“Địa chính trị” ảnh hưởng như thế nào tới các quyết sách chính trị, ngoại giao?
(Sóng trẻ) - Ngày 18/3, Nhã Nam tổ chức buổi talkshow giới thiệu bộ ba tác phẩm của Tim Marshall, đồng thời giúp độc giả hiểu hơn về ảnh hưởng của “địa chính trị”.
Buổi talkshow có sự góp mặt của 3 vị khách mời: Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc, người sáng lập Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính cùng với Biên tập viên (BTV) Đặng Ly - Trưởng phòng sách Kinh tế Nhã Nam.
Những cuốn sách trong talkshow bao gồm: “Những tù nhân của địa lý”, “Chia rẽ” và “Quyền lực của địa lý”. của tác giả Tim Marshall. Cuốn sách đầu tiên của ông ra mắt độc giả Việt Nam năm 2021, "Những tù nhân của địa lý" đã nhanh chóng trở nên một hiện tượng kỳ lạ trên thị trường xuất bản, với hàng vạn bản sách được bán ra. Hai cuốn sách của ông được Nhã Nam cho ra mắt tiếp sau đó: "Chia rẽ" và mới đây nhất là "Quyền lực của địa lý". Buổi talkshow thu hút nhiều độc giả trẻ, những người quan tâm tới địa chính trị và có chuyên ngành học liên quan.
Nội dung talkshow giới thiệu bộ ba tác phẩm bao gồm những câu hỏi liên quan tới địa chính trị (geopolitics), như: “Tại sao vấn đề địa chính trị lại nổi lên trong mấy năm gần đây, thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả?”; “Góc nhìn địa chính trị có ưu điểm và hạn chế gì?” và “Có thể kiến giải như thế nào về địa chính trị và địa kinh tế gắn với vị trí địa lý của Việt Nam?”.
GS, TS Đặng Hùng Võ cho rằng: “Bản chất của địa chính trị tạo ra những cộng đồng sắc tộc, những tôn giáo. Quan trọng là các sắc tộc có thể liên kết với nhau tạo thành một cộng đồng lớn hay không. Và sự biến động của xu hướng loài người cũng dựa vào sự cố định của địa lý”.
Trả lời những câu hỏi do BTV Đặng Ly đặt ra liên quan tới địa chính trị, dưới góc nhìn của Chuyên gia Kinh tế, anh Thành cho biết: “Địa chính trị xuất phát từ thế kỉ 19, tuy nhiên thời gian gần đây mới được chú ý đến nhiều là do sự xuất hiện của các sự kiện chính trị lớn trên thế giới như: cuộc xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng tài chính tại Mỹ, hay cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc,... những sự kiện này có độ phức tạp ngày càng lớn. Bản chất của địa chính trị phản ánh rằng cục diện thế giới đã thay đổi, sự thay đổi của cán cân quyền lực. Đồng thời địa chính trị thay đổi bởi cơ sở hạ tầng, công nghệ và thể chế; những yếu tố này phát triển càng lớn mạnh thì địa chính trị thay đổi càng nhanh”.
Chia sẻ thêm về vấn đề địa chính trị trong khu vực Đông Nam Á và Việt Nam, GS, TS Đặng Hùng Võ bày tỏ: “Tôi biết Tim Marshall là một nhà báo, vì vậy các tác phẩm của ông được viết dưới góc nhìn của một nhà báo, không phải nhà chuyên môn, điều này khiến tác phẩm gần hơn với tư duy của độc giả. Do vậy ông có tư duy rất sâu về châu Âu, châu Phi,... mang tính quốc tế. Theo một bài nhận xét từ Đại học Harvard: Khu vực Đông Nam Á có một quy chế đó là cái gì muốn thông qua cần có sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên, tuy nhiên điều này không có ý nghĩa vì khu vực này có tất cả các tôn giáo, nên Việt Nam khó phát triển ở Đông Nam Á”.
Dù có những khác biệt về nội dung, nhưng điểm chung của cả ba cuốn sách là nhắm đến địa chính trị. Đây không phải một chủ đề dễ hiểu và dễ tiếp cận. Tuy nhiên Tim Marshall đã vượt qua những thách thức ấy một cách ngoạn mục. Sự hấp dẫn đặc biệt của những cuốn sách của Tim Marshall đến từ hướng tiếp cận độc đáo đối với vấn đề, cùng lối dẫn dắt giản dị của tác giả, vừa dễ hiểu, vừa kích thích sự tò mò nơi người đọc.