Âm thanh khắc khoải của cuộc sống
(Sóng trẻ) - Tiếng rao của những người phụ nữ thu mua đồng nát đã góp phần tạo nên thanh âm đặc biệt cho mảnh đất Hà thành. Hành trình mưu sinh của họ ẩn chứa sự buồn tủi như chính sự long đong của cái nghề họ đang làm vậy.
Những mảnh đời cơ cực
Những phụ nữ thu đồng nát luôn cặm cụi len lỏi vào những ngõ nhỏ, góc nhỏ để thu mua những đồ cũ nát. Phương tiện đi lại của họ là chiếc xe đạp thô sơ hay đôi quang gánh kẽo kẹt, gánh trên vai đủ thứ phế liệu. Mỗi ki-lô-gam nhựa có giá từ 4 ngàn đồng, giấy vụn có giá 3 – 4 ngàn đồng, tính ra thu nhập của họ chỉ vài chục ngàn đồng sau khi đã trừ chi phí.
Một ngày họ phải rong ruổi hai lần: sáng từ 8h đến 12h, chiều từ 2h đến 5-6h. Thu nhập tuy ít ỏi là vậy nhưng vẫn có giá trị lớn đối với họ. Chị Thơm (quê Nam Định) chia sẻ: “Hằng ngày vất vả là vậy, thu nhập chẳng đáng là bao nhưng vẫn hơn ở quê trồng lúa. Còn con cái học hành nữa nên mình mới phải đi chứ cũng không ai muốn xa gia đình”.
Bên đống phế liệu, thu nhập của họ chỉ vài chục ngàn đồng
Đồng tiền mà họ kiếm được là chân chính, bằng mồ hôi nước mắt nhưng cái nghề cơ cực này đã khiến họ không ít lần phải chịu sự phân biệt, kỳ thị của mọi người. Chị Sen, quê ở Nam Định chia sẻ: “Nghề này cũng cơ cực lắm. Nhiều người lắm tiền người ta thấy mình đi mua đồng nát người ta khinh. Nhưng mà nghề nào cũng là nghề. Mình kiếm tiền bằng mồ hôi, sức lao động chứ cũng đâu ăn không của thiên hạ”.
Âm thanh của đất Hà Thành
Dường như mọi ngõ ngách của phố phường Hà Nội đều đọng lại những tiếng rao: “Ai nhôm, đồng, sắt vụn, dép hỏng bán nào!”. Mỗi vòng xe là một sự háo hức, mỗi tiếng rao là một sự nhẫn nại. Tiếng rao của họ thật bình dị nhưng cũng lắm chông gai.
Những tiếng rao quen thuộc ấy bất kể thời tiết ra sao vẫn cứ vang lên đều đặn trong từng con hẻm nhỏ. Có những tiếng rao nghèn nghẹn, nghe day dứt lòng người.
Tiếng rao đồng nát - Âm thanh đặc biệt của phố phường Hà Nội
“Có tiếng rao như một lời thông báo, mời chào, lời rao vang xa. Có tiếng rao chất chứa hi vọng, lời rao như đùa cợt với mọi nỗi khổ đang vây bọc. Có tiếng rao bị tắc nghẽn ở đâu đó trong cổ họng. Có tiếng rao thắt lại, lời rao bị kéo mãi ra ở đoạn cuối. Mỗi lời rao là dấu hiệu nhận dạng một số kiếp qua âm thanh…”
Đồng nát là cái nghề chỉ dành riêng cho chị em phụ nữ. Dù làm nghề cửu vạn, giúp việc hay thu mua đồng nát thì họ vẫn rất đáng được trân trọng. Đằng sau những tiếng rao nhọc nhằn là cả một gánh nặng gia đình, nỗi lòng lo lắng cho con cái.
Thật đáng trân trọng biết bao khi hằng ngày các bà, các mẹ vẫn đạp xe len lỏi khắp các ngõ ngách, phố phường của Hà Nội để thu mua phế liệu, góp phần làm sạch môi trường. Và trên hết tiếng rao ấy đã một phần tạo ra âm thanh đặc biệt của phố phường Hà Nội – Tiếng rao vì cuộc sống!
Nguyễn Thị Huyền
Phát thanh K31
Cùng chuyên mục
Bình luận