Cá chép về trời: Khi truyền thống hòa nhịp với lối sống xanh
(Sóng trẻ) - Sáng 22/1, theo phong tục hằng năm, các gia đình sau khi hoàn tất lễ cúng ở nhà sẽ ra ao hồ để thả cá chép tiễn Ông Công, Ông Táo về trời. Năm nay, việc thả cá chép gắn liền với việc tuyên truyền bảo vệ môi trường.
Tục lệ thả cá chép ngày 23 tháng Chạp là nét đẹp văn hóa người Việt, người dân tin rằng ông Công, ông Táo sẽ “cưỡi cá chép” lên thiên đình báo cáo việc trong nhà một năm qua. Đồng thời, thả cá chép còn là hoạt động phóng sinh, cầu mong một năm mới gặp điều lành, may mắn và mạnh khỏe cho gia đình.
Từ 9 giờ sáng, người dân Hà Nội đã tập trung tại các địa điểm ven sông, hồ như cầu Long Biên, hồ Điều Hòa, cầu Chương Dương,... để thực hiện nghi thức. Theo ghi nhận của phóng viên tại cầu Long Biên, thay vì sử dụng túi nilon để đựng cá chép như mọi năm, nhiều người dân sử dụng xô, chậu đựng cá nhằm bảo vệ môi trường. Có được kết quả này một phần nhờ các chương trình tuyên truyền, hỗ trợ thả cá đúng cách để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Tại điểm cầu Long Biên, nhiều tình nguyện viên thuộc Nhóm Cá Chép có mặt từ sớm để thực hiện chương trình “Đường Táo Quân” mùa thứ 12. Bạn Tâm Như - một thành viên nhóm tình nguyện chia sẻ: “Đường Táo Quân có sứ mệnh hỗ trợ người dân thả cá chép, tro, chân hương nhanh chóng, an toàn. Hôm nay chúng mình đã có mặt từ sớm để tuyên truyền, hỗ trợ người dân thả cá. Người dân đem cá đến địa điểm bằng túi nilon và sẽ trao lại cho các bạn tình nguyện viên thả cá đúng cách, bảo đảm vệ sinh môi trường”.
Ông Nguyễn Tiến Minh (45 tuổi), một người dân sống gần cầu Long Biên cho biết: "Năm nào ngày ông Công ông Táo gia đình tôi cũng ra đây thả cá. Và lần nào tôi cũng nhờ nhóm bạn trẻ này thả hộ vì họ có ròng rọc tự chế, đảm bảo cho cá được thả xuống nhẹ nhàng. Các bạn trẻ ở đây rất nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ mọi người thả cá, thu gom túi nilon. Tôi thấy đây là một hành động rất ý nghĩa, bảo vệ môi trường, cần được lan tỏa rộng rãi ".
Tục lệ thả cá chép ngày Ông Công, Ông Táo không chỉ là dịp để mỗi người hướng về cội nguồn văn hóa mà còn là cơ hội lan tỏa thông điệp sống xanh. Khi truyền thống hòa nhịp với trách nhiệm bảo vệ môi trường thì không chỉ bản sắc dân tộc được giữ gìn mà còn gieo trồng những “hạt mầm” ý thức vì một tương lai xanh bền vững.