Bộ ảnh “Nỗi đau sân khấu” – nói thay “tiếng lòng” của những người làm nghệ thuật truyền thống
(Sóng trẻ) – Xuất phát từ thực tế “nghệ thuật truyền thống” dần được đưa vào bảo tồn trong "lồng kính", các bạn trẻ sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thực hiện bộ ảnh “Nỗi đau sân khấu” nhằm nói lên những góc khuất sau ánh đèn sân khấu hào nhoáng của người nghệ sĩ. Qua đó đưa nghệ thuật sân khấu truyền thống đến gần hơn với giới trẻ.
Bộ ảnh nằm trong chuỗi truyền thông của dự án “Tích tịch tình tang” – môt dự án nhằm gắn kết người trẻ với nghệ thuật sân khấu truyền thống. “Nỗi đau sân khấu” hoàn toàn được thực hiện bởi các bạn sinh viên lớp Truyền hình 36A1, Khoa Phát thanh – Truyền hình, từ make up, diễn viên cho đến chụp ảnh, xử lý hậu kỳ...
Bạn Nguyễn Ánh hóa thân thành nhân vật trong gánh hát cải lương "gạo chợ nước sông"
Bộ ảnh khắc họa sự giằng xé, trăn trở, đối lập giữa đam mê nghệ thuật – Vật chất tiền bạc; Di sản văn hóa phi vật thể, quốc hồn quốc túy – Thị hiếu thị trường; Tình yêu nghệ thuật – Tuổi già... Đằng sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, phía sau lớp trang điểm mờ nhòe trên gương mặt là nỗi buồn đau, chua sót, trăn trở, dằn vặt và thậm chí là cả giọt nước mắt của những người nghệ sĩ luôn cống hiến, cháy hết mình trên sân khấu. Mỗi bức ảnh là một nhân vật, một câu chuyện, một mối lo mấy ai thấu tỏ.
“Ai về quê tôi mới hiểu tấm lòng nghệ sĩ làng chèo/ Dẫu vất vả gieo neo, lớp lớp cháu con vẫn theo nghề nối nghiệp”
“Mai này ai đi xem Tuồng!” – Nỗi đau của người nghệ sĩ khi nghệ thuật sân khấu dân gian dần bị “thất sủng”
Việc đóng khung và gắn mác “di sản” với các bộ môn nghệ thuật sân khấu tạo nên một lớp màng ngăn cách các giá trị dân gian, những người nghệ sĩ trong nghề với thế hệ hiện tại
Nếu trước kia các môn nghệ thuật sân khấu như tuồng, chèo, múa rối... thu hút đông đảo khán giả, được coi là “đỉnh cao” của nghệ thuật thì hiện nay, thời kỳ vàng kim của nó đã đi qua. Những gì còn lại chỉ là những tấm bằng khen, tờ giấy chứng nhận di sản, những hoài niệm của người nghệ sĩ về một thời vàng son của mình... Thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, Wordpress, nhóm dự án “Tích tịch tình tang” muốn lan rộng dự án đến giới trẻ - thế hệ sẽ kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống mà ông cha ta đã để lại.
Hề chèo mang sứ mệnh đem đến tiếng cười cho khán giả, nhưng mấy ai khóc cho cái khóc cơ cực của người nghệ sĩ mang gương mặt anh hề?
Bạn Nguyễn Minh Hải Anh, trưởng dự án chia sẻ: “Lúc đầu, khi thực hiện dự án “Tích tịch tình tang”, chúng mình nghĩ nó chỉ là một bài tập nhỏ ở trên lớp. Nhưng càng đi sâu, càng thấy nó thú vị. Bộ ảnh được đón nhận làm chúng mình thật sự bất ngờ. Thông qua bộ ảnh, nhóm dự án mong muốn sẽ truyền tải được trọn vẹn thông điệp đến các bạn trẻ”.
Mọi thông tin về nhóm dự án, các bạn có thể tìm hiểu qua: Email: [email protected] Facebook: facebok.com/ttttproject.2019 Wordpress: http://tichtichtinhtangproject.wordpress.com Instgram: @tichtichtinhtang Twitter: @tichtichtinhtang |
Thùy Trang
Cùng chuyên mục
Bình luận