“Bình đẳng giới không phải là hạ bệ hay nâng một giới nào lên”
(Sóng trẻ) - Đây là chia sẻ của Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền - Phó trưởng khoa Giới và Phát triển tại Học viện Phụ nữ Việt Nam về phong trào nữ quyền trong cuộc sống hiện đại.
Phong trào nữ quyền đang rất phát triển ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực của nó, một số bộ phận giới trẻ lại có quan niệm, tư tưởng sai lệch về khái niệm “nữ quyền”. Chính sự thiếu hiểu biết đã vô tình đẩy phong trào nữ quyền sa vào “nữ quyền độc hại” - hiện tượng tiêu cực làm gia tăng vấn đề bất bình đẳng giới.
Nhằm mục đích giúp độc giả nhận thức rõ hơn về phong trào "Nữ quyền" và tư tưởng “Nữ quyền độc hại”, phóng viên Sóng Trẻ News đã có dịp trao đổi với khách mời – Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền, Phó trưởng khoa Giới và Phát triển Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Phóng viên (PV): Khái niệm “nữ quyền” và “nữ quyền độc hại” hiện nay khá phổ biến, tuy nhiên vẫn chưa có nhiều người thực sự hiểu rõ, chính xác về các khái niệm này, gây ra những hiểu lầm, lệch lạc trong nhận thức. Rất mong Tiến sĩ có thể phân biệt 2 khái niệm trên.
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền: Theo tôi, “nữ quyền” được hiểu một cách đơn giản là quyền của phụ nữ. Trong xã hội cũ ở Đông Á, tư tưởng Nho giáo du nhập và phát triển đã làm mờ đi vai trò của người phụ nữ, trọng nam khinh nữ xuất hiện ở khắp mọi nơi, nặng nhất ở khu vực Châu Á. Chính vì vậy, so với nam giới, phụ nữ bị mất đi một số quyền cơ bản, chẳng hạn như quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc, khẳng định bản thân, được lao động, làm việc,... Tư tưởng lạc hậu thời kỳ ấy cho rằng phụ nữ chỉ nên làm công việc nội trợ hay các công việc không quan trọng, không được trả lương trong xã hội.
Tuy nhiên, “tức nước ắt vỡ bờ”, trước những bất công, định kiến giới sai lệch ấy, phụ nữ đã đấu tranh đòi bình đẳng giới qua nhiều thế hệ, tạo nên một phong trào có sức ảnh hưởng mạnh mẽ mang tên “nữ quyền”. “Nữ quyền” là khi người phụ nữ có quyền tham gia vào tất cả các lĩnh vực trong đời sống, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội,... đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ cũng bình đẳng với nam giới.
Về “nữ quyền độc hại”, tôi cho rằng đây là tư tưởng đòi hỏi quyền lợi dành cho phụ nữ một cách thái quá khiến khái niệm “nữ quyền” trong suy nghĩ của nhiều người trở nên lệch lạc, biến tướng. Đã sinh ra là con người, tôi nghĩ rằng dù nam, nữ hay liên giới tính thì đều có quyền cơ bản, quyền bình đẳng cần được tôn trọng. Việc đấu tranh giành nữ quyền hay thúc đẩy bình đẳng giới phải được hiểu rõ, nhận thức đúng chứ không thể thái quá, cường điệu hóa một cách cực đoan.
PV: Đâu là các biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa “nữ quyền độc hại?”
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền: Những quan niệm như phụ nữ có thể làm tất cả mọi thứ hay sống mà không cần đàn ông đều là biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa “nữ quyền độc hại”. Bởi lẽ, suy cho cùng, từ góc độ sinh lý, nam giới và nữ giới có những đặc điểm về giới tính khác nhau, bổ sung, hỗ trợ, cùng nhau xây dựng, phát triển xã hội.
Chẳng hạn, thiên chức của người phụ nữ là mang thai, sinh con. Tuy nhiên, nếu không có người đàn ông thì thiên chức ấy cũng không thể thực hiện được. Những suy nghĩ, lầm tưởng độc hại về nữ quyền cực đoan không đem lại lợi ích cho nữ giới hay nam giới, thậm chí làm mất sự cân bằng, bình đẳng giữa các giới với nhau, hoàn toàn đi ngược với những gì mà nữ quyền đấu tranh từ trước đến nay.
PV: Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok,... một bộ phận giới trẻ, đặc biệt nữ giới có một số quan điểm như phụ nữ không cần vào bếp để nấu cơm, không cần rửa bát, dọn dẹp,..., thậm chí không cần lấy chồng, sinh con. Liệu đây có phải biểu hiện của “nữ quyền độc hại”?
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền: Để bàn luận về vấn đề này, đầu tiên phải xuất phát từ gốc gác vai trò giới. Đã là con người thì dù nam, nữ hay liên giới tính đều có 3 vai trò cơ bản: Vai trò sản xuất, vai trò tái sản xuất, vai trò cộng đồng.
Trong quá khứ tồn tại định kiến giới khi gán phụ nữ vào không gian nội trợ chật hẹp. Đây là một định kiến giới cần được thay đổi. Song, hiện nay, xu hướng tiếp cận của nhiều bạn trẻ về vấn đề phụ nữ phải vào bếp nấu cơm, rửa bát, dọn dẹp,... có phần hơi thái quá. Chỉ cần suy nghĩ đơn giản rằng việc thực hiện những công việc đó không phải làm cho ai khác, là đang làm vì chính mình. Con người cần phải sản xuất, đồng thời tái sản xuất, tái tạo năng lượng, sức lao động.
Các vai trò ấy phải được hiểu đúng, cân bằng trong mối quan hệ gia đình, đặc biệt mối quan hệ vợ - chồng. Không được mặc định “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” khi cả hai đều có thể kiếm tiền, xây dựng sự nghiệp và hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc gia đình.
Đối với vấn đề phụ nữ quan niệm không lấy chồng, sinh con, tôi cho rằng đây là một phần xuất phát từ nhu cầu sinh lý của mỗi người. Việc chúng ta yêu ai xuất phát từ cảm nhận của cơ thể cũng như bản dạng giới. Yêu ai, lấy ai và có quyết định gắn bó suốt đời với người ấy không hoàn toàn do nhu cầu, mong muốn, khát khao của cá nhân.
Khi người phụ nữ không sẵn sàng hay không muốn bước vào hôn nhân thì có thể lựa chọn đời sống tự do, độc thân. Bởi lẽ, khi muốn gắn kết với một người suốt đời thì quyền lợi cũng đi liền với trách nhiệm. Chung quy, đó chỉ là những quan niệm mang tính cá nhân, tùy thuộc vào cảm nhận, nhu cầu của mỗi người, không thể trở thành đại diện cho một thế hệ hay một giới.
PV: Theo Tiến sĩ, “nữ quyền độc hại” gây ảnh hưởng như thế nào đến các lĩnh vực trong cuộc sống như gia đình, giáo dục, các vấn đề xã hội?
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền: “Nữ quyền độc hại” gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến các lĩnh vực trong cuộc sống. Bởi lẽ, tư tưởng là nhận thức của con người về thế giới, sẽ ảnh hưởng đến kiến thức, kỹ năng, thái độ, ứng xử bản thân mỗi chúng ta. Những nhận thức không đúng đắn và có phần cực đoan như “nữ quyền độc hại” sẽ phản ánh một phần kiến thức, kỹ năng của con người chưa đầy đủ, toàn diện, chưa hệ thống, đồng thời cũng dẫn đến những thái độ, hành vi lệch chuẩn, thiếu đúng đắn.
PV: Ngoài ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác trong đời sống, theo Tiến sĩ, "Nữ quyền độc hại" còn gây ảnh hưởng như thế nào tới các giới nam – nữ? Liệu tư tưởng này có làm cản trở quá trình thúc đẩy bình đẳng giới hay không?
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền: Bình đẳng không có nghĩa là hạ bệ hay nâng giới nào lên, bình đẳng là tôn trọng vị trí, vai trò của cả nam và nữ. Bởi lẽ, dù là nam, nữ hay liên giới tính thì đều có những vai trò, cống hiến, đóng góp khác nhau trong các lĩnh vực xã hội.
“Nữ quyền độc hại” sẽ đem đến một cái nhìn tiêu cực về nữ giới, rằng họ không đơn giản chỉ mưu cầu sự bình đẳng mà thậm chí còn muốn “thượng đẳng”, nghĩa là vai trò, vị trí phải cao hơn người đàn ông. Trong khi đó, “nữ quyền” vốn là phong trào để thúc đẩy bình đẳng giới, muốn hai giới cùng nhìn nhận, tôn trọng nhau, cùng cống hiến, xây dựng và phát triển xã hội.
Ví dụ, tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã sớm nhìn ra tiềm năng kinh tế của phụ nữ. Ông nhận thức được nếu chỉ đề cao vị thế, vai trò của người đàn ông thì thật sự đã bỏ qua một nguồn lực lao động rất lớn. Đây là tiền đề để Shinzo Abe cho ra đời lý thuyết về nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Nhật Bản, theo đó, bình đẳng là huy động sự tham gia của hai và nhiều giới tính hơn nữa để tập trung phát triển toàn diện.
Chính vì vậy, nếu có xu hướng theo đuổi những chủ nghĩa cực đoan, thái quá như “nữ quyền độc hại” sẽ làm cho khoảng cách giới trở nên thiên lệch, làm chậm đi quá trình bình đẳng giới. Cần phải hiểu rằng xã hội, thế giới được xây dựng từ sự phát triển, cống hiến của cả nam, nữ và những người liên giới tính.
PV: Tiến sĩ có đề xuất giải pháp nào để đấu tranh vì “nữ quyền”, phá bỏ định kiến giới mà không bị sa vào “nữ quyền độc hại”?
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền: Về giải pháp, cần nhận thức được rằng thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ là vấn đề, trách nhiệm của một cá nhân mà của cả hệ thống chính trị, từ Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước tới các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức dân sự, phải tổ chức thực hiện chặt chẽ để đưa các quan điểm đúng đắn đến với công dân một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, việc xây dựng, sửa đổi và bổ sung các chính sách về Giới và phát triển sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn cũng cần được quan tâm đúng mức bởi chính sách là gốc của vấn đề.
Thứ ba, tôi cho rằng phải tăng cường công tác truyền thông để thay đổi nhận thức sai lệch, giúp mọi người phân biệt được rõ “nữ quyền” và “nữ quyền độc hại”, thay đổi hành vi và định hướng xã hội.
Cuối cùng, để thúc đẩy bình đẳng giới mà không sa vào “nữ quyền độc hại”, chúng ta cần xây dựng các mô hình phát triển, đồng thời sửa đổi những mô hình chưa hoàn thiện. Điển hình như mô hình “nhà nhiều cạnh” nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong mối quan hệ gia đình. Tôi tin rằng giới trẻ hiện nay có đủ sức sáng tạo, năng lực và nhiệt huyết để thực hiện các mô hình phát triển nhằm thay đổi các tư tưởng lệch lạc như “nam tính độc hại”, “nữ quyền độc hại”.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của Tiến sĩ!