Các cuộc thi âm nhạc cho trẻ em trên truyền hình: Xin đừng ép tài năng chín sớm

(Sóng trẻ) - Thời gian gần đây, các cuộc thi âm nhạc dành cho thiếu nhi trên các kênh truyền hình ở Việt Nam nở rộ như nấm sau mưa. Bên cạnh mục tiêu tìm kiếm và ươm mầm tài năng, không ít người lo ngại các cuộc thi này đang “ép” các em “chín” sớm.

Tràn lan thi âm nhạc “nhí” trên truyền hình

Chỉ cần bật tivi vào các buổi tối cuối tuần, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp: thứ sáu là chương trình Đồrêmí, thứ bảy là Giọng hát Việt nhí, chủ nhật với Bước nhảy hoàn vũ nhí và sắp tới trong tháng 10 chương trình Gương mặt thân quen nhí sẽ lên sóng. Các cuộc thi dành cho trẻ em trên truyền hình nhiều đến nỗi có người lo rằng liệu lấy đâu cho đủ tài năng đi thi. Nhưng dường như đó không phải là vấn đề quan trọng, bởi các nhà sản xuất đã có rất nhiều chiêu trò để khỏa lấp sự thiếu sót đó. 

Khi nhân bản hàng loạt chương trình gốc thành phiên bản "nhí", các nhà sản xuất đã có những tính toán khôn khéo để không chỉ thu hút sự theo dõi của trẻ em mà còn giành được sự quan tâm của cả người lớn và tạo nên dư luận xã hội. Ðây cũng là mảnh đất màu mỡ để các nhà đài và đơn vị sản xuất thu hút những hợp đồng quảng cáo kếch xù. Một khi yếu tố lợi nhuận chen vào những cuộc chơi của con trẻ thì không thể tránh khỏi việc ban tổ chức hướng các em theo những sắp đặt, toan tính riêng. Liệu các cuộc thi tìm kiếm tài năng đó có lấy đi sự vô tư, hồn nhiên của các em không, và liệu các em có đang trở thành những mỏ vàng làm giàu cho nhà đài và đơn vị sản xuất?

bbe159810_gionghatvietnhi1.jpg
Thí sinh khóc nức nở khi bị loại khỏi chương trình Giọng hát Việt nhí (ảnh: vtv.vn)

Ươm mầm hay ép chín sớm?

Khi mà mục đích thương mại được đặt lên hàng đầu thì các em cũng không còn là nhân vật chính nữa mà chỉ như con rối trong tay nhà sản xuất chương trình. Ðiều này lý giải tại sao khi xem những chương trình truyền hình thực tế thời gian gần đây như Ðồ Rê Mí hay Giọng hát Việt nhí, dễ dàng nhận ra xu hướng già hóa của thí sinh. Sự hồn nhiên, ngây thơ của các em đã bị bàn tay của người lớn nhào nặn, buộc các em phải lớn trước tuổi từ phong cách biểu diễn tới những bài hát không phù hợp lứa tuổi, thậm chí nói tiếng Việt chưa sõi mà đã phải hát tiếng Anh để hợp với thị hiếu khán giả. 

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh từng phát biểu trên báo chí rằng: “Điều quan trọng nhất của mọi cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc ngày nay, không phải là có bao nhiêu tài năng được phát hiện, mà là sau các cuộc thi nhà sản xuất lời hay lỗ, nhà tài trợ được gì?”. Ở một số chương trình truyền hình thực tế của người lớn, việc khai thác triệt để những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, tận dụng nước mắt của thí sinh đã đành, đến cả chương trình cho trẻ em, cũng áp dụng chiêu thức tương tự. Thậm chí, nhiều tình huống còn cố xoáy sâu vào hoàn cảnh của thí sinh để lấy nước mắt của người xem, điều này rất dễ gây nên những tổn thương lâu dài về mặt tinh thần cho các em.

Khi nhật ký của một người cha đưa con đi thi Giọng hát Việt nhí 2013 được công bố với những câu chuyện về điều kiện ăn ở thiếu thốn, những ràng buộc khắt khe mà nhà sản xuất đưa ra, người ta mới hiểu rằng để có được một phút tỏa sáng trên truyền hình, gia đình và bản thân các em đã bị vắt kiệt sức lực như thế nào. Trong khi các cô bé, cậu bé khản giọng để luyện thanh, đổ mồ hôi trên sàn tập, chỉ kịp ăn vội miếng bánh mỳ trong giờ nghỉ… thì ban tổ chức liên tục tăng giá quảng cáo, ra sức kêu gọi khán giả nhắn tin bình chọn, rồi tiếp đó là cuộc đua về số lượng phiếu bầu giữa các thí sinh. Cuộc thi vừa kết thúc cũng là lúc nhà sản xuất ký một loạt hợp đồng biểu diễn âm nhạc, đưa những thí sinh đoạt giải đi lưu diễn nhiều nơi. 

bbe159810_ionghatvietnhitap3vongdoidauhlvcamlybilamkho3.jpeg
Ba thí sinh nhí trong trang phục già dặn biểu diễn ca khúc tiếng Anh trong chương trình Giọng hát Việt nhí (ảnh: vtv.vn)

Sự kì vọng quá lớn từ gia đình, những lời khen quá mức từ các giám khảo và dư luận vô hình chung đã tạo ra áp lực không hề nhỏ cho các em. Ở các show truyền hình thực tế dành cho trẻ em thời gian qua, chúng ta vẫn thường nghe được những lời nhận xét như "Con có giọng hát quá tuyệt vời" hay “Cô không có lời nào có thể chê con được, con hát quá hay” khiến các em dễ bị ngộ nhận quá sớm về tài năng, từ đó sinh ra thói kiêu ngạo và dễ bị vỡ mộng khi gặp thất bại trong cuộc sống. Chính vì vậy, khi đối diện với việc bị loại, các em sẽ dễ trở nên buồn bã, tự ti , thậm chí bị sốc trong một thời gian.

Cuộc sống của các em từ đó cũng có nhiều xáo trộn, một phần tuổi thơ hồn nhiên có thể bị “đánh cắp”, việc học bị gián đoạn, sự nổi tiếng đến nhanh đồng nghĩa với những soi mói từ báo chí và dư luận… Ðiển hình như chương trình Giọng hát Việt nhí 2013 khi vừa lên sóng đã được ghi nhận là thành công vang dội nhưng cũng để lại không ít scandal làm ảnh hưởng đến tâm lý của các thí sinh. Quán quân Quang Anh đã phải nhận không ít “bão” từ cư dân mạng, những bàn tán xoay quanh chuyện liệu có phải gia đình và nhà đài “nói quá” về hoàn cảnh khó khăn để tranh thủ tình thương của công chúng, hay những lời chê bai trước thái độ “như biết trước kết quả” của Quang Anh khi nhận giải. Á quân Phương Mỹ Chi cũng gặp không ít chỉ trích khi dính đến những nghi án đòi cát-xê giá cao, bỏ bê học hành để đi hát hay bắt chước phong cách ăn mặc của người lớn…

Phải công nhận các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình là vườn ươm lý tưởng cho những tài năng âm nhạc nhí, tuy nhiên, một khi các chương trình trở nên ồ ạt, mục đích nuôi dưỡng mầm non nghệ thuật nước nhà chỉ còn là thứ yếu thì quả là điều đáng ngại. Có thể hình dung, nếu những nhà tổ chức không thật tâm và hết lòng vì các em, những cuộc thi này dễ biến thành thứ hóa chất độc hại, ép các em phải chín sớm, chín non để kịp “thu hoạch”. 

Hy vọng các chương trình tìm kiếm tài năng cho trẻ em luôn thực hiện đúng tôn chỉ và đặt mục tiêu giáo dục, nhân văn lên hàng đầu. Mong rằng những tài năng tương lai của nền nghệ thuật nước nhà sẽ được phát hiện, ươm mầm và nuôi dưỡng một cách lành mạnh từ chính những cuộc thi này.

Bùi Thị Trà My
Lớp Báo in K31 A2

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN