Bãi rác “tờ rơi”
(Sóng trẻ) - Trong khi chờ đợi thí sinh đang làm bài thi tại khu vực các điểm thi đại học, các bậc phụ huynh có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những tờ rơi tuyển sinh, quảng cáo,… trở thành “bãi rác” ngổn ngang trên vỉa hè, dưới lòng đường.
Tờ rơi- một phương thức quảng cáo
Tờ rơi là một phương thức quảng cáo khá hiệu quả đối với những người ở vùng quê khó khăn do khả năng tương tác với các thiết bị truy cập mạng ở đây chưa cao. Nhận biết được thế mạnh của loại hình này, một số trường cao đẳng, trung cấp, đại học dân lập, các trung tâm nại ngữ, tuyển sinh du học, v.v… đã quảng bá tên tuổi, các phương pháp dạy và học, các giáo sư tiến sĩ nổi tiếng ở trường… để thu hút sự chú ý và nhận được sự tham gia của các thí sinh.
Một nhân viên đang phát tờ rơi tại địa điểm thi đại học
Tuy nhiên các bậc phụ huynh lại không mấy mặn mà đối với những thông tin trên các tờ rơi này. Điều đó lý giải tại sao sau khi kết thúc mỗi môn thi đại học, những tờ rơi lại trở thành đống rác bừa bãi trên vỉa hè xung quanh các địa điểm thi.
Những tờ rơi tuyển sinh trên vỉa hè, dưới lòng đường
Chưa nhận được sự quan tâm
Những tờ rơi tuyển sinh hiện nay vẫn chưa thật sự nhận được sự quan tâm từ phía các bậc phụ huynh? Lý do là họ không hoàn toàn tin tưởng vào nội dung được in trên tờ rơi này.
Một bác phụ huynh ở Ninh Bình trong lúc chờ đợi thí sinh dự thi tại hội đồng thi trường Học viện báo chí và tuyên truyền chia sẻ với chúng tôi rằng: “Bác không tin vào những lời quảng cáo này. Bác chỉ đọc để tham khảo thôi. Bác có một đứa cháu đã từng học tại một trường đại học dân lập cũng tuyển sinh thông qua việc phát tờ rơi như thế này. Mấy năm trước, nó thi đại học nhưng mà trượt. Nó đăng ký khóa học 2 năm ở đấy, mỗi năm hơn 100 triệu. Họ cam kết rằng ra trường sẽ có công việc tốt với mức lương khởi điểm 25 triệu/1 tháng nhưng họ không nói rằng để đạt được mức lương đấy thì phải làm việc cả ngày, làm cả sáng lẫn tối không ngừng nghỉ. Thế là học được 1 năm cháu bác bỏ. Họ chỉ thực hiện được 40% những lời họ cam kết ở trên tờ quảng cáo này thôi. Không nên tin hoàn toàn”
Một phụ huynh khác cũng chăm chú đọc thông tin trên những tờ quảng cáo đó khi được chúng tôi hỏi có trả lời: “Bác chỉ đọc để giết thời gian thôi, cho bớt lo ấy mà. Chứ mấy trung tâm tuyển sinh này khó tin lắm, nói là đào tạo mấy chứng chỉ mà thời gian khóa học và tiền học phải đóng là bao nhiêu lại không ghi rõ, mập mờ thế này khó tin tưởng lắm.”
Thông tin thiếu rõ ràng, chất lượng đào tạo không cao… khiến nhiều bậc phụ huynh khá hoang mang, lo lắng khi cho con em theo học tại các trường học, trung tâm đào tạo tuyển sinh theo phương thức này. Những tờ rơi tuyển sinh do vậy trở thành một đống giấy lộn, thành bãi rác và thiếu sự quan tâm của các bậc phụ huynh là vì thế.
PV Báo mạng K32