Giao lưu trực tuyến: Khi phụ nữ làm báo điều tra
(Sóng Trẻ) - Vào lúc 9h00 ngày 3/11/2017 tại hội trường B11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, BBT Trang tin điện tử Sóng Trẻ có buổi Giao lưu trực tuyến “Khi phụ nữ làm báo điều tra” với khách mời là nữ nhà báo chuyên viết mảng điều tra - nhà báo Liên Liên.
Nhắc đến mảng báo chí điều tra hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến nam giới bởi sự xông pha đến những “điểm nóng”. Tuy nhiên, thực tế có không ít những nhà báo nữ đam mê theo đuổi “địa hạt” nguy hiểm này. Nữ nhà báo Liên Liên có thể coi là một trong những “bóng hồng” xuất sắc, bản lĩnh khi đã có rất nhiều bài điều tra tạo được tiếng vang lớn.
Cùng lắng nghe những chia sẻ về những câu chuyện, kỉ niệm, thách thức mà nhà báo nữ phải đối diện khi làm mảng đề tài báo chí điều tra tại buổi giao lưu trực tuyến: “Khi phụ nữ làm báo điều tra”.
9h00, buổi giao lưu trực tuyến chính thức bắt đầu.
Đại diện Trang tin điện tử Sóng trẻ - ThS Trần Phương Lan trao hoa cho khách mời
Khán giả truyền hình đã quen với những BTV nữ chuyên xuất hiện trong các mảng nhẹ nhàng. Còn với chị, một người chuyên theo sát mảng điều tra, có lẽ là “của hiếm”. Vậy cơ duyên nào đưa chị đến với công việc này? ([email protected])
Tính đến thời điểm bây giờ gần 11 năm theo nghề báo, cũng từng ấy thời gian tôi làm điều tra. Khi mới bước chân vào nghề tôi chưa có ý định theo lĩnh vực này. Song chỉ vì với tính cách của mình luôn đặt ra những câu hỏi: “Tại sao lại như thế này?” và luôn tìm cách khai thác các vấn đề đó. Và từ đó hình dung ý thức về điều mới đã đến với tôi.
Hơn 10 năm làm báo trong đó 7 năm làm mảng điều tra, có khi nào chị rơi vào tình trạng bí đề tài không? Nếu có, chị làm như thế nào để tìm được đề tài? ([email protected])
Tôi chưa bao giờ rơi vào tình trạng bí đề tài. Tuy nhiên những đề tài hay có sức hút thì không phải lúc nào cũng có nên tôi thường phải đọc hàng ngày, liên tục. Bất kì ai mong muốn theo con đường điều tra thì sự tích lũy thông tin là điều quan trọng.
Chị có nghĩ rằng việc lựa chọn những đề tài gai góc là một trong những điều đặc biệt ở chị mà không trộn lẫn với nhiều phóng viên nữ khác, giúp chị được nhiều người yêu mến? (Thu Hương - 0972334xxx)
Khi mình có những đề tài lạ, độc hoặc cùng một đề tài nhưng có những góc nhìn khác thì mình sẽ khác với các phóng viên khác. Đề tài là yếu tố quan trọng quyết định tác phẩm của mình thu hút được sự quan tâm của khán giả hay không. Câu hỏi này, tôi nghĩ đúng một phần.
Toàn bộ khung cảnh buổi giao lưu
Đề tài điều tra thường là những vấn đề tiêu cực, nhạy cảm. Vậy làm thế nào để chị có thể tiếp cận thu thập thông tin, bằng chứng những hành vi sai trái đó? ([email protected])
Tôi xin chia sẻ hơi sâu một chút về chuyên môn. Những đề tài gai góc khi làm sẽ mất nhiều thời gian hơn so với các đề tài báo chí đơn thuần. Để có được những tài liệu, bằng chứng ấy chúng ta phải đọc rất nhiều và phải xem nhiều nguồn thông tin. Nếu lượng thông tin được cung cấp kha khá rồi thì việc mình khai thác sẽ ít đi một chút. Còn với những nguồn tin chưa nhiều thì sẽ mất nhiều thời gian để khai thác hơn. Bên cạnh đó, mình cũng phải liên hệ với cơ quan chức năng để hiểu rõ hơn về vấn đề.
Có hai cách nhận nguồn tin là liên hệ trực tiếp với những người cung cấp thông tin cho mình hoặc gián tiếp liên hệ với cơ quan chức năng để xác nhận. Với những đơn vị sai trái nếu tiếp cận trực tiếp thì sẽ nhận được những thông tin không đúng sự thật vì trước đó họ đã có những sự giao dịch khác. Tuy nhiên, những nội dung này khá nhạy cảm, mình cần nhận ra nó còn khúc mắc ở những khía cạnh nào khác. Bằng sự nhạy cảm và cảm quan của mình, phóng viên có thể tìm cách tiếp cận và lấy nguồn tin nhanh hơn.
Nhiều nhà báo điều tra thường ẩn mình, hạn chế tối đa việc xuất hiện trên các phương tiên truyền thông, nhưng chị lại xuất hiện thường xuyên trên truyền hình và được nhiều người biết đến. Điều này có ảnh hưởng đến quá trình tác nghiệp của chị không? ([email protected])
Tôi bắt đầu lên hình từ năm 2012. Điều này cũng có những mặt ưu và nhược điểm. Nhược điểm là không đảm bảo được an toàn, khó khăn trong quá trình tác nghiệp khi người ta nhận ra mình. Nhưng ngược lại ưu điểm là thu hút được nhiều thông tin từ khán giả. Khi nhận được những thông tin đó mình cảm thấy rất tự hào vì ít ra đã tạo được niềm tin cho khán giả.
Khi xuất hiện trên truyền hình tôi khai thác được nhiều đề tài hơn chính nhờ vào sự xuất hiện của mình.
Đối với phóng sự cần sự xuất hiện thì tôi sẽ tìm cách hóa trang. Nhiều đồng nghiệp gặp tôi khi hóa trang cũng không nhận ra. Khi không cần sự hóa trang thì tôi có sự hỗ trợ của ekip.
Khán giả đặt tình huống cho khách mời
Phần đông nhà báo tham gia mảng điều tra là nam giới. Là một nữ nhà báo điều tra, chị nghĩ thế mạnh của mình là gì so với nam giới?” (Thu Thủy - 09873456xxx)
Phụ nữ có lợi thế linh hoạt trong các tình huống cần sự thuyết phục. Đôi lúc nam giới với nhau có sự va vấp khó xử lí tình huống. Phụ nữ có cách có thể khiến tình hình giảm bớt, trong khi nam giới có thể có xung đột. Phụ nữ có ưu thế nhưng cũng có khó khăn thách thức, ví dụ như về gia đình, con cái,.. cần có sự hy sinh và phải tìm cách vượt qua khó khăn, thách thức.
Được biết trong khoảng thời gian mang bầu chị vẫn cùng ekip đi làm loạt phóng sự điều tra. Chị có thể kể một câu chuyện mà chị nhớ nhất trong quãng thời gian ấy? (Mai Lan - 0972227xxx)
Khi đó là năm 2009, tôi đang mang bầu 4 tháng. Tôi theo vụ “Đường dây mua bán bằng đại học giả”. Nhiều người cho rằng tôi quá mạo hiểm bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của gia đình và bản thân.
Tôi luôn giữ bí mật cho nguồn tin. Tôi có một nguyên tắc là không chia sẻ công việc của mình cho người thân và người thân cũng không được phép chia sẻ công việc của tôi.
Trong trường hợp này, để đảm bảo an toàn tôi cũng phối hợp với cơ quan công an. Cuối cùng, phóng sự đó thành công và được giải năm 2010.
Làm báo điều tra có khi phải đi tác nghiệp lúc nửa đêm hay xa gia đình để dấn thân vào nơi nguy hiểm, điều này gây khó khăn gì cho chị? ([email protected])
Nài lĩnh vực báo chí điều tra mà cơ quan tôi đang thực hiện thì tôi có nhận thêm làm tại các điểm nóng, thiên tai, bão lũ. Tuy nhiên nếu nửa đêm đi tác nghiệp đột xuất thì không có vì các kế hoạch điều tra đều phải lên kế hoạch từ trước và phải chuẩn bị đầy đủ mọi thứ.
Đôi khi tôi cứ bị công việc cuốn vào, thậm chí điện thoại người thân gọi cũng không trả lời. Tôi đã gặp trường hợp có cô em gọi cho tôi mà tôi không nghe máy. Cô ấy cứ tưởng tôi gặp vấn đề gì nên đã tìm đến tận nhà để hỏi. Lúc đó tôi rất ngạc nhiên vì tôi vẫn bình thường. Việc bị người nhà trách mắng vì mình quá bận rộn là điều tôi thường gặp phải.
Nhà báo Liên Liên chia sẻ những bức ảnh thú vị trong quá trình tác nghiệp
Làm điều tra luôn có những nguy hiểm rình rập, thậm chí có thể liên lụy đến gia đình. Chị đã bao giờ gặp tình huống bị đối tượng trong phóng sự uy hiếp, đe dọa bằng tính mạng của người thân? ([email protected])
Đã từng có trường hợp đe doạ đến tính mạng của người thân và gia đình tôi. Khi đó tôi cùng trao đổi với cơ quan nơi tôi làm việc. Những đối tượng đe doạ gia đình tôi là xã hội đen. Vì vậy tôi phải chuẩn bị nhiều tình huống và khả năng để bảo vệ người thân, đồng thời vẫn quyết định phát sóng chương trình phóng sự.
Tình trạng phóng viên, nhà báo điều tra bị hành hung liên tục xảy ra. Ví dụ như vụ việc của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị đánh dập ngón tay. Điều này có làm chị lung lay với nghề mà mình đang theo đuổi? ([email protected])
Đối với cá nhân tôi thì không. Tôi là nữ giới nên tôi sẽ cẩn trọng hơn. Trước khi thực hiện đề tài tôi đều đưa ra những tình huống trước, trong và sau khi tác nghiệp. Còn những trường hợp nằm nài dự đoán, mình chỉ cần cẩn thận sẽ tránh được những rủi ro.
Trong quá trình điều tra, điều khó nhất với chị là gì? (Giảng viên Nguyễn Nga Huyền - Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Loại hình truyền hình chủ yếu chuyển tải thông tin qua hình ảnh. Các tác phẩm đó đều phải quay trộm và chờ đợi khi nào đối tượng hành động mới có thể quay. Điều khó khăn nhất là làm sao để lấy được hình ảnh, video hiện trường để có bằng chứng xác thực cho tác phẩm của mình. Mặt khác còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố: thời tiết, địa hình….
Có phải sự thật nào cũng được đăng tải trên báo? (Thanh Thúy - Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Không phải sự thật nào cũng có thể đăng tải trên báo. Sự việc nào cũng có hai chiều. Một mặt phải tôn trọng sự thật, nhưng phải xem sự thật ấy ảnh hưởng như thế nào khi được đăng tải, nhiều khi mình giấu sự thật đi nhưng không phải bao che mà do phải tùy thuộc vào tình huống được đăng tải.
Thời gian gần đây, mọi người đang tranh luận về chủ đề nhà báo có nên bất chấp cả tính mạng của mình để đưa tin, đặc biệt là sau vụ việc phóng viên Đinh Hữu Dư là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Yên Bái trong quá trình tác nghiệp đã bị lũ cuốn trôi. Em được biết chị cũng là một phóng viên thường xuyên tác nghiệp ở những địa bàn có lũ. Chị nghĩ gì về trường hợp trên? (Nguyễn Mai - 0978838xxx)
Bản thân không nằm trong hoàn cảnh nên tôi không dám nói gì về trường hợp này. Quan điểm của tôi, không bao giờ bất chấp tính mạng để tác nghiệp. Tôi cũng tin rằng không cơ quan báo chí nào muốn hy sinh phóng viên của mình để lấy tác phẩm.
Công chúng thường cho rằng bổn phận của nhà báo cần phải dấn thân vì cộng đồng; có trách nhiệm với từng thước phim, con chữ bằng cả tính mạng của mình. Chị có đồng tình với quan điểm này? (Hải Anh - Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Thực sự quan điểm của tôi là làm báo chí điều tra thì phải dấn thân, nhưng dấn thân phải có điểm dừng. Mọi chuyện đều có ranh giới nhất định. Ví dụ như câu chuyện vừa chia sẻ ở phần trên về những cám dỗ trong nghề, đó là những tình huống mình không thể lường trước được. Nếu như nhà báo không tỉnh táo thì sẽ rất dễ bị sa vào cạm bẫy. Mình phải luôn nhớ rằng mình là phóng viên, là nhà báo và mình chỉ được phép đi tìm thông tin đúng sự thật. Mình không có quyền phán xét ai đúng ai sai, không thể làm thay công việc, chức năng của các cơ quan điều tra.
Theo chị, chỉ có đam mê và xả thân thôi thì có làm nên được 1 tác phẩm điều tra hay không? (Đặng Hải - Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Theo tôi thì nếu chỉ có đam mê và xả thân thôi là không đủ để làm tác phẩm điều tra bởi nó có thể mang đến nguy hiểm. Nhiều phóng viên trẻ mới vào nghề thường có quan niệm sai lầm, người làm điều tra quan trọng nhất là cần sự tỉnh táo còn xả thân và đam mê chỉ xếp hàng thứ hai. Tất cả đều hướng chung mục đích là đưa thông tin trung thực, đa chiều, khách quan.
Khi điều tra các cá nhân tham nhũng, điều khó khăn nhất với ekip là gì? Có ý kiến cho rằng: Một số cá nhân tham nhũng họ đã dùng tiền để bịt kín truyền thông khiến nhà báo không dám khai thác. Điều đó có đúng không? (Diệp Nguyễn - Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Tôi nghĩ có phần đúng vì nhiều người tìm cách tiếp cận báo chí để bịt thông tin của bản thân, vì họ sai họ sợ. Nhưng phóng viên có thể tiếp cận thông tin một cách gián tiếp để thực hiện đề tài, phóng viên nên hạn chế tiếp cận trực tiếp với các đối tượng này.
Hi sinh nhiều cho sự nghiệp, vậy công việc này mang lại cho chị những gì? (Đinh Bích - Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Những hiệu ứng xã hội mà những tác phẩm tôi và ekip cùng thực hiện là điều mà công việc mang lại lại cho tôi. Tôi nghĩ các tác phẩm của mình khiến xã hội tốt hơn, đó chính là niềm tự hào của bản thân.
Nguy hiểm như vậy, đã khi nào chị có ý định chuyển sang làm ở các mảng đề tài nhẹ nhàng hơn chưa? (Vũ Thị Vân - Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Tôi nghĩ rằng sau nhiều năm làm mảng báo chí điều tra thì công việc này thật sự là đam mê của tôi, tôi nuôi dưỡng nó, nó đã ăn sâu vào trong máu của tôi nên 99% tôi sẽ không bỏ nghề.
Chị có thể chia sẻ những phương pháp để lựa chọn những đề tài điều tra hay đặc sắc? (Nguyễn Thương - Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Một tác phẩm hay trước tiên phải ở đề tài bởi chúng ta có làm tốt phần kỹ thuật nhưng nếu đề tài không hay cũng không thể lôi cuốn khán giả.
Muốn có đề tài hay thì chúng ta phải rèn luyện kỹ năng đọc. Đọc càng nhiều thì càng có thêm nhiều thông tin, có thêm nhiều góc nhìn mới khác nhau để đưa vào tác phẩm của mình.
Một điều cần lưu ý là nhà báo cần quan sát vấn đề ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhà báo phải nhìn rộng hơn, không nên nhìn ở một góc hẹp mà phải nhìn một cách toàn diện.
Nhiều người cho rằng, phóng viên mới vào nghề hãy bắt đầu từ mảng điều tra nếu muốn có chỗ đứng. Chị có nghĩ như vậy không? (Dương Nhung - Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Theo tôi thì phóng viên trẻ mới vào nghề trước hết phải tìm hiểu xem mình có thực sự yêu thích mảng điều tra không rồi mới đi sâu. Khi chưa đủ thông tin, chưa đủ kiến thức nền mà nếu đi luôn vào đề tài gai góc thì rất khó để làm được tác phẩm điều tra.
Theo quan điểm cá nhân của mình, chị nghĩ rằng phụ nữ có nên theo đuổi mảng báo chí điều tra hay không? ([email protected])
Tôi nghĩ không nên phân biệt nam hay nữ khi làm báo điều tra vì điều quan trọng là bạn có đam mê hay không. Biết rằng là phụ nữ thì sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng tôi cho rằng chỉ cần đam mê, dám dấn thân, lòng nhiệt huyết thì nhất định sẽ tạo được dấu ấn riêng cho mình bởi những tác phẩm chất lượng.
Với kinh nghiệm làm báo điều tra hơn 7 năm, chị nghĩ để giữ được cái tâm với nghề thì người làm báo cần điều gì? ([email protected])
Người làm báo thường xuyên gặp phải những cám dỗ như bị tiếp cận và các đối tượng xấu tìm mọi cách mua chuộc và bưng bít thông tin. Quan trọng là nhà báo cần có bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ đó. Niềm tự hào của nhà báo là mang đến niềm tin cho độc giả, vì quyền lợi của người dân nên quan trọng nhất là mình phải thông tin trung thực, chính xác và giữ được cái tâm trong mình.
Chị có lời khuyên gì đặc biệt dành cho các thế hệ tiếp sau chị, đặc biệt là những phóng viên nữ muốn theo con đường điều tra? ([email protected])
Những phóng viên nữ có mong muốn theo đuổi con đường báo chí điều tra thì cần cẩn thận và khắc phục những nhược điểm về sức khỏe, gia đình. Về mặt làm nghề, hãy mở rộng góc nhìn, luôn đặt câu hỏi về vấn đề mình đang thực hiện, có uẩn khúc gì phía sau không. Quan trọng nhất, chúng ta phải có đạo đức nghề nghiệp bởi ảnh hưởng của báo chí điều tra rất lớn, nếu làm sai thì sẽ khó có cơ hội sửa chữa. Đặt lương tâm, đạo đức nghề nghiệp lên trước hết mới có thể làm được báo chí điều tra. Trong báo chí điều tra hiện nay, chúng ta hay gặp lỗi về điều tra nhập vai. Điều tra nhập vai là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chỉ trong vài trường hợp mới được phép.
10h30: Chương trình Giao lưu trực tuyến "Khi phụ nữ làm báo điều tra" kết thúc
BBT chụp ảnh cùng nhân vật
Mặc dù vẫn còn rất nhiều những câu hỏi, sự quan tâm gửi về từ khắp nơi qua những kênh thông tin của buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm nay nhưng do thời lượng chương trình có hạn, BBT sẽ gửi những câu hỏi chưa được giải đáp trực tiếp đến khách mời và tiếp tục cập nhật tới quý vị độc giả.
Xin chân thành cảm ơn khách nữ nhà báo điều tra Liên Liên đã dành thời gian giao lưu và chia sẻ nhiều điều hữu ích và thú vị tới các độc giả của Sóng Trẻ. Cảm ơn Th.s Trần Thị Phương Lan đã luôn đồng hành, tư vấn và hướng dẫn BBT thực hiện thành công chương trình này. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi, quan tâm và ủng hộ chương trình.
BBT Sóng trẻ
Cùng chuyên mục
Bình luận