Báo mạng điện tử phát triển lệch chuẩn đến mức nào?

(Sóng Trẻ) - Bắt đầu một ngày mới, rất nhiều người không còn vừa lật tờ báo vừa nhâm nhi ly cà phê mà thay vào đó là chiếc laptop mỏng, nhẹ hoặc chiếc điện thoại di động có thể kết nối Internet để vào đọc các trang báo mạng điện tử. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt của báo mạng điện tử Việt Nam trong thời gian vừa qua có hoàn toàn đáng mừng, hay ngược lại?

Nhiễu loạn không thể kiểm soát?


Nếu nhấn chuột vào nhiều trang tin trên mạng hiện nay nhiều người sẽ cho rằng cái thời của những thông tin “lộ hàng” đang thịnh hành, hay “cơn bão” của những thông tin “dưới văn hoá”, của ngực, mông, đồ lót… lên ngôi. Không chỉ trên các blog, các diễn đàn mà ngay cả những trang thông tin điện tử của các cơ quan báo chí hay nhiều tờ báo mạng điện tử chính thống cũng xuất hiện ngày càng nhiều những thông tin lá cải, giật gân câu khách…

Trong cuộc đua giành lượng truy cập của độc giả, nhiều tờ báo mạng điện tử đã tận dụng hết khả năng, công suất của tính đa phương tiện, khả năng cập nhật thông tin nhanh, không giới hạn để đăng tải những loại thông tin kiểu “lộ hàng”, “khoe ngực khủng”… Họ cố tình giật tít “nửa kín, nửa lộ” về các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể để tạo sự tò mò và kích thích ham muốn của người đọc. Có cảm giác như không một xì căng đan “cởi”, “tự sướng”, “lộ” nào của làng Showbit bị bỏ sót. Những cụm từ như “phát sốt”, “lộ hàng”, “ngực khủng”, “mông khủng”, “nội y”, “khiêu dâm”, “khiêu khích”, “gợi cảm”, “vòng 1”, “vòng 3”, “đồ lót”, “lộ ngực”… cùng những hình ảnh, clip “da thịt” xuất hiện nhan nhản. Có bạn đọc còn đưa ra công thức: “Lộ hàng + báo mạng = Nổi tiếng”!
                                                                                                                                                                                                                                                  21108fffe_index.png                                                               
                            

Những scandal "lộ hàng" của sao Việt như thế này tràn lan trên các báo mạng điện tử. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Sự soi mói, phản cảm ấy không ngần ngại trước bất kỳ giới hạn nào. Đầu tiên là những hình ảnh mát mẻ, những xì căng đan của các diễn viên, ca sĩ, người mẫu, cầu thủ nổi tiếng nước nài như: Hoa hậu Brazil lộ ảnh hở ngực, Han Geng lúng túng khi đóng cảnh nóng với Từ Hy Viên, Chồng cũ Sandra Bullock huỷ hôn và chia tay người tình, Oh Ji Ho thất vọng về nụ hôn với Ha Ji Won, Những cảnh quay “bỏng mắt của Từ Hy Viên, Đo độ hot của Lee Min Ho, Những cảnh hôn đáng nhớ trên màn ảnh Hoa ngữ, Từ Hy Viên phủ nhận tin đồn sẩy thai, Mỹ nhân 7X thành danh nhờ cảnh “nóng”,…

Những chuyện hậu trường, đời tư của các chính khách nước nài cũng được nhiều tờ báo lạng lách, khai thác tối đa để gợi trí tò mò, thu hút bạn đọc: Thống đốc bang… vướng scandal gái mại dâm, Tổng thống… bị một “gay” kiện, Thị trưởng… bị truy tố vì nại tình, Nại trưởng… gặp rắc rồi vì bồ nhí, Cựu Tổng thống… vẫn còn vương vấn người trong mộng, Tổng thống… đi nghỉ cùng bồ mới, Bộ trưởng Tài chính… khổ vì gái, Xì căng đan tình dục của chính khách…,…

Cùng với những thông tin từ nước nài, nhiều trang báo mạng điện tử tận dụng hết công suất hình ảnh của những diễn viên, người mẫu trong nước. Người ta có thể thường xuyên bắt gặp những dòng tít như thế này trên các trang báo mạng điện tử: Đến lượt teenboy vô tư “khoe hàng”, Diện áo mỏng manh, Vũ Thu Phương lộ ngực nại cỡ, Vòng 1 của người đẹp như đang “biểu tình”, Hoàng Yến chán bức tử ngực khủng, "Tình nhân" Lam Trường cởi áo khoe thân thể gợi cảm, “Người đẹp lộ ngực“ Trang Nhung khoe vòng 1 đầy, Hừng hực 3 vòng của chân dài gốc Việt tại Mỹ, Người mẫu 13 tuổi lý giải về vòng 1 lớn bất thường, Trang Trần sẽ mặc váy để không bị nói là "khiêu dâm”, Cũng “ngực” và “mông”, mẫu nhí - mẫu già ai hơn ai?, Ngắm hoa hậu Việt thời cởi trần tắm mưa, Mỹ Tâm “nóng hổi” đến không ngờ, Nữ hoàng nội y Ngọc Trinh “đốt cháy” đường phố Hà Nội, Hà Anh lại “thiêu đốt” các quý ông, Bảo Trân lý giải về vòng 1 lớn bất thường”,… Cùng với những hàng tít trên là những bức ảnh với lời bình, chú thích thật “khiêu khích”. Thậm chí, sợ bạn đọc không nhìn rõ những điểm “lộ hàng”, người xử lý ảnh còn vẽ những hình tròn, chữ nhật với màu xanh, đỏ… vào chỗ đó.

Những câu chuyện về cuộc sống riêng tư cũng bị thọc mạch và được phơi bày hết sức “nhố nhăng”: Con trai Tạ Đình Phong khóc đòi cha quay về, Tiết lộ quá khứ “đen” của chồng Từ Hy Viên, Phi Thanh Vân lộ bụng bầu hai tháng, Vợ Minh Tiệp bị nghi có bầu trước khi cưới, Công Vinh “nhìn trộm” tin nhắn của Thủy Tiên, Elly Trần chưa chồng đã có con?, Mai Phương Thúy và "bồ" tình tứ đầu hẻm, Bình Minh “méo mặt” nhìn vợ “hớn hở” xem Hà Tăng lái xe hơi, Bằng chứng sống” của cuộc “tình vụng trộm” Minh - Thảo!... Hay những chuyện phòng the được khai thác đến tận cùng của sự trơ trẽn với những tựa bài kiểu: Gần vợ thì yếu, gần bồ thì rạo rực, Đã “trao” lần đầu là “trao” tiếp lần hai, Chị em hối hả đi làm lại ngã ba,Xin được giữ tinh trùng của người yêu đã mất,…

Bạn đọc Nguyễn Trường Trung (tuoitre.vn) viết: “Dường như phóng viên chỉ chăm chăm xem ai đó có “lộ” gì để họ “chộp”. Vì vậy, họ chực chờ ở những điểm nóng, ở những chỗ đông người mẫu, ca sĩ, người nổi tiếng tụ tập để tìm kiếm “cơ hội vàng”.”

Công chúng và những người làm báo chân chính không thể làm ngơ trước những kiểu giật tít và đưa tin “bệnh hoạn” khi nhân vật của câu chuyện là bất kỳ ai, không phân biệt già trẻ, giới tính, tuổi tác miễn là thông tin đó có thể “câu view” (câu bạn đọc nháy chuột vào)… Nhiều người cho rằng người viết thật vô cảm khi dùng những cụm từ “lộ hàng”, “lộ quần chíp” với cả những đứa trẻ còn đang bi bô tập nói. Vì thế họ nổi giận khi trang giải trí của một tờ báo mạng điện tử đứng trong top đầu của Việt Nam đưa chùm ảnh con trai gần 2 tuổi của diễn viên Thanh Thúy với tít "Hot boy" nhà Thanh Thúy lộ ngực trần” và ngay dưới bức ảnh của cậu bé là một chú thích… “không còn gì để nói”: “Chiếc áo cổ rộng đã lỡ làm cho cậu “lộ hàng”. Sự nổi giận được đẩy lên cao trào khi mới đây trang thông tin điện tử của một cơ quan báo chí lại giật tít "Con gái Trương Ngọc Ánh lộ... quần chíp". Ngay dưới dòng tít là hình ảnh rất hồn nhiên, trong trắng của em bé khoảng 3 tuổi. Bên cạnh bài viết đó là chuyên mục Văn hoá với những hàng tít... chẳng văn hoá chút nào: “Cẩm nang chụp hình “tự sướng” cho teen”, “Miranđa kerr khoe vòng 1 no tròn ở Seoul”…

Nếu công chúng cứ theo những thông tin trên các trang báo mạng điện tử thì dường như trong xã hội này chẳng có gì quan trọng hơn là những câu chuyện phòng the, yêu ghét, mua sắm, hội hè, hở, lộ… của giới nghệ sĩ!

Nhưng nói như nhà báo Phạm Thanh Hà trong cuộc giao lưu trực tuyến “Xin đừng “Playboy hóa” báo chí” (thethaovanhoa.vn) thì những thông tin “hở”, “lộ” suy cho cùng “ là hiện tượng kém văn hóa, trái thuần phong mỹ tục. Tệ hơn là những tin cướp, giết, hiếp mà báo chí đưa hàng ngày, chúng xúc phạm đạo đức thô thiển hơn, tàn nhẫn hơn và báo chí cũng tỏ ra thiếu lương tâm hơn khi đưa những thông tin ấy, coi như những tin giật gân.”

Có thể nói, các vụ án xuất hiện tràn lan trên các trang báo mạng điện tử khiến cho người đọc xem đâu cũng thấy bi kịch, nhìn đâu cũng thấy tiêu cực. Nào là chồng giết vợ bằng cách chặt đầu, vất xác, mẹ giết con bằng xăng, cô giết cháu bằng thuốc độc, dì ghẻ thả con chồng xuống giếng… Trong một trang báo có thể có tới 7 - 8 vụ án các dạng, từ trộm cắp, lừa đảo, tự tử, cướp của, giết người, đâm chém, hiếp dâm… vụ nào cũng tàn bạo, dã man, rùng rợn. Có báo, trong 10 tin nổi bật ở trang 1 thì 6 tin phản ánh vụ án, tiêu cực.

Việc rút tít khi đưa tin về các vụ án khiến công chúng cảm thấy hoang mang, lo sợ cho sự an toàn của mình và tạo cho dư luận một thái độ không đúng về thực trạng xã hội: Cạn tình, chồng tẩm xăng thiêu đốt vợ, 11 nhát dao và sự sống sót thần kỳ trong vụ thảm sát, Rùng mình chuyện phanh xương ngực, cọ xương xọ, Một nữ nhà báo bị cắt cổ đến chết, Rùng mình cắt bộ phận sinh dục của bé gái, Bé gái 15 tuổi bị hãm hiếp khi đang tắm, Thiếu nữ 16 tuổi bị bạn hiếp dâm tập thể, Dùng súng giết người để chấm dứt … mâu thuẫn, Kinh hoàng vì xác chết đột nhiên sống lại, Vợ thuê sát thủ 30 triệu đồng để giết chồng,Cho bố “sàm sỡ” để được gặp bạn trai,… Không chỉ giật tít giật gân, phản cảm mà nội dung các bài báo còn được miêu tả qúa chi tiết, rõ ràng những cảnh đâm chém, giết người, máu chảy khiến người đọc ớn lạnh, sởn da gà: “Nạn nhân bị 3 vết thương ở cổ do dao đâm; xương sườn số 5 có 1 vết dao đâm; cẳng tay trái có 2 vết dao đâm; đùi phải có 2 vết dao đâm trượt…”,  “Xác chết nằm trên sàn nhà, máu lênh láng, ruồi, kiến bu đen kín…”

Nếu như những người nổi tiếng (và tai tiếng) bị bắt “lộ hàng” bằng mọi cách thì những nhân vật, tình tiết trong các vụ án bị rượt đuổi đến tận cùng của sự nhẫn tâm, đau khổ. Dù không muốn đọc, xem, nghe thì hàng ngày những thông tin đó cứ đập vào mắt, khiến không ít người bị ám ảnh. Thông tin nhiều vụ án đáng ra nên khép lại, nhưng để “nuôi”, “câu” view mà nhiều tờ báo cứ tiếp tục đeo bám, khai thác triệt để các tình tiết, hình ảnh… Những người trong cuộc và công chúng hàng ngày tiếp tục bị tra tấn, rợn người vì sự vô cảm của nhiều nhà báo, tờ báo. Họ bắt công chúng phải đối mặt với cảm giác bị ám ảnh đè nặng, giật mình mỗi khi ngủ.

Tác giả Linh Tâm (laodong.vn) cho rằng: “Người làm tin và cho đưa thông tin hiếu kỳ như vậy phải chăng không nghĩ tới mục đích của việc thông tin, tuyên truyền? Có gì ích lợi cho xã hội khi cứ đeo bám, miêu tả chi tiết những điều đó nếu không muốn nói là nhằm giật gân, câu khách rẻ tiền?”

Phát triển lệch chuẩn


Thật đau lòng khi biên tập viên của một tờ báo mạng điện tử khá chính thống lại chia sẻ: “Phải hot, thật hot chị ạ. Một đêm thời trang hay ca nhạc, phóng viên ảnh chụp hình về, xem xong em phải vắt óc nghĩ ra cách trộn cái này với cái kia, giật tựa sao cho thật sốc và nếu hôm đó các cô diễn viên người mẫu chỉ cần mặc váy quá ngắn, áo rộng cổ thì chắc chắn là... chết với em!” (dẫn theo tuoitre.vn)

Nên cũng dễ hiểu khi trong thư gửi cô giáo của một sinh viên chuyên ngành báo mạng điện tử có đoạn: “Họ bắt chúng em phải “trăn trở” tìm cho được những chỗ “hở”, “lộ” của người nổi tiếng, “săn” được những vụ “độc” rồi lại phải tìm những từ thật “đanh thép”, thật “kêu” để đặt tít, chú thích ảnh… Độc giả càng rùng mình, càng kinh hãi càng hiệu quả. Lúc đầu em cũng thấy ngượng, xấu hổ nhưng không làm thế bài không được đăng. Lâu dần thành quen. Mỗi khi thấy bài vừa đưa lên đã có hàng trăm, hàng nghìn click vào, mọi người trong toà soạn đều vui, em cũng có cảm giác thật thoả mãn…”

Sự nhiễu loạn của những thông tin phản cảm, giật gân đang là câu chuyện thời sự của truyền thông hiện nay. Công chúng và những người làm báo đã lên tiếng cùng dấy lên làn sóng phê phán các thông tin, hình ảnh “sốc, sex” tràn ngập trên các báo mạng điện tử và trang thông tin điện tử. Tuổi trẻ, Lao động mở diễn đàn, Thể thao và Văn hoá tổ chức giao lưu trực tuyến, Đài Truyền hình Việt Nam phát những phóng sự trong chương trình Thời sự, Điểm hẹn Văn hoá… Tất cả đều mong muốn có được một môi trường trong sạch mỗi khi vào mạng.

Bạn đọc Tâm An (dantri.com.vn) chia sẻ: “Tôi thực sự buồn khi một số tờ báo mạng điện tử đã bất chấp các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp hoặc từ bỏ giá trị đẳng cấp truyền thông của mình để trở thành những tờ báo mà phương Tây vẫn gọi là “lá cải”.” Hoàng Ngọc Anh - Học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam (vietnamnet.vn) thì cho rằng: “Hành động này không chỉ trái với đạo đức con người mà còn là một sự lệch lạc trong cảm xúc.”

Tuấn Khanh (tuoitre.vn) phân tích: “Hãy nhìn thẳng vào sự thật, một khi nền truyền thông thiếu đi chuẩn mực của nó, tự biến mình thành loại lá cải bệnh hoạn và luôn tìm cách chọc ngòi bút của mình vào từng chiếc cúc áo, từng khe cửa nhà... thì đó thật sự là một thảm họa của đại chúng.”

Lý giải những nguyên nhân đòi hỏi một sự khảo sát, nghiên cứu toàn diện. Trước mắt, bạn đọc Nguyễn Trường Trung (tuoitre.vn) viết: “Xét cho cùng, cái sự “lộ hàng” ấy có nổi tiếng, có um xùm, có thành “bầy đàn” và phong trào như hiện nay hay không, đầu tiên vẫn phải truy đến trách nhiệm của nhà báo và ban biên tập của tờ báo đó.” Bạn đọc này kết luận: “Câu lượt truy cập là quan trọng, nhưng tuyệt đối không thể bỏ qua trách nhiệm xã hội.”

Không thể phủ nhận khi sống trong một xã hội với nhu cầu đa dạng thì những thông tin giật gân, câu khách cũng đang làm thoả mãn một bộ phận bạn đọc. Nhưng cùng với hàng trăm, hàng nghìn người nháy chuột vào những thông tin trên là con số gấp nhiều lần hơn thế của những độc giả đang ngày càng mất niềm tin vào báo chí nói chung, báo mạng điện tử nói riêng. Câu khách như vậy là coi khinh độc giả. Xin mượn lời của nhà văn, nhà báo tiền bối Ngô Tất Tố: “Có ai là người muốn họ quý trọng bằng cách ấy không? Người vô giáo dục thì không biết chứ người có giáo dục, chắc không ai rẻ mình mà ưu cái kiểu thô tục ô uế ấy”.[1]

Có ý kiến cho rằng, công bằng, khách quan, tôn trọng sự thật và trách nhiệm là những giá trị tốt đẹp từ bao đời nay của báo chí. Cần phải đem chúng vào truyền thông xã hội để làm nó lành mạnh hơn, mang tính trách nhiệm hơn, thu hút được trí tuệ, khả năng sáng tạo của hàng triệu người nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Tuy nhiên, không chỉ truyền thông xã hội mà hiện nay, chính trong báo mạng điện tử (một loại hình của báo chí), những giá trị đó cũng cần được nhấn mạnh và đề cao hơn bao giờ./.

 

TS. Nguyễn Thị Trường Giang

Học viện Báo chí và Tuyên truyền


 

* Bài đã  đăng trong số 39, tháng 8/2011 của Tạp chí Người Làm báo

[1] Phan Cự Đệ: Di sản báo chí Ngô Tất Tố - Ý nghĩa lý luận và thực tiễn, NXB Văn học, H.2005, tr.200.


 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN