“Hà Nội trong lời kể: Sự thưa dần của các tác phẩm văn học về Thủ đô”

(Sóng trẻ) - Hà Nội, với đầy đủ nét đẹp lịch sử và văn hóa, từng là nguồn cảm hứng đặc biệt của văn chương. Tuy nhiên, qua thời gian, sự thưa dần các tác phẩm văn học về thành phố này đã và đang ảnh hưởng đến cách chúng ta tìm hiểu về văn hóa thủ đô.

Trong Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình 06/CTr-TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021 - 2025, đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy đã nhận định: “Vẫn chưa có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao, tạo dấu ấn về tư tưởng và nghệ thuật của Thủ đô”

Trải qua những biến thiên của lịch sử, từ những thời kỳ khác nhau, các tác giả đã viết về Hà Nội với góc nhìn và cảm nhận độc đáo, tạo nên sự đa dạng và phong phú trong văn hóa văn học của thành phố này. Trước năm 1945, nét đẹp Thủ đô được tái hiện bởi ngòi bút của Thạch Lam qua tác phẩm “Hà Nội băm sáu phố phường”, hay “Bóng nước Hồ Gươm” của Chu Thiên, … Sau năm 1945, do tình hình chiến tranh, người dân phải tản cư từ thành Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc, nên các tác phẩm về Thủ đô thời kì này là rất hiếm. Thế nhưng sau năm 1954 thì đề tài nhớ về Hà Nội được đề cập đầy thú vị qua “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng. Tiếp nối dòng chảy thời gian, sau thống nhất đất nước vào năm 1975, ngoài bắc có Nguyễn Tuân cùng “Hà Nội ta đánh mỹ giỏi” ca ngợi Hà Nội hào hoa, anh hùng. Thế nhưng từ năm 1986 trở lại đây, do điều kiện bị phân hóa, cùng với sự ra đời của các loại hình giải trí mới, sự chi phối của truyền thông đã ảnh hưởng đến ý thức lao động nghề nghiệp của người viết, khiến cho đề tài về Hà Nội dần bị “loãng” cả về số lượng và chất lượng. 

anh-1-3.JPG

Tác phẩm “Hà Nội băm sáu phố phường” của tác giả Thạch Lam (Ảnh: Hải Anh)

Qua từng giai đoạn, từng tác phẩm, Hà Nội không chỉ là bối cảnh mà còn là nhân vật chính, là nguồn cảm hứng bất tận cho các tác giả. Điều này làm cho văn học Hà Nội trở nên độc đáo và sâu sắc, giữ vững giá trị văn hóa và lịch sử trong lòng độc đáo của thủ đô Việt Nam.

Nhìn chung khi viết về Hà Nội sẽ có hai cấp độ điển hình: Đầu tiên, các tác giả viết về Hà Nội như một đối tượng được quan tâm và mô tả trực tiếp, viết một cách trọn vẹn về Thủ đô, tiêu biểu như “Một người Hà Nội” (Nguyễn Khải), “Hà Nội chuyện xưa phố cũ” (Hoàng Đạo Thúy), … Thứ hai, người viết coi Hà Nội như một chất liệu để khai thác, họ không chú tâm viết về thành phố này, nhưng có những liên tưởng, có những đoạn lấy Hà Nội làm bối cảnh. Xét về khía cạnh đề tài cũng đã có những thay đổi nhất định, trước kia, đặc biệt là những năm trước 1986 - thời kỳ thống nhất và xây dựng đất nước, Hà Nội trở thành trung tâm, là “cái nôi” của tinh hoa, chiến thắng và anh hùng, là một đề tài lớn cho các tác giả. Thậm chí, Hà Nội còn là nơi được các nhà văn lựa chọn để sinh sống và sáng tác. 

Nếu như, trong thời gian trước văn học tập trung vào những đề tài lớn thì bây giờ văn chương đang dần bị phân hóa giống như các lĩnh vực nghệ thuật khác. Văn học dần mở rộng hướng triển khai, quan tâm đến rất nhiều các khía cạnh khác nhau của đời sống, trên tất cả các lĩnh vực xã hội, ở tất cả các cấp độ: cộng đồng, nhóm, cá nhân. Xu hướng phi tập trung hóa đề tài đem đến những “điểm nhìn” mới, không còn là Hà Nội với vẻ đẹp cổ kính, hoài niệm mà mở rộng ra với số phận con người, tâm tình cá nhân, đây được xem là một dấu hiệu tốt của văn chương hiện nay, tuy nhiên, sự phân hóa khiến cho ta rất khó để kể ra một vùng văn học Hà Nội như xưa. 

anh-2-2.JPG

Tác phẩm “Chuyện cũ Hà Nội” của tác giả Tô Hoài (Ảnh: Hải Anh)

 

Ở thời điểm hiện tại, văn chương cũng ghi nhận những cây bút mới viết Thủ đô như Nguyễn Trương Quý, Uông Triều, Trung Sĩ, Đỗ Phấn, … Mỗi tác giả đều đóng góp những “điểm tham chiếu” khác nhau khi triển khai các đề tài về Hà Nội, đó là góc nhìn từ chiến tranh của nhà văn Trung Sĩ, hay những trải nghiệm cá nhân của Uông Triều trong “Hà Nội quán xá phố phường”, … Đặc biệt, trong đó, người được coi là đắm đuối, viêt sâu, viết kĩ, trở đi, trở lại với nguồn đề tài này, đồng thời mở rộng thể loại từ tản văn sang lối viết du khảo đó là nhà văn Nguyễn Trương Quý. 

Nhận xét về đối tượng - những người viết về Hà Nội, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lý luận và nghiên cứu phê bình văn học, nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí thuộc Trường đại học Văn hóa, đồng thời cũng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Đối tượng khai thác đề tài về Hà Nội cũng không nhiều và thành tựu cũng chưa hẳn là xuất sắc, nổi bật hẳn lên như các tác phẩm trước của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng hay Tô Hoài. Bây giờ mỗi cá nhân đều bị phân hóa, viết đa dạng thể loại hơn, nên rất khó để trở thành một nhà văn chuyên tâm viết về Hà Nội. Hiện nay có hai người viết về Thủ đô bắt đầu có uy tín và vẫn còn phải chờ đợi thêm, dù chưa có những đỉnh cao thực sự, đó là Họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn và nhà văn Nguyễn Trương Quý. Thế nhưng để nói về những thành tựu thật xuất sắc thí rất hiếm kể cả hai tác giả vừa rồi.”

anh-3-2.jpg

PGS.TS Lý luận và nghiên cứu, phê bình văn học Ngô Văn Giá (Ảnh: nhân vật)

 

Trong việc khai thác các đề tài văn học về Hà Nội, đôi khi chúng ta có thể nhận thấy sự thiếu chú ý của tác giả đối với những khía cạnh quan trọng và độc đáo của thủ đô nghìn năm văn hiến. Mỗi thời đại đều có những “mùa màng” riêng, thời đại bây giờ đang trở nên bộn bề, con người cũng bị phân tâm bởi những thứ xung quanh, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ý thức lao động của nhà văn, họ cũng chưa thực sự được quyết liệt, chuyên tâm vào mảng đề tài này như các nhà văn trước kia. Chính các tác giả cũng bị phân hóa, hoặc cũng có thể do cái “duyên” thành tựu chưa tới. Quả thực giữa chuyện giỏi và viết hay là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, không phải ai cũng vừa giỏi vừa viết hay được, vì hay nó là một cái tài năng nghệ thuật, một sự khổ luyện, ý thức khổ luyện lao động và phải gặp thời nữa thì nó mới tụ lại được. 

Để tạo ra những tác phẩm văn học về Hà Nội đầy đủ và phản ánh chân thực cả bức tranh hiện đại của thành phố, các tác giả cần phải chú ý đến cả những khía cạnh mới mẻ và đang thay đổi, cũng như những giá trị truyền thống đang tiếp tục tồn tại. Sự đa chiều và sáng tạo trong cách tiếp cận đề tài có thể tạo ra những tác phẩm văn học độc đáo và sâu sắc về Hà Nội trong thời đại mới.

anh-4-2.JPG

Tác phẩm “Hà Nội chuyện xưa phố cũ” của tác giả Hoàng Đạo Thúy (Ảnh: Hải Anh)

 

Bên cạnh đó, xu hướng đọc hiện nay không chỉ là một thách thức mà còn là một định hình quan trọng đối với sự thay đổi trong việc sáng tác và tiêu thụ các tác phẩm văn học về Hà Nội. Thời đại số đang mở ra những cánh cửa mới, tạo ra những phương tiện truyền thông đại chúng để tiếp cận thông tin và giải trí. Đối với người đọc, việc chọn lựa giữa việc ngồi chiêm nghiệm một cuốn sách truyền thống và việc xem nhanh những đoạn văn ngắn trên mạng trở thành một thách thức. Điều này dẫn đến sự thưa dần của các tác phẩm văn học về Hà Nội, khi mà sự chú ý của độc giả đang dần dịch chuyển từ những tác phẩm dày dặn, chi tiết đến những nội dung ngắn gọn, súc tích.

Cũng theo xu hướng này, nhiều tác giả và nhà văn đương nhiên phải thích nghi để đáp ứng nhu cầu đọc mới. Những tác phẩm ngắn, dễ tiếp cận, và có thể đọc được trong thời gian ngắn đang trở nên phổ biến hơn. Hình thức viết blog, truyện ngắn trên các nền tảng trực tuyến, hay những đoạn văn ngắn trên mạng xã hội đều trở thành kênh truyền thông quan trọng cho việc chia sẻ và tiêu thụ văn hóa văn học. Mặc dù điều này mang lại sự thuận tiện cho độc giả, nhưng cũng tạo ra một thách thức lớn đối với sự đa dạng và sâu sắc của văn hóa văn học Hà Nội. Những tác phẩm chi tiết, phức tạp có thể bị lạc lõng trong những trang sách ngắn gọn.

Việc thưa dần các tác phẩm văn học về Hà Nội đang gây ra những ảnh hưởng nhất định đến quá trình bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Những tác phẩm văn học, như những tấm gương phản ánh đời sống, tâm hồn và tri giác của một cộng đồng, đang dần mất đi, để lại một khoảng trống lớn trong việc hiểu biết về quá khứ và bản sắc văn hóa. Điều này không chỉ làm thất thoát về nghệ thuật và truyền thống mà còn làm việc mất đi kiến thức quan trọng. Tác phẩm văn học không chỉ là những câu chuyện, mà là cầu nối giữa thế hệ, là nguồn lực tư duy và trí tuệ của xã hội. Sự thưa dần này đang đe dọa sự liên kết giữa quá khứ và hiện tại, khiến cho con người mất đi một phần quan trọng của chính bản thân mình. Điều quan trọng là không chỉ giữ gìn mà còn tạo ra điều kiện cho sự phát triển và tiếp tục làm mới, từ đó tạo ra những tác phẩm văn hóa mới mang đậm dấu ấn thời đại.

Văn chương cần có quá trình để kết tinh, cũng như nhà văn cần chiêm nghiệm, để hiểu sâu, hiểu kĩ về thành phố này. Thật hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều hơn nữa những tác phẩm khai thác về đề tài này, gây được tiếng vang cho bạn đọc, góp phần xây dựng lại câu chuyện văn hóa và lịch sử của Thủ đô một cách đầy đủ và sâu sắc. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN