nhận tấm lòng chia sẻ của cộng đồng, cố gắng sống tốt, xứng đáng. 

Tôi không biết rằng có áp lực hay không nhưng tôi nghĩ nếu có áp lực thì đó là những điều rất đáng mừng. Áp lực luôn đến từ hai phía, áp lực thứ nhất đến từ những lời khen, những người làm thường được khen vì những hoạt động tốt, họ được tri ân, khen ngợi trên phương diện tích cực điều đó họ nhận được sự thỏa mãn về tinh thần họ sẽ nỗ lực tốt lên để đóng góp cho cộng đồng. Tuy nhiên về mặt tiêu cực như một số người chia sẻ rằng họ làm từ thiện mà lại bị giám sát này kia thì tôi nghĩ những người làm từ thiện nên rộng lòng ra, đây không phải chê trách mà họ chỉ muốn việc là tn đúng cách, đúng mục đích, giá trị nhân văn của nó chứ không phải việc kiểm soát.

Từ góc nhìn của một người nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa và từ góc nhìn của một người trẻ trực tiếp tham gia từ thiện, TS Nguyễn Ánh Hồng và bạn Hoàng Thị Hồng Hạnh có thông điệp gì muốn gửi đến cộng đồng? (Nhà báo Việt Hà)

Nhà báo Nguyễn Việt Hà đặt câu hỏi cho khách mời
Nhà báo Việt Hà đặt câu hỏi cho khách mời

TS Nguyễn Ánh Hồng : Hiện nay, chúng ta có khoảng 760.000 doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ. Trong lúc khó khăn các doanh nghiệp lại rất tích cực tham gia từ thiện. Đầu tiên đó là quảng bá hình ảnh doanh nghiệp đồng thời muốn kích cầu tới người tiêu dùng. Quảng bá hình ảnh doanh nghiệp như một hệ giá trị của doanh nghiệp. Tôi chỉ xin có một tham vấn rằng chúng ta nên quản lý quỹ từ thiện và các tổ chức từ thiện. Nếu là từ thiện của doanh nghiệp thì nó nằm trong cấu trúc  của doanh nghiệp. Từ thiện của cá nhân là từ thiện mang tính tự phát. Đã đến lúc chúng ta cần tạo ra một quy chuẩn nào đó về xã hội để chúng ta liên kết, để hoạt động từ thiện chuyên nghiệp hơn. Để tránh được tình trạng khủng hoảng khi từ thiện. Tôi nghĩ đã đến lúc hoạt động từ thiện cá nhân cần phải được quản lý. Trước hết chúng ta hãy dùng những luật bất thành văn qua các kênh giao tiếp, qua các kênh truyền thông, qua văn hóa từ thiện thì hoạt động từ thiện sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

Chị Hoàng Thị Hồng Hạnh: Theo em mỗi một tổ chức, cá nhân hoạt động từ thiện đều những quan điểm khác nhau. Với số tiền quá lớn mà vừa phải chuyển khoản chuyên dùng vừa phải minh bạch cần phải có rất nhiều sự tổ chức và đầu óc trong việc quản lý nguồn tiền từ thiện đó. Đây là điều mà các tổ chức ở Việt Nam có thể là chưa được chuyên nghiệp, bài bản vì họ cũng là những người bình thường họ cũng có những công việc riêng chứ không chỉ riêng làm từ thiện nên việc quản lý cũng không được chuyên nghiệp và bài bản, điều đó phụ thuộc vào khả năng của mình, mình phải biết được khả năng của mình trong khoảng nào để có một cách hoạt động tốt nhất, không nên quá cố gắng gồng gánh một số tiền quá lớn ngoài sức quản lý. Vì vậy việc cứu trợ một cách cấp thời vừa phải suy nghĩ cách dùng nguồn tiền đó sao cho hợp lý thì cũng là một việc rất là khó. 

Buổi tọa đàm kết thúc!

Ban biên tập chương trình chụp ảnh cùng khách mời trong buổi tọa đàm
Ban biên tập chương trình chụp ảnh cùng khách mời trong buổi tọa đàm

Trang tin điện tử Sóng Trẻ chân thành cảm ơn quý độc giả đã theo dõi, tương tác với buổi giao lưu trực tuyến. Kính mong quý độc giả tiếp tục đón nhận các tác phẩm tiếp theo trên trang tin Sóng trẻ và gửi phản hồi về hòm thư góp ý của trang tin: [email protected]

Xin trân trọng cảm ơn!

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN