Bài 2: Nhận biết những chiêu trò lừa đảo tuyển dụng: Đề phòng trước khi quá muộn
(Sóng trẻ) - Qua nhiều vụ việc đáng tiếc, điển hình là vụ việc tân sinh viên bị lừa đảo hơn 100 triệu đặt ra vấn đề về sự cần thiết phải trang bị cho mình đầy đủ nhận biết chiêu trò lừa đảo tuyển dụng.
Hành trình đi tìm chân lý của nhân vật A mà phóng viên đưa tin ở bài 1 vẫn còn nhiều trắc trở. Sau khi A khi biết mình bị lừa đã rơi vào tâm trạng hoang mang, lo sợ và tự trách bản thân. Bạn sống trong mặc cảm, tội lỗi và suy sụp tinh thần. Sau một quá trình đấu tranh tinh thần, A mới dám liên lạc với chị gái và tâm sự toàn bộ vụ việc.
Sau đó, A đã tới cơ quan công an để trình báo vụ việc, mong muốn nhận được sự trợ giúp để lấy lại số tiền đã mất. Tuy nhiên, phía cơ quan công an cho biết, vụ việc của A sẽ khó lấy lại được tiền. Các hình thức lừa đảo như A mắc phải hiện nay rất phổ biến. Việc các đối tượng sử dụng không gian mạng để lừa đảo khiến công an rất khó truy vết. Hơn nữa, các máy chủ lừa đảo thường được đặt ở nước ngoài. Chính vì vậy, việc truy bắt các đối tượng và lấy lại số tiền đã mất gần như là không thể.
Video:
Hàng rào ngăn cản công lý thực thi
Theo Khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định các đối tượng bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: 1, Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; 2, Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; 3, Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. |
Thế nhưng, trên thực tế, có những trường hợp tiền mất nhưng chẳng thể làm gì. Bởi lẽ chỉ đích danh tội phạm một cách chính xác còn là một câu hỏi khó trả lời. Theo ông Dương Lê Ước An – Luật sư thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ: “Tình trạng lừa đảo qua mạng hiện nay rất phức tạp, phương thức thủ đoạn thường xuyên thay đổi, đối tượng thực hiện hành vi thường ở nước ngoài, sử dụng các tài khoản ngân hàng không chính chủ (tài khoản mua bán trên mạng); người thực hiện hành vi lừa đảo và bị hại không biết mặt nhau…”.
Mặt khác, kiến thức pháp luật của người dân còn hạn chế; kỹ năng, kiến thức về giao dịch ngân hàng qua mạng (Internet Banking) chưa đầy đủ. Với sự bùng nổ công nghệ, người dân dễ dàng sở hữu thiết bị công nghệ (Smart phone, laptop, Ipad…) nhưng chưa am hiểu nhiều về kiến thức công nghệ nên dễ bị đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài những chiêu lừa thiện nguyện, đe dọa liên quan đến pháp luật; những trường hợp khác, hầu hết nạn nhân đều bị “hấp dẫn” bởi “lợi nhuận” mà đối tượng đưa ra để chiêu dụ.
Hiện có rất nhiều chiêu thức lừa đảo việc làm hướng đến sinh viên, nhất là các tân sinh viên. Hình thức phổ biến là lừa sinh viên vào các mạng lưới bán hàng hưởng hoa hồng cao, làm thêm… nhưng phải đóng phí. Đáng ngại nhất, là hình thức bán hàng online, thanh toán đơn hàng nhận hoa hồng khiến nhiều sinh viên bị chiếm đoạt tiền, thậm chí bị đe dọa, gây hoang mang.
Tỉnh táo với những dấu hiệu nhận biết “nhà tuyển dụng ma”
Ngoài ra, ông An còn cung cấp cho phóng viên một vài dấu hiệu nhận biết chiêu trò lừa đảo cần biết để phát hiện và đề phòng các tình huống bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các chiêu trò tuyển dụng:
Những miếng mồi béo bở dẫn dụ các học sinh, tân sinh viên sa vào cái bẫy đặt sẵn có thể nhận dạng rõ qua: tài khoản đăng tin tuyển dụng mập mờ, nội dung, thiết kế tin tuyển dụng sơ sài, chào mời “việc nhẹ lương cao”...
Đối với các tin tuyển dụng mang tính lừa đảo, thông thường thông tin “nhà tuyển dụng” sẽ mập mờ, không đồng nhất. Người đăng bài thường là các tài khoản rác và tự xưng là nhân viên nhà tuyển dụng. Đặc điểm chung đối với các tài khoản này là thường đăng tải những bài viết check-in tại những nơi sang trọng và sở hữu những món hàng đắt tiền nhằm tạo niềm tin tương lai “phất lên” nhờ những công việc được đăng tuyển.
Các đối tượng thường chọn cách giả mạo đại diện cho những sàn thương mại điện tử hoặc một số nhãn hiệu nổi tiếng, lồng ghép logo, thông tin liên hệ, địa chỉ y hệt khiến các bạn trẻ dễ lầm tưởng là những nhà tuyển dụng chính thống. Tuy nhiên, nội dung, thiết kế những bài đăng tuyển dụng rất sơ sài, qua loa.
Ngoài ra, các bài tuyển dụng thường đánh vào tâm lý người xem bằng cụm từ “việc nhẹ lương cao”. Các bài đăng lừa đảo tuyển dụng thường có những lời mời chào hấp dẫn như: “Làm việc tại nhà với mức lương lên đến 500-700k/ngày”, “Kiếm 10-20 triệu đồng/tuần không hề khó”...
Các mẫu bài đăng tuyển dụng thường có thời hạn ứng tuyển ngắn và bị hối thúc phải làm, phải nộp hồ sơ, thông tin ngay lập tức để giữ vị trí như “chỉ còn 3 ngày tuyển dụng duy nhất để trở thành cộng tác viên của shopee” hoặc “chỉ còn 5 vị trí trong đợt tuyển 100 cộng tác viên của Sendo”.
Khi trở thành cộng tác viên thanh toán đơn hàng, ứng viên cũng cần thanh toán ngay khi có yêu cầu. Họ không cho nạn nhân có thời gian để nghĩ kỹ càng và khiến nạn nhân phải nhanh chóng liên hệ nhận việc vì sợ lỡ mất cơ hội “tốt”.
Sau khi dẫn dụ thành công, chúng cũng luôn hối thúc con mồi thực hiện những đơn hàng đầu tiên và nhanh chóng thực hiện đúng các lợi ích đã hứa hẹn như trả tiền gốc và tiền hoa hồng nhằm có được sự tin cậy và thiện cảm từ con mồi.
Ma trận bòn rút tiền của “nhà tuyển dụng ma”
“Người tuyển dụng” chủ động nhắn tin cho người lao động đang muốn tìm việc làm thông qua số điện thoại, facebook, các trang web tuyển dụng.
Khi nạn nhân đã ứng tuyển thì yêu cầu phỏng vấn online/phỏng vấn tại một trụ sở công ty giả mạo, sau đó các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải đóng các khoản phí, tiền đặt cọc để được làm nhân viên chính thức của công ty và hứa sẽ hoàn lại khi làm việc 3 tháng hay khi kết thúc hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền hoặc khi phát hiện bị lộ các “nhà tuyển dụng” lập tức khóa các thông tin liên lạc và biến mất.
Đối với việc tuyển cộng tác viên tạo lượt mua hàng giả thì khi đã trở thành cộng tác viên, đối với các đơn hàng đầu tiên, giá trị nhỏ, việc hoàn tiền và hoa hồng được thực hiện ngay lập tức đúng như cam kết để tạo lòng tin cho nạn nhân.
Tuy nhiên, đối với đơn hàng sau, nạn nhân sẽ được cho thêm yêu cầu. Chẳng hạn như nhiệm vụ bổ sung, yêu cầu các nạn nhân cần thanh toán thêm một số đơn hàng, mỗi đơn từ vài chục nghìn lên đến hàng chục triệu đồng để nhận được toàn bộ số tiền gốc và hoa hồng của nhiệm vụ lần này.
Tất nhiên, sẽ không có tiền gốc và hoa hồng nào cả. Khi đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng để nhận tiền gốc và hoa hồng, các nạn nhân cần hoàn thành nhiệm vụ tiếp theo. Điều này sẽ tạo ra những vòng lặp tuần hoàn và cho tới khi nạn nhân nhận ra thì đã quá muộn.
Hoặc, các đối tượng sẽ đổ lỗi cho nạn nhân. “Nhà tuyển dụng” sẽ trách nạn nhân nhập sai cú pháp, bạn thanh toán nhầm hoặc chậm khiến họ bị thiệt hại. Do đó, bạn cần đợi hoặc làm tiếp nhiệm vụ khác. Chúng cũng thường xuyên dùng chiêu bài “lỗi hệ thống” dẫn đến việc không thể gửi tiền cho nạn nhân được.
Đến khi nạn nhân đã bị lừa chuyển một khoản tiền đủ lớn hoặc nạn nhân không còn khả năng thanh toán các đơn hàng khác nữa thì những đối tượng đội lốt “nhà tuyển dụng” này sẽ cắt đứt mọi liên lạc với nạn nhân và ôm số tiền lừa được của nạn nhân và biến mất.
Lúc này, những nạn nhân dường như chỉ có thể bất lực buông xuôi. Những đồng tiền chính là cái giá lớn phải trả cho sự ngây thơ, cả tin vào những công việc với lời quảng cáo “việc nhẹ lương cao”. Làm thế nào để ngăn chặn triệt để sự lộng hành của các đối tượng lừa đảo, làm thế nào để đảm bảo an toàn cho người dùng trên không gian mạng vẫn là một dấu hỏi lớn chưa biết bao giờ mới có câu trả lời.