Nét đẹp ngày Tết cổ truyền của dân tộc
( Sóng trẻ )- Trong trái tim mỗi người Việt Nam, dịp Tết cổ truyền luôn mang lại cảm xúc đặc biệt. Tết là khoảnh khắc đất trời vào xuân, vạn vật đổi mới, xã hội ngày càng phát triển nhưng ý nghĩa và giá trị nhân văn của Tết vẫn vẹn nguyên, chỉ có cách mỗi người đón Tết xưa và nay là có một số thay đổi.
Trước đây, Tết mở đầu cho năm mới, là sự kiện trọng đại của cả gia đình vì thế Tết được chuẩn bị từ rất sớm. Nhắc đến Tết là nghĩ ngay đến “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Từ đầu tháng Chạp, các bà các mẹ đã nén một số vại dưa hành, chuẩn bị gạo nếp, đậu xanh và thịt loại nn nhất để gói bánh chưng. Sau khi tiễn Ông Công Ông Táo về trời, mọi người bắt đầu dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Bố thì tranh thủ quét lại vôi tường, mua quất, đào chơi Tết. Mẹ lau dọn nhà cửa, bày biện mâm ngũ quả. Trẻ con thì phụ giúp bố mẹ những việc nhỏ. Mỗi người một việc, tất bật lo toan nhưng ai cũng vui vì được chuẩn bị Tết cho cả gia đình. Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: “Hồi tôi còn nhỏ, tôi đi từ nhà ra chỗ chợ hoa phố Hàng Lược, tôi vẫn còn thấy là trong chợ hoa ấy là có quầy tranh Tết ở ngay chỗ ngã năm cống chéo Hàng Lược”.
Tuy vất vả nhưng niềm vui cả gia đình quây quần đón Tết thì không thể nào đong đếm được. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều người lại so sánh Tết ngày xưa và Tết ngày nay.
Bên cạnh những nét đẹp truyền thống của dân tộc vẫn được lưu giữ thì Tết ngày nay cũng có nhiều đổi thay. Nhà nhà vẫn đón xuân rộn ràng, náo nức nhưng việc chuẩn bị đón Tết nhẹ nhàng và đơn giản hơn rất nhiều. Cuộc sống hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của mỗi gia đình được cải thiện, nâng cao hơn. Thay vì tự tay chuẩn bị Tết thì ngày nay mỗi người sắm Tết là chủ yếu. Tết nay không chỉ ngược xuôi những chuyến xe về quê ăn Tết của học sinh, sinh viên mà còn là những chuyến du lịch đầu xuân của mọi người. Về vấn đề sự khác nhau giữa Tết ngày nay và ngày xưa, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho biết: “Về mặt hình ảnh, hình thức, Tết có những thay đổi nhất định và cái đó là đương nhiên. Nếu chúng ta đặt ra những trường hợp là để đòi hỏi một cái Tết truyền thống một cách máy móc về mặt đồ đạc, cho đến tinh thần, cho đến các thứ khác thì nó không cần thiết lắm. Nhưng có một cái gốc cơ bản chính là tâm thần. Tâm thần đối với cái Tết, đối với gia tiên, với cái bàn thờ thì người Việt thường lấy tâm của mình ra để tạo ra cái không khí ấy.”
Gói bánh chưng ngày Tết
Bàn thờ cúng gia tiên ngày Tết
Hoa đào ngày Tết
Mỗi người đều có cảm nhận riêng về ngày Tết. Nhưng người Việt Nam vẫn trân trọng những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền. Thắp hương trên bàn thờ gia tiên, mời tổ tiên về đón Tết cùng gia đình, cả nhà quây quần bên mâm cơm, đi chúc Tết họ hàng, mừng tuổi người thân hay thành tâm đi lễ chùa để cầu mong những điều may mắn cho năm mới,… đều là những hành động tốt đẹp trong dịp Tết. Những phong tục truyền thống vẫn được gìn giữ và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để nhắc nhở mỗi người nhớ về nguồn cội.
Để tìm lại hương vị Tết ngày xưa là điều không dễ dàng khi xã hội hiện nay đã đổi khác khá nhiều. Nhưng mỗi người vẫn có thể cảm nhận Tết xưa qua Tết nay từ những điều vô cùng đơn sơ, bình dị trong chính tinh thần mình. Dù đón Tết theo cách nào thì bản sắc văn hóa vốn có của Tết Việt vẫn mãi vẹn nguyên bởi Tết là thời khắc thiêng liêng đánh dấu sự khởi đầu của một mùa xuân mới và là dịp sum vầy, yêu thương bên gia đình, hướng về nguồn cội.
Vũ Thị Hồng Vân
ĐPTK35
Cùng chuyên mục
Bình luận