Xe buýt Hà Nội: Cần nâng cao chất lượng để thu hút hành khác

(Sóng trẻ) - Xe buýt vẫn là phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chủ yếu dành cho người dân Thủ đô, đặc biệt là sinh viên. Tuy nhiên, loại hình này vẫn tồn tại một số hạn chế, chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của nhóm hành khách năng động này.

Những bất cập còn tồn tại

Xe buýt đã trở thành phương tiện di chuyển quen thuộc tại các đô thị lớn như Hà Nội, nhờ vào mức giá phải chăng, chỉ từ 7.000 - 9.000 đồng/lượt. Nhiều sinh viên, như Nguyễn Thanh Tùng (19 tuổi, Học viện Phụ nữ Việt Nam), lựa chọn xe buýt để di chuyển hàng ngày nhằm hạn chế sử dụng xe cá nhân và góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Thanh Tùng nhanh chóng nhận ra mình không phù hợp với phương tiện này vì không thể chủ động thời gian di chuyển. 

“Thời gian chờ xe thường khá tốn. Nhiều lúc mình có việc gấp, nhưng do phải dừng từng điểm đón khách nên thời gian di chuyển xe buýt cũng bị lâu hơn, khiến mình bị lỡ việc.” - Thanh Tùng nói.

Tùng cũng bày tỏ lo ngại về việc một số tài xế lái xe không cẩn thận, gây nguy hiểm cho cả hành khách và người đi đường. Một số tài xế còn không dừng hẳn tại điểm đón trả khách, khiến việc lên xuống xe trở nên khó khăn, đặc biệt với người lớn tuổi và trẻ em.

z6019701072471_0e086987e0cb7a381245dca57c6e1747-1.jpg
Sự thiếu cẩn thận của tài xế khi lái xe gây khó khăn cho hành khách khi lên xe, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ. (Ảnh: Thùy Linh)

Ngoài ra, một số sinh viên như Nguyễn Văn Dũng (21 tuổi, Đại học Tài nguyên và Môi trường) cũng gặp trở ngại khi dùng xe buýt, đặc biệt khi phải đổi nhiều tuyến do thiếu tuyến thẳng đến trường. Điều này khiến nhiều bạn trẻ chọn xe cá nhân để chủ động hơn trong việc di chuyển.

"Nhà mình ở ngoại thành, cách trường học gần 20km. Lúc đầu mình đi xe buýt mỗi ngày để tiết kiệm, nhưng sau một thời gian, việc phải chuyển nhiều tuyến vì không có tuyến nào đi thẳng khiến mình thấy bất tiện. Vì thế, mình và các bạn đã xin gia đình cho phép dùng xe máy để đi học", Dũng cho biết.

Không chỉ về lộ trình, các điểm dừng và nhà chờ hiện tại vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu của hành khách. Nhiều nơi thiếu nhà chờ có mái che, hoặc bị lấn chiếm làm chỗ kinh doanh, khiến không gian chờ trở nên chật hẹp và kém an toàn. Điều này gây bất tiện lớn, nhất là khi trời mưa hoặc nắng gắt.

z6019701016672_ebbf0edc841416eb17df0425cc568a0a-1.jpg
Nhiều điểm chờ xe buýt không có mái che gây bất tiện cho hành khách, đặc biệt khi thời tiết xấu. (Ảnh: Thùy Linh)

“Hầu hết các điểm dừng xe buýt ở huyện Đan Phượng - nơi bạn sinh sống đều không có mái che, khiến người chờ xe buýt gặp nhiều khó khăn trong những ngày mưa hoặc nắng mạnh. Ngoài ra, nhiều điểm chờ lại khó nhận biết vì thiếu bảng hiệu rõ ràng và không có lối đi riêng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi hành khách đứng đợi xe buýt”, Dũng thông tin thêm.

Tại các khu vực nội thành, nhiều điểm chờ xe buýt đang bị chiếm dụng để kinh doanh và bày bán hàng rong, gây ra không ít phiền toái cho người chờ xe. Doãn Quyết Thắng (21 tuổi, Đại học Giao thông vận tải), cho biết: “Không gian chờ xe vốn đã hạn chế, nay còn bị chiếm dụng bởi quang gánh và bàn ghế nhựa, khiến sinh viên và hành khách phải đứng chờ trên vỉa hè, nơi không có mái che”.

Thêm vào đó, phần đường dành cho xe buýt dừng đón trả khách cũng bị chiếm dụng để đỗ xe. Ví dụ, điểm chờ xe buýt trên đường Cầu Giấy, đối diện Đại học Giao thông Vận tải, thường xuyên bị xe taxi và xe ôm công nghệ lấn chiếm. Do đó, xe buýt phải dừng giữa đường khi đón, trả khách, gây ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Nâng cao chất lượng toàn diện

Dễ nhận thấy, xe buýt sẽ tiếp tục là phương tiện vận tải hành khách công cộng chính dành cho sinh viên trong thời gian tới. Đây là nhóm khách hàng trẻ, năng động, am hiểu công nghệ và có nhu cầu di chuyển cao. Nếu chất lượng dịch vụ và các tiện ích của xe buýt được nâng cấp toàn diện, sẽ thu hút nhiều sinh viên chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng xe buýt.

Vì thế, Hà Nội cần đưa ra các giải pháp đồng bộ và hiệu quả nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của sinh viên. Đầu tiên, về mặt hạ tầng, cần bổ sung thêm các nhà chờ có mái che, bảng thông tin rõ ràng để sinh viên có thể dễ dàng sử dụng. Các điểm dừng cần được thiết kế tách biệt với lòng đường, đồng thời xử lý tình trạng chiếm dụng điểm dừng để buôn bán hoặc đỗ xe, giúp lối lên xuống xe thông thoáng và an toàn hơn.

z6019700985559_f4017b8e437dc523c5a70946b959d286-1.jpg
Điểm chờ xe buýt tại cổng Trường Đại học Giao thông vận tải hiện đang trở thành khu vực kinh doanh nhộn nhịp. (Ảnh: Thùy Linh)

Ngoài ra, mạng lưới tuyến xe buýt cần được tối ưu liên tục, ưu tiên đáp ứng các lộ trình mà sinh viên và người lao động mong muốn, đặc biệt là các tuyến từ ngoại thành vào trung tâm thành phố. Lịch trình xe buýt cũng cần điều chỉnh phù hợp với giờ học và giờ làm thêm của sinh viên, tăng tối đa tần suất hoạt động.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ vận tải hành khách công cộng cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng và tiện ích, nhất là đối với nhóm khách hàng trẻ như sinh viên. Hiện tại, xe buýt Hà Nội đã có hình thức thẻ vé điện tử, tuy nhiên vẫn chưa được sử dụng rộng rãi và chưa có các hình thức thanh toán trực tuyến như ví điện tử, mã QR phổ biến với sinh viên. Ngoài ra, vẫn chưa có vé liên thông với các phương tiện khác như đường sắt đô thị hay xe đạp công cộng. Để tăng tính thuận tiện và thu hút sinh viên, thành phố cần nhanh chóng đầu tư vào một hệ thống thanh toán vé trực tuyến hiện đại và toàn diện.

Một vấn đề khác cần được chú trọng là đảm bảo an ninh, trật tự tại các điểm chờ và trên xe buýt. Hiện nay, nhiều sinh viên vẫn lo ngại về tình trạng trộm cắp, móc túi tại một số điểm chờ xe, điều này làm giảm sức hấp dẫn của xe buýt đối với nhóm hành khách trẻ.

Bên cạnh đó, để xe buýt thực sự trở thành "người bạn đồng hành" hàng ngày, sinh viên cũng cần nâng cao ý thức cá nhân, góp phần xây dựng văn hóa giao thông trong hệ thống vận tải hành khách công cộng. Những hành vi như chen lấn, xô đẩy khi lên xe; hút thuốc lá điện tử; nói to, gây mất trật tự… cần được loại bỏ. Sinh viên, với vai trò là nhóm hành khách có trình độ và tri thức, nên là những người tiên phong trong việc lan tỏa văn hóa giao thông đến cộng đồng.

Rất nhiều sinh viên tại Hà Nội mong muốn sử dụng xe buýt và các phương tiện công cộng khác để góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Khi chất lượng dịch vụ xe buýt được cải thiện toàn diện, lượng sinh viên sử dụng phương tiện này hàng ngày sẽ tăng lên, giúp giảm phụ thuộc vào phương tiện cá nhân một cách hiệu quả và bền vững.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN