“Phá thai là quyền phụ nữ, quyền con người”
(Sóng trẻ) - Quyền được phá thai là nền tảng cho sự phát triển của người phụ nữ. Quyền được phá thai ra đời không chỉ giúp phụ nữ trên thế giới không còn phải trốn tránh khi thực hiện quyền của mình mà còn giúp họ nâng cao trách nhiệm khi mang thai.
Quy định về phá thai trên toàn thế giới
Theo số liệu từ Liên hợp quốc, hơn 97% các quốc gia và vùng lãnh thổ đã cho phép phá thai để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của phụ nữ. Trong đó, có khoảng 50% các quốc gia cho phép phá thai khi sức khỏe của thai phụ bị đe dọa, 49% các quốc gia cho phép phá thai khi bị khiếm khuyết hoặc việc mang thai là kết quả của hành vi tội phạm tình dục. Chỉ khoảng 34% các quốc gia các quốc gia cho phép phá thai vì lý do kinh tế - xã hội hoặc phá thai theo yêu cầu.
Tuy nhiên, tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ như: El Salvador, Malta, Lào, Philippines, Ai Cập… luật phá thai vô cùng nghiêm ngặt hoặc bị coi là hành vi trái pháp luật. Người phụ nữ ở những khu vực này có thể bị try tố hình sự và phạt tù vì nạo phá thai ngay cả khi tính mạng của họ gặp rủi ro vì mang thai.
Ba Lan là một trong số các quốc gia châu Âu có luật chống phá thai nghiêm ngặt nhất. Vào tháng 1/2021, quốc gia này ban hành một quyết định của tòa án hiến pháp về việc cấm phá thai kể cả thai nhi bị dị tật.
Còn tại Mỹ, mới đây tòa án nước này đã gây chấn động khi bỏ phiếu xóa bỏ phán quyết năm 1973 công nhận quyền phá thai hợp pháp của phụ nữ. Theo đó, phán quyết nêu: “Hiến pháp không trao quyền phá thai, phán quyết trong vụ kiện Roe và Casey sẽ được đảo ngược. Thẩm quyền liên quan vấn đề phá thai được trả lại cho nhân dân và các đại diện mà họ đã bỏ phiếu chọn”. Điều này một lần nữa làm dấy lên những phản ứng trái chiều về “quyền phá thai”.
Những tranh cãi không hồi kết
Những tranh luận về “quyền phá thai” không phải là câu chuyện của riêng xứ Cờ Hoa. Trong suốt chiều dài lịch sử xã hội loài người, phá thai được xem là một chủ đề gây tranh cãi bởi những chuẩn mực về luân lý, tôn giáo, tín ngưỡng, đạo đức, thực tiễn và chính trị.
Với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào nữ quyền như hiện nay, những khẩu hiệu như “Cơ thể là của tôi” thường xuyên được tuyên truyền để khẳng định quyền tự quyết của người phụ nữ, trong đó có quyền được lựa chọn từ bỏ thai nhi.
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ mong muốn chấm dứt thai kỳ, như: sự bất thường của thai nhi, các vấn đề đe dọa sức khỏe bà mẹ, hay mang thai ngoài ý muốn khi chưa sẵn sàng điều kiện để sinh và chăm sóc… Ngoài ra, cũng có trường hợp phá thai do thai dị tật, khó nuôi, do bị xâm hại tình dục, cưỡng dâm, loạn luân hoặc nguy hiểm đến tính mạng thai phụ…
Thế nhưng, bất chấp những lý do trên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng việc phá thai đồng nghĩa với tước đoạt sinh mệnh của một con người, xâm phạm quyền làm người của một thai nhi và là hành vi vô nhân đạo. Những ý kiến này thường chỉ trích các bà mẹ lựa chọn phá thai là “vô trách nhiệm” hoặc “chối bỏ nghĩa vụ”.
Trong nhiều năm trở lại đây, làn sóng tranh luận về phá thai cũng đã lan tới Việt Nam. Phần lớn các ý kiến chia ra làm hai hướng: “Ủng hộ quyền lựa chọn” và “Ủng hộ sự sống”. "Ủng hộ quyền lựa chọn" nhấn mạnh quyền của phụ nữ quyết định có nên phá thai hay không. "Ủng hộ sự sống" nhấn mạnh quyền của phôi thai hoặc thai nhi về việc mang thai và quyền được sinh ra.
Vào năm 2018, chiến dịch “Mẹ ơi! Đừng giết con!” từng gây xôn xao cộng đồng mạng Việt Nam một thời gian dài. Mục đích của “Mẹ ơi! Đừng giết con! là kêu gọi 100.000 chữ ký nhằm kiến nghị Quốc hội xem xét xây dựng và ban hành “Luật cấm nạo phá thai”.
Trong video tuyên truyền, những người sáng lập chiến dịch đưa ra các dẫn chứng như Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về việc nạo phá thai. Họ nhận định đây là một thảm họa nhân đạo, là tội ác đi ngược với tinh thần nhân ái, đạo đức của dân tộc.
Bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự thương xót, đồng tình, không ít người lên tiếng phản đối quan điểm và mục đích của chiến dịch này. Một bạn đọc nêu quan điểm: “...Nói đến nhân đạo dành cho thai nhi vậy tại sao không nói đến nhân đạo dành cho phụ nữ? Tại sao không suy nghĩ thử xem vì lý do gì họ lại muốn từ bỏ cốt nhục của mình? Thử nghĩ tới vấn đề kinh tế, sức khoẻ của người mang thai lẫn thai nhi đi. Lỡ đâu họ không có khả năng nuôi dưỡng con mình rồi sao? Nếu như nghèo khổ, không đủ khả năng nuôi một đứa trẻ thì thà là phá thai, như vậy mới là tốt nhất cho cả mẹ lẫn con chứ…”.
Phá thai có vi phạm nhân quyền?
TS. Trương Thúy Hằng - giảng viên Chuyên ngành Xã hội học, Học viện Phụ nữ cho hay: “Cần khẳng định, phá thai là quyền của phụ nữ, nói chính xác hơn là quyền con người. Là nữ quyền và là nhân quyền”.
Những tranh cãi xoay quanh lệnh cấm phá thai xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng từ góc nhìn văn hóa, tôn giáo. Nếu nhìn nhận sâu hơn ở khía cạnh đạo đức sẽ rất khó để phân định, bởi quan niệm về đạo đức đôi khi rất khó phán xét, và điều này còn phụ thuộc vào bối cảnh tôn giáo, vùng miền.
Song, cũng không thể vì thế mà bỏ qua cảm xúc, sự an toàn của cơ thể, tính mạng người phụ nữ. Dù với bất kỳ nguyên do nào, con người nói chung, phụ nữ nói riêng có quyền được bảo vệ nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng của bản thân mình.
TS. Hằng cho biết: “Cơ thể của ta là quyền của ta, nhưng ta cũng hãy hết sức tôn trọng cơ thể của ta, tôn trọng cơ thể của người khác, có trách nhiệm ở mức cao nhất với nó, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”.
Những hành vi quan hệ tình dục bừa bãi hoặc thiếu các biện pháp an toàn, nạo phá thai bừa bãi ở nơi thiếu an toàn và không nghĩ tới sức khỏe có thể gây ra những hệ lụy liên quan tới sức khỏe, cuộc sống về sau. Coi thường cơ thể của phụ nữ, ép buộc quan hệ, thậm chí tấn công tình dục…. là những điều cần ngăn chặn. Vì vậy, bên cạnh đảm bảo vệ quyền, chúng ta cũng cần có ý thức trách nhiệm về nó.
Cũng theo TS. Hằng, việc nhiều quốc gia trên thế giới cấm hoàn toàn việc phá thai, coi phá thai là bất hợp pháp là đi ngược lại sự tiến bộ và làm cản trở quyền con người, thậm ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Ví dụ, tại Mỹ, nhiều phụ nữ đã “đình công việc quan hệ tình dục”, từ đó gián tiếp cản trở sự phát triển tự nhiên, nhu cầu mưu cầu hạnh phúc của con người.
Cùng với các tiến bộ về quyền con người, về bình đẳng giới, các nhà hoạt động nữ quyền cho rằng phá thai là quyền lựa chọn của mỗi phụ nữ, quyết định của họ đáng được tôn trọng, không ai có quyền chỉ trích và lên án.
Tại Việt Nam, việc nạo phá thai vẫn được pháp luật đồng ý theo nguyện vọng của người phụ nữ, nhưng nghiêm cấm phá thai vì giới tính của thai nhi, theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989. Bên cạnh đó cũng khuyến cáo việc phá thai phải được thực hiện ở những cơ sở y tế hợp lệ và có giấy phép của nhà nước, không phải ở bất cứ nơi nào, bằng bất cứ cách gì. |